Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2021

THÊM MỘT CHIẾC BÌNH PHA LÊ VỠ (NB Nguyễn Tiến Tường)


 

Năm xưa tôi có viết bài “Nỗi đau số 1”, nói về cậu học sinh lớp 10 trường Nguyễn Khuyến gieo mình xuống sân trường vì không thể đứng nhất lớp. Hôm qua, một cậu bé lớp 6 cũng chọn cách tương tự vì áp lực thi cử. 
 
Lớp 6, có thể là một đứa trẻ chưa dậy thì. Nghĩa là thậm chí cháu còn chưa phải nhìn thấy mặt trái buồn phiền của cuộc sống. Một tâm hồn thơ dại hoa niên chọn cách kết thúc cuộc sống bao la vui vầy khiến chúng ta phải day dứt.
 
Đó chỉ là những vụ việc mà chúng ta được biết. Còn bao nhiêu cái chết âm thầm khác, hoặc bao nhiêu tâm hồn khác đã chết trong những cơ thể trĩu nặng thành tích mà chúng ta chưa biết được.
……….
Áp lực học hành dẫn tới những cái chết buồn bã là chuyện không mới. Nhưng trước đây chúng ta đau khổ khi đọc những mẩu tin những cái chết ở khung trời đại học hoặc trượt đại học thì nay chuyện đau lòng tìm đến cấp 3 rồi cấp 2. Có phải chăng tuổi “quyên sinh” vì áp lực giáo dục đang bị trẻ hoá? 
 
Đừng chỉ nhen lên niềm tiếc thương rồi vụt bay như làn gió thoảng. Hãy làm một điều gì đó. Ví dụ như một cuộc điều tra xã hội học chẳng hạn. Hãy hỏi xem những đứa trẻ cảm nhận như thế nào về khối lượng học trình, và chúng muốn gì? 
 
Mỗi người lớn hãy luôn hỏi điều đó. Chúng ta đừng sốt ruột vì nhìn sang con người khác; thầy cô đừng sốt ruột khi nhìn sang thành tích lớp khác, trường khác. Hãy vui mừng vì những đứa trẻ tiến bộ hơn so với chính nó hôm qua. Mọi phép so sánh đều khập khiễng và nó gia đình và nhà trường đang biến thành những gọng kìm đè nặng lên tâm hồn đứa trẻ.
…………..
Những đứa trẻ không học cho chúng ta. Chúng đang học để trở thành người tốt nhất mà chúng có thể đạt tới. Thật tuyệt vời nếu bạn sinh ra một đứa trẻ thiên tài. Nhưng ngay cả thiên tài cũng không thể giỏi tất cả. Ngay cả thiên tài thì chúng cũng phải sắp xếp trí não và cảm xúc một cách hợp lý. Tương tự như để những hòn đá, hòn sỏi, cát và nước vào một chiếc bình pha lê vậy. Có vẻ như chúng ta đang có ham muốn nhồi những tảng đá vào chiếc bình nhỏ đó. 
 
Người lớn hơn ai hết phải hiểu về cái giá của số 1. Để trở thành số một của địa vị, tiền tài, chúng ta phải rời xa những đứa trẻ sáng sớm và về vào giữa khuya. Vài người phải phó thác việc gần gũi chăm sóc con cho người lạ và chấp nhận sự đứt gãy tình cảm âm thầm. 
 
Cuộc sống của người lớn là chiếc bình đầy và để thêm vào cái này thì phải bỏ ra cái kia. Những đứa trẻ là những chiếc bình pha lê nhỏ xíu càng không thể ôm đồm khát vọng của cả mình lẫn mẹ cha và nhà trường được. 
 
Chúng ta có thể tự hào vì những điểm số những tấm giấy khen mà chúng ta nghĩ rằng có kỷ cương của mình vun vén. Nhưng chúng ta đã lúc nào lắng nghe sâu sắc bên trong tâm hồn con trẻ để hiểu rằng chúng thật sự hạnh phúc với điều đó hay không? Hay chúng chỉ hạnh phúc khi thấy chúng ta tự hào.  Cảm xúc bị động đó có thể sẽ khiến những đứa trẻ không còn là chính mình nữa.
……..
 
Tôi thật sự không cần những thiên tài thô ráp, tôi cần một đứa trẻ biết rung động, biết yêu thương và tâm hồn khoáng đạt. Đó chính là nền tảng định khung cho những cái “giỏi” tri thức mà con có thể đạt tới. Bởi vì chúng chỉ có thể giỏi khi tự thân chúng rung động với những điểm số, những thành quả kiến thức chứ không phải để làm vui người lớn.
 
Tôi không cần những chiếc bình pha lê vô hồn. Và tôi sẽ sống thế nào khi chiếc bình pha lê vụn vỡ?

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2021

TIÊM VACCINE LIỀU 3 HIỆU QUẢ RA SAO?

 (GS Nguyễn Văn Tuấn)

Hôm nay tôi nhận thư của Thủ tướng Úc khuyên là nên đi tiêm vaccine liều thứ 3 (gọi là 'booster'). Do đó, tôi phải tìm hiểu hiệu quả của liều 3 ra sao. Dữ liệu của hai nghiên cứu từ Do Thái cho thấy hiệu quả khá tốt, nhưng 2 nghiên cứu này cũng đặt ra một số câu hỏi. 
 
Tôi nghĩ công bằng mà nói thì vaccine covid có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm virus Vũ Hán và giảm tử vong. Điều này có thể thấy rõ qua số liệu ở các nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng vaccine không có hiệu quả ngăn ngừa 100%, và hiệu quả của vaccine Tây tốt hơn vaccine Tàu. Đã chích 2 liều vaccine -- Tây hay Tàu -- vẫn có thể bị nhiễm, vẫn có thể chết vì covid, nhưng xác xuất thì thấp hơn nhiều so với người không tiêm vaccine. 
 
 
Thế nhưng, trước thực trạng số người bị nhiễm [dù đã tiêm 2 liều vaccine] càng ngày càng tăng, giới y tế thế giới hay nói đến liều vaccine gọi là 'booster' (tạm hiểu là 'bổ sung'). Trước đây, khi một người được tiêm 2 liều vaccine thì được xem là 'đầy đủ'. Nhưng khái niệm đầy đủ có vẻ thay đổi theo thời gian, khi số người bị nhiễm sau khi tiêm 2 liều vaccine (gọi là nhiễm đột phá) tiếp tục gia tăng. Xu hướng này xảy ra ở rất nhiều nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam. Thành ra, người ta có ý tưởng là tiêm thêm 1 liều bổ sung, đặc biệt là những ai đã tiêm 2 liều vaccine Pfizer. Tức là, đối với vài người, tiêm 2 liều vẫn chưa thể xem là 'đầy đủ'! 
 
Ở những nước như Úc thì các giới chức y tế khuyến cáo rằng những người tuổi 18 trở lên và đã tiêm 2 liều vaccine (AZ, Pfizer, Moderna) hơn 6 tháng thì có thể tiêm thêm liều bổ sung. Tuy nhiên, họ nói rõ rằng việc tiêm liều bổ sung là không bắt buộc. Ở vài nơi khác, những người được khuyên nên tiêm liều bổ sung là những người có bệnh nền làm cho hệ miễn dịch bị suy yếu. Ở Do Thái, từ ngày 30/7/2021 thì họ đã bắt đầu tiêm liều bổ sung cho những ai tuổi 60 trở lên đã được tiêm 'đủ' 2 liều vaccine Pfizer hơn 5 tháng. 
 
Do đó, Do Thái là nơi lí tưởng để đánh giá hiệu quả của liều vaccine bổ sung. Trong một phân tích mới công bố trên NEJM [1], các nhà nghiên cứu Do Thái trình bày kết quả cho thấy liều bổ sung quả thật có hiệu quả hơn những người tiêm đủ 2 liều. Tôi tóm tắt nghiên cứu này để các bạn dễ theo dõi: 
 
Họ hồi cứu dữ liệu của 1,137,804 người 60 tuổi trở lên đã được tiêm 2 liều vaccine Pfizer tối thiểu là 5 tháng. Một số trong nhóm này đã được tiêm liều bổ sung, nhưng ngạc nhiên thay, tác giả không cho biết là có bao nhiêu người được tiêm bổ sung. (Tôi không thể nào tưởng tượng nổi một bài báo trên NEJM mà bỏ qua thông tin vô cùng căn bản này!) Cứ mỗi cá nhân, họ đếm số ngày theo dõi sau khi tiêm vaccine. Trung bình, mỗi người được theo dõi 14 ngày sau khi tiêm vaccine. Thành ra, đơn vị để phân tích là person-days (tức ngày-người). Chẳng hạn như 140 ngày-người có thể có nghĩa là 10 người được theo dõi 14 ngày. Kết quả như sau: 
 
• Ở nhóm không tiêm liều bổ sung: xác suất nhiễm là 0.085 trên 100 ngày-người;
 
• Ở nhóm tiêm liều bổ sung: xác suất nhiễm là 0.0088 trên 100 ngày-người;
 
• Như vậy, hiệu lực của liều bổ sung là 90% (1-0.0088/0.085). 
 
Một phân tích khác, cũng từ Do Thái, công bố trên Lancet [2] cũng cho thấy tiêm liều bổ sung có hiệu quả chống nhiễm và tử vong khá tốt. Nghiên cứu này so sánh dữ liệu của 728,321 người được tiêm đủ 2 liều vaccine Pfizer và 728,321 người được tiêm liều bổ sung (tức là nghiên cứu 'bệnh chứng'). Outcome họ phân tích là số ca nhiễm cần nhập viện và số tử vong. Kết quả? 
 
• Ở nhóm không tiêm liều bổ sung: nhập viện là 221 trên 100,000 người và xác suất tử vong là 32 trên 100,000 người;
 
• Ở nhóm tiêm liều bổ sung: xác suất nhập viện là 14 trên 100,000 người và tử vong là 6 trên 100,000 người;
 
• Do đó, hiệu lực của liều bổ sung là giảm nguy cơ nhập viện 93% và giảm nguy cơ tử vong 81%. 
 
Những kết quả trên đây cho thấy tiêm liều bổ sung (liều 3) đối với vaccine Pfizer có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm, giảm nguy cơ nhập viện, và giảm nguy cơ tử vong so với nhóm tiêm 2 liều. Đó là dữ liệu thực tế. Nhưng dữ liệu đó cũng đặt ra vài câu hỏi mà tôi nghĩ chúng ta phải lưu tâm. 
 
Vấn đề thời gian. Cái điểm yếu của 2 nghiên cứu trên là họ chỉ theo dõi các cá nhân chỉ 2 tuần sau khi tiêm. Thời gian quá ngắn đó khó có thể đánh giá hiệu quả của vaccine về lâu dài. Chúng ta vẫn chưa biết vaccine có hiệu quả lâu dài ra sao. Theo cách họ thiết kế nghiên cứu, tôi nghĩ họ giả định rằng vaccine chỉ có hiệu lực chừng 6 tháng (?) 
 
Ai cần tiêm liều bổ sung? Đây là câu hỏi rất khó trả lời. Ở nước giàu có (như Úc chẳng hạn) thì thừa vaccine nên họ sẵn sàng tiêm cho tất cả những ai trên 18 tuổi. Nhưng còn nước nghèo thì sao? Tôi nghĩ cần phải có tiêu chuẩn để chọn người cần tiêm liều bổ sung, chớ không thể làm như ở nước giàu có được. 
 
Ngay cả liều bổ sung cũng không bảo vệ 100%. Đó chính là dữ liệu thực tế cho thấy. Cả hai nghiên cứu đều cho thấy ở những người tiêm 3 liều vaccine Pfizer mà vẫn bị nhiễm và có nguy cơ tử vong, dù thấp hơn so với những người tiêm 2 liều. 
 
Điều đáng nói là người của Pfizer đã đánh tiếng cần tiêm liều 4! Không rõ chứng cớ nào để họ phát biểu như thế. Nếu tiếp tục đà này thì chẳng lẽ mỗi chúng ta phải lệ thuộc vào k liều vaccine mà không ai biết k là bao nhiêu. Thật là đáng lo ngại.
______
[2] Barda et al. Lancet 2021. doi.org/10.1016/S0140-6736(21)02249-2.
 

 

Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021

CẦN CÓ CHIẾN LƯỢC ĐỂ CÁC DOANH NGHIỆP TỶ PHÚ VIỆT NAM ĐẦU TƯ CHO CÔNG NGHỆ (TS NGUYỄN NGỌC CHU)

1. Tin một công ty tư nhân Việt Nam chi 1.1 tỷ USD (24 500 tỷ đồng) để mua 1 héc ta đất (10 060 m2) ở Thủ Thiêm đến cùng khoảng thời gian với tin tập đoàn LEGO của Đan Mạch đầu tư hơn 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy tại Bình Dương, và tin Bắc Ninh trao giấy đầu tư 1,6 tỷ USD cho tập đoàn Amkor của Hàn Quốc để xây dựng nhà máy lắp ráp, thử nghiệm vật liệu và thiết bị bán dẫn. Các tin trong cùng thời gian nhưng đã mang đến những cảm xúc trăn trở trái ngược.
 
2. Cùng là 1 tỷ USD đầu tư, nhưng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào công nghệ, bán cho người ngoại quốc để thu tiền về nội quốc; còn tỷ phú Việt Nam thì dùng đất Việt Nam xây nhà bán cho người Việt Nam, thu tiền của người Việt Nam. Doanh nghiệp nước ngoài, vừa sở hữu công nghệ tiên tiến, vừa thu được tiền từ ngoại quốc. Còn doanh nghiệp Việt Nam không sở hữu được công nghệ tiên tiến, chỉ giàu lên nhờ vào đất đai của cha ông và đồng tiền của chính đồng bào mình.
 
3. Cùng là phải mời các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, nhưng chỉ sau ít năm thì Hàn Quốc và Trung Quốc đã tự sản xuất được các sản phẩm mà doanh nghiệp nước ngoài sản xuất. Hơn thế nữa còn chế tạo ra các sản phẩm tiên tiến hơn để cạnh tranh lại. Nhưng đã 30 năm kể từ khi các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, Việt Nam không thể tự sản xuất được các sản phẩm thay thế.
 
Năm 2020 các doanh nghiệp FDI đóng góp 202,89 tỷ USD chiếm 71,7% xuất khẩu cả nước. Trong tổng số 299,67 tỷ USD xuất khẩu trong 11 tháng vừa qua thì doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 75%. Trong 51,9 tỷ USD điện thoại và linh kiện cùng 45 tỷ USD máy tính, điện tử và linh kiên đã xuất khẩu trong năm 2021, doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 99%. Một cách trung thực, Việt Nam không tự chế tạo được được sản phẩm nào trọn vẹn.
 
Các doanh nghiệp Hàn Quốc như Samsung, LG… đặt nhà máy tại Việt Nam đã xuất khẩu hàng trăm tỷ USD sản phẩm sang Mỹ và EU trong nhiều năm qua, nhưng Việt Nam không học hỏi được điều gì về công nghệ. Samsung sẽ tiếp tục cạnh tranh với Apple, Sony… Thêm vài chục năm nữa, Samsung có nhà máy ở Việt Nam, thì Việt Nam vẫn không thể tự sản xuất được các sản phẩm thay thế. 
 
4. Tại sao? 
 
Vào những năm 70 thế kỷ trước, khi chiến tranh còn diễn ra khốc liệt, lãnh đạo nhà nước thời đó đã giao nhiệm vụ cho những người có trách nhiệm phải tự chế tạo được ô tô. Và vào năm 1972 những chiếc ô tô đầu tiên do Việt Nam tự sản xuất đã ra đời. Dẫu biết rằng, động cơ không phải do Việt Nam tự chế tạo, nhưng trong điều kiện chiến tranh, phải nói đó là một cố gắng đáng ngưỡng mộ. 
 
Còn mạnh hơn thế nữa, lãnh đạo thời đó đã thể hiện tham vọng về nền công nghiệp hiện đại, bao gồm cả vũ khí nhiệt hạch.
 
Nhưng từ năm 1986 đến nay, Đại hội nào cũng đề ra các chỉ tiêu kinh tế với số liệu cụ thể về GDP, song chưa hề có Đại hội nào đặt mục tiêu cụ thể, rõ ràng về sở hữu các công nghệ tiên tiến - để tự sản xuất, thay thế và cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài. 
 
Khi các lãnh đạo cấp cao mà không đặt mục tiêu về sở hữu công nghệ tiên tiến, thì các doanh nghiệp tỷ phú Việt Nam sẽ mải đi kiếm tiền trong bất động sản, dịch vụ và thương mại.
 
5. Đã đến lúc chính các lãnh đạo cao nhất của nhà nước cần đặt mục tiêu về sở hữu công nghệ tiên tiến. Đã đến lúc cần có chiến lược để các doanh nghiệp tỷ phú Việt Nam tập trung đầu tư cho công nghệ.
 
6. Đất là của thừa kế tổ tiên để lại. Tiền sinh ra từ đất có giá theo thời cuộc rất quý nhưng là lẽ đương nhiên do “tài năng” của đất chứ không do sở hữu công nghệ. Tiền sinh ra từ sở hữu công nghệ mới bảo vệ được đất, mới làm cho đất nước hùng cường. 

 
7. Từ đấu giá 1,1 tỷ USD cho 1 héc ta đất ở Thủ Thiêm còn hiện lên hai bức tranh khác nữa. Một bức tranh về hàng núi tiền khổng lồ đã thất thoát từ chế tài giao đất, với mức đền bù từ dăm chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng / 1 m2 mà khi đấu giá lên đến từ vài trăm triệu đồng cho đến 2,4 tỷ đồng / 1 m2. Bức tranh thứ hai là dòng nước mắt của đồng bào Thủ Thiêm đi kêu oan đã 20 năm vẫn chưa ngừng chảy.