Đọc lại tác phẩm của mình là việc khó. Truyện ngắn này, 29 năm trước là một vụ tai tiếng. Bây giờ nó là một kỉ niệm. (Tác giả: Phạm Thị Hoài)
Ngày thứ nhất tôi bảo, chúng mình phải chia tay Vi
ạ. Thực ra câu chia tay là điệp khúc trong mỗi bài hát tình yêu, hát nó
lên lần thứ bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là sau đó một đoạn
khác tiếp diễn, rồi lại điệp khúc, rồi lại tiếp diễn, ad libitum. Thực
ra tôi muốn nói rằng tình yêu của tôi như cánh tay tê như ngón chân
chuột rút, khó chịu lắm nhưng không cắt phăng đi được. Tình yêu của tôi
như bộ mặt cau có của ông viện trưởng mỗi sáng Thứ Hai họp giao ban có
người đến muộn, ngấy đến cổ nhưng là thiết thân. Cho nên tôi đăm đăm
nhìn Vi, thật khẩn thiết, hy vọng nàng sẽ rùng mình một cái và bao nhiêu
bệnh tật nan y của tình vợ chồng thời nửa cổ nửa kim nay sẽ tháo chạy
khỏi nàng. Rùng mình toát mồ hôi hột vẫn là phương thuốc dân gian bất
ngờ hiệu nghiệm nhất của chúng ta. Nhưng nàng không gặp mắt tôi, vì nàng
cúi mặt như hàng tháng nay, đất dưới chân nàng thôi miên mạnh hơn tôi,
nàng đáp khẽ: “Vâng”.
Có một cái gì đó ngăn tôi gọi Vi ngửng lên để nhìn vào mắt tôi. Ít ra cũng lọt vào vùng thôi miên hạn hẹp của tôi, và lời nói vừa rồi coi như không rơi vào khoảng chật chội giữa hai bàn tay nàng, hai bàn tay chụm ngón vào nhau làm một búp hoa không nở bao giờ. Bao nhiêu tình yêu của tôi tưới vào chỗ ấy cũng như tưới vào ruộng nẻ. Muộn rồi. Tôi biết nàng không lặn lội đi tìm bất kỳ thứ gì trên gương mặt tôi nữa. Chính tôi cũng không ưa nó, cái mặt ông viện trưởng ở nhà và anh nhân viên quèn ở viện.
Cho nên tôi lấy tấm gương nàng vừa soi ra ngắm. Nàng vừa thoa thêm một lớp son. Từ ngày lấy chồng nàng bắt đầu thoa son. Vì sao nhỉ? Rồi nàng buộc lại dải mũ. Nghĩa là nàng chuẩn bị ra khỏi nhà. Đến sở thì phải. Ở đó nàng tíu tít chuyện trò như hồi tôi mới biết nàng, hay lãnh đạm như bây giờ thường thế? Tấm gương bằng nửa bàn tay. Nàng trang bị cho kiếp đàn bà của mình những vũ khí tí hon như thế, bây giờ tôi mới lưu tâm. Tôi bắt đầu thử các cơ bắp ở vùng quanh miệng. Hóa ra biểu cảm là vấn đề của da và thớ thịt. Tôi lại thử ở trán. Hóa ra những nếp nhăn là vấn đề của hai chiếc lông mày. Tôi lại thử ở mắt. Hóa ra tia nhìn là vấn đề của hai hàng mi. Không có gì nằm sâu bên dưới. Cơ hội của tôi còn lớn lắm. Cám ơn vũ trụ nửa bàn tay của em.
Khi tôi ngửng lên, Vi đã đi mất. Cả ngày tôi không biết gì về nàng. Từ lâu chúng tôi đã thôi không ôm máy điện thoại cơ quan trong giờ làm việc.
Buổi chiều về nhà tôi quyết định trình bày kiểu miệng thư thái đã luyện kỹ trong suốt thời gian ngồi dự hội nghị ở viện. Người ta bàn về một trận đánh xa xưa, quân ta thắng quân địch. Vi ra mở cửa, nhưng nàng không nhìn tôi. Khóe miệng nàng trễ xuống. Đó là kiểu miệng chán chường lãnh cảm, tôi biết rõ. Cả buổi tối tôi chờ một lần được nàng để mắt, mong chuộc lại lời ban sáng. Nhưng vô ích. Đôi lần mắt nàng lướt qua, dừng một thoáng trên tôi, như dừng trên một đồ vật nào đó trong nhà, cái tủ, hay chiếc giá sách, ồ, không được như chiếc giá sách. Rồi vụt dời đến một điểm nào đó khác, chẳng hạn chiếc phất trần. Dường như nàng nghĩ khác về những điệp khúc trong bài hát tình yêu. Đàn bà truyền thống của chúng ta lặng lẽ bỏ ngoài tai những lời họ không muốn nghe. Đàn bà hiện đại thì lập tức trình bày quan điểm, đồng ý chỗ này không đồng ý chỗ kia, như trong hội nghị. Vi của tôi vừa cổ vừa kim, ý kiến của nàng là một cái “Vâng” gọn ghẽ. Nghe thì ngoan, nhưng là cái ngoan vô tình và riết róng. Cho nên khi tắt đèn nằm xoay lưng lại nhau, tôi mắng mình là một thằng ngu, hơi sức đâu ngân nga hoài một bản tình ca khó khăn như thế.
Ngày thứ hai nàng đi từ sớm. Tôi tỉnh dậy thấy mâm
cơm và chiếc cặp lồng với những quả cà đã thâm nằm trên rau muống. Tôi
làm bộ mặt chua chát trong gương và tập nói mươi lần câu: “Ô kê những
bổn phận của chúng ta!” Tôi thử triết lý là chua chát đến cùng hẳn không
kém phần vĩ đại.
Trong bữa cơm tối cũng có rau muống và cà, nàng bảo đã thu xếp được một chỗ ở, mấy hôm nữa dọn. Căn phòng này của cha mẹ tôi. Có lẽ nàng lại về với cha mẹ nàng, trong thành phố này đàn bà sống độc thân là điều không thể tưởng tượng được. Tôi sẽ yên tâm là nàng không đơn độc. Và cũng sẽ yên tâm là những bữa cơm và quần áo bẩn của tôi có phụ huynh lo. Tương lai của chúng tôi còn an toàn lắm.
Vi đi nằm trước. Tôi lấy cớ làm việc, nghĩa là đọc báo, ở viện tôi cũng không làm gì khác hơn đọc báo, để nán lại một mình. Vậy là nàng sẽ đi. Chẳng lẽ không bao giờ tôi được thấy nàng thoa son và buộc lại dải mũ nữa sao? Những vũ khí tí hon của nàng còn vô tích sự hơn tôi kia mà.
Tôi ghé xuống, không dám làm nàng thức giấc. Đằng nào bóng tối cũng không cho Vi thấy khóe miệng dịu dàng của tôi. Dịu dàng như thuốc mê, dịu dàng không chịu nổi, tôi tìm vai nàng như tìm bến đậu. Vai nàng để trần. Hàng tháng nay nàng mặc nguyên nịt vú và sơ mi, mắt mở chong chong đi ngủ. Hôm nay mắt khép ngực mở. Tôi đánh bạo hôn nàng, vợ tôi. Một lần, hai lần, sang lần thứ ba thì môi nàng yếu ớt đáp lại, rồi toàn bộ thân thể thân thuộc của nàng cũng đáp lại. Tôi thỏa sức diễn đạt niềm âu yếm dịu dàng của mình bằng tóc và hơi thở, bằng các đốt xương, bằng khuỷu chân, khuỷu tay, tôi sợ đè hẳn lên nàng, vợ tôi, thì thô bạo quá. Tôi tin là nàng hiểu. Nàng đã tiếp nhận. Yếu ớt, nhưng vẫn là tiếp nhận.
Ngày thứ ba Vi vẫn đi từ sớm. Vẫn mâm cơm và cặp lồng suất ăn trưa chu đáo. Tôi nhìn vào gương thấy một chú rể đần độn vì hạnh phúc. Ô kê, đần độn đến cùng hẳn cũng không kém phần vĩ đại. Cả ngày làm việc tôi ngồi canh máy điện thoại. Vi không gọi.
Chiều về, tôi hồi hộp chờ một gương mặt cô dâu e lệ. Nhưng nàng vẫn cúi mặt hoặc nhìn lướt qua đầu tôi, như thể sau lưng tôi là cả tá phất trần, như thể đêm hôm trước là một vụ hiếp dâm nàng không tiện kể. Tôi đăm đăm dò tìm nơi nàng một dấu tích nào đó biết đâu còn sót lại của ân ái. Tôi từng đọc rằng, người đàn bà đêm trước được yêu thì hôm sau da dẻ mịn màng như mật. Nhưng tôi tìm vô ích. Chẳng có gì chung giữa người đàn bà đêm qua bải hoải trong tay tôi với người phụ nữ lãnh đạm quyết đoán, vị cán bộ nhà nước giống cái này. Vả lại tôi liếm đâu ra mật? Nàng phủ phấn son như người ta rắc vôi bột lên ổ dịch, một đêm chẳng làm nàng tái nhiễm bệnh yêu.
Nàng bảo sẽ mang chiếc bàn đi. Chiếc bàn duy nhất trong căn phòng duy nhất che chở cuộc hôn nhân duy nhất của tôi. Rồi nàng bận rộn thu xếp đồ đạc. Nàng còn ra hiệu để tôi giúp một tay, buộc sách vở thành gói, lau chùi những đôi giày nhiều không kể xiết của nàng, đôi nào cũng làm tôi lo âu, những chiếc quai quá mỏng và gót thì... Tôi biết nàng không thích cảm giác ở quá gần mặt đất. Tôi biết nàng không thích bữa cơm nào cũng rau muống và cà. Tôi biết nàng không thích sự nghiệp đọc báo của tôi. Tôi chỉ biết những gì nàng không thích. Cứ theo ý nàng thì có thể gạch bớt không biết bao nhiêu dòng cho vừa trong cuốn sách cuộc đời. Một lúc nào đó nàng chợt dừng tay, nhăn mặt phàn nàn: “Anh vẫn không bỏ được cái bộ mặt cau có đi sao?” Tôi rất muốn nói rằng tôi đang mang một bộ mặt chú rể đần độn và sửng sốt, vì cô dâu không cánh mà bay. Nhưng không nói nổi. Có lẽ vì bận lau chùi những nỗi lo âu nhiều không kể xiết và rất cao gót của mình.
Đêm xuống. Đêm tôi vừa chờ vừa không mong đến. Tôi vẫn tìm cớ nán lại sau Vi. Tin chắc nàng đã ngủ, tôi nhẹ nhàng nằm xuống, cách xa, như sợ chạm phải kỷ niệm. Lần này Vi tự đến. Ào ạt, táo tợn, bệnh yêu của nàng tái phát, có ngay nhiệt độ một cơn sốt và hình thù một con sóng. Tôi cứ ngoan ngoãn chín nhừ trong cơn sốt. Tôi cứ dập dềnh trong con sóng. Tôi được biết thế nào là một thỏi gang nung đỏ, nhúng thẳng vào nước lạnh, rồi lại vào lò. Nhưng bóng tối không cho Vi thấy khóe miệng biết ơn của tôi. Kiểu miệng này tôi không tập trước.
Ngày thứ tư là Chủ Nhật. Tôi nằm đợi một cái lay vai. Thậm chí tôi không loại trừ khả năng chúng tôi lại quấn vào nhau cho đến trưa, cho đến tối, đến hết đời. Nhưng chúng tôi lần lượt ra khỏi giường, mỗi đứa một bên không nhìn nhau, không ngoái lại chiếu chăn tan tành đêm trước. Một lúc nào đó trong ngày tôi thoáng chạm tay Vi, nhưng bàn tay nàng một nửa búp hoa không nở chợt co rúm lại. Hoa xấu hổ. Cả ngày chúng tôi không ra khỏi nhà. Không ai nói một lời. Có lúc tôi tưởng bắt gặp ánh mắt cầu hòa thân thiện của nàng, các nữ vương xưa dường như cũng có cách nhìn tha thứ bề trên như thế. Dường như tôi không còn là cái tủ, là giá sách, là cả tá phất trần. Tôi lại được là anh chồng quèn, là chàng ca sĩ dễ tính. Tôi vội nhe hết ba mươi hai chiếc răng si tình. Nhưng nụ cười cập rập của tôi lập tức chìm vào hai khóe môi hơi trễ xuống của nàng, ôi kiểu miệng lãnh đạm tôi biết quá rõ, tôi đã chán đến cổ. Lãnh đạm đến cùng chẳng lẽ cũng vĩ đại được sao? Tôi rất muốn nói rằng em cứ im lặng đi, nhưng đêm về tất cả sẽ dễ dàng. Chúng ta sẽ không phải nhìn nhau và so sánh những kiểu miệng luyện kỹ. Chúng ta sẽ nằm bên nhau đến khi hai đứa chỉ còn là hai nắm xương, hai nắm xương cài răng lược. Anh sẽ cởi những gói sách buộc chặt kia ra, sẽ cài quai giày một lúc cả chục đôi cho em đi, con cuốn chiếu không thích bò sát đất của anh. Thế, đỡ mỏng manh. Thế, anh đỡ hành hạ tấm gương và những cơ bắp ở vùng quanh miệng, ngoài ra hai chiếc lông mày và hai hàng mi cũng đỡ phải sẵn sàng dự bị. Em cứ im lặng đi, thế dễ cho em hơn.
Nhưng những lời ấy không thể thoát ra từ bộ mặt cau có thường trực của tôi. Tôi mới luyện ngoài da, chưa đi sâu vào tận cổ họng. Không có gì chung giữa ngày và đêm. Hình như nàng sợ tôi nói chính điều ấy. Nên nàng cúi mặt. Cúi vào khoảng chật chội phát điên giữa hai bàn tay.
Tôi hân hoan chờ đêm xuống. Đêm nay sẽ quyết định tất cả. Tôi sẽ thắp đèn sáng trưng để nàng thỏa sức ngắm khóe nhìn yêu thương của tôi. Kiểu đó tôi cũng không tập trước. Tôi sẽ cứu vãn những lời đã nói bằng lời của khuỷu chân khuỷu tay, tôi người chồng xoàng có thể không là chỗ dựa cho em nhưng quyết không đè em xuống. Tôi sẽ trộn ngày và đêm vào nhau, đánh thành kem ái tình phủ kín chúng tôi vợ chồng thời nửa cổ nửa kim, để sáng mai hai đứa nhìn nhau phấn khích thẹn thò như tân khách và trìu mến như bạn đồng môn. Tôi sẽ luân phiên em, là nước và lửa, hai đứa cùng chảy cùng đông thành một thỏi tình yêu đặc quánh. Chắc nàng thích thế. Dường như tôi bắt đầu nhận ra nàng thích những gì. Cơ hội của chúng tôi còn lớn lắm.
Nhưng khi vào giường, tôi giơ tay tắt công tắc như một cái máy. Vi không để vai trần. Nàng lại mặc nguyên nịt vú và sơ mi. Mắt mở chong chong. Chỉ thiếu điều vùng dậy mộng du qua mỗi phân vuông của căn phòng không chứa nổi nàng, của tình vợ chồng không giữ nổi nàng. Còn tôi nằm đơn ca ad libitum bài hát tình yêu. Một lúc nào đó hình như tôi thôi hát, hình như Vi thôi mộng du. Hai đứa ngủ gục vào nhau như hai thanh củi đã lụi trong lò, hai giọt mưa cùng rơi chung chỗ, hai khách dưng trong toa tàu lèn chặt. Một lúc nào đó hình như tôi gọi tên nàng, nàng gọi tên tôi xa xôi. Hình như tóc nàng dan díu tóc tôi. Hình như tay chân hai đứa cài răng lược.
Ngày thứ năm Vi đi từ sớm. Vẫn mâm cơm và cặp lồng với rau muống và những quả cà đã thâm, dọn trên khoảnh chữ nhật ngổn ngang báo cũ, trước đây là cái bàn. Bổn phận vợ hiền nàng để lại cho tôi tiêu xài lần cuối. Ngoan lắm. Nàng dọn bổn phận chót của nàng trên khoảng trống toang hoác, ngổn ngang những mẩu sự nghiệp quèn của tôi. Vũ trụ nửa bàn tay của nàng, nàng cũng để lại cho tôi, để tôi chồm dậy nhìn vào cái mặt tạp kỹ buồn thiu của mình.
Còn lại, phấn son, những bó sách những dải mũ những đôi giày, vợ hiền của tôi, tất cả lặng lẽ nhón gót đi rồi.
PTH - 1987
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét