Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

KHI BẠN ĐỜI BỊ COI THƯỜNG


Lúc yêu nhau, gánh nặng áo cơm chưa đè nặng, mọi chuyện thường đơn giản, nhẹ nhàng. Nhưng khi bước vào cuộc sống hôn nhân, mọi thứ bắt đầu thay đổi.

Chồng thu nhập thua vợ

Anh N.M.P. làm tiếp thị. Chị P.T.C. giúp mẹ buôn bán tạp hóa. Những chuyến giao hàng của chàng trai đến cô chủ tiệm tạp hóa khiến họ nảy sinh tình cảm rồi tiến tới hôn nhân. Sau khi đám cưới, anh ở rể bởi do chị là con một, cộng thêm nhà mẹ vợ ngay chợ huyện sẽ tiện lợi việc buôn bán.
 
Dù tiền lương của chồng chỉ đủ để chồng chi tiêu nhưng thu nhập từ chuyện buôn bán phía bên vợ khá tốt nên kinh tế của đôi vợ chồng trẻ cũng ổn định. Vì vậy, một năm sau khi cưới, họ quyết định có con. Trong lúc vợ đang ở cữ, chồng nghỉ làm ở nhà lo chuyện bếp núc, lẫn cả giặt giũ quần áo.

Đứa bé 6 tháng tuổi, chồng nói vợ sẽ đi làm, chứ đàn ông suốt ngày quanh quẩn trong xó bếp không ổn. Vợ nói làm thì làm nhưng tranh thủ chuyện cơm nước, chứ con còn nhỏ đâu gửi nhà trẻ được. Còn mướn người giúp việc vừa tốn kém mà nhiều khi không được như ý muốn...


Vậy là, chồng chịu khó mỗi khi đi làm về lao vô bếp. Nhiều hôm bơ phờ, mệt nhưng vẫn ráng bắt nồi canh, kho niêu cá. Không ít lần chồng về trễ, cơm nước muộn, vợ cằn nhằn, nặng nhẹ.

Chồng quạu, cự lại. Vợ nói thôi ở nhà phụ việc, chứ đi làm tiền công kiếm không được bao nhiêu, cuối cùng ngay cả sữa cũng không mua được cho con. Chồng nghe vậy, buồn, bỏ đi nhậu tới khuya, sáng thức dậy trễ. Mỗi lần như vậy vợ lại chì chiết, thậm chí buông những câu xúc phạm đến cả mẹ chồng.

Rồi lần đó nhịn không được, chồng chửi thề lại, nhưng không ngờ má vợ nghe được. Vốn không ưa gì con rể nên bà nổi giận mời bà sui qua, trả con rể về. Bà sui trai liền yêu cầu bà sui gái phải viết giấy không cho con trai mình ở nữa, chứ không phải tự ý con trai bà bỏ đi...

Chồng xin việc được tại một công ty ở tỉnh, mướn phòng ở trọ. Vợ tìm đến làm hòa. Chồng thấy vậy, dọn về ở. Được khoảng một thời gian, đôi vợ chồng lại tiếp tục khắc khẩu, vợ nói chồng: có làm cả đời cũng không sắm nổi căn nhà. Lần này chồng dọn ra ở hẳn, cho dù vợ có đôi lần đến.

Rồi tình cờ, vợ gặp chồng chở một người phụ nữ khác. Vợ giận dữ, đến gặp chủ công ty nói rằng chồng là người vô trách nhiệm, bỏ bê vợ con, ngoại tình lăng nhăng, người vô đạo đức như vậy chủ nhận làm chi. Người chủ công ty sợ phiền phức nên cho chồng nghỉ việc...

Chồng làm đơn xin ly hôn với lý do tình cảm vợ chồng tổn thương nghiêm trọng, đời sống chung không thể kéo dài được nữa bởi vợ thường xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm chồng. Vợ không đồng ý. Cả hai phiên tòa đều tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chồng.

Sau phiên tòa, chồng bỏ đi biền biệt, vợ đi tìm hoài nhưng không thấy bóng. Một năm sau chồng bất ngờ quay về, nộp đơn xin ly hôn tiếp. Lần này, trước sự quyết liệt của nguyên đơn, phiên tòa sơ thẩm tuyên chấp nhận đơn khởi kiện. Vợ kháng cáo, nhưng TAND tỉnh Vĩnh Long mở phiên phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo của vợ, tuyên y án ly hôn của sơ thẩm...

“Vợ chồng ngoài việc ăn uống, sinh con đẻ cái, còn có sự an ủi lẫn nhau về tình cảm, tôn trọng lẫn nhau về nhân cách, gắn bó nhau về tâm lý, quan tâm nhau về tinh thần... Nhiều người ỷ thế mình kiếm ra tiền mà coi thường bạn đời khiến cuộc sống vợ chồng như địa ngục dẫn đến tổ ấm bị đổ vỡ...
(Ts Phan Thị mai)

Bi kịch tiền bạc

Anh L.L.V. là con một trong một gia đình nông dân khá giả, vốn làm nghề thương lái bò, còn chị N.T.H. là công nhân. Yêu nhau gần hai năm, anh ngỏ lời cầu hôn nhưng chị còn ngần ngừ bởi sợ tính anh hơi tủn mủn chuyện tiền bạc.

Nhưng rồi chị chậc lưỡi, khó tìm người toàn diện, bởi mình cũng đâu có hơn ai mà đòi hỏi người khác nhiều như vậy, trong khi anh có nhiều mặt tốt như không cờ bạc, không rượu chè, không lăng nhăng gái gú...

Nghĩ vậy, chị gật đầu. Sau ngày cưới, cả hai bàn nhau nuôi bò, chồng làm thương lái, chị ở nhà phụ chồng cắt cỏ cho bò và nấu nướng, giặt giũ. Tuy hơi vất vả nhưng được cái tinh thần thoải mái bởi chuyện buôn bán chồng rất mát tay. Làm dư dả bao nhiêu hai vợ chồng đem gửi ngân hàng hết.

Cuộc sống dần khá lên, tuy nhiên hạnh phúc lại bắt đầu đổi màu. Điều lo sợ của chị ngày xưa ngày càng lớn dần ra. Chị mua đồ ăn hơi dư một chút là anh cằn nhằn hoặc đưa tiền cho chị là anh tính từng đồng. Điều chị cảm thấy tổn thương là có lúc anh nghi ngờ chuyện chi tiêu của vợ.

Không ít lần anh hỏi: “Bộ em có giấu tiền riêng à, sao xài mau hết vậy?”. Rồi những câu tổn thương dần tăng lên: “Sao không xài tiết kiệm mà phung phí quá vậy? Ở nhà không đi buôn bán, đâu có biết đồng tiền kiếm ra đâu có dễ. Xài cho dữ, không tích cóp. Sau này già có nước đi ăn xin...”.

Chị buồn thấy mình bị xúc phạm nhưng không dám nghĩ đến chuyện ly hôn bởi sợ tiếng đời thị phi và nhiều nỗi niềm khác nên vẫn ráng nhịn. Rồi có lần, trong cơn say, anh đuổi chị ra khỏi nhà. Đến đây, những kìm nén vỡ tung khiến chị bỏ về nhà cha mẹ ruột. Hết rượu, anh qua năn nỉ nhưng sau đó cũng đâu vào đấy. Quá mệt mỏi, nghĩ không thể chung sống với nhau được nữa nên chị quyết định ly hôn...

Ra tòa, chị trình bày, anh ỷ mình làm ra tiền nên không tôn trọng chị, buông ra những câu miệt thị xem thường trong khi chị vất vả cũng không thua kém gì anh.

Giờ tình nghĩa vợ chồng đã cạn, chị yêu cầu anh phải chia tài sản là bốn con bò (80 triệu đồng) và số tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng là 60 triệu đồng. Nhưng anh chồng cho đó là tài sản riêng của anh bởi do một tay anh tạo dựng, chị không có quyền đòi chia.

Tòa nhận định vợ chồng phải thương yêu, tôn trọng nhau, không được xúc phạm đến danh dự, uy tín của nhau. Nếu không thì khó ăn đời với nhau được. Lao động của vợ trong gia đình như nội trợ, cho bò ăn... được coi như lao động có thu nhập nên khối tài sản trên là khối tài sản chung, chứ không phải là tài sản riêng của anh.

Tòa quyết định chị được hưởng 45% tổng giá trị tài sản, anh 55% tổng giá trị tài sản, nghĩa là phần chị được 63 triệu đồng, phần anh được 77 triệu đồng.

(Tuổi Trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét