Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ nói về nghề nhiếp ảnh cho khách hàng để lấy tiền, không nói đến những người chuyên chụp phong cảnh, rừng núi sông biển, hoa lá chim cò, chụp nghệ sĩ… mà bây giờ người ta hay gọi là các “nhiếp ảnh gia nghệ thuật”.
Thợ ảnh thời trắng đen
Làm hình trắng đen có hai giai đoạn mà
thuật ngữ trong nghề chia ra hai loại là thợ phòng sáng và thợ phòng
tối. Phòng sáng là chuyên làm việc ngoài ánh sáng như: chụp hình, sửa
phim, sửa hình. Phòng tối là làm việc trong cái phòng tối hù đúng nghĩa
đen, tất cả các khe hở nào có thể để lọt ánh sáng bên ngoài vào đều được
thợ ảnh lấy giấy đen dán lên nhiều lớp cho kín hết. Trong phòng chỉ có
duy nhất một bóng đèn tròn màu đỏ nhỏ xíu thường xuyên được bật cho chút
ánh sáng đỏ mờ mờ mà làm việc. Cái bóng đèn tròn to 100W chỉ bật lên để
in hình và thời gian bật được tính từng giây. Người trong nghề nói
chuyện với nhau, hễ ai là thợ phòng sáng thì được đồng nghiệp nhìn bằng
con mắt vị nể, bởi làm phòng sáng khó hơn phòng tối rất nhiều.
Cha tôi, sau khi học nghề với chú họ
thành tài, bèn mở một tiệm hình riêng làm chủ và một mình ông kiêm luôn
cả phòng sáng lẫn phòng tối. Ban ngày cầm máy tiếp khách chụp hình, ban
đêm vào phòng tối lục đục in ảnh. Năm tôi mười lăm tuổi, cha tôi bắt tôi
nghỉ học để theo nghề nhiếp ảnh. Lúc đó, tôi không thích học nghề nên
nại lý do: “Con không biết nheo mắt đâu, không chụp hình được”. Cha tôi
nói: “Mấy đứa tay ngang chụp hình mới nheo mắt, thợ chuyên nghiệp không
ai chụp hình mà nheo mắt hết. Lâu lâu chụp vài kiểu nheo mắt thì được,
chớ ngày nào cũng chụp, chụp từ sáng đến chiều, chụp năm này qua năm
khác mà mỗi lần chụp phải nheo mắt thì mặt mày nó nhăn như khỉ ăn ớt. Ra
đường, chỉ cần nhìn cái cách nó cầm máy là biết ngay đứa nào chuyên
nghiệp đứa nào tay ngang liền. Cầm máy như vậy nè”. Cha tôi đưa cho tôi
cái Pentax to đùng, nặng trĩu mà bắt tôi chỉ cầm bằng tay trái sao cho
chắc, máy không bị rơi xuống đất. Cha tôi nói: “Tay trái cầm máy, nhìn
vào lỗ nhắm bằng mắt phải, tay phải điều chỉnh ống kính, bấm máy, áp máy
sát vào, không được để máy run. Cầm máy bằng tay trái để tay phải còn
rảnh mà dời đèn pha, sắp xếp người với cảnh cho cân đối.”
Vậy là tôi… bị học nghề chụp hình chớ
không phải được học nghề. Ban đầu là làm quen với máy chụp hình, với các
từ ngữ chuyên môn rối rắm như: tốc độ, khẩu độ, màn trập, độ nhạy sáng
(ASA)… thật là rối rắm. Mỗi loại phim và giấy in hình của hãng khác nhau
thì độ nhạy sáng cũng khác nhau, tùy theo độ nhạy sáng, ánh sáng bên
ngoài khi chụp, chụp đèn pha hay chụp sáng trời, chụp buổi sáng, buổi
trưa hay buổi chiều, chụp ngoài nắng hay trong bóng râm… mà người thợ
khi chụp điều chỉnh độ chớp, khẩu độ ống kính cho phù hợp để có bức ảnh
đẹp. Hình chụp ra rõ ràng, sắc nét, không đen quá, cũng không trắng quá.
Làm quen với máy ảnh xong rồi, tôi phải học phối cảnh, nói chung là một
bức ảnh dù là chụp người theo yêu cầu, cũng phải bảo đảm bố cục có đầy
đủ ba phần: tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh thì bức hình mới có tính
nghệ thuật, không bao giờ được bố trí vật chính nằm chình ình ngay giữa
“mặt tiền” bức ảnh. Tất nhiên là ngoài những nguyên tắc chính, tôi còn
được “lão gia” “chân truyền” cho một số “bí kíp” mà tôi biết mấy người
thợ làm chung trong tiệm lúc đó thèm chảy nước miếng.
Hồi đó, tôi sợ ma lắm nên không chịu vào phòng tối, thành thử các kỹ thuật phòng tối tôi chỉ biết đại khái, lem nhem.
Phim từ phòng tối tráng xong đem ra, dùng
cái kẹp quần áo kẹp treo lên dây phơi cho khô, cắt ra từng miếng rồi
cho vào bao giấy chuyển cho thợ phòng sáng. Thợ phòng sáng đem ra xem
từng bao, thấy kiểu nào chụp hình chân dung cho khách thì phải để riêng
qua một bên để đem qua bàn sửa phim sửa lại cho mịn. Bàn sửa phim là cái
bàn có thêm miếng ván mỏng gắn vô bằng bảng lề như gắn cánh cửa, mỗi
khi giương lên thì lấy cây chống lên. Trên miếng ván có khoét một lỗ
vuông nhỏ hơn diện tích miếng phim một chút và gài sẳn cọng dây thun để
kẹp miếng phim vào đó. Người thợ dùng cái ruột bút chì mềm gắn vào cây
bút sửa phim (là loại bút chuyên dụng, mô tả về cây bút này mất thời
gian lắm, tôi sẽ nói rõ vào một dịp khác) để nó ló cái ngòi chì ra thiệt
là dài. Dùng miếng bông gòn, chấm một chút dung dịch gọi là “ma-tô-le”
lau nhẹ qua mặt phim có tráng nhũ tương, rồi dùng cái bút chì ấy mà
“thêm mắm giậm muối vào”. (Cách pha “ma-tô-le” cũng là bí kíp à nghen,
hổng có kể lung tung đâu). Xong rồi bỏ trở vô bao giấy đưa vào phòng tối
in hình.
Trước năm 1975, cha tôi chụp hình bằng
loại phim lớn khổ (6×9)cm, phim này mất công sửa nhiều nhưng in ra hình
thì đẹp hơn, đỡ phải sửa hình nhiều. Sau năm 75 phải dùng loại phim
người ta cắt từng đoạn ra từ mấy bành phim chiếu bóng, khổ phim (3×4)
nhỏ xíu, không thể sửa phim nhiều, thành thử khi phóng ra cái hình to nó
tèm lem, chấm sửa hình muốn mờ con mắt. Hồi đó không có chụp ảnh màu,
khách hàng nào “điệu chảy nước” thì kêu thợ ảnh tô màu lên và trả thêm
tiền tô màu. Màu tô ảnh là loại đóng thành tập như tập giấy, có 12 tờ 12
màu chính. Mỗi người thợ phòng sáng đều có một miếng kiếng trắng dày
5mm, to bằng hai bàn tay. Miếng kiếng này coi như một cái bảng pha màu,
một đầu dùng để mài thỏi mực Tàu vào đó rồi dùng bút lông chấm mực sửa
hình, một đầu để pha màu tô. Bút lông phải mua loại ngòi bút, quản bút
thật nhỏ, càng nhỏ càng tốt, đem về ngâm ngòi bút vào chén nước cho rả
hết keo ở lông bút, rẩy nước cho ráo, một cái dùng chuyên chấm hình,
những cái nào dùng tô màu thì tùy yêu cầu mà lấy lưỡi lam gọt lông bút
sao cho dễ tô màu. Lấy cái lưỡi lam đen, bẻ một miếng hình tam giác gắn
lên đầu kia của cái bút lông mực Tàu. Khi chấm sửa hình, hễ chổ nào bị
đen thì dùng cái lưỡi lam này cạo cho nó bớt đen, chổ nào nó trắng quá
thì phết mực Tàu vào, sao cho “ruộng nẻ” trở thành “thảm nhung”, mũi xẹp
thành mũi cao, mắt híp lờ đờ thành mắt long lanh, má hóp thành má đầy,
môi khô thành môi mọng… Khó nhất là vẽ thêm vào từng sợi lông mi, lông
mày, trở cái đầu nhọn lưỡi lam chuốt cho từng sợi lông vừa nhọn vừa
bóng, vừa cong cong, sao cho tự nhiên như lông mi, lông mày thật. Nếu
khách yêu cầu tô màu hình thì thợ phải tô màu trước, sấy khô, làm láng
rồi mới chấm sửa bằng bút lông mực Tàu. Khi tô màu tùy bức hình mà thợ
xé một miếng màu nhỏ xíu trong tập màu để lên miếng kiếng, lấy cái bút
lông chuyên tô màu chấm nước pha màu, thử màu ngay trên đó, rồi tô màu
vào bức ảnh. Nhiều lúc tôi, thử màu da người lên mu bàn tay mình, nếu
tiệp màu da tay thì tôi tô lên giấy. Công phu, tỉ mỉ như vậy nên công
đoạn phòng sáng đòi hỏi người thợ phải cầm bút hết sức nhẹ nhàng, lả
lướt mà chính xác đến từng li.
Nói đi nói lại dông dài mà không nhắc đến
kỹ thuật cắt cúp, ghép ảnh thì quả là một thiếu sót lớn. Một bức ảnh
ghép giống như thật là một công trình sáng tạo bằng đôi tay khéo léo của
người thợ. Tôi đã từng chứng kiến một cô tuổi ngoài hai mươi, tóc kẹp,
đến tiệm chụp một kiểu hình để ghép vào bức hình người chồng vừa tử trận
mà hai vợ chồng trẻ kia chưa kịp chụp chung với nhau bức ảnh nào. Cha
tôi ghép bức hình cũ người lính mặc bộ quần áo rằn ri đứng choàng tay
qua vai người vợ mặc bộ đồ bà ba trắng. Hình xong rồi, cô đó cảm ơn cha
tôi rối rít.
Nhiếp ảnh thời @
Bây giờ, Digital phát triển, nghề nhiếp
ảnh nhờ đó được ăn theo. Máy ảnh Digital cái gì cũng tự động, chỉ cần có
tiền sắm cho mình một bộ máy ảnh tốt là có thể vác máy ra hành nghề.
Hồi trước Tết, tôi đi dự đám cưới bạn
tôi, bèn gọi anh chàng thợ ảnh trong đám cưới lại chụp cho tôi và cô dâu
chú rể vài kiểu ảnh kỷ niệm. Thấy anh chàng cũng vác máy “khủng”, điệu
bộ hùng hồn lắm, tới hồi nhìn thấy hình tôi mới té ngữa. Chụp hình dâu
rể, khách mặc áo dài, khăn đóng mà nó chụp cắt ngang đầu gối người ta,
chụp bốn người thì hai người đứng sát rạt vào nhau, hai người còn lại tự
dưng đứng dang ra xa cả cây số, nhìn vô thấy thiệt quái dị. Một kiểu
khác thì để khách đứng quẹo đầu, rút cổ mà chụp, hổng biết sửa tư thế
khách cho đàng hoàng hơn.
Ở một chỗ khác, anh thợ ảnh bố trí cho
đôi uyên ương trẻ lấp ló trong vườn hoa rồi anh ta bắc thang trèo lên
cao chụp xỉa xuống. Chung quanh có thêm dàn “trợ lý chụp hình”, kẻ cầm
tấm kim loại phản chiếu thêm ánh sáng, kẻ cầm dù đen che khơi khơi không
biết che cái gì, cứ như là đang ở trường quay. Nắng trưa chang chang,
đâu có thiếu ánh sáng mà phải “huy động lực lượng” hùng hổ như vậy, cái
này hổng biết có phải là bày vẽ cho có vẻ “nghệ thực” để “khủng bố tinh
thần” khách hàng rồi tính giá trên trời? Chụp kiểu đó, tôi dám bảo đảm
ra hình nhìn đôi vợ chồng kia như hai cái nấm lùn mọc lên từ những chậu
hoa. Nếu trong một bức ảnh chụp phong cảnh, người ta có thể chụp tượng
Nữ Thần Tự Do chân đế thật lớn, phần đầu và cánh tay cao vút, bé xíu
chọc thẳng lên trời, nhưng người thật mà hình ảnh như thế thì quả là
kinh dị.
Thợ ảnh bây giờ in ảnh chỉ cần máy tính,
máy in chớ không cần phòng tối, không cần cầm đến cây bút, không cần tỉ
mỉ tô vẽ từng sợi lông mày, không cần cạo bóng cho một đôi môi, tất cả
đều thảy vào photoshop là xong. Người béo có thể kéo cho gầy, người gầy
đổ cho đầy thành béo, lấy mắt mũi, chân tay người này dán vào cho người
kia, hình chụp không cân đối thì cho vào máy tính cắt bớt… Công việc
tiến hành nhanh hơn, ảnh đẹp hơn, bóng bẩy hơn, thậm chí có thể nhào
nặn, trộn ra một nhân vật khác, nhưng cái hồn của bức ảnh hình như rơi
mất ở nơi nào!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét