Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2021

THÊM MỘT CHIẾC BÌNH PHA LÊ VỠ (NB Nguyễn Tiến Tường)


 

Năm xưa tôi có viết bài “Nỗi đau số 1”, nói về cậu học sinh lớp 10 trường Nguyễn Khuyến gieo mình xuống sân trường vì không thể đứng nhất lớp. Hôm qua, một cậu bé lớp 6 cũng chọn cách tương tự vì áp lực thi cử. 
 
Lớp 6, có thể là một đứa trẻ chưa dậy thì. Nghĩa là thậm chí cháu còn chưa phải nhìn thấy mặt trái buồn phiền của cuộc sống. Một tâm hồn thơ dại hoa niên chọn cách kết thúc cuộc sống bao la vui vầy khiến chúng ta phải day dứt.
 
Đó chỉ là những vụ việc mà chúng ta được biết. Còn bao nhiêu cái chết âm thầm khác, hoặc bao nhiêu tâm hồn khác đã chết trong những cơ thể trĩu nặng thành tích mà chúng ta chưa biết được.
……….
Áp lực học hành dẫn tới những cái chết buồn bã là chuyện không mới. Nhưng trước đây chúng ta đau khổ khi đọc những mẩu tin những cái chết ở khung trời đại học hoặc trượt đại học thì nay chuyện đau lòng tìm đến cấp 3 rồi cấp 2. Có phải chăng tuổi “quyên sinh” vì áp lực giáo dục đang bị trẻ hoá? 
 
Đừng chỉ nhen lên niềm tiếc thương rồi vụt bay như làn gió thoảng. Hãy làm một điều gì đó. Ví dụ như một cuộc điều tra xã hội học chẳng hạn. Hãy hỏi xem những đứa trẻ cảm nhận như thế nào về khối lượng học trình, và chúng muốn gì? 
 
Mỗi người lớn hãy luôn hỏi điều đó. Chúng ta đừng sốt ruột vì nhìn sang con người khác; thầy cô đừng sốt ruột khi nhìn sang thành tích lớp khác, trường khác. Hãy vui mừng vì những đứa trẻ tiến bộ hơn so với chính nó hôm qua. Mọi phép so sánh đều khập khiễng và nó gia đình và nhà trường đang biến thành những gọng kìm đè nặng lên tâm hồn đứa trẻ.
…………..
Những đứa trẻ không học cho chúng ta. Chúng đang học để trở thành người tốt nhất mà chúng có thể đạt tới. Thật tuyệt vời nếu bạn sinh ra một đứa trẻ thiên tài. Nhưng ngay cả thiên tài cũng không thể giỏi tất cả. Ngay cả thiên tài thì chúng cũng phải sắp xếp trí não và cảm xúc một cách hợp lý. Tương tự như để những hòn đá, hòn sỏi, cát và nước vào một chiếc bình pha lê vậy. Có vẻ như chúng ta đang có ham muốn nhồi những tảng đá vào chiếc bình nhỏ đó. 
 
Người lớn hơn ai hết phải hiểu về cái giá của số 1. Để trở thành số một của địa vị, tiền tài, chúng ta phải rời xa những đứa trẻ sáng sớm và về vào giữa khuya. Vài người phải phó thác việc gần gũi chăm sóc con cho người lạ và chấp nhận sự đứt gãy tình cảm âm thầm. 
 
Cuộc sống của người lớn là chiếc bình đầy và để thêm vào cái này thì phải bỏ ra cái kia. Những đứa trẻ là những chiếc bình pha lê nhỏ xíu càng không thể ôm đồm khát vọng của cả mình lẫn mẹ cha và nhà trường được. 
 
Chúng ta có thể tự hào vì những điểm số những tấm giấy khen mà chúng ta nghĩ rằng có kỷ cương của mình vun vén. Nhưng chúng ta đã lúc nào lắng nghe sâu sắc bên trong tâm hồn con trẻ để hiểu rằng chúng thật sự hạnh phúc với điều đó hay không? Hay chúng chỉ hạnh phúc khi thấy chúng ta tự hào.  Cảm xúc bị động đó có thể sẽ khiến những đứa trẻ không còn là chính mình nữa.
……..
 
Tôi thật sự không cần những thiên tài thô ráp, tôi cần một đứa trẻ biết rung động, biết yêu thương và tâm hồn khoáng đạt. Đó chính là nền tảng định khung cho những cái “giỏi” tri thức mà con có thể đạt tới. Bởi vì chúng chỉ có thể giỏi khi tự thân chúng rung động với những điểm số, những thành quả kiến thức chứ không phải để làm vui người lớn.
 
Tôi không cần những chiếc bình pha lê vô hồn. Và tôi sẽ sống thế nào khi chiếc bình pha lê vụn vỡ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét