- "Từ điển tiếng Việt" (Ban biên soạn Chuyên từ điển New Era): "Được
lòng rắn, mất lòng ngóe: Ngóe: loại nhái nhỏ. Ngụ ý câu này cho rằng khó
lòng ăn ở được lòng mọi người, hễ được lòng người này thì mếch lòng
người kia."
- "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" (Nhóm Vũ
Dung): "Được lòng đất, mất lòng đò (Được lòng bà vãi, mất lòng ông sư,
Được lòng rắn mất lòng ngóe) Tình thế khó xử, được lòng người này, mất
lòng người kia, không thể làm vừa lòng tất cả."
- "Từ điển thành
ngữ và tục ngữ Việt Nam" (GS Nguyễn Lân): "Được lòng rắn, mất lòng ngóe.
Như câu "Được lòng đất, mất lòng đò". Ở tình thế không thể dung hòa hai
bên tương phản."
- "Từ điển tục ngữ Việt" (Nguyễn Đức Dương)
"Được lòng rắn, mất lòng ngóe: Được lòng giống rắn thì giống ngóe sẽ mất
lòng (vì ý thích của rắn và ngóe vốn trái ngược nhau) Hay dùng với ẩn
ý: Nh. Được lòng bà vãi mất lòng ông sư: Được lòng bà vãi thì sẽ làm cho
ông sư mất lòng. Hay dùng để chỉ rõ một lẽ thật: "Chẳng có cách nào để
làm cho ai nấy đều vừa lòng (vì ý thích của thiên hạ vốn mỗi người mỗi
khác)".
- Sách "Đi tìm điển tích thành ngữ" (Tiêu Hà Minh-Tái
bản lần thứ 5-NXB Thông Tấn-2014) đưa ra "điển tích" khá dài dòng. Xin
tóm tắt:
Ếch và ngóe vốn thân nhau. Một hôm rắn bò tới
hang, ếch sợ quá, bèn lấy lòng rắn: Đừng ăn thịt tôi, tôi hứa sẽ chỉ cho
ông chỗ mồi ngon. Ếch tìm đến ngóe, bảo: Có ông rắn muốn kết bạn với
hai chúng ta. Ngóe mắng ếch: Khốn kiếp, định rước hùm về à? Ếch phân
bua: Tôi biết thế, nhưng lúc ấy vì sợ nên tôi phải lấy lòng nó. Ngóe tức
giận: Để lấy lòng nó, thế rồi để mất lòng ai? Từ nay, tôi không chơi
với anh nữa. Rắn thấy ếch trốn biệt thì tức giận lắm, hễ gặp ếch là cắn.
Từ đó ếch sợ rắn, còn ngóe không những bị rắn ăn thịt mà còn bị ếch săn
đuổi vì tức giận.
Qua cách giải thích của 4 cuốn từ điển chúng
ta vẫn chưa rõ nghĩa đen tục ngữ "Được lòng rắn, mất lòng ngóe" thế
nào. Diễn giải và giảng giải "Được lòng giống rắn thì giống ngóe sẽ mất
lòng (vì ý thích của rắn và ngóe vốn trái ngược nhau)" của Nhà ngữ học
Nguyễn Đức Dương hầu như không hé lộ được thông tin nào. Riêng "tân
truyện" của Tiêu Hà Minh, dĩ nhiên không thể gọi là "điển tích", và hoàn
toàn lạc đề, bởi rốt cuộc, con ếch gây thù chuốc oán với cả hai, chứ
đâu có được lòng ai?
Vậy nghĩa đen của câu tục ngữ đang xét như thế nào? Theo chúng tôi, nghĩa đen bắt nguồn từ chuyện con rắn bắt nhái.
Xưa kia, ếch nhái, rắn rết rất nhiều. Đi chăn trâu cắt cỏ, hay cày cấy
ngoài đồng, thậm chí ngay vườn tược, đường đi lối lại, bờ ao, lùm cỏ
quanh nhà cũng thường nghe tiếng kêu của rắn bắt nhái.
Chiều
tà, bọn nhái nhảy ra bắt đầu bữa tiệc côn trùng, cũng là thời điểm đi
săn mồi của rắn ráo. Con rắn trườn mình êm ru trong cỏ. Đúng cự ly, cổ
rắn ngóc lên, rồi "nhằng" một phát... Phần cẳng chân sau con nhái đã nằm
gọn trong hàm của rắn. Theo bản năng, rắn không nuốt ngay, mà ngậm chặt
và tiêm nọc độc vào con mồi, rồi từ từ nuốt trôi. Suốt quá trình đó,
trong đám cỏ vang lên những tiếng kêu: oe...óe,...oe...óe nghèn nghẹn,
thảm thiết của con nhái. Lần theo, người ta thấy cảnh tượng: con nhái
nhỏ bé cố sức giãy giụa, kêu cứu trong tuyệt vọng; trong khi rắn cũng
hết sức tập trung để không mắc sai lầm nào...
Thấy có bóng
người, rắn vẫn ngậm chặt con mồi, đôi mắt thao láo thận trọng dò xét;
trong khi nghe có động, con nhái cất tiếng kêu to hơn như hy vọng được
cứu thoát...Lúc này, bữa tiệc của con rắn, hay mạng sống của con nhái
nằm trong tay con người. Nếu động lòng trắc ẩn, thì đập cỏ xua con rắn
độc để giải thoát cho con nhái đáng thương; có khi để mặc con rắn săn
mồi, vì nghĩ loài nào cũng phải ăn mới sống được, hoặc trong tình huống
không thể làm gì hơn. Biết làm thế nào đây? Hành động trong tình huống
đặc biệt này sẽ khiến kẻ thì hậm hực, oán hận, kẻ thì vui mừng biết ơn,
chứ không có cách nào dung hòa lợi ích của cả hai.
Dân gian
thường dựa vào quan sát, nhận thức sự vật, hiện tượng diễn ra trong cuộc
sống sinh hoạt, lao động hàng ngày để đúc kết, khái quát nên thành ngữ,
tục ngữ. "Được lòng rắn, mất lòng ngóe" chính là một trong những quan
sát, liên tưởng độc đáo, mà nghĩa đen đã làm nên sự sinh động, chính xác
cho nghĩa bóng: trong cuộc sống có những tình thế đặc biệt khó xử,
nghiêng về bên này, đồng nghĩa sẽ làm tổn hại, mất lòng bên kia, và
ngược lại; không có cách nào dung hòa được quyền lợi, tình cảm cả đôi
bên. Các dị bản: "Được lòng đất, mất lòng đò", "Được lòng bà vãi mất
lòng ông sư" thì đối tượng nói đến cũng chỉ là hai, thêm người đứng giữa
là ba. Bởi vậy, ý tục ngữ không nhằm nói chung chung "Chẳng có cách nào
để làm cho ai nấy đều vừa lòng (vì ý thích của thiên hạ vốn mỗi người
mỗi khác)" như cách hiểu của Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương. Thực tế,
trong cuộc sống, nhiều tình huống người ta vẫn có thể tìm cách ứng xử,
giải quyết mâu thuẫn để khiến tất cả số đông đều hài lòng.
Hoàng Tuấn Công 3/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét