Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

10 HỌC GIẢ GỐC VIỆT CÓ TRÍCH DẪN NHIỀU NHẤT ĐẾN 2016

1. GS Nguyễn Sơn Bình là một trong bốn nhà khoa học gốc Việt có tên trong danh sách những người ảnh hưởng nhất thế giới do Thomson Reuters công bố năm 2015.

GS Nguyễn Sơn Bình

Ông tốt nghiệp cử nhân hóa học tại ĐH PennState và tiến sĩ tại Viện Công nghệ California. Hiện ông là giảng viên hóa học tại ĐH Northwestern, Hoa Kỳ. Ông nghiên cứu hóa học hữu cơ, polymer, vô cơ, vật liệu và chất xúc tác và có hơn 43.200 trích dẫn.

2. GS Đặng Văn Chí mang đến sự kết hợp tuyệt vời từ kinh nghiệm của nhà nghiên cứu, bác sĩ, nhà giáo dục và người sáng tạo trong Y sinh. Ông là Giám đốc của TT Ung thư Abramson của ĐH Pennsylvania, giáo sư Trường Y khoa của ĐH Johns Hopkins, và cũng là Phó giám đốc Nghiên cứu và Giám đốc Điều hành của Viện Kỹ thuật Tế bào Johns Hopkins.

Nhóm của ông đã xây dựng khái niệm về gen MYC, một nhân tố quan trọng trong bệnh ung thư. Nhóm này đã xây dựng mối liên kết đầu tiên giữa gen ung thư MYC và quá trình trao đổi năng lượng của tế bào. Hiện ông là nhà nghiên cứu chủ chốt về phương pháp “cắt nguồn năng lượng” khỏi tế bào ung thư tuyến tụy.

GS Đặng Văn Chí
 
Sinh ra tại Sài Gòn, ông tới Hoa Kỳ năm 1967, nhận bằng đại học ngành hóa học tại ĐH Michigan năm 1975, bằng tiến sĩ cùng ngành tại ĐH Georgetown năm 1978, bằng bác sĩ tại ĐH Johns Hopkins. Hiện ông có hơn 32.600 trích dẫn.


3. GS Nguyễn Văn Tuấn được công nhận là cánh chim đầu đàn trong nghiên cứu bệnh dịch loãng xương. Ông đi tiên phong trong việc phát triển mô hình chẩn đoán nguy cơ và điều trị nứt gãy xương. Từ nghiên cứu của ông, dụng cụ có tên gọi “Máy tính rủi ro nứt gãy xương Garvan” đã ra đời.

Ông từng được thỉnh giảng tại Trường Y khoa ĐH Khon Kaen (Thái Lan), ĐH Y Hà Nội và ĐH Tôn Đức Thắng (Việt Nam). Suốt 15 năm gần đây, ông tổ chức nhiều hội thảo về phương pháp nghiên cứu khoa học và y khoa ở Thái Lan và Việt Nam.

GS Nguyễn Văn Tuấn
 
Ông lấy bằng tiến sĩ Y khoa tại ĐH New South Wales và hiện làm việc tại TT Công nghệ và Y tế, thuộc ĐH Công nghệ Sydney, và là nghiên cứu chủ chốt của Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan. Ông có hơn 19.400 trích dẫn. 

4. GS Võ Đình Tuấn được xếp hạng 43/100 trong danh sách “100 thiên tài đương thời thế giới” và được bình chọn là “1 trong 4 nhà khoa học gốc châu Á - Thái Bình Dương có phát minh lớn cho nước Mỹ.” Ông đi tiên phong nghiên cứu và có tác động sâu rộng trong nhiều ngành như sinh học quang tử (biophotonics), phổ học phát quang kích thích bằng laser (laser-excited luminescence spectroscopy), phosphorimetry nhiệt độ phòng, cảm biến sợi quang, cảm biến nano, cảm biến sinh học, v.v.

GS Võ Đình Tuấn
 
Ông sinh tại Nha Trang, tốt nghiệp cử nhân Kỹ thuật Vật lý năm 1971 tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ tại Lausanne (EPFL), tiến sĩ Hóa Lý sinh học năm 1975 tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ tại Zurich (ETH). Hiện ông là Giám đốc Viện Quang tử Fitzpatrick của ĐH Duke và được trích dẫn hơn 17.800 lần. 

5. GS Nguyễn Thiện Hùng (Henry) từng được tổng thống Ronald Reagan trao Giải thưởng Tổng thống cho Nhà nghiên cứu Trẻ của Tổ chức Khoa học Quốc Gia (National Science Foundation’s Presidential Young Investigator Award) năm 1986. Ông được vinh danh là Nhà nghiên cứu Xuất sắc của ĐH Khoa Học Nông nghiệp và Tài nguyên Thiên nhiên năm 1995 và Giải thưởng Thành tích Hàn lâm Tổng thống năm 1996 tại ĐH Công nghệ Texas.

GS Nguyễn Thiện Hùng
 
Tiến sĩ Henry Nguyễn có bề dày kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ sinh học vào nông nghiệp. Nghiên cứu của ông đặt nền móng cho những phát minh về mặt di truyền và ứng dụng nhân giống cho cây đậu nành, lúa gạo và lúa miến nằm tăng tính chịu hạn trên toàn thế giới.

Ông tốt nghiệp cử nhân khoa học ngành khoa học cây trồng năm 1977, thạc sĩ ngành nhân giống cây trồng tại ĐH Bang Pennsylvania, và tiến sĩ ngành Di truyền năm 1982 tại ĐH Missouri. Hiện ông là Giám đốc của TT QG Công nghệ Sinh học Đậu nành (NCSB), ĐH Missouri-Columbia và có hơn 17.600 trích dẫn. 

6. GS Nguyễn Quang Trường từng được Tổ chức Khoa học Quốc Gia Hoa Kỳ (NSF) trao Giải thưởng CAREER năm 1995. Đây là giải thưởng danh giá nhất cho nhà nghiên cứu-giảng dạy trẻ tuổi. Ông đã thành công trong việc đảm bảo những chuyển động mượt mà khi truyền video với băng thông hẹp mà vẫn giữ tốc độ khung đủ lớn để tránh giật. Nghiên cứu của ông cũng được áp dụng để tăng tốc độ khung cho tín hiệu truyền hình NTSC, chuyển sang HDTV và nâng cao chất lượng tín hiệu cho robot dưới nước như robot dò mìn.

Ông lấy bằng kỹ sư năm 1985, thạc sĩ năm 1986, tiến sĩ năm 1989 tại Viện Công nghệ California và hiện có hơn 16.100 trích dẫn. 

GS Nguyễn Quang Trường
 
7. GS Đỗ Ngọc Minh từng nhận Giải thưởng CAREER năm 2003 do Tổ chức Khoa học Quốc Gia Hoa Kỳ (NSF) trao, Giải thưởng Luận án Tiến sĩ Xuất sắc nhất từ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ tại Lausanne (EPFL) năm 2001 (giải thưởng danh giá nhất cho nhà nghiên cứu-giảng dạy trẻ tuổi), Huy chương Bạc Olympic Toán học Quốc tế năm 1991 tại Thụy Điển.

GS Đỗ Ngọc Minh
 
Ông sinh tại Thanh Hóa năm 1974, nhận bằng kỹ sư ngành kỹ thuật máy tính tại ĐH Canberra năm 1997, bằng tiến sĩ ngành hệ thống thông tin tại EPFL năm 2001. Hiện ông đang giảng dạy tại ĐH Illinois tại Urbana-Champaign, nghiên cứu về xử lí ảnh và tín hiệu đa chiều, phân tích hình học đa tỉ lệ (multiscale geometric analysis) và wavelets. Ông có hơn 14.100 trích dẫn.

8. GS Lương H.T. John là một nhà khoa học ưu tú và hiện là Trưởng nhóm Công nghệ Cảm biến Sinh học và Công nghệ Nano tại Hội đồng Nghiên cứu Quốc Gia Canada. Ông từng là Trưởng phòng Kỹ thuật Y sinh tại ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore. Ông lấy bằng tiến sĩ ngành Kỹ thuật Y sinh-Sinh hóa tại ĐH McGill năm 1978 và nhận nhiều giải thưởng vì có công đóng góp cho công nghệ sinh học nano, cảm biến sinh học, kỹ thuật sinh hóa. Hiện ông có hơn 13.000 trích dẫn. 

GS Lương H.T. John
 
9. GS Đinh Phan Kinh Luân (K. Luan Phan) từng nhận Giải thưởng Tổng thống Sự nghiệp Trẻ cho Nhà khoa học và Kỹ sư (PECASE), giải danh giá nhất trao bởi chính phủ Hoa Kỳ cho nhà khoa học và kỹ sư xuất sắc trong giai đoạn đầu của sự nghiệp nghiên cứu độc lập.

Ông là Giám đốc của Chương trình Nghiên cứu và Lâm sàng Rối loạn Tâm trạng và Lo âu của Khoa Tâm thần, thuộc ĐH Illinois tại Chicago. Từ lâu ông đã ứng dụng những khám phá trong khoa học Neuro nhận thức để nâng cao hiểu biết và cách chữa trị rối loạn tâm trạng và lo âu. Ông tốt nghiệp ngành Y tại ĐH Michigan ở Ann Arbor và hiện có hơn 11.800 trích dẫn. 

GS K. Luan Phan
 
10. GS Đoàn An Hải được trao Giải thưởng Luận án Tiến sĩ ACM (ACM Doctoral Dissertation Award) của Hiệp hội Máy Điện toán (Association for Computing Machinery) cho luận án “Học để ánh xạ giữa những đại diện cấu trúc dữ liệu” (“Learning to Map between Structured Representations of Data”) năm 2003. ACM là đoàn thể khoa học và giáo dục về điện toán lớn nhất thế giới.

GS Đoàn An Hải

Ông tư vấn và tham gia vào nhiều công ty khởi nghiệp, trong đó ông từng nằm trong Ban cố vấn của Transormic, một công ty khởi nghiệp sau đó được Google mua lại. Ông sinh năm 1970 tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, tốt nghiệp trung học tại Vinh, cử nhân khoa học tại ĐH Kossuth Lajos ở Hungary, thạc sĩ tại ĐH Wisconsin (Milwaukee) và tiến sĩ tại ĐH Washington (Seattle) năm 2002. Hiện ông là giáo sư tại Khoa Khoa học Máy tính, ĐH Wisconsin, Hoa Kỳ. Ông nghiên cứu cơ sở dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, Web và hiện có hơn 10.200 trích dẫn. 

(Phiếm Du) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét