Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

CON LÀ CỤC CƯNG CỦA BỐ MẸ, CÔ MÀ ĐÁNH CON...

LTS: Đừng đổ lỗi cho riêng ai, tất cả xã hội đều có lỗi mỗi khi một vụ bạo lực học đường xuất hiện. Trong bài viết này cô giáo Phan Tuyết đưa ra những thiệt thòi mà giáo viên đang phải trải qua sau mỗi sự việc đáng tiếc xảy ra ở trường học.

Sự việc em Đỗ Lân Anh (học sinh lớp 8A) trường THCS xã Định Hòa, Yên Định Thanh Hóa bị thầy giáo Đoàn Văn Học - giáo viên của trường dùng gậy đánh khiến em phải nhập viện, bó bột.

Theo thầy Học, ngày 22/2, trong giờ Vật lý, Lân Anh nói chuyện riêng nhiều nên đã nhắc nhở. Vì em vẫn tiếp tục nói chuyện, cười đùa nên thầy Học gọi nam sinh lên góc bảng đứng. Lân Anh vẫn chỉ tay, nói chuyện tiếp với các bạn dưới lớp làm trò khác không tập trung học.

Lý giải sự việc này, thầy Đoàn Văn Học cho rằng, do Lân Anh nói chuyện riêng, gây mất trật tự trong lớp, dù đã nhắc nhở nhiều lần nhưng Lân Anh vẫn không nghe.

Con la cuc cung cua bo me, co ma danh con, bo con se duoi co ra khoi truong! - Anh 1
Đỗ Lân Anh (học sinh lớp 8A) trường THCS xã Định Hòa, Yên Định Thanh Hóa 
bị thầy giáo Đoàn Văn Học - giáo viên của trường dùng gậy đánh khiến em phải
 nhập viện, bó bột. (Ảnh: laodong.com.vn)

Khi đó, thầy phạt bằng cách mời Lân Anh lên bục giảng để tiếp tục giảng bài nhưng em vẫn liên tục đùa nghịch với các bạn ở dưới lớp.

Lúc này, thầy buộc phải dẫn em lên gặp hiệu trưởng nhưng thầy hiệu trưởng không có mặt ở phòng. Thầy Học dùng gậy đánh vào mông nhưng Lân Anh đã dùng tay đỡ và bị chấn thương ở cánh tay.


Theo kết quả của bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định chẩn đoán, Lân Anh bị “rạn lồi cầu xương cánh tay và vỡ mỏm khủy tay” nên em đã được bó bột.

Sự việc nhanh chóng được hàng chục tờ báo và các kênh truyền hình đưa tin với tốc độ chóng mặt.

Hàng trăm ý kiến phản hồi của độc giả được gửi đi chia sẻ, không ít những ý kiến phẫn nộ, bất bình vì họ cho rằng thầy giáo dã man đánh học trò gây thương tích như thế.

Trước sức ép của dư luận, thầy Học đã bị cảnh cáo và đình chỉ giảng dạy.

Bất ngờ thay, kết luận mới nhất từ bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho thấy, học sinh Đỗ Lân Anh không có tổn thương về xương và đã tháo bột về nhà để tiếp tục đi học.

Tại sao chỉ là một vết thương đơn giản lại có 2 kết quả hoàn toàn trái ngược nhau giữa hai cơ sở y tế?

Điều đáng nói ở đây là sự vô tình của truyền thông đã “tiếp tay” cho gia đình học sinh ấy bao che cho những hành vi sai trái của Lân Anh nơi học đường.

Việc thầy giáo dùng gậy đánh vào mông học sinh như vậy là điều đáng trách nhưng trước khi phán xét người thầy thì mọi người hãy đặt địa vị của mình vào vị trí của thầy.

Giáo viên chịu áp lực từ chất lượng của học sinh, trong khi đang tranh thủ từng phút để truyền thụ kiến thức thì học sinh lại quậy phá, gây ảnh hưởng đến các bạn khác.

Nếu không vì trách nhiệm, không vì lương tâm người thầy thì thầy giáo ấy có thể làm ngơ và dạy cho hết giờ như một số thầy cô vẫn làm thế để khỏi “rước họa” vào thân.

Trước đây, học trò hư, quậy phá trong giờ học, thầy cô phạt roi là chuyện bình thường. Vì thầy cô muốn các em chăm ngoan, chú tâm học hành nên mới nghiêm khắc như vậy.

Còn ở nhà khi dạy dỗ con cái nhiều bậc phụ huynh cũng phải dùng đến đòn roi. Nhưng nay dường như thầy cô hoàn toàn mất đi cái “quyền uy” đó. Phải chăng dư luận quá khắt khe với nghề giáo?

Dư luận muốn thầy cô phải giống như ông bụt, bà tiên luôn mỉm cười trong mọi tình huống cho nên hễ có bất cứ sự việc gì xảy ra nơi trường học thì dư luận chỉ biết chỉ trích thầy cô giáo.

Đây cũng chính là nguyên nhân mà học sinh ngày càng không coi giáo viên ra gì, ngang nhiên quậy phá, đánh bạn, chửi thề…khi bị giáo viên nhắc nhở thì liền tỏ thái độ vô lễ, thách thức.

Ngoài ra, không ít phụ huynh khi nghe tin con bị thầy cô phạt vì phạm lỗi đã có những hành động quá khích như chửi bới, hăm dọa thậm chí hành hung giáo viên.

Thử hỏi, phụ huynh làm vậy trước mặt con cái thì sau đó còn thầy cô nào dám giáo dục các em nữa?

Cho nên sẽ chẳng có gì bất ngờ khi một học sinh lớp 4 dõng dạc nói với cô giáo rằng: “Con là cục cưng của bố mẹ con. Bố mẹ không bao giờ đánh con cả. Cô không được đánh con, cô mà đánh con thì bố con sẽ đuổi cô ra khỏi trường”.

Đã có nhiều trường hợp học sinh dùng vũ lực với chính thầy cô của mình nhưng học sinh cũng chỉ bị nhắc nhở, nhiều nhất là bị đình chỉ vài tuần học. Nhưng khi giáo viên mắc lỗi thì sao? Nhẹ thì khiển trách, cảnh cáo thậm chí mất nghề?

Vì điều này mà lòng yêu nghề, nhiệt huyết của nhiều thầy cô dần thui chột, nhiều người chọn giải pháp an toàn “có tiết thì vào lớp, hết giờ bước ra, học sinh muốn làm gì thì làm”, chẳng dám răn dạy. Cứ thế này, giáo dục sẽ đi về đâu?

(Phan Tuyết)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét