Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

VIÊM TAI GIỮA

Viêm tai giữa cấp là một bệnh khá phổ biến ở trẻ em nhỏ. Việc một trẻ nhỏ có vài lần viêm tai giữa trong một năm là khá bình thường. Thống kê cho thấy khoảng 2/3 trẻ nhỏ dưới 3 tuổi có ít nhất một đợt viêm tai giữa. Đến khi trẻ đến tuổi bắt đầu vào lớp 1, 90% các trẻ đã có tối thiểu một đợt viêm tai giữa. Nhóm trẻ từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi là nhóm tuổi có tần suất viêm tai giữa xảy ra cao nhất. Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi thường dễ bị viêm tai giữa hơn trẻ lớn hơn vì ống thông Eustachian nối khoang tai giữa với hầu họng ở những trẻ này nhỏ hơn. Vì vậy, khi trẻ bị những đợt viêm mũi họng, viêm hô hấp trên, các tác nhân gây bệnh (virus, vi trùng) dễ “leo” vào ống thông và “lọt vào” khoang tai giữa, gây nhiễm trùng. 
Dấu hiệu và triệu chứng bệnh: 
Khi tình trạng viêm nhiễm xảy ra trong khoang tai giữa, màng nhĩ bị ảnh hưởng, viêm đỏ, sưng, đau, và phồng lên do tăng áp lực trong khoang, ống Eustachian cũng có thể bị ảnh hưởng tương tự. Vì vậy, trong bệnh này, bé sẽ khó chịu hoặc đau tai, có thể làm giảm thính lực trẻ cấp tính, và có thể bị ù tai.

Khi trẻ bị viêm tai giữa, trẻ thường sẽ có triệu chứng viêm nhiễm đường hô hấp, sốt, khó chịu vì đau. Một số trẻ không nói được có thể cứ kéo tai của mình, hoặc đưa ngón tay vào trong ống tai bị bệnh, vì trẻ cảm thấy khó chịu tại chỗ. Trẻ có thể ói, biếng ăn, đừ, và có thể nghe kém hơn bình thường. 
Một số trường hợp, khi màng nhĩ căng phồng quá mức, có thể vỡ, và dịch mủ viêm sẽ thoát ra ngoài, lúc này bé sẽ cảm thấy bớt đau vì được cân bằng áp lực giữa khoang và ống tai ngoài, nhưng ba mẹ có thể rất lo lắng khi thấy dịch mủ chảy ra khỏi tai con. 
Một số viêm tai giữa có thể có biến chứng nặng hơn, gây nhiễm trùng lan rộng qua vùng sau tai, hoặc dẫn đến viêm phổi, nhiễm trùng huyết, vân vân, nhưng tỉ lệ các biến chứng này rất thấp.
Chăm sóc và thăm khám trẻ: 
Khi nghi ngờ con có triệu chứng, nên cho trẻ đi khám bác sĩ. Khi thăm khám trẻ, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng tổng quát của bé, và sẽ tư vấn về quyết định dùng kháng sinh hay không, hoặc nên theo dõi, tái khám như thế nào cho hợp lý. Màng nhĩ của trẻ khi vỡ lại có thể phục hồi và tự vá lành lại khá nhanh, vì vậy, không cần lo lắng về điều này. 
Đa số các trường hợp (75%) viêm tai giữa gây ra do vi trùng, chỉ 25% trường hợp còn lại là do virus. Tuy nhiên, không như những nhiễm trùng khác, nhiễm trùng viêm tai giữa đa số lại tự hết và không cần điều trị kháng sinh. Trường hợp bé dưới 1 tuổi bị viêm tai giữa, điều trị kháng sinh là cần thiết. 
Việc chăm sóc một trẻ viêm tai giữa cũng tương tự như một trẻ bị viêm đường hô hấp trên khác, bao gồm giảm đau, hạ sốt khi cần, giúp trẻ thoải mái, và khuyến khích trẻ ăn uống từ từ để tránh mất nước. Tuy nhiên, vì tình trạng tăng áp lực khoang màng nhĩ, và khả năng màng nhĩ có thể bị vỡ, các bác sĩ có thể có khuyến cáo không được bơi lội, và không được bay, cho đến khi bệnh lành hẳn. 
Các bé bị viêm tai giữa nên được tái khám sau đợt bệnh, để xem bệnh có hết hẳn hay không. Một số trường hợp khi viêm tai giữa đã hết, để lại dịch ứ đọng trong khoang tai. Dịch này thường tự rút sau vài tuần, vài tháng, tuy nhiên, có những trường hợp (hiếm) dịch ở lì trong khoang không chịu đi, sẽ làm ảnh hưởng đến độ rung của màng nhĩ, gây giảm thính lực cho trẻ. Những trường hợp này có thể sẽ cần can thiệp của bác sĩ chuyên khoa để giúp dịch được thoát ra ngoài, giúp trẻ nghe được tốt hơn, vì việc giảm thính lực sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ trong độ tuổi này.

Những thông tin cần nghi nhớ:
  • Việc một trẻ nhỏ có vài đợt viêm tai giữa trong năm khá phổ biến
  • Kháng sinh không phải lúc nào cũng cần thiết để điều trị viêm tai giữa, trừ trường hợp trẻ dưới 1 tuổi. Bạn nên tư vấn bác sĩ về vấn đề sử dụng kháng sinh cho bé. 
  • Có thể có dịch trong tai giữa sau đợt viêm, dịch có thể ở lại vài tuần hoặc vài tháng sau đợt viêm, và là điều bình thường. Chỉ khi có ảnh hưởng đến thính lực, hoặc khi ở lại quá lâu, mới có chỉ định can thiệp.
  • Đa số trẻ sau các đợt viêm tai giữa, thủng màng nhỉ, vẫn phát triển bình thường, với thính lực bình thường.

Bs. Trần Thị Huyên Thảo 
Nguồn tham khảo: 
Acute otitis media; Clinical Practice guidelines - Royal Children’s Hospital, Melbourne, Australia. 
Acute otitis medial; Kids Health Info - Royal Children’s hospital, Melbourne, Australia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét