Chẳng ai ngờ rằng, chỉ cần thông qua cái điện thoại “cùi bắp”, nông dân Nguyễn Phú Thạnh vẫn phun thuốc, tưới nước cho vườn quýt gia đình. Việc này diễn ra ngay cả khi anh đi ăn giỗ, ăn cưới… cách vườn quýt hàng trăm kilomet, vườn quýt vẫn được “uống” nước đầy đủ.
Nông dân có khả năng làm chuyện “động trời” nêu trên là anh Nguyễn Phú Thạnh (xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Xuất phát từ những khó khăn, vất vả trong khâu phun thuốc, tưới cây cho vườn quýt đường của gia đình, năm 2011, anh Thạnh bắt tay vào nghiên cứu và sáng chế thành công hệ thống tưới cây, phun thuốc điều khiển bằng điện thoại đi động có một không hai ở Việt Nam.
“Bắt” công nghệ làm thay sức người…
Người xưa đã nói “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, bởi
vậy khi anh Thạnh lớn lên, đến tuổi lập gia đình, cha mẹ cho anh 5 công
vườn (5.000m2) vì biết sau này anh Thạnh cũng bám cái nghề
nông sinh sống… Tuy nhiên, khoảng năm 1992, anh Thạnh nhận phần đất cha
mẹ cho nhưng không làm mà cho thuê rồi đi làm nhân viên thu tiền điện ở
xã.
Trong thời gian này, nhiều lần anh Thạnh được cơ quan cho đi tập huấn
các khóa học cơ bản về điện, để dự phòng khi đi làm, anh Thạnh có
thểgiúp bà con khi có sự cố về điện xảy ra.
Bộ điều khiển anh Thạnh tự thiết kế và lắp đặt một sim số điện
thoại và đã cài đặt lệnh tắt, mở, thời gian mỗi van hoạt động
Đến 2007, anh Thạnh nghỉ việc rồi về nhà trồng quýt đường. Trong
khoảng thời gian làm vườn, anh mới thấy được sự vất vả của bà con làm
vườn trong khâu tưới tiêu, phun thuốc và thuê nhân công.
Anh Thạnh kể: “Cây trái có giai đoạn phát triển nên bón phân, phun
thuốc, tưới nước… cần phải đúng và đủ (đúng thời gian, đủ về lượng -
PV). Tuy nhiên, những lúc mình cần nhân công làm ngay các việc đó thì
tìm người không ra. Có lần, tôi đã thuê nhân công đâu đó xong rồi, sáng
hôm sau tôi pha cả phi thuốc, ngồi chờ hoài không thấy ai đến. Tôi bực
mình đến nhà từng người thì thấy họ đang ngủ vì tối qua nhậu say bí tỉ…
Một mình về dốc hết sức phun hết 5 công vườn, tôi chẳng còn sức bưng bát
cơm ăn. Sau trận đó tôi mới suy nghĩ tìm cách nào đó đưa máy móc, công
nghệ vào thay con người để đỡ vất vả và tiết kiệm được thời gian, tiền
bạc”.
Ngoài chuyện bực mình thiếu nhân công, theo anh Thạnh, mỗi lần tưới
cây hay phun thuốc… anh muốn nghỉ tay vài phút phải đi cả 100 - 200m mới
đến chỗ tắt máy hoặc kéo cầu dao điện. Theo anh Thạnh, công đi tới đi
lui không tính nhưng xót ruột nhất là lượng phân, thuốc hao hụt... mỗi
khi nghỉ mệt hay có sự cố về đường ống xảy ra (đường ống bể hay tuột ống
dẫn nước). Những bất cập này càng thôi thúc anh suy nghĩ “bắt” máy móc
làm thay mình.
Mỗi một van như thế này anh lắp đặt 100 cái béc phun nước.
Nhờ đó, với
diện tích 5 công vườn, anh chỉ mất 60 phút là tưới
nước xong cho cả vườn
chỉ bằng vài thao tác trên điện thoại
Tuy nhiên, ý tưởng của anh phải đến vài năm sau mới thực hiện được.
“Khoảng năm 2011, trong một lần nhìn đứa con điều khiển chiếc xe ô tô
điện tử bằng cái remote, trong đầu tôi lóe lên ý nghĩ sẽ làm hệ thống
tưới nước tự động và điều khiển bằng remote. Khi lóe lên được ý tưởng,
tôi bắt đầu tìm đến các anh bạn kỹ sư đã quen khi đi tập huấn về điện,
hỏi thăm về mạch, chíp, bán dẫn, sóng… Tất cả các kiến thức đó, tôi ghi
chép lại cẩn thận rồi bắt đầu lân la đến các điểm thu mua phế liệu, tìm
những thiết bị mình cần mua về nghiên cứu, làm thử… nhưng vất vả vô
cùng”, anh Thạnh chia sẻ.
Quên ăn, ngủ… vì mê sáng chế
“Nói thật, mình chỉ học đến hết lớp 9 và chỉ có ít kiến thức bỏ túi
về điện gia dụng, nên khi bắt tay vào làm hệ thống tưới nước, pha thuốc
tự động gặp không ít khó khăn về chuyên môn. Tuy nhiên, được cái là tôi
suy nghĩ tới đâu là làm ngay tới đó. Những cái bí quá thì ghi lại rồi
tìm gặp các anh kỹ sư về điện hỏi thăm. Nhiều lúc vì cuốn vào công việc
chuyện ăn, chuyện ngủ cũng quên luôn. Cũng may có bà xã nhắc nhở và hậu
thuẫn phía sau nên có sức, động lực nghiên cứu tiếp”, anh Thạnh tâm sự.
Còn đây là hệ thống pha thuốc tự động. Mỗi lần pha thuốc
được 4 loại và
khi việc pha thuốc xong, anh chỉ cần nhấn
OK thì hệ thống phun thuốc
ngoài vườn sẽ hoạt động
Theo anh Thạnh, sau hơn 4 tháng trời ròng rã tháo lắp hàng trăm lần,
cuối cùng anh cũng lắp đặt thành công hệ thống tưới nước, pha thuốc tự
động điều khiển bằng remote; tuy nhiên khoảng cách điều khiển chỉ 20 -
30m và phải chạy khắp vườn để rà sóng. Thấy các bất cập này, anh Thạnh
tiếp tục lao vào nghiên cứu làm sao khoảng cách điều khiển xa hơn và
không phải chạy khắp vườn. Cuối cùng anh nghĩ đến sóng điện thoại, nhưng
cách đấu nối, lắp sim số thế nào vào bộ điều khiển anh đều mù tịt…
Không nản chí, anh tiếp tục tìm đến những anh bạn kỹ sư và tìm hiểu trên
internet…
Và chỉ sau một tuần, anh Thạnh đã đưa một sim số vào bộ điều khiển,
thiết lập lệnh tắt mở, thời gian hoạt động của mỗi van… Sau đó anh chỉ
cần vài thao tác trên cái điện thoại “cùi bắp” của anh là hệ thống hoạt
động trơn tru.
“Tôi còn nhớ, hôm thử nghiệm thành công hệ thống tưới cây, pha thuốc điều khiển bằng điện thoại, suốt đêm đó tôi không sao ngủ được vì
vui mừng. Bây giờ, dù tôi ở bất kỳ nơi đâu miễn có sóng điện thoại là
tôi có thể tưới nước, phun thuốc cho vườn quýt một cách đúng liều lượng,
thời gian mà tôi muốn”, anh Thạnh tự hào nói.
Nói về hiệu quả của hệ thống tưới nước, pha thuốc tự động điều khiển
bằng điện thoại của mình, anh Thạnh cho biết: Trước đây để tưới nước cho
5 công vườn, anh phải tưới từ 7 giờ sáng cho đến 14 giờ chiều. Còn bây
giờ, chỉ với cái mô tơ 5 ngựa, anh Thạnh thiết kế 6 van (mỗi van 100
béc), thời gian tưới nước của mỗi van là 10 phút thì việc tưới nước chỉ
mất 60 phút.
Riêng việc phun thuốc, trước đây cần phải 2 - 3 người và mất hơn nửa
ngày mới xong thì bây giờ chỉ cần một người mở nắp chai thuốc (mỗi lần
pha được 4 loại thuốc khác nhau) thì tất cả lượng thuốc mỗi loại, lượng
nước pha thuốc đến phun thuốc đều tự động hết. Đặc biệt, khi phun thuốc
gặp sự cố về ống dẫn hay anh Thạnh muốn nghỉ tiếp khách, anh chỉ cần một
lệnh tắt trên điện thoại là hệ thống ngưng ngay, không phải đi 100 –
200m mới đến tắt điện.
Đầu béc phun nước anh thiết kế nằm cách mặt đất khoảng
50cm, còn các đầu
bec phun thuốc thì đặt cao hơn ngọn cây
quýt để việc phun thuốc đều
xuống các tán lá.
Và điều bất ngờ là chi phí làm ra “Hệ thống phun thuốc, tưới cây điều
khiển bằng điện thoại di động" của anh Thạnh chỉ trên dưới 3 triệu
đồng. Còn những chủ vườn nào muốn lắp đặt các thiết bị mới, loại tốt
nhất thì theo anh Thạnh cao lắm chỉ 5 triệu đồng.
Anh Đỗ Hiếu Nghĩa - ấp Thới Hòa, xã Vĩnh Thới nói: “Khi hệ thống tưới
cây, phun thuốc của anh Thạnh thành công, nhiều bà con ở đây và các
tỉnh miền Trung cũng đến nhờ anh lắp ráp. Bởi vì tôi thấy từ khi lắp đặt
hệ thống này có nhiều cái lợi, như: nhẹ công lao động, ít tốn chi phí
tiền điện, thời gian, nhất là chủ vườn có thể chủ động trong việc tưới
tiêu và phun thuốc dù không ở nhà. Đặc biệt, nhờ hệ thống pha thuốc và
phun thuốc tự động giúp bà con chúng tôi không phải tiếp xúc với hóa
chất độc hại”.
Giờ đây, dù anh đang đi ăn cưới, tiệc giỗ... nhưng việc tưới nước, phun
thuốc
cho vườn quýt vẫn đảm bảo vì chỉ cần thông qua chiếc điện thoài
này
Hỏi thăm về bản quyền hệ thống phun thuốc, tươi cây của anh Thạnh,
anh cười xòa cho biết: “Tôi cũng là một nông dân nên thấy bất cập trong
sản xuất rồi cố gắng làm ra hệ thống này để nhẹ công, giảm chi phí cho
bà con chứ chưa nghĩ đến chuyện kinh doanh nên không nghĩ đến chuyện
đăng ký bản quyền tác giả gì hết. Tuy nhiên, 4/3/2016 vừa rồi, ông
Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp có đến thăm và xem hệ thống tôi
hoạt động, ông rất tâm đắc và có chỉ đạo Sở Khoa học Công nghệ tỉnh
hỗ trợ tôi làm hồ sơ đăng ký bản quyền sáng chế “Hệ thống pha thuốc tự
động - Phun tưới nước điều khiển bằng điện thoại di động” để phục vụ
nông nghiệp. Hiện nay tôi đang hoàn thành hồ sơ đăng ký theo hướng dẫn
của các ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp", anh Thạnh cho biết.
Ông Huỳnh Văn Tồn - Phó Phòng Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn huyện Lai Vung cho biết: “Khi anh Thạnh sáng chế
ra hệ thống pha thuốc tự động, phun tưới nước điều khiển bằng điện thoại
di động, chúng tôi có đến thăm quan và nhận thấy hệ thống rất hữu ích
cho bà con làm vườn trong việc tưới tiêu, phun thuốc. Ngoài tiện ích
giúp bà con giảm chi phí sản xuất trong khâu nhân công, tiền điện, tránh
tiếp xúc với hóa chất độc hại thì cái tiện ích nữa là bà con có thể
tưới cây, phun thuốc ngay cả khi bà con không có ở nhà. Riêng cách tưới
nước bằng béc, một mặt làm nước thấm đều, không làm phân thuốc trôi như
tưới tay thì cách tưới này còn tạo được độ ẩm tốt cho vườn, nhất là
trong mùa nắng nóng này”.
(DÂN TRÍ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét