Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

TIN KHÓ TIN: ĐỐT LÚA TẾ TRỜI, ÔM MẶT MÁU VÌ NGHE NHÀ CÁI GỌI TÊN

Lại là cái chân, nhưng lần này thì chết người thật chứ không phải cưa chân các mẹ ạ. "Cái chân chết" diễn ra cùng thời điểm Bộ trưởng Bộ Y tế ở nhà "cái chân cưa" và nói về sự hết sức đau lòng của ngành y tế. Tất nhiên Tin khó tin hôm nay không chỉ có mỗi cái chân nhưng lại là chuyện của những... cái chân u u minh minh và nạn nhận là số đông ngây ngây thơ thơ cứ ôm mặt máu suốt vì đua đòi bọn tư bản giãy chết chơi trò "nhà cái gọi tên". 

1. Khó dạy học sinh chống tham nhũng

Nhiều giáo viên đang la làng vì nội dung phòng chống tham nhũng được đưa vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đã được hai năm nhưng hầu hết các trường vẫn lúng túng, mơ hồ vì không biết dạy gì, dạy như thế nào?

Cô Lê Thị Lý - tổ trưởng tổ giáo dục công dân Trường THPT Trần 
Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM - dạy Luật phòng chống tham nhũng 
cho học sinh lớp 10A9 - Ảnh: TTO
 
Lý do các giáo viên đưa ra là nếu nói thật thì các em sẽ mất niềm tin, nhưng nếu tô hồng thì các em cũng chẳng tin bởi học sinh hiện nay biết rất nhiều chuyện tham nhũng từ báo chí, từ các trang mạng xã hội và do người lớn kể lại.

Nhà cháu thì thấy dạy về tham nhũng mà trong 3 năm dạy đúng 6 tiết lại vướng này vướng nọ thì bỏ đi cho nhẹ đầu các em. Dạy kiểu đó khác gì dạy về giới tính, trong lúc trẻ con bây giờ lớp 6 đã biết rủ nhau đi nhà nghỉ xxx nhưng các thầy cô trên lớp thì cứ úp mở úp mở đến sốt ruột!

Phần nữa nhà cháu nghĩ môi trường giáo dục bây giờ bẩn quá, học sinh muốn học trái tuyến thì phải đưa tiền cho thầy cô; sinh viên sư phạm mới ra trường muốn được đi dạy, thậm chí lên miền núi xa xôi cũng phải mất tiền đút lót trăm này trăm kia.

Thầy cô muốn đi làm quan phòng, quan sở, thậm chí hiệu trưởng hiệu phó cũng đưa phong bì mỏi cả tay… Bây giờ mở mồm tán chuyện tham nhũng hối lộ thì ngượng chết nên khó là đúng rồi!

Là chưa kể tha hóa, tiêu cực trong chính môi trường giáo dục thì ngày nào cũng bị “phát” ra rả trên báo đài. Gần nhất là vụ tiền hỗ trợ học tập cho học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã bị một cá nhân ở Trường THCS-THPT Tây Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Đồng Nai) chiếm dụng.

Nhà cháu nghĩ thôi cứ nhắm mắt mà kêu gào học sinh của mình “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” cho nó lành!




2. Đốt lúa "tế" trời

Người dân Kiên Giang đốt lúa để "tế" trời. Ảnh: VietnamNet 
 
Thật khó tin khi ĐBSCL là vùng sông nước, nhưng những ngày này, người dân ở Bến Tre lại phải trả một mức giá cao kỷ lục để mua nước ngọt: 200 ngàn đồng cho một khối nước hút từ dưới sông lên. Toàn tỉnh có gần 20.000 ha lúa bị mất trắng và chết khô nên người dân không còn cách nào khác là cắt làm cỏ cho bò ăn… Còn ở Kiên Giang, người dân rưng rưng nước mắt đốt lúa để... tế trời! 

Mà đâu chỉ mỗi Bến Tre, Kiên Giang, cả 13 tỉnh ĐBSCL đang quay quắt trong khô hạn lịch sử 100 năm qua chưa thấy, bây giờ chỉ còn cách ngửa mặt “lạy trời mưa xuống” và trông về phương Bắc chờ Trung Quốc xả nước hồ thủy điện dù chưa biết thực hư thế nào.

Nhưng ngay cả “thực hư thế nào” cũng vừa bị dội một xô nước đá – đúng nghĩa khi ông Trần Đức Cường, Phó Chánh văn phòng Ủy hội sông Mê Kông cho biết phải mất 2-3 tuần, nước mới về đến Việt Nam và chỉ giải quyết được một phần khả năng cứu hạn ở hạ lưu.

Còn ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái ĐBSCL nói Việt Nam đề nghị Trung Quốc xả nước để cứu hạn cho ĐBSCL sẽ không hiệu quả bởi nước được xả từ hồ thủy điện Trung Quốc khó vượt qua 4.200 km để tới Việt Nam, và có về thì cũng chỉ 3-4%.

Nghe xong thấy chân tay rũ rượi!




3. Dân kêu trời, quan chức… xanh mặt!

Hạn hán lịch sử không chỉ có mỗi 13 tỉnh ĐBSCL mà đã lan tới miền Trung – Tây Nguyên. Dân tình khốn khổ kêu trời đã đành, quan chức sướng như tiên cũng lo đến xanh mặt vì “ông hạn hán” vô tình làm lòi ra nhiều chuyện trời ơi đất hỡi.

Người dân Gia Lai phải “lọc” nước còn sót lại ở 
sông, suối để sinh hoạt. Ảnh: Lao Động
 
Ví như ở Gia Lai, phải đến khi có gần 5.500 hộ với hàng chục ngàn con người quay cuồng vì thiếu nước sinh hoạt thì mới vỡ ra một sự thật cay đắng: Toàn tỉnh có 124 công trình nước tập trung (tự chảy, giếng khoan), mỗi công trình có mức đầu tư cao nhất 5 tỷ đồng, thấp nhất 200 triệu đồng gần như không hoạt động!

Nghĩa là đã có hàng trăm tỷ đồng tiền thuế của dân mang đầu tư cho các công trình nước sạch tại đây coi như đổ sông đổ biển!

Lãng phí, nhưng vẫn chỉ là muỗi nếu so với đại dự án thép gần 4000 tỷ đồng, sau 2 lần dang dở đã đội vốn lên hơn 8000 tỷ đồng nhưng xây dựng suốt 10 năm qua vẫn không thể hoàn thành khiến hàng ngàn tỷ đồng thiết bị hoen gỉ, hoang tàn do phơi nắng đội mưa ở Thái Nguyên.

Nghe đâu người ta đang bàn nhau để sắp tới đại dự án này được đội vốn lên hơn 9 ngàn tỷ đồng!



4. Lại cái chân, nhưng lần này thì chết người thật rồi

Cáo phó: Rạng sáng hôm qua (18.3), bệnh nhân Trần Thị Là (47 tuổi, trú Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng) tử vong tại Bệnh viện Đà Nẵng sau khi được đưa vào đây phẫu thuật chữa chân bị gãy sau 9 ngày nằm chờ.
Cũng hôm qua, khi đến thăm và động viên gia đình nữ sinh Lê Thị Hà Vi bị cưa chân ở Gia Lai, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói rằng “để xảy ra sự việc vừa qua là việc hết sức đau lòng đối với ngành y tế” và hứa sẽ lo cho tương lai của Vy.

Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên 
gia đình bệnh nhân Hà Vi. Ảnh: Công an nhân dân 
 
Nhưng nhiều khả năng chẳng có sự đau lòng nào của ngành y tế đối với cái chết do chữa chân bị gãy ở Bệnh viện Đà Nẵng bởi bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, giám đốc Sở Y tế, và ban giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng đã thống nhất với nhau là “bệnh viện tiến hành ca này theo đúng quy trình chuyên môn".

Thật ra là nhà cháu đang kể về một vụ án hiếp dâm rất buồn cười đã xử đi xử lại đến hai lần vẫn chưa ra chuyện bởi bị hại khai là đã hai lần tuột quần, còn bị cáo khai chỉ là vào trộm gà, bị cháu gái phát hiện và dọa đi méc người lớn nên chạy theo kéo lại và lỡ tay kéo nhầm cái quần!

Và mặc dù chỉ kéo nhầm cái quần, nhưng bị cáo sau đó đã phải bồi thường vì “cán bộ dụ rằng tôi đã từng có tội trộm một lần nên phải bồi thường để được án nhẹ. Tôi bồi thường không phải vì đã hiếp dâm mà là bồi thường vì bé V. nghỉ học mấy ngày, cha bé cũng nghỉ làm mấy ngày”.

Ngoài ra bị cáo khai còn bị và bị Viện kiểm sát dụ rằng nhận tội đi sẽ sửa cáo trạng, xử 2-3 năm thôi…

Nói chung nhà cháu thấy nhiều chuyện ở xứ mình từ lớn đến bé, không hiểu sao cứ u u minh minh, toàn nói dzậy mà không phải dzậy, ai đó cứ ngây ngây thơ thơ  mà “nhà cái gọi tên” như trò cá độ của bọn tư bản giãy chết thì chỉ có ôm mặt máu!




Ấn tượng trong ngày: Thụ án trong trại giam nhưng phát hiện chết ở nhà! 

Vụ này mới là đỉnh cao của tin khó tin các mẹ ạ!

Chuyện là phạm nhân Nguyễn Văn Định (42 tuổi, trú ở Cẩm Thượng, TP Hải Dương) là người đang thụ án 8 tháng tù giam về tội Tổ chức đánh bạc tại trại tạm giam công an tỉnh Hải Dương.

Ông Đặng Văn Tùng, Giám thị Trại tạm giam Kim Chi (Công an 
tỉnh Hải Dương) thông tin về vụ phạm nhân đang thụ án nhưng 
lại chết ở nhà riêng. Ảnh: Zing
 
Phạm nhân Định bắt đầu thi hành án từ giữa tháng 11.2015. Tuy cách đây 4 hôm, tức vẫn còn trong thời gian chấp hành hình phạt, phạm nhân Định được phát hiện treo cổ chết tại… nhà riêng!

Nhà cháu nghe thất kinh, lập tức liên tưởng đến phép độn thổ, phân thân của Tề Thiên Đại Thánh!

Hoang đường đến thế là cùng!  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét