Dự án ngàn tỉ đồng lát đá granite cho những vỉa hè Sài Gòn đã vấp
phải những lời phản ứng dữ dội từ dân chúng. Ngày 29.3, UBND Quận 1 đã
phải tổ chức họp báo để cải chính. Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch
UBND nói rằng thông tin trước đó không chính xác.
Tiếc thay, ngay cả những thông tin “nói lại cho rõ” của đại diện UBND
Quận 1 cũng có điều gì đó chưa minh bạch, lại càng dấy lên sự xao động
trong suy nghĩ của dân chúng, rằng vào thời điểm đầy khó khăn của nền
kinh tế, của doanh nghiệp… tại sao chính quyền vẽ ra dự án xa xỉ và
không hợp lý này để làm gì.
Theo bà Hường, thì tin tức lát vỉa hè ngàn tỉ ở các vỉa hè là việc
còn đang bàn tính, vẫn còn đợi ý kiến của UBND thành phố và các chuyên
gia. Thế nhưng tuyên bố của ông Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cho
dự án tiêu tốn ngàn tỉ này lại khá rõ ràng, là các vỉa hè sẽ được lát đá
granite từ đây đến năm 2019 là đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thái
Học, Phùng Khắc Khoan, Đồng Khởi và Công xã Paris. Thậm chí loại đá hoa
cương cũng đã được tính cụ thể, dù ngay lúc này, các chuyên gia xây dựng
đều bộc lộ sự lo ngại.
Thật là trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Bất kỳ ai theo dõi thông tin
này đều cảm giác rằng mọi thứ như chỉ là cách “đối phó” quấy quá của
chính quyền địa phương trước cơn bão dư luận.
Sài Gòn năm qua đã có những cơn mưa gây ngập lụt ngay con đường trung
tâm. Việc bê-tông hoá các con đường và vỉa hè là một vấn nạn được báo
trước về việc khó khăn thoát nước, cũng như dễ gây tai nạn do trơn trợt.
Ý kiến hầu hết các chuyên gia về công trình và phát triển đô thị đều có
chung một điểm thắc mắc: ai đã tư vấn dự án cho UBND Quận 1 mà lại
thiếu kiến thức và không lường được lợi hại như vậy. Nếu không có đợt
phản ứng gay gắt của báo chí và công chúng, không khéo việc lát đá hoa
cương ngàn tỉ này đã âm thầm khởi sự, nhân dân chỉ còn nhìn theo như
chuyện đã rồi.
Tương tự như trường hợp về tin tức Chính quyền Sài Gòn sẽ chặt 300
cây xanh có tuổi bằng thế kỷ, làm cho nhiều bạn trẻ xuống đường giăng
biểu ngữ, ôm cây và đưa thỉnh nguyện thư, tình hình chỉ được làm dịu đi
bằng một cuộc họp báo cho biết rằng “thật ra chỉ chặt, bứng đi có 16
cây” mà thôi.
Vì sao nhân dân luôn là người được biết cuối cùng, và phải cùng nhau
vội vã tỏ thái độ mạnh mẽ vào giờ cuối để mong xoay chuyển vấn đề sai
lầm, tự quyết của một cá nhân hay một nhóm người nào đó? Và trong những
câu chuyện dân sự đơn giản ấy, chính quyền lại hay thể hiện thái độ đối
phó kém cỏi bằng việc đưa công an, dân phòng ra đe nẹt người bảo vệ môi
trường, bao vây người khác ý kiến. Mối quan hệ giữa dân và quan ngày
càng lạnh lẽo và nát ngầu từ đó.
Trong những lời cải chính từ bà Hường, đại diện cho UBND quận 1, cũng
có ngầm bộc lộ sự kiêu hãnh rằng quận không xin tiền ngân sách hay của
ai, mà chỉ vận động doanh nghiệp trong quận cho… mượn góp vốn rồi trả
dần. Quả là cách nói của quận giàu có nhất Sài Gòn với nguồn thu đến
8.500 tỉ đồng một năm.
Nhưng ngay trong việc “trả dần” trong vài năm, số tiền 1.000 tỉ lát
đá đó cũng cần minh bạch về quy trình, cách trả… vì đó cũng là tiền thuế
của người dân đóng góp chứ không hề là tiền riêng của quận 1. Số tiền
“trả dần” ấy, bớt đi bao nhiêu từ quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ nhân đạo… của
quận 1? Sự minh bạch ắt là cần thiết.
Thường thì các cá nhân, doanh nghiệp khi đóng góp vào sự tôn tạo,
phát triển của thành phố vẫn được ghi danh với lòng biết ơn. Đó là cách
mà cả thế giới này đang hành xử. Vì sao các doanh nghiệp hảo tâm và tử
tế ấy có thể góp đến 1.000 tỉ cho người dân thành phố lại chỉ được nói
đến… nặc danh và qua loa? Hay đây cũng chỉ là một cách nói để đối phó
của chính quyền, như một thói quen để vượt thoát trước các cơn khủng
hoảng?
(NS TUẤN KHANH)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét