Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2016

VIẾT ĐỂ DẶN MÌNH - Chung Le

 
Người đàn bà đó theo chồng sang đây theo diện HO. Ngoài ba mươi tuổi, tiếng Anh không biết một câu, chị theo người ta đi làm ở tiệm sơn móng tay, phụ chồng nuôi ba đứa con ăn học. Rồi cũng giống như nhiều trường hợp xảy ra khi gian khó qua đi. Người đàn ông có mác "Việt Kiều" trong một chuyến thăm quê đã có thêm người đàn bà khác. Chị tiếp tục đi làm ở tiệm Nail, nuôi con và lần lượt dựng vợ gả chồng cho từng đứa một. Cháu nội, cháu ngoại đi Day Care từ bé. Thỉnh thoảng cuối tuần, lễ tết, bà cháu gặp nhau, hai bên chỉ nói được "I love you" - Cháu yêu bà/Bà yêu cháu là hết vốn.
 
Mấy tuần trước, chị phải đi bệnh viện vì đau dạ dày. Nghề của chị, hầu như ai cũng bị bệnh này vì ăn uống thất thường. Nhiều khi ba bốn giờ chiều, vãn khách, mới cho hộp cơm vào lò vi sóng hâm lên, ăn trưa. Bữa tối thành bữa khuya. Ăn xong vội vàng tắm rửa, nghỉ ngơi để lấy sức ngày hôm sau còn "chiến đấu" tiếp. 
 
Hôm ấy chị bị đau tại tiệm nên mọi người gọi xe cấp cứu đưa chị đi.. Bảy giờ tối, chị gọi điện cho các con, dặn sau khi có kết quả xét nghiệm, bệnh viện cho về thì đến đón chị về nhà. Cô con gái lớn ở cách chị chừng một giờ lái xe, nói qua điện thoại: "Má gọi taxi về nhà luôn đi. Con đến đón má vừa mất thời gian, vừa hao "miles" (Ở xứ này, giá trị của xe phụ thuộc một phần vào odometer - Đồng hồ đo quãng đường. Xe đi càng nhiều dặm thì khi bán lại, giá càng thấp). 
 
Cô con gái thứ hai, sau khi nghe mẹ trình bày nói luôn: "Buổi tối con còn bận kiểm tra bài tập về nhà cho thằng Tôm. Sau đó còn phải đọc chuyện cho Jenny trước khi đi ngủ. Sau chín giờ, con tắt điện thoại. Buổi sáng, sáu giờ con đã phải dậy để lo cho hai đứa ăn rồi còn đưa chúng đến trường". Chị bảo: "Con thương Tôm với Jenny thế nào thì ngày trước má cũng thương các con như vậy". Cô thứ hai ngắt lời: "Con biết. Nhưng yêu thương con vừa là niềm vui, vừa là trách nhiệm của những người làm cha mẹ..."
 
Cậu con trai út ở cách bệnh viện chị nằm không xa. "Khi nào xong, má gọi điện là con sẽ tới". Bệnh viện cho chị về từ lúc 10 giờ. Quá nửa đêm, cậu út mới xuất hiện ở cửa phòng chờ. "Con xin lỗi. Tụi con tụ tập coi đá banh. Ồn ào quá thành ra không nghe được điện thoại của má".
 
Kể cho mình nghe xong câu chuyện, chị nói lẫy sẽ "từ mặt" cả ba đứa con.
 
***
 
Đối diện nhà mình có một cụ bà ngoài chín mươi.. Bà sống một mình mấy chục năm nay. Trong nhà lúc nào cũng bật TV để nghe có tiếng người nói chuyện. Mỗi khi cần ra ngoài, shopping hoặc xuống phòng giặt, bà thường trang điểm, ăn mặc đẹp - trang nhã mà lịch sự. Tết lễ, bà đi sắm quà cho tất cả con trai, con gái, con dâu, con rể, cháu, chắt. Chắt nội của bà bằng tuổi con gái mình. Thỉnh thoảng chúng thay ông bà, cha mẹ, đến chơi và thăm cụ. Mấy năm gần đây, họ sắm cho bà thêm chiếc chuông báo động đeo ở cổ. Khi cần, chỉ cần bấm nút cấp cứu là người trong Ban quản lý của Building sẽ tới ngay và gọi điện cho xe cấp cứu. 
 
Về một khía cạnh nào đó, cô con gái cả của chị "có lý" khi không đi đón mẹ. Taxi từ bệnh viện về nhà chị cùng lắm mất 50$. Con gái chị cả đi lẫn về mất luôn vài tiếng. Nếu chị cần chăm sóc đặc biệt, chắc chắn bệnh viện sẽ không để cho chị về. Chị là công dân Mỹ, chính sách an sinh xã hội của nước này cho phép chị được có người đến chăm sóc theo giờ, tùy theo tình trạng sức khỏe. Mình sử dụng "quyền lợi" đó để khỏi phiền đến con cái.
 
Cô con gái thứ hai của chị nói "thẳng tưng" nhưng cũng phần nào "có lý". Có rất nhiều lý do để chúng ta muốn được trở thành cha mẹ. Có người muốn sinh ra đứa con để ràng buộc với người đàn ông mình trót yêu thương. Đứa con làm cho gia đình trở nên gắn kết. Và hơn cả là ai cũng có nhu cầu yêu thương và được yêu thương. Sinh con là để được rót thương yêu vào một sinh linh máu thịt - do mình và của mình. Trẻ con không tự quyết định được sinh ra ở đâu và như thế nào. Nếu có quyền lựa chọn, chắc gì mình đã được làm cha mẹ chúng. Nhiều người coi chuyện thức khuya dậy sớm chăm con khi còn bé là một khoản "cho vay". Đợi khi già yếu mới đem ra cộng sổ. Trẻ con chỉ cần sau 3 năm đã "mồm nói, miệng ăn, chân chạy". Nhiều đứa trẻ mồ côi, năm, sáu tuổi bị quẳng ra đời vẫn sống. Nhưng về già, có người nằm một chỗ tới năm, sáu bảy năm, thậm chí cả chục năm trời mới được các cụ về đón đi. Nói theo ngôn ngữ ngân hàng, thì đây là món nợ với lãi suất "khủng". Khác với chuẩn mực hiếu đễ "tam đại đồng đường" của xứ mình, người Mỹ sống tách với con cái từ khi còn trẻ để tránh những "xung đột thế hệ". Những chuyện bất hòa giữa cha mẹ và con cái theo thời gian sẽ tích tụ lại rất dễ gây bùng nổ. "Giận mất khôn", nhiều khi chúng ta làm đau đớn nhau vì những điều không đáng có.
 
Mình và "ông lão" nhà mình đã thống nhất với nhau. Lúc còn sức khỏe thì đi làm, đi chơi, cố gắng dành dụm cho tiền vào bít tất. Về già có bao nhiêu dùng bấy nhiêu. Ốm đau, đưa nhau vào viện dưỡng lão. "Món nợ" bỉm sửa mình đòi lại con cháu là những chuyến ghé thăm. Thăm để cho các nhân viên điều dưỡng không vì thấy mình hết người thân thích mà "xài xể". Thăm để mình được nói lời yêu thương với con cái, cháu chắt. Và thăm để mình yên trí rằng, khi mình đi sang thế giới bên kia, mình còn để lại ở thế giới này những khúc ruột nối dài.... 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét