Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

MUỐN KINH TẾ PHÁT TRIỂN PHẢI BỎ TẾT ÂM LỊCH? - BS Võ Xuân Sơn


Năm nào đến dịp Tết Nguyên Đán là cũng lại ồn ào cái vụ nên hay không nên bỏ Tết Âm lịch. Những người chủ trương bỏ Tết Âm lịch gán cho nó đủ thứ tội, rằng nghỉ Tết lâu khiến con người ta chây lười, giảm năng suất lao động, bia rượu nhiều thì gia tăng tai nạn giao thông, gia tăng tệ nạn. Rồi thì những vấn đề đi theo Tết như biếu xén, hối lộ... Việc Nhật bản đã bỏ ăn Tết nguyên Đán truyền thống, chuyển qua ăn Tết dương lịch, và là nước phát triển, cũng là lí do để mọi người đưa ra.

Tôi không bàn đến khía cạnh tích cực và tính truyền thống của Tết Âm lịch, tôi chỉ bàn đến ngay chính những lí do mà những người chủ trương bỏ Tết Âm lịch truyền thống đưa ra.

Hiện nay, theo thống kê của cá nhân tôi, trên thế giới có 7 nước kỉ niệm Tết Nguyên Đán, gồm Việt nam, Trung quốc, Mông cổ, Triều tiên, Hàn Quốc, Đài loan, Singapore. Ngoài 4 nước thuộc hệ thống XHCN trước đây, 3 nước Hàn quốc, Đài loan và Singapore là những nước phát triển. Cả 3 nước này có xuất phát điểm giống như Việt nam ta (thậm chí thấp hơn) ở khoảng 50 - 60 năm về trước, và bây giờ họ là những nước phát triển, GDP đầu người hơn chúng ta rất nhiều lần. Có vẻ như Tết Âm lịch không phải là nguyên nhân làm cho kinh tế chúng ta kém phát triển.


Trong 4 nước thuộc hệ thống XHCN, Trung quốc giữ được hòa bình từ 66 năm nay. Kể từ năm 1972, Trung quốc bắt đầu chương trình đổi mới, 44 năm không còn tuân thủ tuyệt đối đường lối kinh tế XHCN nữa. Và bây giờ Trung quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, có sức mạnh kinh tế có thể làm lay chuyển thế giới. Chắc chắn rằng các nhà lãnh đạo Trung quốc đã nhìn thấy cái gì thực sự kìm hãm sự phát triển kinh tế, mà không phải là Tết Âm lịch, vì họ vẫn giữ Tết Âm lịch.

Còn lại 3 nước nghèo là Việt nam, Mông cổ và Triều tiên. Chúng ta có quá ít thông tin về Mông cổ và Triều Tiên, nên không thể bàn luận được. Nhưng chỉ cần nhìn Việt nam, chúng ta cũng có thể thấy sự khác biệt. So Với Hàn quốc, Đài loan và Singapore là 3 nước có xuất phát điểm khá gần với chúng ta ở khoảng những năm 1950, chúng ta thua họ cái gì? Năng suất lao động thấp, tài nguyên trí tuệ khá nghèo nàn, việc sử dụng tài nguyên trí tuệ lại quá lãng phí. Chắc chắn những cái thua ấy không phải do việc ăn Tết Âm lịch mang lại, vì họ cũng ăn Tết Âm lịch.

Chúng ta một một nền kinh tế không giống ai, kinh tế thị trường định hướng XHCN. Chúng ta có một chính quyền có chỉ số minh bạch thuộc hàng chót bảng. Chúng ta có một nền giáo dục liên tục cải cách, liên tục sửa đổi, mấy thế hệ liên tục đều là sản phẩm của giáo dục thử nghiệm… hỏng. Chúng ta có một bộ máy quản lí đông đảo, ăn hết một lượng lớn ngân sách, mà một vài vị có trách nhiệm bảo rằng, có bỏ đi 30% thì cũng chẳng chết thằng tây nào (có kẻ ác khẩu bảo bỏ đi tới 70% cũng chẳng sao). Chúng ta có những chính sách tận thu kì diệu, đến mức mà chi phí chính thức của chúng ta (ví dụ như logistic) luôn thuộc hàng cao nhất thế giới. Chúng ta có bộ máy tham nhũng khổng lồ, mà những chuyên gia phải thốt lên: muốn có 1 đồng tiền lãi, phải chi 1 đồng tiền “bôi trơn”. Chúng ta có những quan chức có trình độ nhận thức mà những phát biểu của họ trở thành trò cười cho thiên hạ…

Tại sao chúng ta không nhìn thẳng vào những điều ấy, mà đổ cho Tết Âm lịch? Có ai dám chắc rằng sau khi bỏ Tết Âm lịch, người ta sẽ không chuyển tất cả mọi tệ nạn liên quan đến Tết hiện nay sang cái Tết mới không? Có ai dám chắc rằng sau khi bỏ Tết Âm lịch, sẽ không còn cảnh nhậu nhẹt lu bù? Có ai dám chắc rằng sau khi bỏ Tết Âm lịch, sẽ không còn những màn quà cáp biếu xén không mang tính tình cảm? Có ai dám chắc rằng sau khi bỏ Tết Âm lịch, không có ai, kể cả các ông to bà lớn đi hết đền này đến đình kia để cầu lộc, cầu tài? Có ai dám chắc rằng sau khi bỏ Tết Âm lịch thì tất cả công nhân sẽ đi làm đúng ngày đúng giờ? 

Rồi khi không còn Tết Âm lịch nữa, chúng ta sẽ đòi bỏ cái gì nữa? Hãy bỏ cái cần bỏ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét