Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

DÂN TRUNG QUỐC SẮP PHẢI "ĂN ĐỘN" KHOAI TÂY THAY CƠM


Theo báo USA Today (Mỹ), dân Trung Quốc sắp phải "ăn độn" khoai tây thay cơm, vì chính quyền muốn tiết kiệm tài nguyên đất và nước. 

 

 

Dân Trung Quốc sắp phải "ăn độn" khoai tây thay cơm, khi Bắc Kinh đặt ra kế hoạch chuyển loại khoai này thành thực phẩm chính thay thế gạo.

Theo chính phủ Trung Quốc, việc thay đổi này là cần thiết, khi nguồn tài nguyên đất và nước ngày càng ít đi. Bắc Kinh cũng phải đảm bảo cung cấp đủ thực phẩm để nuôi sống 1,3 tỷ người dân Trung Quốc.
Trong một phòng thí nghiệm cách thành phố Bắc Kinh 50 dặm về phía bắc, các kỹ  thuật viên đang thực hiện nhân giống khoai tây, bằng cách bỏ những mầm cây đã tước lá vào các lọ phân tăng trưởng.
“Đây là cách nhanh nhất để có được những hạt giống khoai tây tốt”, Lý Hoa Minh, giám đốc của công ty Xisen Potato, người phụ trách phòng thí nghiệm này cho biết.
Việc sản xuất ra những hạt giống khoai tây này là một công việc rất quan trọng: phục vụ cho kế hoạch chuyển khoai tây trở thành thực phẩm chính tại Trung Quốc, đất nước có truyền thống ăn cơm từ hàng nghìn năm nay.
So với lúa, lúa mì và bắp, khoai tây chỉ cần 70% lượng nước để trồng các loại lương thực trên, nhưng lại cung cấp nhiều calorie và vitamin hơn.
Vì vậy, ngày càng có nhiều người chuyển sang trồng khoai tây, và chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích người dân tiêu thụ loại thực phẩm này.
Dư Tận Vinh, Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc, trong một bài phát biểu vào năm 2015  đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của phát triển việc trồng và tiêu thụ khoai tây.
“Sự đói kém sẽ gây ra bất bình trong người dân…Việc phát triển ngành công nghiệp khoai tây và đưa khoai tây trở thành thực phẩm tiêu thụ chính tại nước ta sẽ là một bước phát triển mới của công nghiệp nước nhà”, Bộ trưởng Dư cho biết.
Tuy nhiên, việc tăng diện tích trồng khoai tây thì rất dễ dàng, vấn đề nằm ở việc kêu gọi người dân sử dụng khoai tây nhiều hơn.
Trung Quốc vốn đã là nước đứng đầu về sản xuất khoai tây, nhưng có đến một nửa trong số 95 triệu tấn khoai tây mà nước này sản xuất được xuất khẩu hàng năm, hoặc làm thức ăn cho gia súc.
Người Trung Quốc ít ăn khoai tây. Loại thực phẩm này không hề có mặt trong các bữa ăn của người dân, và khoai tây bị cho là chỉ dành cho tầng lớp đói nghèo, còn tầng lớp cao quý phải ăn cơm và những thực phẩm làm ra từ gạo.
Ngoài ra, một lý do khác khiến việc thay đổi gặp khó khăn, chính là quan niệm xem khoai tây là một loại rau củ được dùng kèm với gạo, thay vì là một loại thực phẩm chính, và nó chỉ có mặt trong các bữa ăn rẻ tiền dành cho công nhân và học sinh, sinh viên.
Quách Văn Kiến, đầu bếp một nhà hàng tại Bắc Kinh, cho biết, “khoai tây rất ít được sử dụng trong các món ăn cao cấp”.
Ngược lại, gạo và mì lại được tôn vinh trong văn hóa ẩm thực Trung Hoa: gạo tượng trưng cho sự văn minh, còn mì tượng trưng cho trường thọ.
Để khuyến khích người dân tiêu thụ nhiều khoai tây, chính phủ và doanh nghiệp nước này đã phải dùng đến các chiến dịch tuyên truyền kết hợp với việc bán với giá ưu đãi và giới thiệu nhiều sản phẩm chế biến từ khoai tây.
Gần đây, công ty Xinsen Potato và Haleida đã giới thiệu loại bánh bao làm từ bột mì pha bột khoai tây.
Một số công ty lại chọn cách làm khác: dùng khoai tây để chế biến các món ăn phương Tây.

Mã Đức Phi, một doanh nhân Trung Quốc, cho biết trong năm nay sẽ lập ra một chuỗi các quán ăn phục vụ các món ăn chế biến từ khoai tây.
Ông Mã hy vọng chính phủ Trung Quốc sẽ có các chiến dịch tuyên truyền để giúp cho việc làm ăn của mình.
(theo USA Today)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét