Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

THÓI QUEN SUY DIỄN - BS Võ Xuân Sơn


Khi học y khoa, cứ mỗi khi học đến bệnh gì, là đa số sinh viên lại liên tưởng đến mình, lại lo lắng là mình bị bệnh đó. Thường thấy nhất là khi học môn tâm thần, bệnh gì cũng thấy mình trong đó.

Làm bác sĩ, đi đâu cũng được hỏi về bệnh tật. Đám cưới, đám ma, thôi nôi, tất niên, tân gia, khai trương… khi mọi người biết mình là bác sĩ, là thế nào cũng hỏi về bệnh. Và trong đa số trường hợp, người bệnh tự chẩn đoán rồi hỏi cách chữa. Giống như những sinh viên y khoa, họ cũng nghe kể về bệnh, và thấy mình có gì đó giống giống, rồi tự chẩn đoán. Có người hỏi xong, chưa thỏa mãn với câu trả lời, còn vặn vẹo, tra khảo, mất cả vui.

Càng lên cao, càng học về nhiều loại bệnh. Nhiều căn bệnh hiểm nghèo nhưng triệu chứng ban đầu lại là những dấu hiệu rất thông thường. Các bác sĩ học càng cao càng hay nghĩ đến những căn bệnh “dữ dội” hoặc ít gặp. Một số thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư còn quên mất luôn những căn bệnh thông thường. Gặp một bệnh nhân sốt là lo tìm Zika hay sốt vàng châu Phi. Sau cả ngàn lần chẩn đoán sai hoặc bệnh nhân tự hết bệnh khi các bác sĩ đáng kính còn đang loay hoay tìm chẩn đoán, một ngày đẹp trời nào đó, vị bác sĩ kia bỗng nhiên nổi tiếng vì phát hiện ra một người bệnh ở Việt nam nhiễm căn bệnh chỉ có ở Nam Cực.


Chẳng riêng gì các bác sĩ, đa số người ta, những ai quan tâm đến sức khỏe bản thân đều như vậy cả. Chỉ có điều họ chưa biết nhiều về bệnh học, nên họ chưa tự chẩn đoán cho mình những căn bệnh mà cả thế giới chỉ có vài người bị, để rồi họ không có cơ hội nổi tiếng như cái ông giáo sư cả đời chẩn đoán sai hoặc không chẩn đoán ra bệnh, ngoài 1 lần duy nhất phát hiện ra người bị bệnh Nam cực ở Việt nam.

Hiếm muộn là một căn bệnh được nhiều người nói đến. Việt nam là một trong những nước có khả năng điều trị hiếm muộn có “số má” trên thế giới. Nhưng trên thực tế, Ủy ban sinh đẻ của chúng ta lo lắng hơn về vấn đề đẻ nhiều quá, tức là dễ có thai quá. Và các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1, bác sĩ chuyên khoa 2… của cái ủy ban quốc gia này lo lắng bạc cả đầu để tìm ra phương kế làm sao cho người ta không đậu thai. Bao nhiêu biện pháp tránh thai được những cái đầu uyên bác của Việt nam và cả thế giới nghĩ ra, nhưng chẳng có biện pháp nào là hiệu quả tuyệt đối cả. Thậm chí, ngay cả triệt sản mà vẫn còn có thể có thai.

Sinh đẻ là một trong các bản năng duy trì nòi giống, nó là bản năng cực kì mạnh mẽ. Ngoại trừ những khuyết tật về mặt di truyền, trong hầu hết các trường hợp, người ta rất dễ ham muốn nhau, gần gũi nhau, và rất dễ có bầu, rồi sinh con. Đó là bản năng duy trì nòi giống, bản năng cực kì mạnh mẽ của mọi loại cây, con, trong đó có con người. Việc một số người hiếm muộn không thể đại diện cho đa số có khả năng đậu thai và sinh con bình thường. Không biết tỉ lệ hiếm muộn là bao nhiêu trong dân số, nhưng chắc chắn đó chỉ là con số nhỏ so với đa số bình thường.

Trong câu chuyện nữ tử tù mua tinh trùng rồi tự bơm vào mình để có bầu, tôi thấy điều đó hết sức bình thường. Không hiểu sao mà bao nhiêu người, trong đó có cả các bác sĩ, cho rằng nó không bình thường. Đồng ý rằng chuyện một nam tù nhân, hoặc anh quản giáo nào đó, trực tiếp giúp nữ tử tù kia có bầu là chuyện có thể, nhưng bảo là việc bơm cả một bịch tinh trùng vào âm đạo là khó có thể có bầu thì đó mới là chuyện lạ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét