Trong một thành phố bé nhỏ, độ ba mươi gia đình và trên dưới hai chục
thanh niên nam nữ độc thân tị nạn quây quần với nhau thành một cộng
đồng.
Không gian chẳng trải rộng, số người lại ít ỏi, bất cứ chuyện gì xảy ra trong cái cộng đồng đó, ai nấy đều biết hết trơn. Thằng con bà Lý, mới tám tuổi, té cây gãy một giò, phải chở vào phòng cứu cấp, lúc năm giờ chiều, trễ lắm là tới bảy giờ, cái tin nầy đã trở thành đề tài bàn bạc tại những mâm cơm tối gia đình. Còn nói chi tới chuyện con Hạnh, con gái lớn của bà Mùi, đã gấu ó, thiếu điều muốn chụp đầu, lên gối với con Thu, cháu kêu bà Bảy bằng dì, vì hai con cùng đeo đuổi thằng Phát, cao ráo đẹp trai, con bà Cảnh, người ta bàn tới ba ngày cũng chưa hết... Đời sống tẻ nhạt quá, một biến cố nào xảy ra trong cộng đồng cũng trở thành một cơ hội cho thiên hạ giải buồn...
Đi làm về, chưa kịp cởi đôi giày, cái bóp còn lủng lẳng dưới nách, bà Lành đã chạy lẹ vô bếp, chụp lấy cái điện thoại, bấm số lia lịa. Khi nghe có giọng đàn bà ở đầu dây bên kia, bà hấp tấp:
- Cô đó hả, cô Hoa? Cô biết tin gì chưa?... Cô biết rồi hả? Vậy mà tui tưởng cô chưa biết, nên vừa về tới nhà, tui đã lật đật gọi cho cô hay liền... Ờ, tui biết hồi trưa... Cô Yến cho tui biết chớ ai. Chẳng là hồi trưa, sau giờ ăn “lunch”, tui kêu cho cổ, dặn chừng cổ, Chủ Nhựt này có làm chả giò, cổ làm thêm cho tui vài chục... Mà ngộ quá hén, cô Hoa, cái nầy kêu bằng “sống lâu thấy lắm chuyện kỳ”.
Trong siêu thị Best Food, thoáng thấy bà Mão đang đẩy xe đi ở trước,
cô Hằng hối hả chạy theo. Không kịp chào, không kịp hỏi thăm sức khỏe,
cô đã liến thoắng:
- Cộng đồng mình sắp có chuyện vui...
Bà Mão chận ngay:
- Cô muốn nói vụ con Liên phải không? Vụ đó mà đổ bể ra, tai tiếng cả cộng đồng chớ vui cái nỗi gì?
Tuy nói vậy, nhưng mặt bà tươi rói, làm như bà đang chứng kiến một màn hài hước trên sân khấu.
Cô Hằng cũng hí hửng không kém:
- Xấu hổ thiệt đấy chứ, bác nhỉ. Có nằm mơ cũng đâu có ai ngờ được chuyện như vậy lại có thể xảy ra.
Cô kêu lên hậm hực:
- Nó có học có hành. Nó hiền lành lễ phép. Thật là không thể nhìn bộ mặt bên ngoài mà đoán lòng dạ bên trong được.
Bà Mão bĩu môi:
- Nước có cạn mới thấy bèo chấm đất... Có cháy nhà mới ra mặt chuột...
Cô Hằng quày quả bỏ đi sau khi ném lại một câu:
- Thật là thối từ trong thối ra...
Trong bữa ăn chiều, bà Phước hằn học:
- ”Trông xa xa tưởng bà Hoàng Hậu; đi lại gần mới biết là con đĩ lậu Bình Khang”. Hồi trước tới giờ, mình chỉ đứng xa mà ngó thôi nên “khoai lang khô xắt lát”, mình “tưởng là cao ly sâm bên Tàu”.
Ông Phước rầy vợ:
- Sao bà độc miệng quá vậy? Chuyện gì mình chỉ mới nghe phong thanh, chớ chưa biết rõ ắt đầu đuôi. Chưa chi mà buộc tội cho người ta, khẩu nghiệp mình mang cả đời.
Bà Phước cãi lại xon xỏn:
- Còn cái gì nữa mà chưa biết rõ ắt đầu đuôi. Đều một trời, ai cũng nói như vậy hết trơn.
Ông Phước cằn nhằn:
- Cho dầu đó có là sự thiệt đi nữa, thì chuyện gì mà bà phải giận. Chuyện là chuyện của người dưng mà, nghe qua rồi bỏ, đâu có liên quan gì tới mình. Mắc mớ gì mà khi không lại mua hờn chuốc giận?
Bà Phước vẫn không chịu im:
- Sao hổng giận? Hồi nào tới giờ tưởng nó là người đàng hoàng, nên mới coi nó như con, như cháu. Có đám tiệc đám tùng gì cũng mời nó trước hơn ai hết thảy... Sắp nhỏ trong nhà, hễ đứa nào làm điều gì sai quấy, mình đều đem nó ra mà làm gương. Ai dè mà nó lại là cái thứ lộn nài, tháo ống, trốn chúa lộn chồng...
Ông Phước nạt ngang:
- Bà ác khẩu vừa vừa đó nghen... Nói chuyện thiên hạ cho cố đi, con gái mình cả bầy kia kìa...
Bà Phước không nhịn:
- Con tui đâu có cái thứ đó...
Cô Ngọc, con gái lớn của bà Phước, cười như nắc nẻ, kêu cô em đang đứng trong bếp:
- Mầy thấy ngộ ghê chưa, Ngà? Chuyện là chuyện ngoài đường mà ông bà già lại đem về nhà đặng gây lộn.
Cô Ngà vọt miệng nói trổng:
- Tức quá mà, hổng gây sao được? “Người ta” là khuôn vàng thước ngọc mà. Khuôn bị bể, thước bị gãy, hổng tức sao được?
Cô Ngọc khuyên em theo cái kiểu châm dầu vô lửa:
- Hồi nào tới giờ, “người ta” nói cái gì, làm cái gì, bà già cũng biểu mình ráng mà bắt chước theo. Bây giờ, “người ta” làm chuyện tày trời như vậy đó, mầy liệu bắt chước sao cho được đó thì liệu.
Bà Phước nhảy nhổm như bị kiến bù nhọt chích vô chỗ hiểm. Bà ong óng:
- Tụi bay chọc tức tao đó phải không, hai con quỷ cái? Ờ, ráng liệu mà bắt chước đi, rồi tao vặn cổ cả hai con từ đàng trước ra đàng sau.
Cô Ngà, cô Ngọc ngó nhau. Một cô thì làm bộ trợn mắt le lưỡi, một cô thì nhún vai. Cả hai cô cùng cười hí hí...
o O o
- Em nên nhớ rằng em đã có chồng con. Và, suốt mấy năm qua, gia đình mình sống trong thành phố nầy không hề có một tai tiếng nào hết. Có làm gì đi nữa, em cũng phải nghĩ tới thể diện của chồng, của con. Có lòng thương người là điều rất tốt. Nhưng, chỉ vì cái lòng thương người mà khiến cho danh dự của một gia đình phải tan nát, em nghĩ lại đi, có phải là điều nên làm hay không?
Thành đã nói như vậy, với một thái độ hết sức nghiêm trọng, bằng những âm thanh chát chúa, coi như là kết luận sau cùng, chấm dứt cuộc tranh cãi cả tiếng đồng hồ giữa hai vợ chồng.
Nói xong, Thành vơ vội xâu chìa khóa, bỏ đi, để lại sau lưng một tiếng động khô khan của cánh cửa đập vào khung.
Liên ngồi bất động trên chiếc ghế dài. Bỗng chốc, nàng có cảm tưởng căn phòng khách trở nên mênh mông, lạnh lẽo. Một cảm giác cô đơn trống vắng đổ ập xuống tâm hồn nàng. Nàng hoang mang, lẫn lộn giữa buồn, phiền, giận dữ. Bất giác, nước mắt nàng ứa ra và chảy dài xuống...
Chuyện bắt đầu vào một buổi chiều, khi vợ chồng Liên bắt đầu bữa cơm, một hồi chuông điện thoại reo lên. Nàng nhấc máy. Một y tá bệnh viện thị xã cho nàng biết rằng có một bệnh nhân đang hồi nguy kịch muốn gặp nàng. Nàng hốt hoảng với những điều nghe được, tiếng mất tiếng còn, cái gì mà “tuyệt vọng”, “tự tử”, “tình trạng tâm lý hỗn loạn”. Nàng chỉ nắm rõ là bệnh viện muốn gặp nàng.
Nói vắn tắt vài câu với Thành, Liên chạy vội đi thay quần áo.
Thấy vẻ hốt hoảng của vợ, Thành đề nghị:
- Hay là để anh đi với em.
Nhìn hai đứa con, một lên bốn, một lên ba, đang ngồi ở bàn ăn, Liên quyết định nhanh:
- Anh ở nhà cho con ăn, em đi một mình được rồi.
Vừa dứt câu là nàng đã ra tới cửa.
Vào tới bệnh viện, gặp được người y tá trực, Liên mới biết được người bệnh nhân đang hồi nguy kịch ấy là Nhơn.
Người y tá nói:
- Sở dĩ chúng tôi mời bà đến bởi vì trong hồ sơ nhập viện, ông Nhơn có ghi tên của bà là người mà chúng tôi phải liên lạc khi có chuyện cần thiết.
Người y tá cho biết thêm:
- Cách đây nửa giờ, chúng tôi phát giác được ông Nhơn tự tử. Ông dùng sợi dây chuyền nước biển, một đầu buộc vào thành giường, một đầu cột vào cổ. Ông lăn từ trên giường xuống dưới đất, coi như một hình thức thắt cổ. May mà chính tôi, khi đem thuốc vào cho ông, tôi thấy được. Bây giờ, chúng tôi rất cần bà, bởi vì, mặc dù chúng tôi đã chích cho ông ấy một loại thuốc an thần cực mạnh, ông ấy vẫn không ngủ được. Chúng tôi cần ông ấy ngủ, để cơn đau của ông ấy dịu đi...
Liên đi theo người y tá như một cái máy.
Nhơn nằm đó. Mền đắp lên tận cổ. Mặt mày sưng húp. Hai mắt mở trừng trừng, nếu hai tròng mắt thỉnh thoảng, không chuyển động, chắc người ta tưởng rằng Nhơn đã chết.
Liên ngồi xuống ghế bên cạnh giường. Nhìn vào đôi mắt của Nhơn, Liên rùng mình. Đứng sau lưng Liên, người y tá kề môi vào tai nàng, nói nhỏ:
- Ông ấy cần ngủ.
Liên không biết phải làm gì cả, ngoài việc đưa tay sờ lấy trán, vuốt lấy tóc của Nhơn. Nàng bị xúc động mãnh liệt. Sáu năm trời không gặp mặt, nàng không ngờ căn bịnh khắc nghiệt đã hủy hoại thân thể của Nhơn tới như vậy.
Người y tá nhắc lại:
- Ông ấy cần ngủ.
Đột nhiên, Liên đặt tay lên trán Nhơn và cất tiếng hát nho nhỏ:
- ”Ngày ấy, có em đi nhẹ vào đời...”
Bài hát đó, cách đây sáu năm, chính Nhơn đã đệm dương cầm cho nàng, trong một buổi sinh hoạt tất niên...
Tiếng hát của nàng nhẹ như một hơi thở và khi nàng hát được nửa bài thì Nhơn đã ngủ say.
Nhè nhẹ đứng lên, quay ra cửa, Liên thấy Thành đang đứng tại đó, gương mặt lạnh lùng, bất động.
Về tới nhà, Liên kể hết những chuyện đã xảy ra cho chồng nghe.
Thành thắc mắc:
- Tại sao lại như vậy? Tại sao Nhơn lại ghi tên em là người cần liên lạc?
Liên trả lời gọn:
- Em không biết.
Mà quả Liên không biết thiệt tình.
Thành không tin.
- Quả có chuyện lạ như vậy sao? Em không biết?
Liên cảm thấy tự ái bị va chạm. Nàng cố gắng giải thích:
- Anh đừng có nghĩ bậy. Em chỉ biết anh Nhơn và có nói chuyện với ảnh vài lần khi còn đi học chung trường. Thuở ấy, anh với em đang yêu nhau mà.
Thành làm thinh. Liên giải thích thêm:
- Từ hồi mình làm đám cưới tới giờ, mình đâu có gặp ảnh. Không ngờ hoàn cảnh của ảnh lại tội nghiệp như vậy. Hồi nãy, cô y tá yêu cầu em làm cách nào giúp cho ảnh ngủ được. Em không biết phải làm sao. Anh có nhớ hồi đó em hát bài hát đó để tặng anh không? Ảnh đệm cho em hát...
Thành lại làm thinh. Không đoán nổi tâm ý của chồng, nhưng Liên vẫn tin rằng với tình yêu đầu đời mà nàng và Thành đã dành cho nhau, với khoảng thời gian hạnh phúc hai người có nhau và nhất là với sự trung thành tuyệt đối mà hai người cư xử với nhau, không thể nào mà Thành nghi ngờ nàng được...
Thật sự, Nhơn đâu có là cái gì của Liên, quen biết nhau thì có, vì học chung một trường, vì sinh hoạt chung trong một cộng đồng bé nhỏ. Liên rất xông xáo trong các công tác xã hội. Nàng bỏ ra rất nhiều thì giờ để giúp đỡ cho những người mới qua. Nàng giúp cho họ mọi việc nàng có thể làm được. Lúc nào, bên cạnh nàng cũng có Thành. Thành đẹp trai, hoạt bát và đời sống không hề có một chút tai tiếng nào.
Trong khi đó, Nhơn sống như một cái bóng mờ. Không cha mẹ, anh em, không thân thích, Nhơn phải vừa đi làm, vừa đi học. Nhơn không có thì giờ nhiều. Thỉnh thoảng, vào dịp lễ lạt quy tụ đồng hương, Nhơn cũng có mặt. Nhơn không nhận bất cứ một trách nhiệm nào trong sinh hoạt cộng đồng. Nhơn mướn phòng ở một mình, đời sống thui thủi khép kín,
Hồi còn đi học, Liên có nghe bạn bè cho biết là Nhơn yêu nàng tha thiết, nhưng nàng không tin. Mỗi lần có dịp nói chuyện với nhau, Nhơn chỉ nói những câu vô thưởng vô phạt, không hề để lộ ra một chút nào cái tình cảm đặc biệt mà thiên hạ xầm xì.
Cô Hằng đã nói với Liên chắc ăn như hai với hai là bốn:
- Ngó cái điệu bộ của nó đứng từ đàng xa mà nhìn mầy, ai cũng biết là nó chết mê chết mệt về mầy.
Cô Hoa cũng nhận xét:
- Nó yêu mầy ghê lắm, nhưng chắc là thấy mầy đã có Thành nên nó đành giữ mối tình câm.
Mặc ai nói gì thì nói, Liên vẫn không tin. Sau khi chính thức lập gia đình với Thành, Liên có nghe là Nhơn đã bỏ đi qua tiểu bang khác. Lý do mà Nhơn nói với mọi người là muốn về ở gần gũi với gia đình của bà cô. Nhơn than là sống cu ky một mình, đôi khi buồn chịu không nổi.
Nhơn bỏ đi, tạo thêm một cơ hội cho người ta to nhỏ. Chính cô Hằng đã báo tin nầy cho Liên. Cô thẳng thừng:
- Nó đi là vì mầy. Mầy đã có chồng, nó đâu còn hy vọng gì nữa để sống ở đất nầy.
Cô Hoa bàn sát hơn:
- Bao nhiêu lâu, nó vẫn âm thầm đeo đuổi mầy. Nó biết, trên tất cả mọi phương diện nó đều thua Thành. Nó không có độc ác tới cái độ mong cho mầy và Thành tan rã với nhau. Nhưng, nó chờ đợi, biết đâu, có những cái bất ngờ của cuộc đời, của số kiếp.
Cô làm như danh ca “Trường Tương Tư”:
- Cái bất ngờ đó đã không xảy ra. Mối tình câm nó phải ôm tới trọn đời. Nó ở đây để nát lòng nát ruột khi thấy nàng nhởn nhơ bên cạnh chồng sao? Nó đi là phải...
Đi được bốn năm, Nhơn trở về. Vẫn với đời sống như cũ, Nhơn thui thủi một mình. Nhơn ít xuất hiện ở cộng đồng hơn và có vẻ lặng lẽ hơn.
Đùng một cái, Liên nghe Nhơn bị bịnh ung thư. Bà Mùi phóng tin ra, và mọi người đều biết là Nhơn chỉ còn có hai năm nữa để sống. Bịnh ung thư ruột của Nhơn, vì khám phá trễ, đã vô phương cứu chữa. Điều mà thiên hạ không tường tận được, vì bà Mùi không biết rõ, là Nhơn có biết mình bị bịnh trước khi trở về chốn cũ hay không.
Rồi, những lời bàn bạc tới tai Liên. Nhơn tự tử bằng thuốc ngủ, nhưng bà Lý, mang thức ăn sang cho Nhơn, đã phát giác kịp. Nhơn được cứu sống. Khi tỉnh lại, Nhơn chỉ hỏi một câu:
- Cứu tôi để làm chi?
Những tin tức dồn dập về Nhơn không ngớt. Nhơn đã bị té, gãy xương bánh chè khi từ bồn tắm bước ra. Nhơn yêu cầu được chích thuốc cho chết, nhưng bệnh viện từ chối. Đã mấy lần, Liên định đi thăm Nhơn, nhưng lần nào, Thành cũng giành đi thay...
Câu chuyện xảy ra trong bệnh viện đêm hôm ấy, tưởng chỉ có những người hiện diện biết. Nào ngờ, cả cộng đồng đều biết hết trơn.
Thì bà Mùi chớ ai. Bà cũng là một y tá của bệnh viện và đêm hôm đó cũng nhằm phiên trực của bà. Tuy trách nhiệm của bà nằm ở khu khác, nhưng mọi chuyện xảy ra đâu có lọt khỏi cặp mắt và đôi tai của bà.
Thành đã cho Liên biết về sự khó chịu của chàng trước dư luận của cộng đồng. Nhiều người đàn bà đang bàn bạc sôi nổi với nhau, chợt thấy chàng, đều nín khe và nhìn chàng bằng những cặp mắt khó diễn tả, nửa thương hại, nửa chế giễu. Nhiều người đàn ông nói thẳng vào mặt chàng:
- Lòng dạ đàn bà mà...
- Thôi, đừng buồn, dầu gì thằng Nhơn cũng không còn sống được mấy ngày nữa đâu...
Mặt Thành trở nên chầm vầm và không khí trong gia đình trở nên nặng nề, như bầu trời đang chờ cơn bão tố ập xuống.
Liên vào bệnh viện mỗi ngày để thăm Nhơn. Nàng nghĩ rằng chồng nàng hiểu được khi nàng phát biểu chắc nịch:
- Anh phải tin em mới được. Anh Nhơn chỉ còn sống có mấy ngày nữa thôi. Tất cả việc em làm đều là vì tình thương và lòng nhân đạo...
Và, rồi như vậy đó, trận cãi vã dữ dội bùng nổ chứng tỏ là Thành không hiểu một chút nào hết, hay dư luận chung quanh không hiểu một tí nào hết.
o O o
Bảy ngày, sau khi tự tử bằng dây chuyền nước biển bất thành, Nhơn trút linh hồn. Nhơn khởi hành chuyến ra đi vĩnh viễn trong trạng thái êm ái và bình thản.
Tờ chúc thư của Nhơn được công bố. Nhơn rất chu đáo trong việc chuẩn bị hậu sự. Trong chúc thư, Nhơn nhờ bà Lý đứng ra lo việc ma chay, với một khoản tiền vừa đủ để bà khỏi mất công quyên góp trong cộng đồng.
Dư luận nổ bùng như một quả bom khi biết rằng, trong chúc thư, Nhơn đã để lại tất cả tài sản, gồm trên bốn chục ngàn đồng trong trương mục, lại cho Liên.
Liên tối tăm mặt mày với dư luận, tới nỗi nàng không dám đưa con đi học, không dám đi chợ. Cuối cùng, nàng xin nghỉ việc, bỏ sở luôn.
Nơi bám víu, nơi nương tựa, nơi cần sự thông cảm tuyệt đối để cho nàng đứng vững được là Thành. Thành đã bị ngã gục trước dư luận.
Trước khi Liên kịp hoàn hồn thì Thành đã đưa ra tờ đơn ly dị, yêu cầu vợ ký vào.
Liên dắt hai con ra đi. Trước khi bước lên xe đò, quay lại nhìn phía sau lần cuối, Liên nói với hai con, mặc dù nàng biết rằng hai đứa bé không thể nào hiểu nổi:
- Cái giá của tình thương thật là mắc và dư luận thật là độc ác. Mẹ con mình đang trả cái giá và đang gánh chịu sự độc ác nầy...
(Nguyễn Đức Lập)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét