Khi tôi nói tấm hình này phản ánh thực trạng xã hội ngày nay, chắc
chắn sẽ có nhiều người phản đối, vì cho rằng đây là một hiện tượng cá
biệt, không phải là phổ biến trong xã hội ta.
Đúng, tấm hình này
ghi nhận một sự việc cá biệt. Cá biệt vì chắc khó có ai chụp được một
tấm hình khác tương tự: một người đàn ông mặc veston, lái xe hơi Civic,
giữa đường phố thủ đô, ngay ngã tư, vạch quần đái vào dải phân cách, chỉ
cách những người đi đường khác cỡ nửa mét.
Nhưng nó lại phản
ánh một thực trạng xã hội ngày nay, đó là nền tảng văn hóa thấp kém của
một bộ phận không nhỏ những người có tiền, mà chúng ta hay gọi là những
người thành đạt. Cũng chính vì như vậy, nó được lan truyền với một tốc
độ chóng mặt, và gây ra một cơn bão bàn luận trên mạng xã hội.
Có
người bảo sự bất xứng giữa văn hóa và kinh tế là bệnh của phát triển
nóng. Tôi thì không nghĩ như vậy. Đất nước ta càng ngày càng tụt hậu so
với các nước xung quanh. Rõ ràng là các nước xung quanh phát triển
“nóng” hơn chúng ta chứ. 50 năm trước, Singapore là thế nào so với chúng
ta? Bây giờ, họ ở đâu so với chúng ta? Họ phát triển “nóng” hơn chúng ta
cả mấy chục lần đấy chứ.
Gần như ai trong chúng ta cũng phải học
về con người mới XHCN, về tư tưởng Hồ Chí Minh. Tôi dốt về môn này,
nhưng chắc chắn rằng, không tài liệu nào, không giáo trình nào dạy chúng
ta cái thứ văn hóa tôn thờ bản năng, bất chấp xã hội và đồng loại như
vậy. Thế thì tại sao một xã hội trong một thời đại phát triển rực rỡ lại
có những người thành đạt về kinh tế mà văn hóa lại thấp kém như vậy?
Con người ta học hỏi từ nhiều nguồn, từ sách báo, từ thực tế gia đình,
xã hội, từ tấm gương bạn bè, tấm gương người thầy. Khi những người rao
giảng đạo đức XHCN, rao giảng tư tưởng Hồ Chí Minh sống không đúng với
những gì họ rao giảng, họ tạo ra một thế hệ tôn thờ những điều ngược
lại, đó là đề cao và phục tùng bản năng, tôn thờ sự giả dối, đó là sống
vì mình, không cần quan tâm đến người khác.
Làm sao mà một người
ăn cắp tiền thuế của dân lại có thể thuyết phục người khác tin rằng mình
sống theo “tấm gương Bác Hồ vĩ đại”? Làm sao mà một con người luôn tuôn
ra những điều dối trá lại có thể thuyết phục mọi người, rằng mình là
hiện thân của con người mới XHCN với bao nhiều phẩm cách tốt đẹp mà anh
ta mô tả? Khi những người rao giảng đạo đức làm trái với những gì họ rao
giảng, các giá trị xã hội sẽ bị đảo lộn. Khi đó, làm sao mà không có
những con người “thành đạt” bất chấp xã hội như cái anh chàng trong tấm
hình kia. Không có mới là lạ.
Từ góc độ này, mơ ước về cái nghèo
bình yên có cái lí nhất định của nó. Tuy nhiên, người dân thì chẳng ai
muốn nghèo. Ai cũng biết nghèo đi đôi với hèn, với bất ổn, chứ làm sao
mà nghèo lại đi đôi với bình yên được. Người dân muốn trở nên giàu có,
muốn đất nước giàu mạnh, muốn xã hội thực sự văn minh. Rõ ràng, mơ ước
về một xã hội nghèo mà bình yên chỉ thể hiện sự bất lực của bộ máy quản
lí trước thực trạng xã hội, bộc lộ sự yếu kém về nhận thức và tư duy kềm
hãm sự phát triển của xã hội.
Nếu cứ như thế này, sự việc trong tấm hình mà chúng ta đang xem sẽ nhanh chóng không còn là cá biệt nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét