(Bài này mình viết cách đây ba năm. Nhân chuyện cô ca sĩ đang bị ném đá, đưa lại để bày tỏ quan điểm, he he)
“Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ
Trách làm chi những phút xao lòng”
(Thuận Hữu)
Hơn
nửa thế kỷ sống trên đời, mình nhận ra những cuộc hôn nhân không hề có
“những phút giây ngoài chồng ngoài vợ” mới hiếm hoi làm sao. Hãy khoan
nói đến những chuyện “chung đụng”, “chiếu chăn”. Có khi chỉ là nửa tiếng
sau giờ làm việc ngồi cà phê cùng nhau ở một quán có âm thanh du dương.
Cũng có khi chỉ là một chiếc thiệp xinh xinh – nghĩ cả tuần để tìm lời
đề tặng.
Mình từng làm “chân gỗ” cho
vài cuộc “ngoài chồng, ngoài vợ”. (Tội lỗi đầy mình – nhưng chưa hối
hận). Vợ của sếp mình đến cơ quan chồng nhảy cà tưng, cho sếp ăn toàn
những thứ (nguyên chất) lấy từ nhà WC, hoặc trên… giường ngủ. Chả biết
“tội lỗi” của ông chồng đến đâu, nhưng “dằn mặt” kiểu ấy là “mất điểm”
với tụi nhân viên dưới quyền như mình. Cô hỏi: “Chú đi với con nào?”
Biết mười mươi “con nào” là ai mà vẫn lắc đầu ngây ngô không biết.
Lại
nữa, anh chồng coi vợ như… con cái, Osin. Mắng mỏ, hạ nhục không tiếc
lời, ngay cả trước mặt bạn bè, người thân. “Chuột chạy cùng sào…”; “Mình
không lấy nó thì không ai thèm lấy…”. Tình cảm vợ chồng như sự ban phát
“mưa móc” từ “cậu Giời”. Con bé Osin ấy bị “cảm nắng” một cậu bạn thời
đại học sau một lần quay về hội trường. Cô nhớ lại thời mình từng ngồi
thả thuyền giấy trước thềm nhà khu nội trú trong ngày mưa bão…
Có
hơn một ngàn lẻ một lý do để người ta đi tìm phút giây “ngoài chồng –
ngoài vợ”. Vấn đề còn lại là cách xử lý của những người trong cuộc. Có
“hậu” thì “ai ở mô về nớ” sau cú chòng chành. Bằng không thì nhân viên
tòa dân sự lại được tăng thu nhập.
Cô
bạn mình - “gái một con trông mòn con mắt” - bỗng một hôm có ngươi báo
chồng nàng đang giỡn sóng với một cô gái trẻ ngoài Đồ Sơn. Hăm mấy tuổi
mà rơi vào hoàn cảnh ấy thì đau đớn vật vã ghê lắm. Nàng đòi “dạy cho
hai đứa một bài học”; đòi… quyên sinh cho người ở lại cắn dứt lương tâm;
rồi lại đòi đem nhau ra tòa ly hôn không chậm trễ một giây. Cứ tưởng
thế nào cũng có một vụ tạt axit, hoặc có đứa phải đứa vào bệnh viện rửa
ruột, hoặc mình sẽ phải làm gác-đờ-co cho nàng ở tòa án… Bẵng đi mấy
tháng không gặp, bất ngờ thấy nàng vác “ba lô ngược” đang chờ khám định
kỳ ở bệnh viện phụ sản. Nàng bảo: “Tao đã viết thư cảm ơn “con bé” đấy
rồi”.
Điều đáng ngại nhất là chồng
mình “phải lòng” một cô cực tốt. Đây là một cuộc chiến “không cân sức”
và lợi thế hoàn toàn nghiêng về phía “đối phương”. Bồ tốt biết làm
“thùng rác” nghe chàng than thở những khúc mắc ở gia đình, cơ quan và
cùng chàng tìm cách tháo gỡ. Bồ tốt hiểu rõ sở thích của chàng: Một ly
cà phê cần mấy thìa đường. Vào quán phở dặn kỹ nhân viên phục vụ: “đùi
gà bỏ da, nước trong, không hành”. Bồ tốt biết nhận về mình phần thiệt
thòi và “lặng lẽ ẩn mình trong góc khuất”. Bồ tốt không gọi điện, nhắn
tin khi chàng ở nhà. Bồ tốt không đòi đi chơi xa trong những dịp nghỉ
dài, tết lễ. Bồ tốt dặn phải nói năng ôn hòa với vợ; phải đưa con đi
chơi Sở thú, nhà sách những ngày cuối tuần. Bồ tốt khuyên, nên thỉnh
thoảng vào bếp chia sẻ việc nhà. (Ở nhà của mình, bồ tốt toàn phải “làm
một mình cực thân” nên thấu hiểu). Bồ tốt giúp chàng chọn món quà ưng ý
tặng vợ nhân ngày sinh nhật, tám tháng ba, hai mươi tháng mười… Mỗi năm,
phụ nữ có cả tỷ ngày kỷ niệm. Nhờ có “nàng”, anh xã trở thành người mềm
mỏng, chu đáo, galant… Đến nước này, các bà vợ hãy mang đến tặng nàng
một bó hoa, một đôi giày hay một chiếc đầm thật xinh (các bà không tặng
thì cũng có người mang tặng những thứ quý hơn thay mình) cùng với những
lời rút từ “tâm can”: “Chị giúp em khuyên bảo anh ấy quay về. Các con em
còn nhỏ quá và chúng rất cần có bố”. Bồ tốt không bao giờ muốn những
đứa trẻ bi lôi tuột ra khỏi vòng tay của mẹ hoặc của cha vì một tờ giấy
có chữ ký của Chánh tòa. Bồ tốt không muốn mọi chuyện trở nên ầm ĩ. Thế
là “Châu về Hợp Phố”*. Không cám ơn nàng còn cảm ơn ai?
Cô
bạn khác của mình học hành “thoát mù”, tính tình tạm ổn. Cô tin tưởng
vào tình yêu của mình dành cho chồng; và cũng tin luôn cả tình yêu của
anh dành cho vợ. Mọi việc nhà cô nhận về phần mình. Anh xã đi sớm về
muộn vẫn không một lời trách móc. Thế rồi một ngày “không đẹp trời”, anh
xã của mụ bị một “ẻm” cùng cơ quan “nẫng” mất. Ẻm xinh đẹp. Tất nhiên.
Và cô đơn. Tất nhiên cũng đúng luôn. “Chuyện ba người” kéo dài nhiều
chương, đoạn… ly kỳ. Nước mắt cũng nhiều mà lời qua tiếng lại cũng không
ít. Cuối cùng, thấy mình yếm thế, cô bạn “tặng nguyên cây” cho “ẻm”
kia. “Em thay chị chăm anh, chị sẽ dành thời gian của mình chăm các con
anh ấy”. Tuy “rổ rá cạp lại”, nhưng đám cưới cũng tưng bừng. Rượu vang
đổ tràn mấy tầng ly. Bánh gato cao ngất ngưởng. Hết tuần trăng mật, “ẻm”
bắt đầu chế độ “toàn trị”. Chàng về nhà vợ cũ thăm con, nàng bắt mang
theo đứa con gái của mình đi cùng “cho anh em chúng nó chơi với nhau”.
Chàng đi công tác, nàng khăn gói đi theo phục vụ. (Con bé kỹ sư mới về
cũng trẻ và đẹp như nàng một thời). Tiền lương tháng, nàng ký thay chàng
ở phòng tài vụ. (Ngày xưa chàng toàn quyền quản lý tiền bạc nên mới mua
được cho nàng toàn đồ hàng hiệu). Chi tiết điện thoại của chàng, nàng
gọi kiểm tra không sót một số máy lạ. Bạn bè phổ thông (mấy thằng đực
rựa) nổi hứng tụ tập “miễn bia kèm lạc”, nàng gào lên qua điện thoại:
“10 giờ tối nay anh không có mặt nhà, em sẽ đi xe ôm đến tận nơi”. Các
nàng chưa chồng xung quanh chàng bị nàng dùng sim rác nhắn tin khủng bố
đã đành. Những người có chồng, trót tung ra một câu bông đùa thú vị
trước mặt chàng cũng được nàng gửi tin nhắn (tất nhiên vẫn qua sim rác)
đến tận nhà báo tin cho anh xã của họ. Mình là “họ nhà giữa”, chơi cả
“hai mang”. Thỉnh thoảng chàng tìm đến chỗ mình than thở về cuộc hôn
nhân rất chi là “nghẹt thở” lần hai. Cô bạn mình năm nào cũng sai con
mang rượu bánh, mứt đến mừng thọ ông bà nội, thay cho lời “cảm ơn dì đã
giúp mẹ con trả nợ tình xưa”.
Sự
xuất hiện của NGƯỜI THỨ BA là dấu hiệu để chúng ta thức tỉnh, kiểm tra
lại “nhiệt độ” trong phòng ngủ. Đấy là lúc mình cần phải thay đổi cách
hành xử; hoặc cũng là lúc mình nhận ra, hai số phận này không thuộc về
nhau. Đập vỡ tan tành thì dễ, nhưng hàn gắn lại hoặc miết cho mảnh vỡ
thật mịn màng, không làm xước đau người đến sau hoặc những năm tháng
tiếp theo mới khó.
____
* Theo
bác Gúc-gồ, "Châu về Hợp (hiệp) Phố" ý nói trùng phùng gặp gỡ, đoàn tụ
lạị. Hợp Phố xưa thuộc tỉnh Giao Châu, nay là Quảng Đông. Vào thời Bắc
thuộc, miền bể ấy có rất nhiều ngọc châu (ngọc trai). Các quan Tàu cứ
bắt dân phải đi mò và nộp cống. Các ngọc châu vì vậy bỏ đi nơi khác.Về
sau có một người tên là Mạnh Thường về làm quan. Mạnh Thường thanh liêm
và thương dân nghèọ Những ngọc châu tự nhiên lại trở về Hợp Phố.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét