Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

MÔI TRƯỜNG MÀU MỠ CHO LỪA ĐẢO - Võ Xuân Sơn


Vụ công ty Liên kết Việt lừa đảo 45.000 người, với số tiền lên đến 1.900 tỉ đồng là câu chuyện được dự báo trước, từ lâu rồi. Còn nhớ cách đây cả năm, câu chuyện ồn ào khi VTV bóc trần các thủ đoạn lừa đảo, bao nhiêu doanh nhân cũng đã cảnh báo, nhưng người ta vẫn cứ như những con thiêu thân say đèn lao vào, để bây giờ nguy cơ trắng tay trở nên thật hơn bao giờ hết.

Tại sao lại có quá nhiều người bị lừa như vậy? Cách đây không lâu, một kẻ chức vụ không cao lắm, trình độ về tài chính cũng chẳng phải là xuất sắc, lại có thể lừa được bao nhiêu ngân hàng và các đại gia tài chính có sạn trong đầu, với số tiền lên đến 4.000 tỉ đồng. Đấy là chưa kể khi một số lượng lớn trong 90 triệu người dân Việt nam đang hàng ngày bị lừa để bỏ ra hàng đống tiền, mua vào hàng loạt các thực phẩm chức năng mà chức năng quan trọng nhất, và nhiều khi là chức năng duy nhất, của nó là làm giàu cho nhà sản xuất và những người buôn bán chúng, đưa vào trong người những thứ không biết là có thể gây ra cái gì cho họ.

Sẽ không mấy người đồng ý nếu nói xã hội của chúng ta hiện nay là mảnh đất màu mỡ cho lừa đảo phát triển. Tuy nhiên, nếu như có ai nói như vậy, thì quả thật, sẽ khó mà có thể bác bỏ được điều đó. 


Xã hội của chúng ta là một xã hội hoàn toàn thiếu minh bạch. Các thông tin tốt xấu không có gì kiểm chứng. Ví dụ rõ nét nhất là chúng ta có anh bạn 4 tốt, 16 chữ vàng, có tình đồng chí keo sơn, có cán bộ lãnh đạo còn lo lắng khi người dân ghét anh bạn đó. Đùng một cái, thông tin anh bạn ấy tấn công ta bao nhiêu trận, giết hại dân ta bao nhiêu người, lúc nào cũng lăm le xâm chiếm bờ cõi của ta bị phát tác... Thông tin ban đầu chỉ được các trang mạng không chính thống đưa ra, có trang lại thổi phồng hoặc bóp méo, còn các thông tin chính thức thì luôn tìm cách bác bỏ. Người dân chẳng còn biết đâu là sự thật, ai lừa và ai bị lừa.

Xã hội chúng ta lại là một xã hội chứa đựng rất nhiều điều đặc biệt. Có những cái xấu rõ ràng, nhưng rồi nó lại được "ai đó" phù trợ. Ví dụ rõ nét nhất là vụ PMU18. Tưởng rằng mọi thứ đã xong khi hàng loạt quan chức bị xét xử, với những bằng chứng rõ ràng của việc tham nhũng, nhưng rồi, chính những người điều tra, đưa vụ án ra xét xử lại bị điều tra vì chính những gì họ làm để đưa vụ án đó ra ánh sáng. Biết là sai, nhưng có thể đấu tranh được với cái sai hay không, hay thỏa hiệp với nó và cùng hưởng lợi? Đó chính là trăn trở của nhiều người dân thấp cổ bé họng trong xã hội này.

Có thể nói là một số không ít trong số 45.000 người bị Liên kết Việt lừa đảo không đơn thuần chỉ là nạn nhân. Không lẽ tất cả 45.000 người đó đều ngu dốt, đều thiếu thông tin? Không lẽ những cảnh báo của truyền thông, của VTV, của các doanh nhân khác không đến tai họ? Không, chắc chắn là bao nhiêu người trong số họ nhận được các thông tin, rằng Liên kết Việt là tổ chức lừa đảo, và cũng không ít người tin rằng, nó chính xác là tổ chức lừa đảo. Nhưng họ tin vào một thứ khác. 

Trên thực tế, có những cơ sở làm ăn bát nháo, nhưng được "phò trợ" từ cấp trên mà nó cứ tồn tại, cứ phát triển, có những cơ sở như là một pháo đài bất khả xâm phạm đối với truyền thông, khi mà mọi sai sót, mọi vấn đề không tốt của nó không bao giờ được đưa lên truyền thông, hoặc nếu có ai đó đưa lên thì rất nhanh chóng được gỡ xuống, xóa bỏ. Những người bị Liên kết Việt lừa đảo có biết những thông tin bất lợi cho mình không? Biết quá đi chứ. Nhưng sự xuất hiện của quan này tướng nọ đã làm cho họ yên tâm, rằng với một tổ chức lừa đảo tầm cỡ như vậy, thì nạn nhân sẽ là những người đến sau, còn bản thân họ sẽ chính là người thu lợi.

Khi những tổ chức lừa đảo với những thủ đoạn khá trắng trợn vẫn cứ ngang nhiên hoạt động, hệ thống truyền thông hết sức khắt khe với những thông tin về Trung quốc, về dân chủ cứ suốt ngày ra rả quảng cáo cho các tổ chức lừa đảo, các quan chức không biết vô tình hay cố ý cứ xuất hiện, hỗ trợ cho các tổ chức như vậy, thì xã hội này chắc chắn sẽ là mảnh đất màu mỡ cho lừa đảo phát triển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét