Thật khó tin khi toàn dân xứ Việt 9 ngày Tết vừa rồi "đốt" hết 130 ngàn
tỉ đồng, lại vừa được đánh giá là có ý thức tiết kiệm cao nhất thế giới,
nhưng vẫn có người xin bác sĩ cho vợ mình được... chết vì không có được
23 triệu đồng và phải huy động cả giáo sư của các nước đến viết sách
giáo khoa. Nhưng phải thừa nhận là sự trơ trẽn và sáng tạo chữ nghĩa của
người Việt mình thật tuyệt kiểu Đôrêmon, như tượng đài nứt là do ý đồ
nghệ thuật hay học sinh phải đánh nhau mới năng động...
Tượng đài nứt do… ý đồ nghệ thuật
Nhiều công trình nằm trong khu vực
Tượng đài Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Núi Cấm, xã Tam Phú, thành phố Tam
Kỳ, tỉnh Quảng Nam được đầu tư hơn 400 tỉ đồng lại bị phát hiện thêm
nhiều vết nứt hở rộng, nhiều chỗ thò được cả bàn tay vào, sau 1 năm
khánh thành.
Theo miêu tả của Dân Việt thì bà Hoàng
Thị Bích Hạnh – Giám đốc Ban quản lý Tượng đài “ngỡ ngàng với những vết
nứt và khe hở rộng”. Nhưng bà nói kiểu Đôrêmon: “Các vết nứt và khe hở
này cần phải hỏi lại đơn vị thi công xem đó có phải là ý đồ nghệ thuật
của đơn vị hay do lỗi của thi công”.
Giờ mới hiểu khả năng sáng tạo của con người vô biên là như thế nào.
“Đánh nhau mới năng động” chỉ là… phân tích bên lề
Đúng như dự đoán, hôm qua bà Phạm Thị
Ngọc Tâm- Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.Huế) đã gặp các phóng
viên để nói lại cho rõ về phát ngôn chấn động “nữ sinh không đánh nhau
sẽ không năng động” trong nước mắt: “Sau bài báo, đêm qua tôi đã thức
trắng và khóc suốt một đêm và hiện tại rất buồn”.
Lê Nin khi bàn về văn nghệ và báo chí từng nói, báo chí hôm nay viết
sai thì ngày mai phải viết lại cho đúng. Từ đây có thể suy ra con người,
hôm nay lỡ nói chưa đúng thì ngày mai phải nói lại cho đúng.
Và bà Tâm đã nói lại như thế này sau khi thừa nhận mình đã không
đúng: “Do lần đầu tiên tôi gặp báo chí nên tôi cứ nghĩ như này: Những gì
mình trao đổi cũng có những câu đùa giỡn, có những câu phân tích ở bên
lề và khi các anh viết thì sẽ có sự chắt lọc lại…”
Lỗi do ngây thơ đây mà!
Đầu tư 500 triệu, sau một năm lãi…15 tỉ!
Cộng đồng One Coin Việt Nam (mạng tiền ảo) đang dậy sóng với đợt
bán hàng gói Vàng sẽ kết thúc ngày 20.2 tới với lời quảng cáo: “Đầu tư
hơn 500 triệu đồng, sau một tháng lãi 1 tỉ, sau 1 năm lãi 15-16 tỉ
đồng…”.
Làm giàu không khó là đây chứ đâu!
Một chuyên gia kinh tế từng nhận định: “Sức sống của One Coin có được
từ sự tin tưởng và đồng thuận ảo, lòng tham, sự mù quáng, được tiếp sức
bởi sự lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong quản
lý, được nhân bội bởi hệ số mức hoa hồng đầy mê hoặc”.
Một nhà đầu tư đang say sưa thuyết trình về
“đồng tiền bá chủ thế giới One Coin”. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Nói trắng ra, đây là một hình thức lừa đảo mới – thêm một biến
tướng của kinh doanh theo mạng ở Việt Nam vốn rất tiên tiến và nhân bản.
Vậy mà vẫn ối người tin ôm tiền thật đi đầu tư để chờ thu về tiền ảo rồi mất trắng cả chì lẫn chài!
Tiền thật còn chưa ăn thua nữa là tiền ảo!
Xứ Việt tiêu hết 130 ngàn tỉ đồng trong 9 ngày Tết
Trang Forbes, tạp chí danh tiếng của Mỹ, vừa đăng bài viết của tác
giả Brett Davis đưa ra thống kê chi tiêu của người Việt Nam cho dịp Tết
cổ truyền năm Bính Thân.
Tính trung bình mỗi người dân Việt chi khoảng 14,2 triệu đồng, bằng
gần 4 tháng lương cơ bản bình quân và bằng 3 dịp lễ Giáng sinh, năm mới
và sinh nhật của dân Tây cộng lại.
Lấy tròn số xứ ta có 90 triệu dân, tính như Forbes thì cả xứ ta vừa
tiêu xong khoảng 130 ngàn tỉ đồng, tương đương hơn 6 tỉ Obama mà phần
lớn trong đó là “mất toi” chứ chẳng phải “chạy qua chạy lại” như các
chuyên gia kinh tế nói!
Đó là chưa nói đến hậu quả của gần một nửa nền kinh tế bị tê liệt
trong 9 ngày Tết, mấy chục ngàn người chết và những vấn nạn khác khiến
con người ta sống còn thua kiếp chó!
Quá khủng khiếp!
Ấy vậy nhưng Hãng nghiên cứu Nielsen vừa công bố báo cáo nghiên cứu
về hành vi tiêu dùng quý IV/2015. Theo đó, người tiêu dùng Việt có tinh
thần tiết kiệm tiền vào bậc cao nhất thế giới với 79% người được hỏi
dùng tiền nhàn rỗi để tiết kiệm, cao hơn nhiều so với các nước khác như
Thái Lan (60%), Singapore (64%).
Tiết kiệm để cho con cháu trả nợ đấy các mẹ ạ!
Cấm học sinh nghỉ học đi… lễ hội
Sở GD&ĐT Bắc Giang vừa phát chỉ thị yêu cầu các đơn vị quán
triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc việc tăng cường công tác quản
lý và tổ chức lễ hội.
Trong đó nhấn mạnh việc nghiêm cấm việc cho học sinh nghỉ học để đi
lễ hội, trừ những trường hợp đặc biệt theo yêu cầu của địa phương; có
giải pháp kịp thời chấn chỉnh hiện tượng học sinh, sinh viên nghỉ học
những ngày sau Tết Nguyên đán.
Virut trốn công sở đi lễ hội đầu năm đã lây lan sang cả với học sinh.
“Virut trốn việc” đi lễ hội đầu năm tưởng chỉ khu trú trong cơ thể
“bọn” công chức, giờ còn lây lan sang cả những học sinh phổ thông thì
nguy to rồi.
Hay là do lỗi đánh máy hoặc mắt kém nên nhìn nhầm đối tượng nhỉ?
Huy động cả giáo sư các nước viết sách giáo khoa
Cái này thì chắc chắn không phải do lỗi đánh máy hoặc nhìn nhầm bởi
ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT đã nói
rất rõ ràng trong “góc nhìn thẳng” của VietNamNet về “một chương trình -
nhiều sách giáo khoa”.
Ông bảo về nguyên tắc, sẽ động viên tất cả mọi lực lượng cá nhân, tổ
chức trong xã hội tham gia việc biên soạn. Nhưng để kịp đúng tiến độ,
đúng thời hạn, dứt khoát năm học 2018-2019 có một bộ sách giáo khoa hoàn
chỉnh thì Bộ đứng ra huy động lực lượng, các cán bộ giảng dạy, các giáo
sư của tất cả các nước, trước hết là trong ngành giáo dục để tập trung
xây dựng bộ sách ấy.
Sẽ mời giáo sư các nước đến viết sách giáo khoa cho Việt Nam (!?)
Rất dễ biến thành “trò cười” bởi mãi vẫn chưa hình dung ra các giáo
sư của các nước tham gia biên soạn sách giáo khoa cho học sinh Việt thì
biên kiểu gì? Rồi nhiều bộ sách, vậy ai là người quyết định chọn sách
nào để học? Rồi còn bao nhiêu luật, bao nhiêu quy định cản chân việc ra
đời nhiều bộ sách…
Cải tiến cải lùi, càng cải càng rối trong một mớ bùi nhùi…
Ấn tượng trong ngày: Xin cho vợ chết vì không... có tiền chuộc xác!
Anh Đặng Thái Tùng, 32 tuổi, ở Đồng Nai đã xin các bác sĩ khoa Cấp
cứu Hồi sức Tích cực Chống độc Người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho
vợ mình được... chết vì không có 23 triệu đồng để đóng tạm ứng chi phí
điều trị cho vợ, mặc dù vợ anh đang có cơ hội sống!
Vợ anh, chị Trần Thị Sương, cũng 32 tuổi, được chẩn đoán mắc sốt xuất
huyết Dengune, biểu hiện xuất huyết âm đạo, chảy máu răng. Ngay sau khi
nhập viện, bệnh nhân vào cơn sốc, chuyển sang giai đoạn nặng ở thể suy
đa tạng dẫn tới xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết âm đạo lượng nhiều kèm
nhiễm trùng huyết...
Vợ chồng anh Tùng, chị Sương tại bệnh viện
“Tôi chẳng còn đồng nào nếu vợ mất, khoản nợ bệnh viện quá lớn làm
sao tôi chuộc được xác”, anh Tùng vừa trình bày vừa khóc. “Chẳng ai cho
gia đình tôi vay nữa, hết cách rồi anh ạ. Giờ tôi chỉ còn chờ quyết định
của bác sĩ rồi đưa vợ về, mong sao cô ấy được trút hơi thở cuối cùng
tại nhà để vong hồn không bị vất vưởng, bơ vơ”.
“Tôi biết việc xin bác sĩ để đưa vợ về lo hậu sự của mình là quá
tàn nhẫn, nhưng cả gia đình đã hết cách rồi. Vợ tôi mới nằm viện có ít
ngày mà chi phí đã tốn tới hơn 50 triệu đồng, toàn bộ khoản tiền ấy phải
vay mượn mới có. Nếu tiếp tục điều trị, nợ viện phí bệnh viện sẽ tiếp
tục tăng cao, khi cô ấy nhắm mắt xuôi tay làm sao tôi có tiền để chuộc
xác”.
23 triệu đồng, quá lắm chỉ là một bữa nhậu sang của một đại gia nào đó, nhưng trong trường hợp này là đổi lấy một mạng người.
Chỉ 23 triệu đồng thôi mà, ai đó hãy làm gì đi chứ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét