Tài khoản FB này của tôi đáng giá thì
không, nhưng nói ngay, cũng khiến được một số “thành phần”... thèm
thuồng. Nên khi tôi bị mất phone, một vài bạn trong quốc nội đã lo lắng
khuyên tôi mau đổi mật khẩu FB.
Một lời khuyên nhỏ, mà tôi phải suy nghĩ thật nhiều.
Ở
cái xứ này, giá thành của một cái phone, $700, không chỉ dừng lại ở giá
trị của cục sắt 5.5 inches, nhưng còn là rất nhiều trách nhiệm của nhà
cung cấp đối với người sử dụng. Từ việc thay sửa, bảo trì, lưu trữ hồ sơ
biên lai, hướng dẫn sử dụng, chăm sóc khách hàng ..v.v.. Người bên này,
khi quyết định mua một món hàng, thường nhìn nhiều hơn, và xa hơn, là
thứ mình có thể cầm nắm được trên tay. $700 một chiếc phone, tôi không
phải chỉ mua một món hàng, mà còn mua cả một dịch vụ chăm sóc các nhu
cầu hậu mãi chu đáo.
Cũng chiếc
phone ấy, về đến Việt Nam thì... sống chết mặc bây. Hư gì tự sửa. Không
biết hỏi Google. Phone đàng hoàng hay phone trộm cắp đều... như nhau.
Tầm mắt người ta dường như bị chặn tại cục sắt kiêu sa trên tay, và hoàn
toàn không còn thói quen nhìn rộng hơn, xa hơn một món hàng.
Tôi
nghĩ mình không quá đáng khi đổ lỗi cho chủ nghĩa thực dụng đã tạo ra
một thế hệ người bán chỉ biết có vơ vét cho xong một lần giao dịch,
không cần đến lần sau, và một thế hệ người mua chỉ biết đem về là tốt
hưởng xấu chịu, khó bắt thường ai.
Một
trong số những dịch vụ hậu mãi của hãng Apple, là khả năng định vị
chiếc phone khi nó kết nối được vào internet. Người trộm phone của tôi
đã bất cẩn khi không tắt máy, khiến cho tôi không những xác định được
địa chỉ của chiếc phone, còn kịp “khoá mất" chiếc phone bằng thủ tục
“khoá mất" từ chính hãng. Thủ tục này không những khoá chiếc phone hoàn
toàn, mà còn cho phép người mất để lại 1 số điện thoại liên lạc trên màn
hình phone, và người tìm được, nhặt được, có thể gọi ra cho duy nhất số
phone đó. Mã số của chiếc phone cũng được lưu lại trong kho dữ liệu
phone bị mất/đánh cắp của hãng Apple, và chiếc phone đó trở nên hầu như
vô ích trong lãnh thổ nước Mĩ. (Người ta tuồn những chiếc phone có mã số
trong “danh sách đen" này về VN, nơi có một thị trường bát nháo, với
một hệ thống luật lệ lỏng lẻo, và cái gọi là “quản lý thị trường" chỉ là
một trò hề, để tiêu thụ. Và dĩ nhiên, nơi đây, nó được chào đón nồng
nhiệt.)
Giả sử, chỉ giả sử thôi, tôi
không kịp “khoá mất" chiếc phone, vì nó bị tắt ngay sau khi trộm, thì
với chế độ bảo mật hiện hành, đến cả FBI cũng khó có thể mở phone tôi ra
được.
Năm 2016 này sẽ là năm đánh
dấu một mốc mới trên bản đồ dân chủ Mỹ. Còn nhớ năm ngoái, cách nơi tôi ở
khoảng 15 phút lái xe, đã xảy ra một vụ xả súng kinh hoàng, giết chết
16 người và rất nhiều người bị thương. Cả hai can phạm trong vụ khủng bố
đều bị bắn chết, chẳng để lại cho FBI manh mối điều tra nào ngoài một
chiếc... iphone.
Nếu FBI mà là cảnh
sát hình sự VN, và Apple là 1 công ty trong nước, mọi chuyện chắc không
đến nỗi ầm ỹ. Vì cảnh sát hình sự VN có lẽ chỉ cần “bỏ nhỏ" là hãng
phone vui vẻ mở khoá cho cán bộ điều tra. Nếu không có khi còn tù tội.
Ở
đây, FBI không những không có quyền yêu cầu Apple mở chiếc phone của kẻ
khủng bố, mà ngay cả khi có trát của toà án, yêu cầu Apple mở phone,
Apple vẫn thản nhiên... từ chối! Câu trả lời của Apple trước đòi buộc
của toà án không phải là “No!” mà là “Hell No!”. Theo sau Apple là Google
và FB đều ủng hộ quyết định bất hợp tác của Apple trên cơ sở bảo vệ
hàng trăm triệu khách hàng đã đặt niềm tin vào chiếc iphone. Apple khẳng
định sẽ không bao giờ mở một cửa hậu để chính quyền có thể vào một
chiếc iphone nào, vì việc đó sẽ nguy hiểm cho tất cả những chiếc iphone
khác. Apple đã chính thức đệ đơn kháng lệnh và sẽ tranh biện với...
chính toà án Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Nền dân chủ ấy, môi trường sống ấy, lối tư duy ấy, biết đến bao giờ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét