Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

TIN KHÓ TIN (6)


Hôm nay là 17.2, ngày mà 37 năm trước, 32 sư đoàn Trung Quốc đã đồng loạt tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, và chúng ta đã tiến hành một cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại sau chiến thắng 30.4 có vài năm. Tin khó tin, thay một nén nhang, xin tưởng niệm những người đã ngã xuống vì tổ quốc! 

1. Chiến tranh- nhìn từ tấm bia ở Khánh Khê

Thưa các bạn, ở Văn Quang- Lạng Sơn có một địa danh gọi là Khánh Khê. Trên tuyến phòng thủ này năm 1979, 650 người lính sư 337 anh hùng đã vĩnh viễn nằm lại lấy máu của mình để bảo vệ mảnh đất thiêng cha ông!
 
Ngay sau cuộc chiến cột bia Khánh Khê cao 5m đã được dựng với ý nghĩa như một cây cột thiêng thiêng ghi nhớ công ơn liệt sĩ đã ngã xuống!
 
Cột bia Khánh Khê đã bị đục bỏ mấy chữ: quân Trung Quốc xâm lược (TNO)


Đại tá Nguyễn Chấn, một chỉ huy của F337 từng tham chiến tại đây năm 1979 cho biết cột bia Khánh Khê còn là một cột mốc mang ý nghĩa chốt chặn, là cột mốc cảnh giác trước quân thù. 
 
Tháng 2.2011 trong chuyến đi thu thập tư liệu biên soạn lịch sử sư đoàn, đại tá Đỗ Phấn Đấu, Chính ủy hiện tại của Sư đoàn 337 phát hiện ra rằng cột bia Khánh Khê đã bị hư hại. 
 
Khó có thể nói khác, đây là một tội ác với lịch sử dân tộc.
 

2. Chiến tranh: Nhìn từ... chiến tranh
 
Hôm qua, Petrotimes nhắc lại cuộc chiến này trong tương quan với các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc.
 
“Hàng năm, chúng ta có nhiều dịp kỷ niệm.. nhất là chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và chống bọn Pôn Pốt nhưng riêng cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược năm 1979 và cuộc hải chiến Trường Sa thì bị... bỏ qua.
 
Tờ Một thế giới cũng đặt một câu hỏi lớn: Không lẽ người cầm súng đánh Pháp, đánh Mỹ thì được suy tôn, còn người đánh kẻ đến nước ta tàn phá, giết chóc tàn bạo nơi biên giới phía Bắc năm xưa lại cứ ngậm ngùi mãi vậy sao? Các thế hệ con cháu sau này họ sẽ nghĩ gì về chúng ta hôm nay?
 
https://www.blogger.com/blogger.g?blogID=6611069260353278766#editor/target=post;postID=7767543399334230339
 
 
3. Chiến tranh - nhìn từ tấm bia thảm sát
 
Tờ VTC, đưa lại hình ảnh tấm bia

Bia thảm sát ở Tổng Chúp- Cao Bằng, nơi ghi dấu tội ác man rợ 
của lính Trung Quốc trong chiến tranh biên giới 1979.
 
Có lẽ, đúng là những từ ngữ trên tấm bia ghi nhớ tội ác còn sót lại ở Tổng Chúp là không đủ, và không bao giờ là đủ để diễn tả hết sự bạo tàn của quân xâm lược. bia thảm sát ở Tổng Chúp- Cao Bằng, nơi lính Trung Quốc đã thảm sát 43 người, hầu hết là phụ nữ và trẻ em. 

Bà Khương Thị Chu (mẹ anh hùng Lê Đình Chinh) mỏi mòn đợi con 
sau 35 năm ngày anh Chinh hi sinh (TNO)
 
Một nhân chứng chiến tranh ở Cao Bằng.

4. Chiến tranh- nhìn từ một gia đình Hoa kiều

Ở nhà thường gọi nó là thằng Tu. Gia đình Tu là người Hoa Quảng Đông. Năm đó, trẻ em người Hoa học riêng ở trường tiểu học Trung hoa trên phố Hàng Buồm và trung học Trung hoa ở phố Phó Đức Chính. Pá (bố), má (mẹ) nó làm công nhân nhà máy Cao su Hà nội trên đường Cát Linh. 
 
Má Tu, một người phụ nữ tần tảo, lo toan vẫn nói với mình lúc bé mày vẫn thỉnh thoảng bú ké tao đấy. Pá nó là người ủng hộ cách mạng văn hoá Trung Quốc. Những năm cuối 60, tới ĐSQ TQ lấy hàng rổ huy hiệu Mao đủ cỡ từ miệng chén đến miệng bát ăn cơm và hoạ báo TQ về nhà phân phát cho người Hoa. Mình thích nhất là hoạ báo TQ vì in màu mè, giấy tốt, dùng để bọc sách vở rất đẹp. Khi đó còn quá nhỏ để hiểu thế nào là cách mạng văn hóa. Sống với nhau mấy chục năm mình cũng chỉ biết đếm dắt, zì, xám, xây ( 1,2,3,4) và tỉu nà ma (tiếng "Đan Mạch").
 
Đến cuối những năm 70 đầy biến động. Cộng đồng người Hoa ở phố xao xác khi nhận được tin từ phía TQ là họ phải trở về TQ ngay. Các gia đình người Hoa ở phố vắng tiếng cười, ngừng buôn bán làm ăn, ít đi ra ngoài và chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Hoa. Một ngày thằng Tu nói ngày mai pá tao và tao sẽ đi tàu Lạng Sơn sang TQ trước, bên TQ đã có danh sách giao đất cho gia đình tao ở một nông trường ở Quảng Châu, sang đó xem tình hình thế nào sẽ quay lại đón cả nhà, má tao và chế Hà với thằng Tống tạm ở Việt Nam. Hôm sau tiễn bác Xường và thằng Tu ra ga Hàng Cỏ, cổng Trần Quý Cáp, thấy dòng người Hoa dầy đặc với túi xách, đồ đạc, mặt mũi bơ phờ, lo lắng. Tàu chạy, chỉ nói với nhau mày nhớ viết thư nhé. Chẳng biết khi nào mới gặp nhau.
 
Gần 1 năm sau má nó bị thôi việc vì là người Hoa. Hai mẹ con lang thang trú tạm nhà cô em gái ở Hải Phòng, rồi má nó và thằng Tống vượt biên bằng thuyền giữa những ngày chiến tranh biên giới xảy ra. Gần 1 năm sau, chế Hà nó bụng chửa 7 tháng, cũng liều vượt biên cùng chồng bằng thuyền. Sau đó khoảng 2 năm bỗng nhận được lá thư gửi từ Mỹ của bác Xường mới biết cả nhà đã đoàn tụ tại California (Mỹ). Trong thư có mấy tấm ảnh gia đình đang ở trong những nhà tạm như container, sơn màu trắng. Bác kể bác và thằng Tu từ đại lục vượt sông sang Hongkong. Bác gái và thằng Tống cũng tới được Hongkong bằng thuyền từ Hải Phòng. Chuyến cuối vượt biên bằng thuyền từ Quảng Ninh của chế Hà và chồng cuối cùng cũng tới Hongkong. Cả nhà gặp lại nhau trong trại tị nạn. Chế Hà nó tới Hongkong sau một tuần thì đẻ, đặt tên thằng con trai là Phong - phong ba bão táp, sau này kể chuyến đó bị hỏng tàu, bị cướp, tưởng đã bỏ mạng ngoài khơi. 
 
Đây là câu chuyện nhỏ của một gia đình Hoa kiều vừa được Facebooker Hoàng Minh Hùng kể lại.
 
Ngẫm ra, cuộc chiến tranh biên giới không chỉ gây đau khổ cho đồng bào Việt mà cả những đồng bào người Hoa vô tội!
 
Ngẫm ra, mộng bá quyền khiến ngay cả những người con của dân tộc Trung Hoa phải lìa xa mảnh đất mà họ đã coi là quê hương thứ 2.
 
5. Chiến tranh- từ bức ảnh ở Pò Hèn
 
Bức hình các bạn đang xem là của nhà báo Lê Đức Dục, chụp lại tấm ảnh Tập thể cán bộ chiến sĩ đồn Pò Hèn, tháng 12-1978!


Một tấm hình bình thường, được chụp vào dịp anh em đồn liên hoan cuối năm và đón năm mới 1979, nước ảnh đã ố màu thời gian.Nhưng nếu ai đã biết về huyền thoại Pò Hèn những năm tháng đó, sẽ giật mình hiểu ra. 

Bức ảnh lịch sử ở Pò Hèn (TTO)
 
Bởi chỉ chưa đầy hai tháng sau khi tấm ảnh được chụp, hầu hết anh em cán bộ chiến sĩ có mặt trong tấm hình ấy đều đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương Tổ Quốc vào tháng 2-1979.
 
Máu những người lính trẻ ấy đã nhuộm đỏ ngọn đồi Pò Hèn, nhuộm đỏ khoảng sân đồn, nơi các anh em đã từng ngồi khoác vai nhau cười rạng rỡ trong bức ảnh mừng xuân…
 
6- Chiến tranh- nhìn từ SGK
 
Toàn bộ cuộc chiến trên SGK lịch sử lớp 12 (internet).


Cuộc chiến bảo vệ tổ quốc trong sách giáo khoa lịch sử lớp 12 được ghi lại với như sau:

“Bảo vệ biên giới phía Bắc: Hành động thù địch chống Việt Nam của tập đoàn Pôn Pốt được một số nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó đồng tình ủng hộ. Họ còn có những hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước như: cho quân khiêu khích dọc biên giới, dựng lên sự kiện “nạn kiều”, cắt viện trợ, rút chuyên gia. Nghiêm trọng hơn, sáng 17-2-1979, quân đội Trung Quốc huy động 32 sư đoàn mở cuộc tiến công dọc biên giới nước ta từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu).
 
Để bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, quân dân ta, trực tiếp là quân dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc, đã đứng lên chiến đấu. Đến ngày 18-3-1979, quân Trung Quốc rút khỏi nước ta”.
 
Đúng 11 dòng và 140 chữ! Cho một trang sử đau thương nhưng hào hùng của dân tộc!
 
Đấy, chúng ta cứ than giời về chuyện bọn sửu nhi chán sử! Đến một trang sử hào hùng và đẫm máu của dân tộc còn được chép khô khan, vô hồn, ngó trên liếc dưới không có thậm chí cả diễn biến tối thiểu như thế thì thử hỏi làm sao chúng không thuộc...sử tàu!

Có lẽ, 37 năm đã là khoảng lùi quá đủ để SKG “cải tiến” năm nay đừng có né mãi. Cái gì của lịch sử phải trả về cho lịch sử. Bởi cái tối kỵ của lịch sử là những khoảng trống!
 

 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét