Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

SƠ CỨU NGHẸT ĐƯỜNG THỞ DO DỊ VẬT - BS Trần Thị Huyên Thảo

Đây có thể nói là một loại sơ cứu mà bất kì người nào, già trẻ lớn bé, đều nên biết để làm, vì rất đơn giản, và rất hiệu quả. Chỉ cần một số hành động đơn giản, chỉ trong vài giây, có thể xoay chuyển hoàn toàn một tình trạng có thể chết người.

Chúng ta đã từng nghe hoặc biết những trường hợp rất thương tâm, như sặc sữa, hóc dị vật, hóc các loại hạt, hoặc thức ăn, gây tử vong cho con trẻ, và cả người lớn (tuy ít nghe thấy hơn). Những trường hợp này, có thể khác đi, nếu được sơ cứu đúng lúc, hợp lý, kịp thời.

Đầu tiên, là nên nhận biết dấu hiệu nghẹt đường thở. Vì do dị vật, nên dấu hiệu rất đột ngột:

Nghẹt đường thở một phần: Nạn nhân hít thở khó khăn, tạo tiếng động lớn, hoặc hớp khí để cố gắng thở, có thể nghe thấy có tiếng rít qua miệng. Nạn nhân có thể ho khan. Vì khó chịu và thiếu khí, nên nạn nhân tỏ rõ sự khó chịu, sợ hãi. Da niêm, môi trở nên nhợt nhạt, hoặc bầm đỏ, chuyển sang xanh.

Nghẹt đường thở hoàn toàn: Nạn nhân không thể ho, không thể thở, không thể nói chuyện. Vì thiếu khí nên nạn nhân tỏ rõ sự cố gắng hít thở, qua sự co kéo lồng ngực, các xương vai, và hõm ức. Mặt nạn nhân chuyển màu xám, môi tím xanh. Thường nạn nhân sẽ dùng hai tay nắm chặt vào cổ họng, rất hốt hoảng (nhìn thấy dấu hiệu này, là xông vô cứu liền, đừng hỏi han chi mệt, tại không trả lời được đâu!).