Xem tướng được dùng như một nghệ thuật lẫn khoa học trong khám phá sinh mệnh. Người xưa sử dụng thuật xem tướng từ việc chọn vợ gả chồng đến tìm người cho các chức vụ trong triều đình. Xem tướng trở thành một phần của xã hội cổ đại phương Đông, được ghi chép trong các thư tịch cổ như “Trúc thư kỷ niên” và ngày càng phổ biến hơn ở phương Tây.

Có nhiều cách tiếp cận để phân chia và luận giải khuôn mặt: Khái quát đến từng nét; hoặc dùng lý âm dương ngũ hành… Thường khuôn mặt được chia làm ba phần (gọi là tam đình).



Thượng đình: (Trán) từ sát mép của chân tóc đến chỗ tiếp giáp Ấn đường (khoảng giữa hai lông mày), còn gọi là Thiên, phản ánh tuổi thơ, thiếu thời, những yếu tố thiên bẩm của đối tượng. Đắc cách là cao rộng sáng sủa, thì não bộ phát triển đầy đủ, biểu hiện sự thông minh sáng suốt mà trí tuệ là tiền đề của sự thành công. Biểu hiện sơ vận của con người, từ 1-25 tuổi, nếu cao rộng: được nuôi nấng trong một gia đình đầy đủ sung sướng.

Nếu Thượng đình ngắn thì là con người có đầu óc thực tế, nếu Thượng đình tốt mà Hạ đình khuyết hãm cũng là bất đắc chí.

Trung đình: Khoảng từ lông mày xuống tới huyệt Nhân trung (giữa môi trên và mũi), còn gọi là Nhân. Trung đình quan trọng nhất là cái mũi (tốt là mũi dài, rộng, tròn, khoan hòa). Đắc cách là mũi cao và hai lưỡng quyền (gò má) rộng, mũi phải dài thì mới cân xứng. Mũi dài chủ thọ. Biểu hiện sức khỏe, khí lực. Nếu Thượng đình phát triển đầy đủ mà Trung đình khuyết hãm thì chẳng làm nên gì, trí tuệ chỉ dừng ở chỗ lý thuyết, làm việc gì cũng nản, rất khó thành công lớn.

Hạ đình: Từ Nhân trung đến địa các (cằm), còn gọi là Địa. Cần phải phong mãn, nảy nở, đầy đặn, rộng. Người cằm đầy (địa các nảy nở sáng sủa, không có vết ám hãm (vết đen, nốt ruồi) là đắc cách. Cằm phải phù hợp với mặt (nếu mặt to nhưng cằm nhỏ hoặc thót thì cũng không tốt). Nguyên tắc của tướng số là tương xứng, cân đối. Là lộc, là hoạt lực (tất cả những khí chất của cuộc sống, kinh nghiệm đường đời, sự va chạm, bươn chải trong cuộc sống, mọi hoạt động dành cho sự mưu sinh và tồn tại cuộc sống). Địa các (cằm) nảy nở sáng sủa là vãn niên (về già) sung sướng. Địa các khuyết hãm: Vãn niên vất vả. Địa các mỏng (cằm sắc lẹm): Là người bảo thủ, cực đoan.

Dùng thuyết tam tài (Thiên – Địa – Nhân) mà quan sát tam đình có thể có được cái nhìn khái quát về đường đời của đối tượng: Tam đình bình ổn, phú quí vinh hiển. Tam đình bất ổn, thế cô bần tiện.

Lại có thể xem từng bộ phận

Ví dụ như khoảng cách trung bình giữa hai mắt là bằng độ dài của một con mắt. Diện tướng gợi ý rằng khoảng cách giữa hai mắt có thể nói lên cái chí của một người. Người mà khoảng cách này rộng thì thường là dễ dãi, vui đâu chầu đấy, còn những người mà khoảng cách này hẹp thì thường là kẻ có chí. Ví dụ khác là môi miệng. Diện tướng gợi ý độ dầy mỏng của môi nói lên cái tính của người. Người môi mỏng thường đa ngôn, lắm lời. Môi dầy thường có tài ăn nói.

Hai môi cân xứng, lăng giác (là đường nét môi) rõ ràng, hình dáng thanh nhã, môi hồng, khóe miệng hướng lên, răng đều và trắng (răng là hình của miệng). Lời nói là thần của miệng, miệng đẹp nhưng hay nói xàm bậy là bị phá (vì tâm không tĩnh, không thể đạt tới cao sang). Nếu miệng môi đắc cách hậu vận sung sướng, con cái thành đạt, bạn bè tốt.