Saigon - Gia Định - Đồng Nai - Bà Rịa, Cần Giờ và Mỹ Tho cách đây hơn 300 năm chủ nhân không phải là người Việt, cũng không phải là người Khmer mà là người Mạ và Stieng. Thuộc hệ ngôn ngữ Mon-Khmer, họ đã hiện diện trên vùng đất rừng rậm hoang dại nhiều thú dữ và sông ngòi chằng chịt này từ ngàn năm trước, cuộc sống của họ một phần bị ảnh hưởng sau đó bởi văn hóa Sa Huỳnh, văn minh Phù Nam, văn hóa Chân Lạp-Khmer và sau cùng là văn hóa Việt–Hoa. Ngày nay họ không còn và biến mất hoàn toàn và chỉ còn rãi rác ở Đồng Nai và Lâm Đồng. Không như những thổ dân ở một vài nơi trên thế giới được may mắn vẫn còn hiện diện trên đất cha ông của họ sau những tranh đấu gian nan, người Mạ hiền hòa đã không có tiếng nói gì và dư âm rất nhỏ bé còn để sót lại trong lịch sử.
Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục”, cho biết vùng Saigon còn rừng rậm dày đặc, người “mọi” (Mán) được dùng làm nô lệ cho lưu dân đến vùng đất mới lập nghiệp:
“Miền Đồng-nai về phủ Gia-định từ cửa bể Cần Giờ, cửa Sài-lạp, cửa đại và cửa tiểu đều là rừng rậm kể hàng hơn một nghìn dặm. Đấy là đất trước kia họ Nguyễn đã đánh Cao-miên mà lấy được. Họ Nguyễn chiêu mộ những dân có của ở Quảng-nam, Điện-bàn, Quảng-nghĩa và Quy-nhân đến ở để khai khẩn đất hoang thành ra ruộng lúa tốt, ai khai hoang được thì có quyền chiếm làm của riêng, làm nhà cửa, mở vườn nương, giồng cau, giồng lúa, giồng dừa. Lại đem những con giai con gái người xứ mọi bán cho dân ở nơi mới khai khẩn để họ dùng làm tôi tớ (người đen tóc quăn là Mán thực giá tiền 20 quan một người; người hơi trắng giá tiền hơn 10 quan một người). Chúng lấy lẫn nhau sinh sôi khôn lớn, làm ruộng rất khéo. Vì thế thóc gạo rất nhiều. Mỗi một địa phương hoặc 40 hay 50 nhà giầu, hoặc 20 hay 30 nhà giầu. Mỗi nhà có đến 50 hay 60 người điền tốt và trâu bò có đến 300 hay 400 con. Cày bừa cấy gặt không lúc nào rãnh công việc. Hằng năm tháng 11 tháng 12 xay thóc ra gạo, đem bán để ăn tết. Đến tháng giêng thì ăn chơi không phải xay giã gì nữa. Ngày thường bán thóc gạo vào Phú-xuân để mua các thứ lụa hoa, vóc nhiễu do tàu buôn Trung-quốc mang đến. Họ ăn mặc lịch sự, ít khi mặc áo vải.“
Như vậy những chủ nhân chính của vùng đất Gia Định, người Mạ, không những đã bị tước đất mà còn bị dồn vào tư thế phải bán con làm nô lệ cho lưu dân người Việt đến lập nghiệp. Ngay cả cho đến giữa thế kỷ 20, Bình Nguyên Lộc sinh trưởng ở Đồng Nai và Biên Hòa cho biết ở vùng Tân Uyên, Biên Hòa, những người Mạ làm tôi tớ cho người Việt vẫn còn và họ đã bị Việt hóa hầu hết vì cha mẹ tổ tiên của họ đã rút về Lâm Đồng và vùng cao nguyên. Trong ngôn ngữ ở miền Nam ngày nay, vẫn còn nhiều từ có nguồn gốc từ tiếng Mạ như: cẩm lai, lòng tong (cá), đau xóc, chết giấc, cà nanh, dầu long, qua, bậu…. Địa danh Đồng Nai cũng bắt nguồn từ tiếng Mạ “Đạ Đờng” (Sông Đồng) nơi gần nguồn từ cao nguyên Lâm Đồng chảy xuống vùng đồng bằng với cánh đồng nhiều nai ở gần Biên Hòa (Hố Nai).
Có thể nói là trước khi lưu dân người Việt đến thì Saigon đã là nơi định cư của các người Khmer ở phía Tây, ở phía Đông là người Mạ, Chăm, và phía Bắc là Stieng, Khmer và Mạ. Người Mạ và người Stieng là cư dân bản sứ và đã hiện diện lâu đời, có mặt trước hết từ thượng nguồn sông Đồng Nai, sông Saigon, sông Bé, sông Vàm Cỏ xuống đồng bằng hạ lưu của các sông này và sông Tiền Giang cho đến Cần Giờ, Mỹ Tho. Ngôn ngữ của họ, cũng như của người Mnong ở Dak Lak, thuộc hệ Mon-Khmer. Ngày nay người Mạ chỉ còn một số ở Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận và người Stieng còn ở rãi rác rất ít trong hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước.
Cách đây không lâu vào đầu thế kỷ 20 đến giữa thế kỷ 20, người Mạ vẫn còn nhiều ở các vùng Bà Rịa, Biên Hòa, Xuân Lộc (Đồng Nai) nay cả các địa phận quanh Saigon như Thủ Đức và người Stieng vẫn còn ở Tân Uyên, và chung quanh Thủ Dầu Một (Bình Dương). Trước đó vào đầu thế kỷ 19, thuyền trưởng John White khi viếng thăm Saigon đã thấy người “mọi” trong Saigon dự cuộc triễn lãm do Tả quân Lê Văn Duyệt tổ chức và được Tả quân cho biết đó là những chủ nhân vùng đất này trước khi lưu dân người Việt và Hoa đến.
L. Jammes trong quyển “Souvenir du pays d’Annam” đã cho biết trong đoàn quân của Nguyễn Tri Phương giữ thành Kỳ Hòa có nhiều người “mọi” thổ dân được dùng để xung kích, la ó dữ dằn cốt làm sợ hải quân Pháp. Khi Pháp chiếm và xây dựng lại Saigon trong những năm 1860s thì một con đường Saigon đã được đặt tên là Rue des Mois (sau đổi tên là Rue Richaud, nay là Nguyễn Đình Chiểu) do có nhiều thổ dân ở đó.
(DAVID HÀ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét