Câu nói xưa của ông bà để lại, nghe mà đáng giá. Lời trẻ con thật thà,
có thể nói lên được những điều mà người lớn đã quên hoặc né tránh.
Chuyện cậu bé lớp 8 ở Hà Nội bình luận về hiện trạng giáo dục Việt
nam đang trở thành sự kiện gây tranh cãi ở nhiều nơi là một ví dụ. Giờ
đây, bất luận các ý kiến phản đối hay ủng hộ cách thể hiện của cậu bé
này, thì vấn đề xuống cấp của giáo dục Việt Nam được đặt ra rất rõ ràng,
quả thật đang nhức nhối trong tim của hàng triệu phụ huynh.
Sự kiện này xảy ra vào ngày 12 tháng 8, trong buổi hội thảo ra mắt
sách Văn và Tiếng Việt lớp 6 do nhóm Cánh Buồm, nhà giáo Phạm Toàn phụ
trách và soạn thảo. Phần phát biểu của một học sinh lớp 8, tên là Vũ
Thạch Tường Minh, trường Amsterdam, về sự ì ạch của nền giáo dục Việt
Nam hiện nay, cũng như khát vọng đổi thay của em, được nói rõ bằng tuyên
bố “nếu các vị Bộ trưởng không làm, thì khi nào con thành Bộ trưởng Bộ
giáo dục, con sẽ làm”.
Trong băng ghi âm sống động, được phát đi nhiều nơi trên mạng xã hội,
nhiều trang báo điện tử… người ta nghe thấy vỗ tay rầm rộ của giới phụ
huynh, giới giáo viên… tham dự buổi ra mắt ấy. Trong tiếng vỗ tay ấy, rõ
là có những góc tối ẩn ức được chạm tới, khiến cho nhiều người lớn phải
bật ra tán thưởng.
Tình trạng khủng hoảng của ngành giáo dục Việt Nam đã trở nên hết sức
trầm trọng, thậm chí đến một học sinh trung học cũng cảm thấy bất đồng.
Sự bất đồng không chỉ mới hôm nay mới có, mà đã hàng chục năm người ta
chịu đựng, hàng chục năm ngơ ngẩn bàng hoàng nhưng vì ngán ngại và thỏa
hiệp mà hầu hết các người lớn, phụ huynh chọn sự im lặng.
Đường đến tương lai thật xa, ông bà Việt xưa chắc không hình dung
trong ngôi nhà quê hương mình hôm nay, kẻ lớn đang loay hoay cày xới,
cải cách trong vốn liếng sân vườn rách nát mình, và cứ tưởng đó là xây
dựng bình nguyên của cả dân tộc. Đường xa chắc chẳng còn trông mong gì ở
người già chỉ lối. Chỉ còn tiếng trẻ vang lên. May thay!
Tiếng vỗ tay và sự truyền đi nhanh chóng của cậu bé lớp 8 ấy, chỉ nối
tiếp những phát biểu thẳng thắn đối với ngành giáo dục. Nhiều đoạn
video tự quay, tải lên trên mạng internet, đã cho thấy không ít sinh
viên, học sinh phản ứng vể các chương trình giáo dục, đường lối giảng
dạy lịch sử, chính trị Mác-Lê… đã không còn hợp thời nữa. Hôm nay, tốc
độ lan truyền của đoạn ghi âm ấy, không chỉ là chuyện trẻ con, mà chính
ngay người lớn cũng đã quá mỏi mệt và giật mình khi được nhắc nhở rằng
mình đang rơi lại phía sau, trên đường chạy vào tương lai bằng đôi chân
sự thật.
Nhiều đời Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam, không ít gia đình cứ hy vọng
rồi thất vọng. Thất vọng chồng thất vọng cao như núi. Ngoài những bộ áo
sang trọng hơn, những dự án khổng lồ tiền tỷ hoặc những kiểu học đòi mị
dân, đánh bóng bản thân, thì các vị lãnh đạo ngành giáo dục đã chẳng đem
lại được điều gì ngoài khủng hoảng.
Đôi khi, chúng ta cũng nên tự hỏi đường chân trời đến Tân Thế Giới
của các nhà lãnh đạo phiêu lưu giáo dục Việt Nam là đâu? Tại sao không
bắt đầu và nối tiếp từ nền tảng sẳn có của miền Nam, mà vốn là quy chuẩn
mơ ước của nhiều quốc gia châu Á khác từ thập niên 50-60?
Cũng có ý kiến cho rằng đám đông người lớn nổi loạn đang mượn miệng
trẻ con, nói những điều không thuộc thế giới trẻ thơ. Thật lạ, khi cần,
người ta vẫn chứng minh các thiếu niên Lê Văn Tám, Kim Đồng, Kơ-pa
Kơ-Lơng, Võ Thị Sáu… là đầy đủ ý thức. Còn nếu không, thì mọi phát ngôn
khác đều là bị coi là bị “kẻ xấu” xúi giục.
Một thế giới mơ về sự tốt đẹp lẽ nào đều bị xúi giục như vậy sao, từ
Joshua Wong của Hồng Kông, cho đến Malala Yousafzai ở Pakistan… có thể
đều bị xúi giục? Hay chỉ có trẻ con Việt Nam trong nền giáo dục yếu kém
này mới không thể có tư duy riêng và bị mượn miệng nói thay?
Trong một câu chuyện cổ của Ấn Độ, kể rằng, có hai ông thầy tu ngồi
trước cửa ngôi đền thờ gần dinh thự nhà quan. Ông thầy tu ngồi gần ngôi
nhà quan lớn, vẫn hay cố ý đọc kinh thật to để quan lớn nghe thấy, mong
được có cơ hội ban thưởng. Khi cả hai chết đi và được gặp Phật. Ngài ban
tặng cho vị thầy tụng kinh thầm lặng một chiếc chén bằng vàng, còn
người tụng kinh thật to là một nắm cát. Vị thầy tụng kinh to tiếng thấy
vậy, tức giận phân bì. Phật im lặng nhìn ông ta rồi nói “Ngươi chỉ mượn
kinh, tụng to tiếng chỉ để cho quan lớn nghe thấy, chờ một ơn mưa móc
của kẻ thế tục, chứ đâu phải tụng kinh để độ thế cứu khổ? Lâu đài của
ngươi xây mong manh dã tràng như cát, nên kẻ tu thân phải biết xây lại
từ đầu”.
Trong lao xao những lời phản biện, cũng có không ít người mượn chuyện
chỉ trích quan điểm về giáo dục của cậu bé 14 tuổi, mà nghe chừng chỉ
như giới thiệu bản chất cơ hội của mình với chế độ, chờ một ơn mưa móc
cho phận tôi đòi, chứ nào phải nói lời cho thế gian?
Cậu bé lớp 8 chắc không phải là kẻ hô hoán quan điểm để tìm lợi cho
mình, khác với không ít kẻ tiểu nhân đắc chí trong xã hội hôm nay vẫn
luôn tìm thấy khe lạch xum xoe của mình. Cậu bé chỉ nói ý riêng của
mình, nhưng trong diễn từ ấy, người ta nhìn thấy một xã hội Việt Nam
đang lắc đầu ngao ngán, bàn bạc với nhau khi nhìn thấy mình đang là vật
thí nghiệm trong một trò chơi thực tế giả trí tuệ. Người ta nhìn thấy
các bậc phụ huynh đã hết kiên nhẫn và ta thán ngay khi có mặt con cái
của mình.
Đúng, có thể cậu học sinh không nói chỉ có ý của mình, mà còn nói
thay cho hàng triệu con người đang quay quắt chờ một đổi thay tốt đẹp
hơn, từ những gì đã áp đặt một cách ngu xuẩn lâu nay.
Lời trẻ thì có thể ngô nghê và không êm tai, nhưng lời trẻ trong ngôi
nhà là sự thật, chúng ta cũng nên lặng nghe mà suy nghĩ như một người
có học. Khi những người già chỉ còn biết nói dối, sợ hãi và xu nịnh, thì
dân tộc Việt chỉ còn mong được nghe thêm lời của trẻ trong ngôi nhà của
mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét