Hãy bỏ qua ngôn ngữ cơ thể và những cử động của mắt. Có nhiều cách tốt hơn để phát hiện người nói dối.
Nhóm
sỹ quan an ninh của Thomas Ormerod phải đối mặt với nhiệm vụ tưởng
chừng không làm nổi. Ở các sân bay khắp Châu Âu, họ phải phỏng vấn hành
khách về quá khứ và kế hoạch đi của họ.
Ormerod đã cài một số
người phải qua bộ phận an ninh xuất nhập cảnh với quá khứ và kế hoạch dự
kiến bịa đặt và đội ngũ của ông phải tìm ra được họ. Thực tế chỉ 1/1000
người được phỏng vấn có thể trót lọt được. Phát hiện một người dối trá
đáng lẽ ra phải khó như mò kim đáy bể.
Vậy họ đã làm gì? Một cách làm là dựa vào vào ngôn ngữ cơ thể hoặc cử động của mắt, đúng vậy không? Làm như thế là không đúng.
Nhiều
nghiên cứu cho thấy rằng những cố gắng (thậm chí của cảnh sát được đào
tạo) phát hiện ra sự dối trá qua biểu hiện ở cử chỉ thân thể thì chỉ hơn
sự may rủi một chút.
Theo một nghiên cứu thì chỉ vẻn vẹn 50 trong
số 20.000 người là nhận định đúng với độ chính xác 80%. Phần lớn những
người khác phát hiện được là do may.
Đội ngũ của Ormerod đã dùng cách khác và đã phát hiện được những hành khách giả mạo trong phần lớn trường hợp.
Bí quyết là gì? Họ bỏ nhiều kỹ thuật phát hiện dối trá đã từng được dùng và áp dụng mới một kỹ thuật đơn giản không ngờ.
Trong vài năm qua, nghiên cứu về dối trá đã có những kết quả đáng
thất vọng. Phần lớn những nghiên cứu trước đó đã đi sâu vào việc đọc
biểu hiện dối trá qua các cử động của cơ thể hoặc trên mặt, như đỏ mặt,
cười gằn, đảo mắt.
Thí dụ nổi tiếng nhất là động tác sờ mũi của
Bill Clinton khi ông chối từ quan hệ của ông với Monica Lewinsky, nó
được coi là dấu hiệu chắc chắn là ông nói dối.
Timothy Levine ở
trường đại học Alabama tại Birmingham nói là việc nói dối gây ra một số
xúc cảm mạnh, khó kiềm chế như bồn chồn, cảm thấy tội lỗi, thậm chí cười
thách thức. Thậm chí ngay cả khi ta nghĩ rằng ta mặt lạnh như tiền
nhưng ta có thể vẫn có những rung động nhỏ trong cử chỉ được gọi là
những “biểu lộ cực nhỏ” mà chúng làm lộ tẩy.
Tuy nhiên, càng đi sâu thì các nhà tâm lý càng thấy các biểu lộ tưởng rằng đáng tin cậy lại không hẳn thế.
Vấn
đề là ở tính đa dạng muôn vẻ của ứng xử của con người. Đối với người
quen, ta có thể phát hiện khi nào họ nói thật, nhưng với những người
khác thì không như vậy vì họ có biểu hiện khác thế; không có sự thống
nhất trong ngôn ngữ cơ thể.
“Không có những dấu hiệu nhất quán
luôn đi kèm sự nói dối,” Ormerod từ Trường Đại Học Sussex nói. “Tôi thì
bồn chồn cười khẽ, người khác thì ra vẻ nghiêm trọng, một số thì nhìn
thẳng vào mắt, một số lại lẩn tránh.”
Levine đồng ý. “Bằng chứng rõ ràng là không hề có những biểu lộ đáng
tin cậy để phân biệt giữa nói thật với nói dối,” ông nói. Và mặc dù bạn
nghe nói tiềm thức của ta có thể phát hiện những dấu hiệu này ngay cả
khi ta không nhận thấy chúng, điều này cũng đã bị bác bỏ.
Cho dù những kết quả tệ hại này song sự an toàn của chúng ta vẫn thường dựa vào sự tồn tại của những biểu lộ hoang đường đó.
Xem
xét việc sàng lọc một số hành khách trước một chuyên bay đường dài, đây
là cách thức mà Ormerod được yêu cầu điều tra trước thềm Olympics 2012.
Ông
nói các nhân viên chủ yếu chỉ dùng những câu hỏi phải trả lời
“có/không” về mục đích của người sẽ bay và họ được đào tạo để quan sát
những dấu hiệu khả nghi (như lo lắng trong ngôn ngữ cơ thể) là nói dối.
“Không
còn kịp để nghe họ nói gì và có đáng tin không, mà chỉ quan sát sự thay
đổi thái độ, nó là yếu tố quan trọng để phát hiện nói dối,” ông nói.
Những thủ tục hiện tại cũng có thiên vị, ông nói, thí dụ nhân viên dễ
tìm ra những biểu hiện khả nghi ở một số chủng tộc nhất định. “Phương
pháp hiện thời thực tế ngăn cản việc phát hiện nói dối,” ông nói.
Rõ
ràng là cần một phương pháp mới. Nhưng với những kết quả thí nghiệm
đáng buồn thì ta phải làm gì đây? Câu trả lời của Ormerod là đơn giản
một cách thuyết phục: Không tập trung vào thái độ kiểu cách nữa mà vào
lời lẽ thực tế người ta nói, nhẹ nhàng dò tìm đúng điểm nhấn để làm trơ
mặt kẻ nói dối.
Ormerod và đồng nghiệp Coral Dando ở Đại Học Wolverhampton đã xác
định một tập hợp các nguyên tắc đàm thoại giúp làm tăng khả năng phát
hiện nói dối.
Dùng các câu hỏi mở. Việc này buộc kẻ nói dối phải mở rộng lời khai cho đến khi họ bị vướng bẫy trong chính mớ dối trá của mình.
Dùng yếu tố bất ngờ.
Những người điều tra nên gia tăng “khối lượng cần biết” cho kẻ nói dối,
thí dụ hỏi những câu hỏi không lường trước gây bối rối, hoặc bảo họ
thuật lại một sự kiện ngược dòng thời gian, là kỹ thuật làm kẻ dối trá
khó giữ được bộ mặt thật thà.
Đi sâu vào chi tiết nhỏ và kiểm chứng được.
Nếu một hành khách nói họ làm ở Đại Học Oxford, hãy hỏi họ nói lộ trình
đến nơi làm việc. Nếu bạn phát hiện mâu thuẫn thì đừng cho họ biết
ngay, tốt hơn là để họ an tâm và nói huyên thuyên thêm nhiều điều sai
nữa.
Quan sát những thay đổi về sự tự tin. Hãy
quan sát kỹ để thấy kiểu cách của kẻ dối trá thay đổi thế nào khi bị tấn
công: Kẻ dối trá có thể nhiều lời khi thấy mình kiểm soát được cuộc trò
chuyện, nhưng sự an tâm là có giới hạn và họ sẽ câm như hến khi mất tự
chủ.
Mục tiêu là nói chuyện bình thường, không vặn hỏi căng thẳng.
Tuy nhiên dưới áp lực nhẹ nhàng đó, người dối trá sẽ đuối dần vì mâu
thuẫn trong câu chuyện của chính họ, hoặc vì trả lời mang tính tránh né
hoặc vu vơ.
“Điều quan trọng là sẽ không có được một biện pháp cụ
thể mầu nhiệm nào; Chúng tôi đang tập hợp những điều tốt nhất để có được
một giải pháp về nhận thức,” Ormerod nói.
Ormerod công khai thừa nhận là chiến lược của ông có vẻ như việc dễ
hình dung. “Một người bạn tôi nói rằng anh đang cố lấy bằng sáng chế
nghệ thuật đàm thoại,” ông nói. Nhưng kết quả tự nó chứng minh.
Nhóm
này đã tạo ra một vài hành khách giả với vé máy bay và hồ sơ di đi lại
hợp lý. Họ được một tuần chuẩn bị và rồi xếp hàng lẫn cùng những hành
khách thật khác tại các sân bay khắp Châu Âu. Những nhân viên được đào
tạo kỹ thuật phỏng vấn của Ormerod và Dando đã dễ dàng phát hiện ra
những hành khách giả này hơn 20 lần so với hơn những người sử dụng dấu
hiệu khả nghi, họ đã tìm ra 70% số lượt hành khách giả.
“Thực sự
là ấn tượng,” Levine, cũng tham gia vào nghiên cứu này, nói. Ông nghĩ
rằng điều đặc biệt quan trọng là họ đã tiến hành thử nghiệm ở sân bay
thật. “Đây là nghiên cứu thực tế nhất đã làm.”
Nghệ thuật thuyết phục
Những thử nghiệm của chính Levine cũng chứng minh mạnh mẽ tương tự.
Cũng
như Ormerod ông tin rằng phỏng vấn thông minh để phát hiện lỗ hổng
trong câu chuyện kẻ nói dối là tốt hơn rất nhiều so với phương pháp cũ.
Mới
đây ông có làm một trò chơi, học sinh chơi theo cặp hai người, nếu trả
lời đúng thì được thưởng 5 đô la. Ông bố trí cài một số học sinh giả vào
cặp đôi, người này xúi học sinh thật nhìn trộm đáp án khi thầy ra
ngoài. Một số làm theo.
Sau đó các học sinh được mật vụ liên bang xét hỏi xem họ có gian lận
không, căn cứ vào lời khai mà không vào bộc lộ trên vẻ mặt. Họ đã đoán
đúng 90%, có một người đoán đúng 100%. Quan trọng hơn là ở một nghiên
cứu tiếp theo, những người mới được đào tạo cũng đạt độ chính xác tới
80%, với câu hỏi mở thí dụ như “bạn đời của anh/chị sẽ nói thế nào về
việc này”.
Thực vậy, thường thì những điều tra viên thuyết phục những người làm sai công khai thú nhận. “Về
việc này họ giỏi vô cùng,” Levine nói. Thoạt đầu họ hỏi học sinh thật
thà ở mức nào, để chúng trả lời là có và sau buộc phải thật thà. “Ngay
cả những người trước đó không thật thà sẽ cảm thấy khó khăn khi tỏ ra
thật thà, do vậy trong phần lớn trường hợp bạn thấy ngay ai đang giả
vờ.”
Rõ ràng là những thủ thuật như vậy đã được các thám tử sử
dụng, nhưng cũng cần nhấn mạnh rằng sự thuyết phục là rất mạnh mẽ so với
ngôn ngữ cơ thể không mấy tin cậy.
Cho dù thành công, cả Ormerod
lẫn Levine đều mong muốn những người khác thực hiện lại và mở rộng kết
quả nghiên cứu, làm sao để có kết quả đúng trong các tình huống khác
nhau. “Chúng tôi mong đợi một sự tuyên bố xác nhận rộng rãi nhất” Levine
nói.
Mặc dù kỹ thuật này chủ yếu dùng cho việc thực thi pháp
luật, nhưng những nguyên tắc như vậy có thể giúp ta phát hiện người nói
dối trong cuộc sống.
“Tôi vẫn luôn áp dụng với trẻ em” Ormerod
nói. Điều chủ yếu là có suy nghĩ mở và không vội kết luận: nếu ai đó bối
rối hoặc tỏ ra khó khăn để nhớ được chi tiết quan trọng thì không có
nghĩa là người đó có lỗi. Ta nên nhìn vào sự không nhất quán tổng thể.
Sẽ
không có một cách phát hiện nói dối mà bất kể ai cũng làm được, nhưng
nếu sử dụng một ít mánh lới, sự khôn khéo và thuyết phục thì ta có thể
hy vọng rốt cùng ta sẽ tìm ra sự thật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét