Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

CÁI BÓNG

Đây là một truyện ngắn tôi mới tìm lại được bản thảo. Nó từng được in trong một tạp chí ở Sài Gòn vào thập niên 80, với dạng hơi khác với bản được sửa lại và đưa lên đây để mua vui cho các bạn lúc cuối tuần.


1

Tôi đang cặm cụi lau nhà thì Hách đến. Mặt đỏ gay, anh dừng lại ở cửa, ngần ngại nhìn sàn gạch hoa đã được tôi lau đến bóng láng, rồi kêu lên:

- Cậu biết tin gì chưa? Thật hết sức bất ngờ. Không thể nào tưởng tượng nổi.

- Vào nhà đã. Mà chuyện gì vậy?

Hách cúi xuống lúi húi cởi giày. Tôi ngượng với bạn vì sự bất tiện. Vợ tôi kiên quyết bắt mọi người, bất kể là ai, một khi muốn đặt chân vào lãnh thổ hai chục thước vuông của chúng tôi thì nhất thiết phải bỏ giày dép. Chuyện đó trước kia không sao, mọi người đồng đều đi dép cả, nhưng nay khác, nhiều người đã bỏ dép. Đôi giày da thời bây giờ có giá trị biểu thị tầm vóc, cấp bậc của chủ nó, cũng như cái cặp da.

Tôi cất giẻ lau, rửa tay, pha trà. Chờ cho chủ khách yên vị, Hách mới thông báo:

- Thằng Thường chết rồi!

Tôi sững sờ, trân trân nhìn Hách.


Thường là bạn chung của hai chúng tôi. Bạn từ thời mặc quần hổng đít, từ thời đổ nước vào hang bắt dế, chơi chuồn chuồn cắn rốn, rồi là bạn cùng lớp, cùng trường. Chỉ đến tuổi trưởng thành, cuộc đời mới tách ba thằng ra, đặt mỗi đứa vào một con đường, cho mỗi đứa một số phận.

- Nó bị sao?

- Nhồi máu cơ tim.

- Bao giờ?

- Hôm qua.

Mọi người đều chết, không trước thì sau, là lẽ tất nhiên. Luật trời nó vậy. Nhưng tin Thường chết làm tôi thật sự choáng váng. Trong ba chúng tôi, Thường khoẻ mạnh hơn cả, tuy hơi gày. Người ta nói: gày là thầy cơm, xem ra có phần đúng. Thường dẻo dai hơn hai chúng tôi, ngay cả trong thời cả nước thiếu ăn và anh luôn bị đói. Có những người như thế, nhìn họ ta không bao giờ có ý nghĩ rằng họ sẽ chết vào một lúc nào đó, cứ như thể họ là một cái gì đó bất biến, một cái gì đó vĩnh hằng. Năm tháng làm cho hình hài mọi người biến đổi, riêng anh thì không. Vẫn gày nhẳng và khô đét, không bệnh không tật, không đau không ốm, không già đi, y như một vật cũ kỹ trong nhà từ đời nảo đời nào chẳng còn ai để ý đến chuyện nó có hay không có.

- Chúng mình cùng đi đưa chứ? - Hách nói.

- Tất nhiên rồi.

- Cần một vòng hoa.

- Ờ… - tôi vẫn chưa thoát khỏi cảm giác sững sờ - Phải có nó.

- Mình sẽ đưa ô tô đến đón vợ chồng cậu.

- Ờ… Thế thì tiện lắm.

- Không thể tưởng tượng được. - Hách lúc lắc đầu - Đùng một cái, nó chết. Mà nó thì dù không khoẻ như vâm, cũng chẳng yếu bao giờ…

- Nhồi máu cơ tim là một bệnh sang, ít nhất thì cũng với cậu ấy - tôi thở dài.

Hách chăm chăm nhìn tôi. Áng chừng anh muốn thấy một ẩn ý trong câu nói. Nhưng tôi chỉ buột miệng phát ra ý nghĩ chợt đến trong đầu.

Trong ba chúng tôi, Hách thành đạt hơn cả. Anh có học vị tiến sĩ, có danh tiếng, là một chuyên viên cao cấp về kinh tế, làm cố vấn cho các vị đứng đầu quốc gia. Vợ anh đẹp nhất trong ba bà vợ chúng tôi. Các con anh giỏi giang nhất trong đám con cái chúng tôi. Có thể nói trong cái mơ ước của các cụ nhà mình từ xưa: “ô tô, nhà lầu, vợ đẹp, con khôn” thì Hách có đủ, thiếu mỗi cái nhà lầu. Nhà lầu thuộc về chúng tôi: tôi có một căn hộ tầng năm, Thường ở tầng ba, trong hai chung cư cách xa nhau. Hách có một biệt thự to đùng, nhưng không có lầu, ở ngoại thành. Vợ Hách có tật ở chân, không thích leo thang gác.

- Cậu bảo bà nhà cậu lo cái vòng hoa nhá?

- Được thôi. Băng nên thế nào?

- Đề tên hai thằng mình. Vô cùng thương tiếc.

- Ờ, một vòng to hơn bình thường?

- Một vòng vừa phải.

- Thế cũng được.

- Chi cho vòng hoa chừng bao nhiêu là vừa, theo cậu?

Tôi suy nghĩ, ngần ngừ một lát, rồi nói một con số.

Hách hờ hững móc ví lấy mấy tờ bạc có giá trị nhiều hơn con số đó, đặt lên bàn. Rồi không nhìn đến chúng, anh lấy cái gạt tàn thuỷ tinh sứt sẹo đè lên. Tôi nhìn mấy tờ giấy bạc, biết rằng vợ tôi sẽ dùng chúng thế nào. Nàng biết mua ở đâu rẻ nhất và sẽ không dùng hết số tiền này. Chuyện Hách bỏ tiền mua vòng hoa là chuyện bình thường, gần như là tự nhiên, xưa nay vẫn thế. Đó là cách xử sự không thay đổi của Hách mỗi khi hai gia đình có chuyện làm chung, khi cùng ăn tiệm cũng như khi đưa các con của hai nhà đi chơi. Hách biết chúng tôi phải dè xẻn lắm trong chi tiêu, để sao cho vừa xoẳn với ngân sách eo hẹp. Đối với chúng tôi, đám cưới và đám ma là hai tai nạn đáng sợ. Chúng bao giờ cũng xuất hiện bất ngờ, chẳng theo một kế hoạch nào. May mắn nếu các vụ hiếu hỉ xảy ra trong giới đồng sự, đồng liêu - lúc ấy đã có công đoàn đứng ra lo liệu. Đây là trường hợp duy nhất cái tổ chức vĩnh viễn vô tích sự nọ tỏ ra hữu ích. Nó sẽ nhân danh chúng tôi mà mừng mà phúng, mỗi thành viên chỉ cần đóng góp chút đỉnh coi như xong.

Tin dữ làm cho nhớ đến những kỷ niệm xa lắc.

- Trong ba thằng mình, Thường là đứa sáng dạ nhất. - Hách nói, cái nhìn xa xăm - Tớ hằng ước được bằng nó.

- Nó nhất tuốt, môn nào cũng đầu bảng - tôi gật, tiếp tục đắm mình trong ký ức - Tính cả trường, nó vẫn là đứa thông minh cực, vẫn đứng trên tất cả.

- Tụi mình toàn phải cóp nó.

- Nó không khoảnh, muốn cóp bao nhiêu cũng được…

- Tội nghiệp vợ nó với mấy đứa con còn dại…

2

Nhác trông thấy Hách, thủ trưởng của Thường bước đến đưa hai tay ra nắm tay anh

- Hề hề… Không ngờ lại gặp anh ở đây. - ông thì thào, với âm sắc vui vẻ, hoàn toàn không thích hợp với không khí tang lễ - Anh có họ, hay là…

Thì ra hai người quen nhau, hay họ biết nhau trong mối quan hệ nào đó, thứ bậc hoặc công việc, với mọi dây mơ rễ má của nó, trong đó không có tôi.

Hách thấy cần phải giới thiệu tôi:

- Hai chúng tôi là bạn học của anh Thường…

Thủ trưởng của Thường nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi chìa tay:

- Đồng chí… công tác ở đâu nhỉ? Tôi chưa được gặp.

Tôi lí nhí trả lời, biết thừa ông chỉ hỏi để mà hỏi, không cần nghe.

- Hân hạnh - ông nói - Cảm ơn đồng chí đã tới dự tang lễ.

Quay ngay sang Hách, ông vồn vã:

- Hôm nào anh sang bên tôi nhá, mình trao đổi một số vấn đề. Tôi đã đọc bài báo vừa rồi của anh về tái cơ cấu. Sắc, sắc lắm. Còn hơn thế, phải công nhận là rất tuyệt.

Ông quàng vai Hách dìu đi. Tôi đứng lại, nhìn họ bước xa dần. Ông nghiêng đầu rì rầm vào tai Hách.

Tôi đứng lại. Tôi là người biết điều - khi người ta gọi mình bằng “đồng chí” có nghĩa là người ta muốn mình biết giữa họ với mình có một khoảng cách không nên bước qua.

Các thầy giáo tiên đoán cho Thường một tương lai xán lạn. Các bậc cha mẹ lấy anh làm gương, bắt chúng tôi noi theo. Tên của anh, được viết nắn nót bằng chữ gô-tích, nằm lì trên bảng danh dự, hết lớp dưới lên lớp trên.
Bây giờ anh nằm đấy, trong cái không gian khiêm tốn nhất mà con người có thể sở hữu khi rời bỏ tất cả lo toan, ham hố. Sắc mặt có màu vàng ngả xanh, trông giống một tượng sáp, anh im lặng, thờ ơ với tất cả.

Tôi nghe loáng thoáng tiếng Hách thì thầm: “Không, hoàn toàn không phải là như vậy. Trong sự tái cơ cấu, khi ta phải nói nới rộng quyền tự quản cho cơ sở, ấy là ta thú nhận bất lực của lãnh đạo…” Thủ trưởng của Thường xua xua tay: “ Tôi không có ý nói như thế, về cơ bản chúng ta nhất trí…” Hách: “Đồng ý, nhưng nói nhiều đến sức mua, mức sống… là mị dân. Phải sáng tạo, nhưng không được chệch hướng…”

Rồi cũng đến lúc xe tang chuyển bánh. Vợ con Thường đi sau, tay bám chặt các gờ mấu có thể bám của cái xe tang già lão với những sứt sẹo đúng với tuổi của nó. Tiếng hờ ai oán của chị Thường với mấy đứa nhỏ làm tôi nao lòng. Theo sau họ là mấy bà bạn của vợ Thường. Họ vừa đi vừa xì xào về giá cả ở chợ: “Rõ mình cầm cả nắm tiền, mà loáng cái đã hết, làn thì vẫn nhẹ tênh…”. “Chả hiểu các ông ở trên tính sao, chứ cứ cái đà này thì dân chỉ có chết…” Tiếng một người đàn ông: “ Chậm tiến nhất là thằng Lương, các bà ạ. Trong khi thằng Thịt, con Cá, cả đến thím Rau cũng được đề bạt rầm rầm…”

Hách và thủ trưởng của Thường đi sau họ, vẫn sôi nổi với đề tài dang dở. “Không có cái mô hình sẵn nào cho ta sao chép đâu - giọng Hách - Ta có con đường riêng của ta, thứ xã hội chủ nghĩa đặc thù của riêng ta..” Tiếng thủ trưởng của Thường: “Cho tôi muợn tập ấy ít ngày để tham khảo…”

Chân bước máy móc, tôi thả hồn về quá khứ: Thường ngồi ở bàn trên, lưng thẳng đuỗn, hai tay đặt ngay ngắn theo đúng cách thầy dạy. Hách ngồi cạnh tôi, người cúi gập, tay trái khuỳnh khuỳnh che mảnh giấy Thường vừa quẳng cho, cắm cúi chép lia lịa cho kịp giờ trả bài. Không thể nhớ Hách đã chép bài của Thường bao nhiêu lần trong đời học trò.

Bầu trời xà xuống thấp từ lúc nào không biết. Mưa bắt đầu lắc rắc. Xe tang dừng lại. Người đi đưa lần lượt từ biệt vợ Thường để ra về. Những người còn lại leo lên chiếc xe ca vẫn chầm chậm theo sau.

Thủ trưởng của Thường muốn kéo Hách lên xe mình để tiếp tục câu chuyện, nhưng anh từ chối:

- Tôi còn anh chị bạn.

- Cái thằng đến vất vả - trong xe, Hách nói với tôi - Đến lúc xuống mồ còn gặp mưa. Mình đến nghĩa trang, hạ huyệt xong là ta về, hả?

- Đâu có thế được. Mình phải ở đó với vợ con Thường cho đến hết chứ.

- Chỉ sợ kéo dài quá. Mình còn có cái hẹn không thể bỏ. Mà thôi, đến đó sẽ hay.

Anh ngả người trên tựa, mắt lim dim. Gương mặt béo tốt, hồng hào của anh tràn đầy kính chiếu hậu.

Tôi lại như nhìn thấy Thường, nước da xanh xao, thân hình gày gò, dáng đi tất tả, đôi mắt trũng sâu. Hình như lúc nào anh cũng băn khoăn về một chuyện gì đó, như thể anh luôn canh cánh bên lòng về chuyện có ai đó không hài lòng về anh trong một việc nào đó. Tôi chưa khi nào bắt gặp Thường trong giây phút nhàn hạ.

Đi trước xe Hách là xe của thủ trưởng Thường. Tôi được nghe nhiều lời khen ngợi ông như một người đứng đầu cơ quan cấp bộ có tài. Những báo cáo của ông, người ta nói, bao giờ cũng xuất sắc, đầy ý kiến sáng tạo. Ông là người gần gụi các cán bộ khoa học, nhất là cán bộ trẻ. Ông biết lắng nghe cấp dưới. Ông được lòng cấp trên. Bên cạnh ông, cắp cặp theo ông, bao giờ cũng có người thư ký cần mẫn, với gương mặt cam chịu - đó là bạn Thường của chúng tôi. Thường cho biết ông không bao giờ quên Thường mỗi kỳ xét luơng thưỏng, ông luôn nhắc nhở tài vụ cho anh trợ cấp khó khăn, thỉnh thoảng ông còn trích quà biếu của của các địa phương cho anh một phần mang về nhà.

- Thủ trưởng mình rất được - Thường nói - Ông ấy biết thương người.

- Ông ấy giỏi nữa, người ta nói vậy - tôi nói.

- Cũng tương đối - Thường trả lời, giọng không quả quyết.

Hách cũng là người tốt với bạn. Anh biết gia cảnh của bạn, thỉnh thoảng lại giấm giúi cho Thường ít tiền. Đi họp ở nước ngoài về anh không quên mang lại cho Thường khi thì cái xích xe đạp, khi thì cái líp, có lần vào mùa hè anh chịu khó xách cho Thường cả một cái quạt tai voi biết quay đi quay lại. Ít nhất thì những cử chỉ đó cũng chứng tỏ tình bạn trong anh không chết, kể cả khi anh làm to. Tôi cho rằng ngoài tình bạn thời thơ ấu ra, anh còn không quên những mảnh giấy con con bay từ bàn trên xuống bàn dưới trong thuở học trò. Nhưng nói thế để ám chỉ Hách nên người nhờ sự quay cóp thì hoàn toàn không đúng. Anh có người cha mà hai chúng tôi đều không có. Ưu điểm lớn nhất của cha Hách là nghèo. Vì nghèo, ông đành lòng rời bỏ cái làng chiêm khê mùa thối, lang bạt tứ xứ. Bước chân lận đận của ông chỉ dừng lại ở mỏ than Vàng Danh. Ai có thể biết trước cuộc đời nhọc nhằn của người phu mỏ lại có thể đưa ông đến vị thế chủ tịch uỷ ban cách mạng một huyện chỉ nhờ vào thành tích là người đầu tiên cắm cờ Việt Minh lên nhà chủ mỏ khi có người mà ông không nhớ là ai đã giúi vào tay ông vào một ngày Tháng Tám năm 1945. Nhờ thế mà Hách mới có được lý lịch thành phần công nhân, giai cấp lãnh đạo cách mạng. Đến khi có chủ trương nâng đỡ con em thành phần nòng cốt trong việc cho đi đào tạo ở nước ngoài thì Hách được chọn khi còn chưa tốt nghiệp phổ thông. Anh hưởng phần bánh cách mạng dành cho như là lẽ tự nhiên, không thể khác. Từ nước ngoài trở về, với bằng tốt nghiệp loại ưu, Hách được cơ cấu vào guồng máy lãnh đạo ngành công nghiệp với tư cách nhà khoa học có xuất thân giai cấp vô sản.

Thường học giỏi là thế, nhưng anh hoàn toàn không may - cha anh làm chưởng bạ trong làng, nhà lại có hơn mẫu ruộng do các cụ để lại, cho cấy rẽ. Thoát được cái hoạ bị đấu trong cải cách ruộng đất đã là phúc, nhờ ông có tham gia Việt Minh thời tiền khởi nghĩa. Nhưng cái phúc ấy cũng chỉ lớn đến thế là hết. Chật vật lắm Thường mới thi vào được đại học sư phạm. Tốt nghiệp rồi, anh cũng không được làm thầy giáo vì cái lý lịch oái oăm nhiều đen ít đỏ nọ. Nhưng rồi sau mọi cái rủi, rốt cuộc anh cũng gặp cái may - nhờ văn hay chữ tốt anh được một ông thầy giới thiệu cho làm thư ký uỷ ban huyện, từ đó anh lên tỉnh, cũng vẫn công việc ấy, làm việc cho ông trưởng ty nông nghiệp, rồi lên đến chức thư ký cho ông chủ tịch tỉnh. Đến khi ông chủ tịch về hưu mới giới thiệu anh làm thư ký cho ông em vợ, chính là ông thủ trưởng bây giờ, coi như đỉnh cao nhất anh đạt được trên hoạn lộ.

Tôi nhìn lên quan tài trong đó có bạn tôi nằm. Nó lúc lắc khe khẽ khi xe lăn bánh trên những ổ gà và nghĩ về đường đời không suôn sẻ của Thường. May cho anh, giờ đây anh chẳng còn sợ cái rủi nào, chẳng cần đến cái may nào nữa.

Tiếng khóc của vợ Thường lại cất lên ảo não khi xe tang dừng lại ở cổng nghĩa trang. Trời mưa nặng hạt hơn. Thủ trưởng của Thường bước xuống xe, theo sau là anh lái xe giương ô che cho ông.

Khi Hách và tôi đến gần ông, tôi nhận thấy, lần đầu tiên từ khi ở nhà tang lễ, đôi mắt buồn bã đầy nuối tiếc của ông hướng về chỗ đám phu đòn hạ quan tài xuống. Ông đến bên vợ Thường, đặt một tay lên vai chị, tay kia đưa khăn lên thấm nước mắt. Tôi cũng thấy mắt mình cay cay, nhưng không có giọt nước mắt nào chảy ra. Mới biết thương bạn thì thương lắm, mà nước mắt đã cạn.

Một người đeo kính trắng, tuồng như cùng cơ quan với Thường, được cử phụ trách tang lễ, lật đật bước trên mặt đất lép nhép ra đầu huyệt. Quan tài được nhẹ nhàng đưa từ trên xe xuống. Những người lo việc mai táng ở nghĩa trang lầm lì đỡ lấy nó, đặt xuống bên cạnh cái huyệt đào sẵn. Vợ Thường lả đi trong tay hai bà bạn. Mấy đứa con anh vừa quệt nước mắt vừa ngơ ngác nhìn xuống mặt nước mưa đã dềnh lên trong huyệt.

Người thay mặt cơ quan phụ trách tang lễ là thư ký công đoàn, người đứng bên tôi bảo thế. Ông ta lau mãi cặp kính lão, lúng túng không biết nên đọc bài điếu văn soạn sẵn vào lúc này hay đợi sau khi hạ huyệt. Trong lúc ông lúng túng, người của nghĩa trang đã nhanh chóng thả quan tài xuống huyệt bằng mấy sợi chão được luồn xuống bên dưới từ lúc nào. Trong khi họ dùng xẻng hất những tảng đất ướt và nặng lên nắp áo quan, ông thư ký công đoàn vuốt nước mưa trên mặt, lau cặp kính lần nữa, rồi nhìn vào trang giấy lúc này chữ đã nhoè nhoẹt e hèm một tiếng rồi lên giọng đọc to lời tiễn biệt chế sẵn cho mọi đám tang cán bộ: “Đồng chí mất đi là một tổn thất không thể đền bù… Mãi mãi ghi nhớ công lao đóng góp…Một con người suốt đời tận tuỵ với công tác cách mạng… Chúng tôi học tập anh, tấm gương trong sáng… ”.

Thủ trưởng của Thường nhăn mặt, xem đồng hồ tay.

- Điếu văn gì mà lòng thòng! – Hách đứng bên tôi lẩm bẩm.

- Nhân loại không bao giờ từ bỏ thói quen nói tốt cho người đã khuất – tôi nói khẽ.

- Ý cậu muốn nói: với người sống thì người ta không có thói quen ấy?

Tôi nhún vai, không đáp.

Thư ký công đoàn kết thúc công việc được giao phó. Ông ngạc nhiên nhìn nấm đất mọc lên trước mặt trong khi ông cắm cúi đọc điếu văn. Vợ Thường nhoài ra khỏi tay hai bà bạn, gieo mình xuống nấm đất nhão nhoét, lăn lộn. Chẳng mấy chốc cả người chị cũng biến thành bùn đất. Mấy đứa con ré lên.

Tôi lại thấy cay mắt, nhưng cũng như trước, không giọt nước mắt nào chảy ra. Trong phút ấy tôi ghét mình thậm tệ.

- Chúng mình về thôi – Hách nói.

Tôi muốn nói lời từ biệt với vợ con Thường nhưng không thể. Vợ tôi khóc dấm dứt.

- Về thôi – tôi nói – Mình sẽ đến thăm vợ con Thường sau.

- Nhớ rủ mình – Chúng ta cùng đi.

Trên xe, Hách nói:

- Điếu văn tệ quá! Toàn công thức. Nếu là Thường, cậu ấy sẽ viết khác, hay hơn nhiều.

- Nào có ai tự viết điếu văn cho mình?

- Ấy là nói vậy – Hách thở dài – Là mình nhớ đến những bài văn cậu ấy viết thuở chúng mình còn ngồi ghế nhà trường.

Tôi nhìn Hách, hơi ngạc nhiên. Hầu như những người thành đạt như anh chẳng bao giờ nhắc lại quá khứ một thuở học trò. Cứ như thể họ ra đời đã là những người uyên bác, kiến thức đầy mình.

3

Một năm sau, Hách cho tôi biết thủ trưởng của Thường xin về hưu, nhưng không phải hưu non vì ông cũng đã gần đến tuổi hưu theo chế độ. Ông đang nghỉ theo chế độ mà người ta gọi là “tiền hưu”.

- Trông ông ta còn sung sức lắm mà – tôi nói.

- Nghỉ như thế là sớm hai năm. – Hách nói - Nhưng với thâm niên công tác thì không bị tính là hưu non. Với ông ấy, đó là một quyết định sáng suốt.

- Ông ấy còn có thể lên cao hơn nữa mà.

- Chuyện quan trường cậu chẳng bao giờ để ý, chứ Thường chết đi là ngay lập tức ông ấy mất hết mọi nét xuất sắc.

Tôi nhíu mày:

- Vậy cái chết của Thường có liên quan gì tới việc ấy?

Hách nhìn vào mắt tôi:

- Cậu ngốc thật hay giả vờ ngốc?

- Cứ cho là mình ngốc thật đi.

Hách buồn rầu lắc đầu:

- Chúng mình đều nhầm khi coi thường bạn mình. Thường đúng là suốt đời chỉ là cái bóng của kẻ khác, nhưng cậu ấy có giá trị hơn thế..

- Nhưng cậu ấy có bao giờ được là chính mình đâu?

Hách im lặng, suy tư. Rồi nói:

- Mỗi vật ở trước nguồn sáng bao giờ cũng có cái bóng của nó. Khi vật không còn thì bóng cũng mất theo, đúng không nào?

- Thì sao?

- Tức là chẳng bao giờ có hiện tượng ngược lại.

- Ý cậu muốn nói gì?

Hách nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Cậu là chúa hay đóng kịch. Cậu hiểu thừa đi rồi. Mà cứ làm như không hiểu. Cái chết của Thường cho chúng ta thấy một mặt khác của cuộc đời – cái bóng mất là vật mất theo. Có một sự thực như thế đấy. Trường hợp Thường không phải là duy nhất. Rất nhiều người chúng ta tưởng nhầm là giỏi giang thực ra là đều nhờ những cái bóng.

Thì ra Hách thông minh hơn tôi hằng nghĩ.

(Vũ Thư Hiên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét