Tiên rất sợ cái câu
thơ định mệnh Đến khi thác xuống làm ma không chồng nên cô đã phải chọn
sẵn cho mình một ngôi mộ đá để khi nằm trong đó mới thực sự cảm thấy
vững chãi, thực sự cảm thấy bình yên.
Cái
mùa đông đó cách nay đã bốn năm rồi. Khi ấy Hoàng còn được coi là một
phóng viên trẻ, cần phải khẳng định mình trước sếp và đồng nghiệp. Tờ
báo mười sáu trang “ngốn” bài ghê gớm. Mà báo chí chưa bao giờ lại ra
nhiều như bây giờ. Viết mãi thì cũng phải hết. Xã hội muôn màu muôn vẻ,
muôn tầng muôn vỉa nhưng cào mãi thì cũng nhạt, đào mãi thì cũng kiệt.
Thế nên cánh phóng viên trẻ như Hoàng hễ có cơ hội là mò đi vùng sâu
vùng xa, lặn lội tới miền núi hải đảo. Dù sao bài cũng dễ được in hơn,
lại không bị coi là “rặt một thứ câu chữ cớm nắng”.
Nhưng đó cũng chưa phải là lý do chính để Hoàng quyết định mò lên cái cổng trời Quán Bù ấy những mười lăm ngày để rồi về tòa soạn cũng nộp được cái phóng sự đi ba kỳ, càng đọc càng thấy nhạt hoét. Lý do chính là sự “nhờ vả” của Vi! Em gái Vi đang học năm thứ ba trường Mỹ thuật công nghiệp. Nhà trường tổ chức đi thực tế. Chả hiểu có một ai đó nói rằng Quán Bù có rất nhiều tam giác mạch, thế là đám sinh viên rồ lên, cứ đòi mò lên cổng trời bằng được để vẽ hoa tam giác mạch. Vi bảo Hoàng: “Lần đầu tiên nó đi xa. Mẹ em đứng ngồi không yên. Anh đi với nó ít hôm để mẹ em yên tâm. Nếu anh không đi thì em phải đi. Nhà chỉ có hai chị em gái. Anh lại là nhà báo, đến đâu cũng quan hệ được. Ở nơi núi rừng heo hút ấy, có anh đi cùng nó, em và mẹ đỡ lo hơn nhiều. Anh đi nhé?!” Ừ thì... ý Vi là mệnh lệnh đối với Hoàng lúc này. Mới chớm yêu mà. Tình yêu đòi hỏi con người ta phải “thể hiện”. Thứ tình kỳ lạ ấy lại vừa mới nhen nhóm lên trong Hoàng, tất nhiên, trong cả Vi nữa. Thế là chưa nhờ đã nhận, chưa hỏi đã gật. Đám bạn sinh viên của em gái Vi cũng đều “chất nghệ đầy mình” cả, thế nên có thêm một anh nhà báo đi cùng đối với họ chỉ thêm vui chứ không thêm phiền. Hoàng thực sự thấy thoải mái trong chuyến đi cực bắc này.