Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

LỢI ÍCH CỦA VIỆC GIẢ VỜ

Vì sao thành ngữ ‘giả vờ cho đến khi điều đó trở thành sự thật’ có tác dụng trong sự nghiệp của một số người, nhưng lại khiến người khác thất bại thê thảm?

Nếu bạn thiếu tự tin trong công việc, bạn thường được khuyên rằng những suy nghĩ tích cực cuối cùng cũng sẽ biến thành thực tế.

Thế nhưng có thật là điều này khi nào cũng xảy ra? Và liệu có nên thừa nhận sự thật nếu bạn thực sự không biết gì?

Chúng tôi đã đặt câu hỏi trên trang hỏi đáp Quora để tìm hiểu những trường hợp khi mà việc ‘giả vờ cho đến khi điều gì đó trở thành sự thật’ không phát huy tác dụng.

“Tôi không khuyến khích điều này đối với các phi hành gia vũ trụ, luật sư, bác sỹ phẫu thuật tim, cầu thủ rugby, các kỹ sư lò phản ứng nguyên tử, hay lính đặc nhiệm,” Franklin Veaux viết.

Tuy nhiên điều này sẽ phát huy tác dụng nếu mục tiêu của bạn là thay đổi cá tính của mình, ví dụ như sự tự tin vào bản thân hoặc lòng can đảm.

“Nói cách khác, điều này sẽ không có tác dụng nếu công việc bạn làm yêu cầu những hiểu biết, kỹ năng về chuyên môn.”

Nhưng Veaux cũng cho rằng nó sẽ có tác dụng tốt trong việc củng cố sự bền bỉ về mặt cảm xúc, nghị lực và động lực.


Luật sư Jennifer Ellies thì nói rằng điều này tuỳ thuộc công việc của bạn.

“Trong nghề nghiệp của tôi, chuyện ‘giả vờ cho đến khi điều đó trở thành sự thật’ là một ý kiến tồi.”

Ellis giải thích rằng nhiều năm trước, khi còn là một thư ký, “tôi không biết mình phải làm gì. Tôi không cần phải giả vờ, tôi không ngần ngại thừa nhận là mình còn bỡ ngỡ. Nhưng cuối cùng tôi cũng đã học được cách làm đúng”.

Bà cho biết bà chưa bao giờ tin rằng nên giả vờ hiểu biết trong công việc.

“Tôi nghĩ việc thừa nhận bạn không biết điều gì đó là bình thường. Điều quan trọng là bạn cần đủ tự tin để nói rõ điều đó cho người khác cũng như bản thân rằng bạn sẽ học hỏi nhanh chóng.”

Trái lại, kỹ sư cơ khí Muralidhara Prabhu, tin rằng chiến thuật này có thể rất hữu ích với các giáo viên và huấn luyện viên.

Ông miêu tả bản thân là người mắc cỡ, sống nội tâm, và thậm chí không cảm thấy đủ tự tin để nói chuyện trước đám đông chỉ khoảng bốn, năm người.

Tuy nhiên, một ngày nọ, ông được yêu cầu huấn luyện một số người mới vào công ty.

Ông đã chuẩn bị kĩ và tập dượt trước gương và trước một vài đồng nghiệp.

“Tất cả đều suôn sẻ. Nhưng khi tôi bước vào hội trường, ký ức đó vẫn khiến tôi lạnh xương sống. Có đến 60 người, thay vì 25 người như trong thư.”

Prabhu nói ông lạnh gáy và toát mồ hôi, nhưng mỉm cười rất tươi trước đám đông và giả vờ tỏ ra tự tin.
“Điều đó đã phát huy tác dụng,” ông nói.

Những người tham dự buổi huấn luyện đã đánh giá rất tích cực về khoá học và điều này đã “mang lại cho tôi rất nhiều sự tự tin. Kể từ đó, tôi đã huấn luyện hơn 1.800 người, với các đám đông từ 10 đến 120 người. Vì vậy theo ý kiến của tôi, bạn nên giả vờ cho đến khi điều đó trở thành sự thật”.

Một trong những lĩnh vực mà chuyện vờ như đã biết sẽ có tác dụng tích cực, đó là ‘việc làm phụ huynh’, theo Forrest Murphy.

“Khi bạn còn bé, thật dễ dàng tin rằng người lớn biết tất cả mọi thứ. Thế nhưng thực tế là tất cả chúng ta chỉ nghĩ ra cách giải quyết các tình huống khi phải đối mặt với chúng,” ông viết.

(BBC Capital)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét