Cá chết! Hay “sự cố môi trường lần đầu tiên xuất hiện ở Bắc Trung Bộ”,
đã trở thành lý do không thể hợp lý hơn để giải thích cho tình trạng-
cũng là lần đầu tiên- ngành nông nghiệp không có tăng trưởng (hay tăng
trưởng âm) trong suốt 6 tháng qua!
1. Dưới 0
Cá chết, một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng tới nông nghiệp (PLO)
Dù chỉ là 0,18%, nhưng là một chỉ số giảm cho cả 3 lĩnh vực
nông - lâm - thủy sản. Khiến, ngành nông nghiệp, nói nhẹ nhàng là “không
có tăng trưởng”.
Lỗi tại ai thì ai cũng biết: Tại hạn hán. Tại xâm nhập mặn.
Tóm lại tại trời.
Đấy! Người dân đã không sai. Một nền nông nghiệp tại trời, bán lưng cho trời và ngóng trời- như mấy ngàn năm trước.
Tôi nhớ 2 hôm trước, có một phóng sự ảnh tuyệt đẹp về nghề muối
ở Giao Thủy- Nam Định. Ảnh thì đẹp. Cảnh thì nên thơ. Chỉ có lời thở
than còn mặn đắng hơn muối: chia ra mỗi người được khoảng 4 triệu/ năm
từ làm muối. Chả đủ ăn! Con cái thường chỉ học đến lớp 6, lớp 7 là bỏ
học ở nhà giúp cha mẹ. Ngày nắng thì có miếng, chứ mưa là coi như đói.
2. Con đẻ: Không thể lớn nổi
Giấy phép con khiến DN Việt không thể lớn nổi (Dantri)
TKT hôm nay hân hoan giới thiệu phát ngôn của Bộ trưởng Bộ Kế
hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, rằng: “Lâu nay quan hệ chính quyền
với DN có khoảng cách”. Khoảng cách ấy hiển hiện trong những “rào cản”,
trong việc “gây khó dễ”, trong việc “hạch sách” để vụ lợi.
Cái này thì đúng là chúng ta đã nghe quá nhiều rồi. Nhiều đến
độ nhàm tai. Và những khoảng cách, rào cản, hạch sách ấy không chỉ đối
với doanh nhân đâu.
Nhưng sự vô hình của những ngôn từ “trúng ai thì trúng” đó đang gây ra những hậu quả kinh khủng.
Nói như GS Nguyễn Mại: Đồ thị lợi nhuận của DN giai đoạn
2010-2014 đang giảm rất ghê. Trong khi đồ thị về các khoản nộp NSNN thì
tăng liên tục.
Cho nên, nói DN Việt không chịu lớn đâm ra lại có vẻ oan. Không thể lớn nổi thì đúng hơn.
3. Con lai: Như chốn không người
Thuế đang là thứ “ngoại cuộc” với không ít đại gia FDI (Tamnhin)
Nhưng cũng là khoảng cách, rào cản, hay hạch sách ấy, một số DN FDI đang như chốn không người.
Cái hạn để Big C kê khai và nộp thuế cũng như lời cảnh báo
cưỡng chế đã qua, và trong khi cơ quan thuế vẫn đang loay hoay với món
nợ 3.600 tỉ tiền thuế thì Big C đã kịp sang tay cho những ông chủ Thái
Lan.
Gì nhỉ. Người ta đang nói đến “nguy cơ mất trắng” khi đến giờ vẫn chưa một xu nào được thu lại.
Xin hãy nghe TTK Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính, TS Nguyễn
Hoàng Hải: Không chỉ làm thất thoát NSNN hàng ngàn tỉ đồng, các DN FDI
trốn thuế đang khiến môi trường kinh doanh VN bị vẩn đục, tạo ra sự bất
bình đẳng khi DN trong nước phải đóng từng đồng từng hảo...”
Nếu các bạn để ý thì Big C chỉ là một cái gạch đầu dòng sau
những Metro, Keangnam, sau những Pepsi, Coca Cola và cả “đại gia” Lotte
Hàn Quốc với những vụ trốn thuế, chuyển giá và báo lỗ triền miên.
Có khi nào với cung cách trải thảm kiểu này, chúng ta đang trở thành những Cayman, những “thiên đường trốn thuế”?
4. Một chủ trương gần như không thể thực hiện
Theo Cục Quản lý Công sản, từ ngày 1.1 đến 17.6, các bộ ngành,
cơ quan trung ương đã thực hiện thanh lý 264 xe ô tô công (tổng nguyên
giá 79,68 tỷ đồng), với giá trị còn lại 390 triệu đồng.
Để các bạn khỏi “auto chửi”, cần phải giải thích 390 triệu là
giá trị sau khấu hao còn lại tính bình quân/ chiếc chứ không phải giá
trị cả lô 264 xe.
Xem nào! Chúng ta có 7.000 chiếc dư thừa, trong khi vẫn mua
mới. Hàng trăm chiếc xe công thanh lý mỗi năm. Chúng ta có một chủ
trương khoán xe công gần như không thể thực hiện. Và có cả thực tế xe
biển trắng đeo biển xanh “để tiện công tác”.
Nguyên nhân vẫn chỉ là chuyện “biển xanh/biển trắng” mà Phó
chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng có lần xác nhận: “xe biển
trắng nên cũng hơi bất tiện, phải qua cửa kiểm tra hoặc dừng lại giải
thích với bảo vệ. Xe biển xanh thì đi lại, dừng đỗ dễ hơn”. Và một thực
tế nữa: “xe biển xanh có quá nhiều lợi thế. Đi lại dễ dàng,
ra đường công an giao thông gần như không bao giờ... hỏi thăm. có lái
xe phục vụ, đưa đón thuận tiện hơn nhiều, nói là xe công nhưng luôn được
sử dụng như xe nhà, đi lại ngoài mục đích công vụ cũng chẳng mấy khi bị
để ý. Xe công hỏng thì ngân sách bỏ tiền ra sửa, đổ xăng không cần tính
toán căn ke..
5. Không phải việc của chúng mày
Buýt nhanh Hà Nội 10 năm chưa xong (TPO)
Cũng là xe công, cũng từ một chủ trương tốt, song sau 10 năm
với 1.200 tỉ đổ ra đường, dự án buýt nhanh ở Hà Nội vẫn ở đâu đó...trên
mây.
Xin đừng nói dự án dài 14,7km kéo dài suốt 10 năm này là... rùa, vì như thế, chắc các cụ rùa sẽ rất phật lòng!
Hôm qua, khi được hỏi, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội đã trả lời thế này:
“Ùn tắc không phải việc của chúng mày”!
“Không hiệu quả, không phải việc của chúng mày”!
Ồ! Rất chi là chưng hửng. Dẫu cái ông giám đốc kia chỉ... thật lòng!
Nhìn nhận một cách lạc quan đi, biết đâu chính cái người vẽ dự
án tiêu tiền dân, chính cái anh giám đốc đó đã nhận ra chân lý: Hà Nội
không vội được đâu!
Trong rủi có may. Một tuyến đường, chẳng hạn như Giảng Võ hay
Láng Hạ mà bị xén mất 2 làn để dành riêng cho buýt nhanh thì những gì
còn lại không bò như rùa mới lạ chứ!
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/buyt-nhanh-nghin-ty-nguy-co-vo-tran-su-thach-thuc-cua-nguoi-co-trach-nhiem-1021203.tpo
6. Hành động hôm nay: Bí thư xuống gặp dân
Cảnh ngập lụt triền miên ở TP Biên Hòa (TTO)
“Tôi nghe nhiều người đổ cho ông trời nhưng chưa ai nói đến
trách nhiệm của cán bộ” - ông Nguyễn Văn Hải – một người dân ở xã An
Hòa, TP Biên Hòa đã nói trong buổi Bí thư tỉnh ủy xuống dân nghe chuyện
ngập lụt.
Mất tài sản có rồi. Người chết cũng có rồi. Còn trường học, có năm ngập tới 12 lần.
Có thể, bạn sẽ để ý đến lời cầu xin: “mong lãnh đạo xuống dòm ngó giúp dân nghèo, đừng để ngập úng”.
Có thể, bạn đặt câu hỏi về những cơn đại hồng thủy ngay giữa một đô thị lớn như Biên Hòa.
Còn tôi, tôi tin rằng việc Bí thư tỉnh ủy xuống gặp dân là một
điểm rất đáng nhìn nhận. Bởi còn có một lựa chọn phổ thông khác: Đó là
cái chặc lưỡi “Chỉ là chuyện ngập lụt”! Đó là tâm lý bí thư, chủ tịch
còn có trăm công ngàn việc. Và, như dân đã nói đó: Còn là cách nhìn ngập
lụt là tại trời mưa!