Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

TIN KHÓ TIN: NGƯỜI TRUNG QUỐC XUYÊN TẠC LỊCH SỬ VIỆT NAM, PHẢI 50 NĂM NỮA BIỂN MỚI NHƯ XƯA

Các hướng dẫn viên chui người Trung Quốc đến Đà Nẵng và lớn tiếng tuyên truyền biển Đà Nẵng là biển nam Trung Quốc. Trách bọn người chui này ít mà trách ai đó để đất cho bọn người này nói năng linh tinh mới nhiều. Chiều muộn hôm qua, các báo loan cuộc tấn công “ruồi tham nhũng” đã đánh sập ba quan lớn ở Bà Rịa – Vũng Tàu, trong đó có vị trí mà chị Lê Thị Công – Giám đốc sở về đất đai suýt nữa được lãnh đạo tỉnh này điều về. Ngày cuối tuần khép lại với tin không thể tin – dự án lọc hóa dầu 20 tỉ đô đầy hy vọng đổi đời ở Bình Định đã tan vỡ… 

1. Biển Đà Nẵng là biển nam Trung Quốc (?)

Các đoàn khách TQ huyên náo trong phố cổ Hội An. 
 
Hôm qua, tờ Một Thế Giới đã xuất bản bài viết “Người Trung Quốc đang “tung đòn” trên mặt trận du lịch?”. Theo đó, người Trung Quốc (TQ) thoải mái tuyên truyền xuyên tạc về lịch sử nước Việt Nam ngay chính trên đất Việt Nam. Tại Đà Nẵng, nhiều hướng dẫn viên (HDV) tiếng Trung đã ghi lại các bằng chứng tố các HDV hoạt động chui người TQ dẫn đoàn và xuyên tạc về lịch sử Việt Nam. Những đối tượng này tuyên truyền rằng Việt Nam xưa là của TQ và nay dù độc lập nhưng vẫn lệ thuộc TQ, biển Đà Nẵng là biển nam TQ…


 HDV hoạt động chui người TQ tại sân bay Đà Nẵng 
(ảnh do HDV tiếng Trung cung cấp).
 
Tại Hội An, 2 năm trở lại đây, khách TQ đổ về khiến mọi thứ ở thành phố cổ này đảo lộn. Một giám đốc Cty du lịch chuyên về khách Tây nói rừng dừa 7 mẫu là điểm đến thú vị của Hội An được khách Tây ưa thích; vậy mà khách TQ tràn vào la hét, quậy tưng; khách Tây ngao ngán bỏ đi. Chủ tịch xã Cẩm Thanh (Hội An) thừa nhận khách Âu, khách Tây đã sụt giảm từ khi khách TQ tràn về.

Tin khó tin hôm nay gửi đến Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh thắc mắc lớn rằng ai và tại sao đã để xảy ra tình trạng “mất chủ quyền” đặc biệt nghiêm trọng đến vậy: Để cho những kẻ hoạt động du lịch chui người ngoại quốc lớn tiếng xuyên tạc lịch sử, địa lý dân tộc Việt như vậy? Nếu được đề nghị Bí thư tuyên bố thời hạn làm rõ và quy trách nhiệm, xử lý cá nhân, tổ chức để xảy ra thực trạng đau lòng trên.

http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/nguoi-trung-quoc-dang-tung-don-tren-mat-tran-du-lich-36938.html

2. Cuộc tháo chạy dưới tên gọi luân chuyển bất thành

Ông Phan Hòa Bình lên xe cửa trên sau khi làm việc với cơ quan 
điều tra Bộ Công an tại trụ sở Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bà Rịa - 
Vũng Tàu vào sáng 3.7. Ảnh: Đông Hà. 
 
Hôm qua, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, khám xét nơi ở và làm việc của ông Phan Hòa Bình – Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu. Trước khi lên chức này, ông Bình là Chủ tịch TP.Vũng Tàu. Thêm hai đồng sự cùng bị khởi tố và khám xét là ông Trương Văn Trí – chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, và ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch UBND phường 9, TP.Vũng Tàu. Trước khi lên các chức này, ông Trí là Phó Chủ tịch TP.Vũng Tàu, còn ông Sơn là Trưởng phòng quản lý đô thị dưới quyền ông Bình.

Các ông này đã bị khởi tố về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Họ đã cùng nhau ký giấy tờ đất đai làm thất thoát của nhà nước chục tỉ đồng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lừa đảo của dân trên 400 tỉ đồng. Một Chủ tịch TP vi phạm pháp luật như vậy vẫn được cất nhắc lên đến vị trí Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy đã cho thấy quy trình bổ nhiệm cán bộ của chúng ta đang rất có vấn đề, dù rằng “đúng quy trình”.

Và có vẻ như Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có tầm nhìn xa khi biết trước vụ khởi tố làm mất cán bộ này nên đã ra lệnh cho bà Lê Thị Công – Giám đốc Sở TNMT nghỉ việc sau 10 tháng nhậm chức để nhận quyết định do Chủ tịch tỉnh này ký bổ nhiệm bà Công làm Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu gây lùm xùm mấy tuần qua.
 

3. Xốp trong bêtông dự án 6 nghìn tỉ, cầu 119 tỉ sập cái rầm

Lớp xốp này dày 3-4 cm xen kẽ giữa lớp cát mỏng và lớp bê tông. 
 
Dự án đường trục phía Nam nối từ quận Hà Đông đi qua các huyện phía Nam thành phố Hà Nội do Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 làm chủ đầu tư với tổng số vốn hơn 6.000 tỉ đồng. Phóng viên Tiền Phong nói rằng họ ghi nhận tình trạng xốp, cát trong bêtông tại hàng loạt trụ đèn điện trên cầu vượt đường sắt.

Chủ đầu tư cho biết dự án đã hoàn thành từ 2012. Còn xốp trong bêtông là chủ định của đơn vị thi công. Và toàn bộ quá trình thi công, giám sát đều đúng quy trình.

Tình trạng sụt lún, hư hỏng của cầu máng. 
 
Trong khi đó, tại Bình Thuận một cây cầu máng trong hệ thống thủy lợi sông Dinh 3 có vốn đầu tư 119 tỉ đồng đã bị sập cái rầm sau 1,5 năm sử dụng. Người dân nói không chỉ cầu máng sập, nhiều hạng mục khác cũng nứt toác, gãy đổ tùm lum.

Tôi nghĩ cứ đà này sẽ còn nhiều cái “sập cái rầm” nữa nếu không kiên quyết xử lý tiêu cực, sai phạm, tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong dự án và đấu thầu.



4. Phải 50 năm nữa biển mới như xưa, cá rớt giá thê thảm sau vụ Formosa

San hô bị chết dưới đáy biển Bắc Trung bộ. Ảnh: Viện Hàn lâm 
Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
 
Các nhà khoa học đã khảo sát đáy biển các tỉnh trong vùng bốn tỉnh cá chết và ghi nhận hơn một nửa rặng san hô đã bị chết, nhiều loài tôm cá điển hình của vùng này cũng không còn. Họ khẳng định phải mất ít nhất là 50 năm, hệ sinh thái biển ở đây mới khôi phục hoàn toàn.

Về giải pháp khắc phục, các nhà khoa học cho rằng trong trường hợp xyanua, phenol ở vùng đáy không phân hủy hết, một giải pháp có thể được cân nhắc là hút trầm tích đáy biển. Với dải biển dài 209 km, dự kiến hàng nghìn tấn trầm tích sẽ được hút lên. Sau đó phải tiến hành các công đoạn xử lý, chôn lấp an toàn.

Tờ Dân Việt hôm qua đã phản ánh tình trạng bi đát tại cảng Thọ Quang (Đà Nẵng) – một cảng cá lớn nhất ở miền Trung. Rằng từ sau vụ Formosa cho đến giờ, giá hải sản lao dốc không phanh; ngư dân chấp nhận lỗ lã cho tàu ra khơi để giữ bạn, giữ mối. Nhưng họ cũng nói là kéo dài thêm nữa thì không trụ được.

Tôi nghĩ, làm thế nào để mau kết thúc cảnh bi đát của biển và ngư dân miền Trung thì không dễ chút nào, không thể ngày một ngày hai được. Nhưng phải đến 50 năm biển mới như xưa thì không biết có đợi được không?
 
 
 
5. Niềm hy vọng 20 tỉ đô và nhiều hơn nữa đã tan vỡ
 
Diễn biến giá trên thị trường thế giới khiến hiệu quả của các dự 
án lọc dầu cần được xem xét lại. 
 
Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định) với số vốn đăng ký đầu tư 20 tỉ đôla của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) vừa có tin hoãn triển khai do giá dầu đổ dốc và do những thay đổi ở Việt Nam.
 
Nguồn tin còn nói thêm, gần đây, các đại gia lọc dầu từng "hứa" đầu tư lớn vào Việt Nam đã phải tính toán lại quyết định đầu tư, bên cạnh những cuộc rút lui như của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Qatar tại dự án lọc dầu Long Sơn (Vũng Tàu), Tập đoàn Gazprom Neft (GPN) tại Lọc hoá dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi)…
 
Để có được dự án lọc hóa dầu tại Nhơn Hội, tỉnh Bình Định đã ban hành rất nhiều ưu đãi theo hướng không thể ưu đãi tốt hơn với nhà đầu tư. Rút ra từ học phí cao cho việc thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá là nhiều bài học ở nhiều địa phương. Nhưng tôi nghĩ bài học lớn nhất là phải chấm dứt ngay tư duy dự án gắn với tư duy nhiệm kỳ. Phải cật lực làm lụng, chắt chiu trên “đồng vốn” mà mình có được. Đừng há miệng chờ sung, đừng chờ ai đó đem thiên đường, hạnh phúc đến cho mình. Tất cả đều có giá của nó cả.
 
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét