Ngay sau khi Chính phủ Việt Nam công bố thủ phạm gây nhiễm độc biển – cá
chết là Formosa Hà Tĩnh, từ Đài Loan, dư luận dậy sóng về việc ngày
càng nhiều người kiện Formosa vì mắc bệnh ung thư. Còn ở Việt Nam, các
nhân sĩ, nghị sĩ cũng sốt sắng yêu cầu phải xử lý nghiêm những cá nhân,
tổ chức liên quan, chứ không thể chỉ rút kinh nghiệm. Tin khó tin hôm
nay gửi đến bạn đọc tên của một Phó chánh Văn phòng một cơ quan trung
ương – Trần Thị Lan. Người này đã yêu cầu một tờ báo gỡ bài viết về một
công ty đưa thực phẩm bẩn vào bếp ăn mầm non.
1. Đài Loan: Formosa đừng chỉ lợi dụng kiếm tiền từ láng giềng
Nghị sĩ Kuen-yuh Wu. Ảnh: Thanh Tuấn
Ngư dân cầm trên tay những con cá chết tại bờ biển huyện Phú Lộc,
Thừa Thiên Huế ngày 21/4. Ảnh: AFP
Ngay sau khi Chính phủ Việt Nam công bố kết quả điều tra Formosa Hà
Tĩnh là thủ phạm gây ra cá chết ở biển miền Trung Việt Nam, nghị sĩ
Kuen-yuh Wu (Đài Loan) đã tiếp tục lên tiếng cho biết rằng ở huyện Vân
Lâm (Đài Loan), tỷ lệ bệnh ung thư tăng cao sau khi Formosa xây dựng dự
án ở đó, nhiều người đang kiện Formosa (liên quan tới tỷ lệ ung thư tăng
ở Vân Lâm). Nghị sĩ này cũng nói tại Vân Lâm đã xảy ra vài sự cố lớn
với dự án của Formosa, và đặc biệt vùng đất này cũng đã bác bỏ dự án
thép của Formosa vào những năm 2007 - 2008.
Nghị sĩ Wu cũng nói rằng, Formosa cần thể hiện trách nhiệm xã hội
chứ không thể chỉ nhăm nhăm kiếm lợi, phải mang lợi ích và trách nhiệm
đến các nước láng giềng chứ không chỉ là tìm cách lợi dụng kiếm tiền từ
láng giềng.
“Formosa có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều chính phủ Đài Loan trong
quá khứ. Nhưng tôi tin chính phủ mới sẽ không chấp nhận kiểu ảnh hưởng
thế này và sẽ kiểm soát tập đoàn này tốt hơn”. Cũng như nghị sĩ Wu, tôi
tin không chỉ chính phủ mới của Đài Loan mà chính phủ của nước sở tại -
nơi Formosa đang đầu tư sản xuất thép tại ven biển Hà Tĩnh – dưới sự
điều hành của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ kiểm tra, giám sát
và xử lý nghiêm bất kể đó là cá nhân, tổ chức nào.
2. Việt Nam: Phải truy trách nhiệm cá nhân, không thể xuê xoa vụ này
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển.
“Trách nhiệm từ việc thẩm định đầu tư cho đến việc giám sát quá
trình vận hành, xả thải của doanh nghiệp, một lượng chất độc khổng lồ
được thải ra hàng trăm km vuông trên biển, hủy hoại môi trường như vậy
thì quá nghiêm trọng” – TS Lưu Bích Hồ nói như vậy trên Một Thế Giới
ngày hôm qua.
TS chỉ rõ trong vụ này phải truy trách nhiệm của cơ quan quản lý từ
các bộ ngành liên quan, UBND tỉnh Hà Tĩnh. Cần phải quy trách nhiệm rõ
ràng, sai đến đâu xử đến đó chứ không thể cứ rút kinh nghiệm như các vụ
việc khác là xong. Cần phải làm đến cùng chứ không thể xuê xoa trong vụ
việc này được.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cũng yêu cầu, phía Việt Nam cần phải
làm rõ sự việc, ai sai đến đâu thì xử lý đến đó, phải làm rõ người rõ
việc chứ không ngoại lệ với ai cả, nhất là trong các khâu thẩm tra, cấp
phép đầu tư rồi giám sát hoạt động thử nghiệm. Cần điều tra rõ việc này.
Tin khó tin hôm nay hiến kế cho cơ quan điều tra: Lật lại phát ngôn
và hành động của một số quan chức trong thời điểm xảy ra thảm họa cá
chết cũng đã lóe lên khối “vấn đề”, mà chắc chắn vấn đề nào cũng rất là
vấn đề. Vấn đề là ở chỗ có làm hay không thôi.
3. Cảnh sát môi trường sẽ đưa phong bì cho phóng viên?
Buổi làm việc tại Công ty My Way sau khi kiểm tra.
Đội Cảnh sát môi trường (CSMT) Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) phối
hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm
tại Cty My Way và phát hiện thực phẩm bẩn vào bếp ăn các trường mầm non.
Điều bất thường oái ăm thay không nằm ở thực phẩm bẩn vào bếp ăn của
các cháu mầm non, mà là ở chính ngay cơ quan chống thực phẩm bẩn. Đội
CSMT Công an quận đã lập lại biên bản để chạy tội cho đơn vị sai phạm.
Chưa hết, đã xuất hiện một VIP tên là Trần Thị Lan – Phó Chánh Văn
phòng một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp ở trung ương can thiệp
vào kết quả kiểm tra. Bà Lan đã gọi điện đề nghị gỡ bài đã đăng trên báo
về vụ thực phẩm bẩn tại My Way. Bà này cũng tiết lộ là My Way đã “xử lý
vụ việc” bằng cách đưa cho cô Thủy (CSMT) 25 triệu cho bên cảnh sát và
10 triệu cho bên báo. Riêng 10 triệu bên báo thì “CSMT nói sẽ có trách
nhiệm đưa cho phóng viên”.
Học theo cách của nghị sĩ Đài Loan tôi đề nghị My Way phải thể hiện
trách nhiệm xã hội chứ không thể nhăm nhăm dùng tiền để làm hư cán bộ;
và học theo cách các tiến sĩ, nghị sĩ vì dân của nước Việt tôi cũng đề
nghị điều tra làm rõ, xử lý nghiêm chứ không thể xuê xoa vụ này.
4. Thanh lý xe công 1,5 triệu/chiếc: Còn lâu mới biết được số tiền
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai.
Ngay sau khi báo chí công bố thông tin bán đấu giá 264 xe ôtô công
thu được số tiền bình quân 1,5 triệu/chiếc, lập tức người của bộ Tài lên
tiếng khẳng định thông tin đó là nhầm lẫn, cần đính chính. Đại ý nói
bán đấu giá 264 xe biển xanh được 360 triệu là không phải thế, mà thực
chất đó là “giá trị còn lại”.
Hôm qua, để có thông tin chính thức thực hiện cải chính cho chính
xác và đúng mong muốn, có nhà báo đã hỏi số tiền bán đấu giá 264 xe biển
xanh là bao nhiêu, nhưng Cục Quản lý công sản nói chưa thể trả lời ngay
vì còn phải tập hợp số liệu. Hỏi số tiền bán đấu giá xe công các năm
trước đó, Cục này cũng không nói được. Nhưng có điều này, không cần phải
đợi tập hợp, thống kê gì, mà các quan chức vẫn rất suôn sẻ và chắc chắn
là đấu giá đúng quy trình.
5. Hàng mẫu chỉ 100 ngàn, phí kiểm tra hết 2 triệu
Biếm họa về cải cách thủ tục hành chính.
Hôm qua, Bộ Kế hoạch Đầu tư tiếp tục “hạch tội” Bộ Công Thương khi
chỉ ra rằng tiến trình hành doanh nghiệp vẫn giảm chưa hề đáng kể. Doanh
nghiệp vẫn rất khổ sở, tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc vì những quy
định trời ơi đất hỡi.
Mỗi năm Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) cấp khoảng trên 50.000 Giấy
xác nhận khai báo hóa chất, mất thời gian 1-3 ngày/lô hàng. Như vậy,
việc xác nhận khai báo hóa chất theo quy định hiện hành đã làm cho DN
tốn mất 50.000 đến 150.000 ngày làm việc/năm và khoản chi phí chính thức
là khoảng 10 tỷ đồng. Có hàng mẫu (vải) chỉ 5-10m với giá trị chỉ
khoảng 100.000 - 200.000 đồng, nhưng phí kiểm tra formaldehyt mà DN phải
trả là 2 triệu đồng, cao gấp 10-20 lần giá trị hàng mẫu.
Thưa Bộ Công, bây giờ là lúc nào rồi quý bộ có biết không? Nếu
không mau chóng bỏ ngay các kiểu hành DN “đúng quy trình” như vậy thì
nền sản xuất của đất nước sẽ đi về đâu chắc quý bộ biết rõ hơn nhiều
người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét