Các bác sĩ tiếp tục đi... vệ sinh khiến khách sạn nhà nước xây
xong thành chùa bà Đanh. Trong khi đó Tim Berners Lee, cha đẻ của
Internet làm thơ ca ngợi thói quen ngắm đít trâu, nhổ râu, cắt móng tay,
ngủ gật cố hữu trong các cuộc họp - Tin khó tin hôm nay! thưa các bạn
1. Mua xe để... đi họp
Biếm họa của báo ANTĐ về xe công
Sau Hà Nội, kiến nghị “bổ sung” mua thêm 2 xe công cho mỗi đơn vị, đến lượt TPHCM xin mua mới 43 chiếc.
Xin hãy tìm một cái ghế trước khi đọc lý do: Có khi trong cùng một
ngày, lãnh đạo các sở, ban ngành, quận huyện phải tham dự nhiều cuộc họp
và ở nhiều nơi khác nhau nên cần có xe để di chuyển nhanh chóng và kịp
thời, nếu không sẽ không đảm bảo về mặt thời gian, ảnh hưởng tiến độ
giải quyết công việc.
Mua xe để phục vụ “đi họp kịp thời” mà cũng là lý do thì nói cho nhanh là chẳng còn có lý do nào không xứng đáng nữa.
Tim Berners Lee, cha đẻ của Internet chắc không thích điều này.
Khoa học, công nghệ ra là vẫn không thắng nổi thói quen ngắm đít trâu,
nhổ râu, cắt móng tay, ngủ gật cố hữu. Hóa ra chính phủ điện tử hay hệ
thống hạ tầng cho các cuộc họp trực tuyến chỉ đúng là... dự án tiêu tiền
ngân sách?!
Đây là câu hỏi khắc khoải từ lão nông Nguyễn Thành Dinh ở U Minh,
Cà Mau, một, trong hàng trăm nông hộ mất trắng vì hạn mặn. Ông Dinh, có
tên trong danh sách nhận tiền, có chữ ký, nhưng không được nhận dù chỉ
một xu, một cắc.
Như vậy là sau Kiên Giang, đến lượt Cà Mau có chuyện mà cán bộ chỉ
nhỏ nhẹ là “lùm xùm”. Nhưng chẳng có gì đảm bảo chuyện “lùm xùm” này chỉ
dừng lại ở 2 tỉnh.
“Người ta ăn của dân không từ một thứ gì”- câu ấy đúng quá.
Hôm qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có văn bản yêu cầu Cà Mau,
Kiên Giang kiểm tra, làm rõ phản ánh về "khuất tất" trong chi tiền hỗ
trợ hạn hán mặn.
Cảm ơn sự nghiêm túc của Chính phủ. Nhưng rõ ràng những người yếu
thế cần nhiều hơn thế. Chẳng hạn một cơ chế kiểm soát để có muốn người
ta cũng không thể tham nhũng.
3. Sao cứ phải vẽ hươu vẽ vượn như thế nhỉ!
Cho trẻ dùng thẻ có cái lợi là không lo mất tiền như cầm tiền
mặt (ảnh minh họa) - Ảnh: Tuổi trẻ
Thưa các bạn, những đứa trẻ của chúng ta sẽ được “quẹt thẻ”, nhưng
cấm, không được rút tiền từ thẻ ATM. Quy định trứ danh này, đương nhiên
rồi, thuộc về Ngân hàng nhà nước.
À quên, còn có điều kiện bố mẹ “đã thỏa thuận bằng văn bản với ngân hàng”.
Một quan chức hôm qua đã ví dụ: Bố mẹ phát hành thẻ phụ cho con
phải thỏa thuận với ngân hàng là con chỉ được thanh toán học phí và các
khoản khác ở căngtin trong khuôn viên trường học như suất ăn trưa, dụng
cụ học tập...
Nhớ mấy hôm trước, Bộ trưởng CA đã cảnh báo việc lượng tiền mặt quá
lớn có thể gây bất ổn. Cũng biết là ngân hàng đang cố gắng giảm các
hoạt động sử dụng tiền mặt qua việc dùng thẻ.
Nhưng xin một lời nói thẳng: Đâu cứ phải vẽ hươu vẽ vượn ra như thế để chứng tỏ, để đưa vào báo cáo.
Bọn trẻ nó quẹt để rút tiền thì bắt tù nó chắc.
Huống chi rườm rà, phiền phức, muốn lợi nhưng lại chiếm hết cái
khôn về mình thế này thì bấm ngón tay xem có bao nhiêu cha mẹ sẽ chấp
nhận.
Huống chi cái quy định này y hệt chuyện thời sự “cấm xe máy không
cấm mua” mà hẳn một ông Giám đốc sở đã khôn hết phần người khác!
4. WC máy lạnh
WC công cộng Hà Nội bị vây hãm (Hanoimoi)
Không phải những “nhà vệ sinh dát vàng” đâu, Quận Hoàn Kiếm đang
tính đến việc lắp máy lạnh cho các nhà vệ sinh công cộng để phục vụ nhân
dân và du khách trên địa bàn chứ không phải cho công sở!
Phải khẳng định là quá tuyệt vời. Dân sở tại, chứ chưa nói đến mắt
xanh mũi lõ, đã không còn đủ kiên nhẫn với “nỗi thống khổ ngàn năm” có
lên là WC công cộng. Cũng đã đến lúc chấm dứt “nền văn hóa xí thùng” với
những người dân tay xách xô kiên nhẫn xếp hàng mỗi sáng.
“Nhu cầu đầu ra” với những cái tưởng nhỏ là WC công cộng phải chăng cũng là một thước đo... “tiến hóa”?
5. Con buôn nhà nước: Thật xuất sắc
Một phần đất từ Nhà thiếu nhi, một phần đất từ Thư viện tỉnh đã được Tiền Giang lấy để xây... khách sạn.
Tiền xây khách sạn, đương nhiên không từ tiền túi quan chức, và kết
quả: Mỗi tháng cái khách sạn nhà nước này lỗ ngót nửa tỉ đồng.
Hãy nhìn các thông số: Khách sạn Mê Kông - Mỹ Tho; tiêu chuẩn 4
sao, 114 phòng ngủ thượng hạng: 1 phòng President, 4 phòng VIP Suit, 83
phòng Deluxe, 23 phòng Superior và 2 phòng Standard. Và mỗi ngày chỉ có
vài khách lưu trú, doanh thu đạt khoảng... 7 triệu đồng.
Hãy nhìn lại lịch sử: Trước khi nhường đất xây khách sạn, Nhà thiếu
nhi Tiền Giang là nơi phục vụ hàng ngàn trẻ em thành phố Mỹ Tho. Khi dự
án này mới manh nha, dư luận phản ứng quyết liệt nhưng công trình vẫn
mọc lên bất chấp mọi ý kiến phản biện. UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 3
tập thể và 6 cá nhân có thành tích xây dựng khách sạn đúng tiến độ, đảm
bảo chất lượng.
Hôm qua, khi gợi ý cho Lao động đưa chuyện này vào TKT, một bạn đọc
đã chỉ bình luận thật ngắn, và cũng thật đau: “Thật xuất sắc”.
Tại sao kinh doanh kiểu nhà nước luôn có kết quả là lỗ vậy các bạn?
Cũng là nhà nước, lần này là..thoái vốn. Và kết quả y xì như vụ khách sạn Mekong- Mỹ Tho.
Hẳn hoi một báo cáo của Bộ Tài chính cho biết Tập đoàn Dầu khí quốc
gia Việt Nam thoái 800 tỉ đồng vốn nhà nước. Kết quả thu về: 0 đồng!
Đúng là thật... xuất sắc
http://vnmoney.nld.com.vn/chung-khoan-24-gio/petro-vietnam-thoai-800-ti-von-nha-nuoc-thu-ve-0-dong-20160706135706073.htm
6. Con số hôm nay: Đường dây nóng 60 phút
Bảo vệ viện Nhi TƯ ngăn không cho xe ngoại
tỉnh chở bệnh nhân. Ảnh: Phapluat
Thưa các bạn, mạng xã hội 24h qua tràn ngập hình ảnh khuôn mặt những bảo vệ bệnh viện Nhi TƯ.
Lưu manh. Cô hồn. Giang hồ. Hoặc cả 3 thứ đó cộng lại.
Tôi đã kiên nhẫn ngồi chờ một bài báo chính thức về sự vụ này. Và
nó đây. Và kết quả là một cháu bé “bệnh viện trả về” đã chết ngay trên
xe, chết ngay tại bệnh viện khi bảo vệ và cò đã ngăn cản không cho chở
cháu ra khỏi viện bằng xe...ngoại tỉnh.
Quá khủng khiếp. Tại sao ngay giữa thủ đô lại có luật rừng? Ai đã dung dưỡng điều tồi tệ này.
Nhưng đọc bài báo, tôi chú ý tới chi tiết:
Dù đương sự đã gọi tới đường dây nóng Sở Y tế TP Hà Nội nhưng trình
bày thì bị cắt ngang và đề nghị gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế:
1900 9095. Gọi nhiều lần tới số đường dây nóng thì không có ai nghe máy.
Chắc các vị trực đang bận đi... WC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét