Trong những lúc “trà dư tửu hậu”
hay “ngồi đồng” ở quán cà phê vỉa hè Sài Gòn, chúng tôi nói đủ chuyện :
từ chuyện lịch sử tới tin tức xã hội, từ văn hóa tới kinh tế… Nói gì thì
cuối cùng vẫn quay về chuyện CON NGƯỜI – cái gốc của mọi chuyện. Bởi vì
xã hội nào tạo nên con người ấy, con người nào phản ánh xã hội ấy.
Những người bạn của tôi, và cả tôi nữa,
hầu hết đã sống ở Sài Gòn trên dưới 40 năm, từ nhiều vùng miền nhiều
tỉnh thành, do những hoàn cảnh khác nhau mà đến/vào/về Sài Gòn sinh
sống.
Có thể coi chúng tôi là “người nhập cư”
vì cha mẹ không sinh sống ở Sài Gòn và chúng tôi không sinh ra tại đây,
nhưng cũng có thể coi là “người Sài Gòn” bởi vì chúng tôi đã trưởng
thành, lập gia đình, làm việc cho đến lúc nghỉ hưu, thậm chí có lẽ “nhắm
mắt xuôi tay” cũng ở đây. Nhưng thế hệ con cái chúng tôi được sinh ra
và lớn lên tại Sài Gòn, mặc dù quê quán ghi trên Chứng minh nhân dân ở
đâu thì chúng vẫn tự nhận là “người Sài Gòn chánh hiệu”. Tất nhiên, nếu
coi hộ khẩu là điều kiện tiên quyết thì chúng tôi phải được coi là người
Sài Gòn “xịn”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Đàm Hà Phú
Ở Sài Gòn khái niệm “người nhập cư”
thường được sử dụng trong cơ quan công quyền để phân biệt người có hộ
khẩu và người không/ chưa có hộ khẩu ở Sài Gòn, nhằm mục đích “quản lý
hành chánh”. Giới nghiên cứu hay gắn khái niệm này với loại hình “kinh
tế phi chính thức” trong việc nghiên cứu hoạt động kinh tế của đô thị
Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh. Còn trong đời sống hàng ngày hầu như
người Sài Gòn ít sử dụng cách nói “người nhập cư” hay “dân nhà quê”,
“dân tỉnh” mặc dù ở miền Tây Nam bộ hay gọi người Sài Gòn là “người
thành phố”, đi Sài Gòn là “lên thành phố”. Vậy thì tôi, vừa với tư cách
là “người nhập cư” vừa là “người Sài Gòn” có thể biết gì, hiểu gì về
Người Sài Gòn? Có thể bắt đầu từ vài nhận biết có phần rời rạc sau đây
chăng?
Đầu tiên, “người Sài Gòn” là sự hòa nhập
về văn hóa (tính cách, lối sống, ngôn ngữ, tín ngưỡng, ẩm thực, trang
phục…) của người Việt, người Hoa và những tộc người “bản địa”. Người ta
cứ quen nói rằng “Sài Gòn 300 năm” nhưng đó chỉ là nói về thời kỳ thiết
lập nền hành chính của Chúa Nguyễn từ 1698 mà quên mất/chưa biết Sài
Gòn còn có quá khứ hơn 3000 năm của văn minh Đồng Nai – Cửu Long. Văn
minh ấy do những tộc người khác “Việt” dựng nên. Rồi từ thế kỷ XVI –
XVII, người Việt, người Hoa đã dấn bước vào vùng đất này, từ đó Sài Gòn,
Nam bộ có thêm lớp chủ nhân mới. Cùng với người Khmer, người Mạ, người
Chăm… sự hòa nhập truyền thống, văn hóa của tất cả những chủ nhân đã tạo
nên Sài Gòn và người Sài Gòn mới mẻ, năng động và chân tình.
Ảnh minh họa. Nguồn: Đàm Hà Phú
Khi nói đến người Việt người ta hay nói
đến truyền thống lịch sử lâu đời và hào hùng, bốn ngàn năm văn hiến, văn
minh sông Hồng, con rồng cháu tiên, những triều đại nổi tiếng chiến
thắng ngoại xâm… Còn khi nói đến người Việt (ở) Nam bộ thì đầu tiên là
kể về điều kiện tự nhiên thuận lợi của đồng bằng sông Cửu Long: vùng đất
được thiên nhiên ưu đãi, đất rộng người thưa, ít bị thiên tai như bão
lụt hạn hán… Sau mới nói về nguồn gốc “lưu dân” và 300 năm hình thành.
Nghiên cứu gia phả nhiều dòng họ, gia đình ở Nam bộ phần lớn được ghi
nhận “thời ông cố ông sơ” từ miền Trung đi ghe theo biển vô Nam, đầu
tiên định cư trên những giồng đất vùng cửa sông… rồi từ đó ngược các
nhánh Cửu Long vào sâu vùng ngập trũng, khai phá đồng bằng và khai thác
tự nhiên. Công cuộc khai phá này chẳng hề dễ dàng thuận lợi chút nào! Do
đó tính thực tiễn được đặt lên hàng đầu: tất cả hướng đến thực tế,
không lý thuyết suông, không giáo điều, lấy hiệu quả lao động làm mục
đích chính. Không hay than vãn, người Nam bộ bình thản “làm chơi ăn
thiệt”. Đây chỉ là một cách nói đơn giản hóa, “coi vậy mà hổng phải
vậy”, coi khó khăn đã qua như một việc chơi chơi, còn kết quả thực sự
mới là quan trọng, là đã “có ăn”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Đàm Hà Phú
Người Sài Gòn/ Nam bộ di chuyển càng xa
cái “gốc” đồng bằng sông Hồng thì sợi dây truyền thống càng dãn ra.
Những tính chất của không gian “nông thôn làng xã” khép kín biến đổi
theo thời gian, bị/được đứt gãy do phải thích ứng với không gian địa –
xã hội khác. Thay vào đó là sự tự lập và tính linh hoạt ứng phó với hoàn
cảnh điều kiện mới và từ đó tạo ra truyền thống mới, dám thay đổi cho
phù hợp hoàn cảnh, thích nghi nhanh, chịu đổi mới “làm đại nghen? Ừa,
làm đại đi” là phong cách làm ăn Sài Gòn/Nam bộ. Làm đi, có sai cũng
không sao, làm lại/ sửa sai mấy hồi! Quan trọng là không mặc cảm sợ sai
và sửa sai nhanh.
Ảnh minh họa. Nguồn: Đàm Hà Phú
Ở Sài Gòn/Nam bộ “dư luận xã hội” không
nặng nề khe khắt với những điều khác lạ, cái mới. Là bởi người Việt trên
bước đường lưu chuyển vào đây đã trải nghiệm qua những vùng đất toàn
những điều mới lạ. Cùng với sự nhạt đi của tính chất phong kiến gia
trưởng, việc tiếp xúc sớm với các giá trị dân chủ, bình đẳng của văn
minh phương Tây làm cho người Sài Gòn khá cởi mở và trong các mối quan
hệ xã hội và trong gia đình. Tính chất dân chủ trong xã hội phát triển
nhanh, biểu hiện ở chỗ cá nhân ít lệ thuộc, phụ thuộc vào cộng đồng và
vì thế vai trò và trách nhiệm cá nhân cao “dám làm dám chịu”.
“Làm chơi ăn thiệt”, “làm đại”, “dám làm
dám chịu”… sự liên kết gắn bó, hòa trộn ba đặc điểm trên tạo nên người
Sài Gòn/Nam bộ. “3 trong 1” từ ứng xử đến làm ăn, trong sinh hoạt…
không tách rời một đặc điểm nào, hình thành tính cách và làm nên hiệu
quả của “công chuyện làm ăn” của người Sài Gòn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Đàm Hà Phú
Nói về Nam bộ thì không có hay ít có sự
phân biệt văn hóa và người Nam bộ nói chung với văn hóa và người Sài Gòn
nói riêng (có chăng có thể phân biệt chút ít giữa Đông và Tây Nam bộ).
Nếu không quá khắt khe có thể coi người/văn hóa Sài Gòn là đại diện cho
người/ văn hóa Nam bộ, từ giọng nói, ngôn ngữ, ẩm thực, tính cách, làm
ăn… Có lẽ vì vậy mà ở Sài Gòn khi cần thì hỏi nhau “quê đâu” mà không hề
có ý phân biệt người “nhà quê” hay “thành phố”. Giai đoạn đương đại,
quá trình dân cư của Sài Gòn cũng khác với nhiều đô thị khác: Thời kỳ
chiến tranh Sài Gòn là nơi mà nhiều người từ các tỉnh miền Trung đổ vào,
từ miền Tây Nam bộ lên, nhất là khi chiến sự ác liệt. Sau năm 1975 Sài
Gòn cũng là nơi có tình trạng thay thế dân cư lớn nhất và kéo dài cho
đến nay: Người (thị dân) Sài Gòn ra đi bằng nhiều con đường, lúc ồ ạt
khi chẳng mấy ồn ào; Người các tỉnh lại liên tục đổ vào Sài Gòn tới nay
chưa hề giảm bớt. Còn Hà Nội trong chiến tranh dân cư rời bỏ thành phố
đi về (tản cư, sơ tán) nông thôn, sau chiến tranh mới trở lại thành phố.
Tuy nhiên Hà Nội và Sài Gòn cũng có một số điểm giống nhau: 1/ Sau khi
chiến tranh chấm dứt khá nhiều người Hà Nội “gốc” và Sài Gòn “xịn” đã
rời thành phố đi nơi khác sinh sống, tạo ra khoảng trống trong cơ cấu
dân cư là tầng lớp thị dân lâu đời; 2/ Chính quyền thiết lập sau chiến
tranh (Hà Nội 1954 và Sài Gòn 1975) đều do (hầu hết) những người (kháng
chiến) ở nông thôn, rừng núi trở về lãnh đạo, tổ chức chính quyền chưa
kịp thích nghi với những đô thị lớn nhất nước và 3/ hiện nay hai thành
phố này có số lượng người nhập cư nhiều nhất. Những đặc điểm này để lại
cho Hà Nội và Sài Gòn nhiều khó khăn trong việc xây dựng đô thị văn minh
hiện đại.
Nhưng, ai đã vô Sài Gòn làm ăn sinh sống,
chắc chắn trở thành “người Sài Gòn”, bởi Sài Gòn phóng khoáng và rộng
rãi mang lại cơ hội cho mọi người, bởi Sài Gòn không tự coi mình là đặc
biệt khi đang sống bằng nguồn lực của chính mình và của những người đến
từ mọi miền, đồng thời Sài Gòn cũng luôn chia sẻ, đóng góp những gì mình
có cho cả nước.
Là kẻ hậu sinh trong việc nghiên cứu về
văn hóa Sài Gòn/ Nam bộ; lại chưa được coi là “người Sài Gòn chánh
hiệu”, vậy mà dám “tản mạn” về Sài Gòn và người Sài Gòn, âu cũng do cái
tính “làm đại” của người Sài Gòn/ Nam bộ đã nhiễm vào người. Kính mong
các bậc trưởng thượng về “Sài Gòn học, Nam bộ học” lượng thứ.
Th.S Nguyễn Thị Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét