Nhắc đến Myanmar chúng ta thường nghĩ ngay đến một đất nước thuộc nhóm nghèo nhất thế giới. Với GDP đầu người chỉ vẻn vẹn 1.306 USD chỉ bằng 55% GDP đầu người của Việt Nam (2.371$), đứng thứ 159/192 trên thế giới, thấp nhất Asean (cùng với Cambodia).
Nói đến Myanmar hầu như ai cũng biết đấy là một đất nước có vẻ đẹp huyền bí, đất nước của những ngôi chùa kỳ vĩ về qui mô, đẹp và độc đáo kiến trúc được xây dựng từ hàng ngàn năm trước, thế nhưng ít người biết rằng trong nhiều giai đoạn của lịch sử Myanmar đã đừng là đế chế, là quốc gia lớn nhất Asean.
Đế chế Miến Điện hùng mạnh
Trong lịch sử 3.000 năm thăng trầm, Myanmar đã có rất nhiều giai đoạn phát triển mạnh mẽ như một trong những quốc gia hùng mạnh nhất Đông Nam Á. Miến Điện đã từng chiếm đóng và đô hộ Thái Lan 400-500 năm, chiếm đóng và đô hộ Bangladesh, Sri Lanka, Bhutan, Tỉnh Vân Nam của Trung Quốc và Đông Bắc Ấn Độ.
Vào thế kỷ thứ 11 và thế kỷ thứ 12 đế chế Pagan, thủ đô ở Mandalay được gọi là đế chế Miến điện lần thứ nhất, có lãnh thổ rộng lớn gồm nhiều vùng đất của Đông Nam Á ngày nay. Trong giai đoạn này đế chế Pagan cũng đã từng chiến thắng quân xâm lược Mông Cổ.
Thế kỷ thứ 16, thế kỷ 17 đế chế Toungoo được gọi là đế chế Miến Điện lần thứ hai, là trung tâm thương mại lớn của khu vực. Đế chế Toungoo sau khi chinh phục các nước láng giềng đã trở thành một đế chế lớn nhất Đông Nam Á, bao gồm Bhutan, Đông bắc Ấn Độ (Manipur, Nagaland, Tripura, Mizoram, Assam, Sikkim), Thái Lan (Chiang Mai, quốc gia Ayuttaya - gần như toàn bộ Thái Lan ngày nay), Bangladesh (Dhaka, Clhittagong, Rajshahi, Rangpur) và Vân Nam của Trung Quốc (gồm Đức Hoành, Nộ Giang, Bảo Sơn và Phổ Nhĩ).
Đế chế Miến Điện lần thứ 3 được hình thành vào năm 1700, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Sri Lanka, đông bắc Ấn Độ. Lo ngại sự lớn mạnh của đế chế Miến Điện, nhà Thanh đã 4 lần tiến quân xâm lược (1766-1769) và cả 4 lần đều thất bại.
Đất nước của những ngôi chùa
Vì đã từng 3 lần là những đế chế hùng mạnh nhất Đông Nam Á, nên Myanmar có rất nhiều ngôi chùa, ngôi đền, tu viện vừa đẹp vừa kỳ vĩ, vừa độc đáo kiến trúc. Những ngôi chùa, ngôi đền, tu viện nổi tiếng có thể kể đến chùa vàng Shwedagon (Yangon), chùa vàng Shwezigon (Bagan), đền Shwesandaw (Began), chùa Mahamuni (Mandalay), tu viện Taungkalat (trên núi Popa), đền Ananda (Began).
Chùa vàng Shwedagon ở Yangon là ngôi chùa lớn nhất Myanmar, trải rộng trên diện tích 50.000 m2, được xây dựng trên ngọn đồi thiêng Singuttara. Chùa vàng Shwedagon có tháp cao nhất lên tới 99m (tương đương toà nhà 32 tầng), nếu tính cả nền đất thì chùa Shewedagon cao 160 mét (tương đương toà nhà 52 tầng). Đứng từ bất cứ đâu ở thành phố Yangon, bạn cũng có thể nhìn thấy công trình ấn tượng này.
Chùa vàng Shwedagon là một kiệt tác kiến trúc được dát bằng 90 tấn vàng, trên ngọn tháp dát vàng ròng, đỉnh tháp gắn hàng nghìn viên kim cương và hồng ngọc, trong đó có viên kim cương 76 kara. Chùa có tuổi đời 2.500 năm, bao gồm một ngọn tháp lớn và 1000 ngọn tháp nhỏ.
Tu viện vàng Taung Kalat được xây dựng trên ngọn núi lửa Popa cao 1538 mét. Để đến được tu viện Taung Kalat, du khách phải đi hết chính xác 777 bậc thang. Việc xây dựng một tu viện lớn trên vách núi cao dựng đứng là một kỳ công của người Myanmar cổ xưa, đây được coi là một trong những công trình tôn giáo được xây dựng ở nơi hiểm trở nhất thế giới.
Bóng đá hàng đầu châu lục
Đội tuyển bóng đá Myanmar đã từng có nhiều năm là đội bóng hàng đầu châu lục. Đã 2 lần liên tiếp Myanmar giành chức vô địch bóng đá Asiad vào năm 1966 và 1970 và đã 1 lần giành ngôi á quân ở cúp bóng đá châu Á vào năm 1968, 2 lần hạng tư Challenge Cup.
Lời kết: Suy ngẫm về dân tộc Việt
Chúng ta luôn luôn tự hào rằng người Việt là dân tộc thông minh, cần cù, chăm chỉ, hiếu học, thế nhưng trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam chưa bao giờ là quốc gia hùng mạnh rộng lớn nhất Đông Nam Á như Myanmar hoặc như đế chế Khme-Angkor giai đoạn 802-1432 (đế chế rộng lớn 1 triệu km2 bao gồm cả Nam Việt Nam, Laos, Thái Lan ngày nay); Cha ông chúng ta cũng không để lại được những đền, chùa, tu viện kỳ vĩ như chùa Shwedagon, chùa Shwezigon, chùa Mahamuni, đền Shwesandaw, đền Ananda, tu viện Taung Kalat (của Myanmar) hay đền Angkor Wat, đền Angkor Thom (của Cambodia).
Chúng ta cũng chưa bao giờ giành được bất cứ huy chương vàng, bạc, đồng bóng đá nào cấp châu lục như Myanmar.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét