Khách sạn V.V [giấu tên]
- Anh Bảy, sao không qua chỗ em ở? Thuê phòng chi cho tốn tiền.
- Nhí Em nói.
Tôi nhìn chàng trai có thân hình nhỏ nhắn, nghe nói cậu ta
làm quản lý khách sạn V.V. Nhí Em là bạn thân của Bin. Từng lên Đà Lạt chơi nên
quen với Bảy.
Chuyện trò thăm hỏi nhau chừng mười phút thì Bin đến, mang
theo mồi nhậu là các món hải sản.
Không có rượu, Nhí Em đi lấy một thùng bia.
Bọn tôi cụng ly, vừa uống vừa trò chuyện vui vẻ.
Bảy đem câu chuyện Minh bị vong theo, gặp được thầy Thịnh,
và chuyện tôi đã gặp nhiều người âm ở lô số 13, kể hết cho Bin và Nhí Em nghe.
Bin thất kinh:
- Ghê vậy anh Bảy! Rồi sao? Giờ đã hết chưa?
- Hết rồi. Chẳng qua anh nói mấy chuyện tâm linh này là để mấy
em biết mà lo tu tâm dưỡng tính.
Lúc này, Nhí em mới nói vào:
- Ở khách sạn em cũng có cái bà hay lên đồng cầu cơ.
- Nhí Em nói thiệt đó, anh Bảy. Nghe nói ở sau mấy dãy nhà
đó nhiều oan hồn lắm! Chỗ mấy gốc cây si đó, Nhí Em. – Bin quay sang nói với
Nhí Em.
Khi mới bước vào khách sạn V.V tôi đã cảm nhận được sự khác
thường. Những thân cây dọc đường đi có hình thù kì dị, có những con mắt mọc
trên thân. Đặc biệt gây sự chú ý là gốc cây si to đùng chỗ đậu xe. Hình như có
cái gì đó là lạ ở khách sạn này?
Tôi nghe giọng Bin đang kể chuyện:
- Bên cạnh phòng mình đang nhậu có một phòng ngủ hai giường.
Ở đó có một giường không ai có thể ngủ được. Hồi đó Bin không tin vô đó nằm thử
thì bị đè. Con Hương bạn Bin đến ngủ cũng bị luôn. Nhưng qua cái giường bên kia
nằm lại được.
- Cái giường gần cửa sổ phải không Bin? – Nhí Em hỏi lại.
- Uhm! Thì giường đó chứ giường nào.
- Mấy đứa coi anh nổi hết da gà rồi đây này! – Bảy xắn tay
áo lên cho mọi người xem, rồi nói tiếp: - Ở quanh đây đang có người âm, đúng
không cậu Khánh?
Tôi im lặng. Ngoài trời tiếng côn trùng “rét rét”, bóng đêm
tĩnh mịch…
- Ghê quá! Anh Bảy ơi! – Nhí Em và Bin so vai, nhìn quanh
phòng.
- Tụi mình về thôi! – Tôi đứng lên.
Minh cũng đứng lên theo. Bảy còn muốn nán lại, nhưng tôi và
Minh cản:
- Thôi! Để khi khác. Ngày mai còn dậy sớm đi tìm chỗ khắc
dưa nữa.
- Từ từ đã, anh em lâu ngày mới gặp nhau mà, hay ngủ lại đây
một đêm đi!
Tôi và Minh dứt khoát:
- Đi thôi, ông Bảy! – Minh ra hiệu bằng mắt.
Chúng tôi tạm biệt hai thằng em. Xong, quay về khách sạn.
Trên đường đi tôi vẫn luôn đề phòng tai nạn.
12h đêm
Bảy chở Minh, tôi đi riêng một xe.
Bảy quay sang tôi, hỏi (lúc đã ra khỏi V.V):
- Cậu nhìn thấy gì hả?
Tôi gật đầu, nói:
- Ở đó… có MA!
------------------------------------
Buổi tối nằm ở khách sạn tôi không ngủ được bao nhiêu. Không
phải do tôi gặp ác mộng mà bởi Bảy ho suốt cả đêm. Bệnh tình của cậu ấy ngày
càng nghiêm trọng. Những cơn ho của Bảy khiến tôi phải kinh người. Đã vậy cậu ấy
còn bị chảy máu cam nữa. Tôi rất lo cho Bảy. Cầu nguyện cho cậu ấy không gặp phải
chuyện gì.
6 giờ sáng tôi bước ra khỏi giường. Minh và “con bệnh ho”
kia còn nằm nướng chưa chịu dậy. Tôi vệ sinh, đánh răng, rửa mặt xong thì mở cửa
phòng bước ra ngoài xem thời tiết.
Trời đang mưa tầm tã. Đường phố ướt sũng vì nước. Từ của
phòng chúng tôi nhìn qua có cái nhà thờ. Gió thổi mưa bay lạnh lẽo và buồn kinh
khủng! “Thế là xong phim. Buôn với chả bán, dưa với chả khắc”. Tôi thất vọng, đứng
khoanh tay, đầu áp vào tấm kính, nhìn xuống lòng đường xe cộ qua lại. Nghĩ thầm:
“Đà này chắc chiều là về luôn”
Vào lại phòng, tôi liền gọi hai đứa bạn dậy: “Hai ông tướng,
còn ngủ gì nữa? Coi dậy mà chia hành lý cho rồi”
Bảy và Minh ngơ ngác nhìn tôi, Minh hỏi: “Chuyện gì vậy ông
Khánh? Sao chưa gì đã đòi chia hành lý???”
Tôi thở ra một hơi, nói: “Ây dà! Mậy ông dậy mà coi. Trời
mưa tầm tã kia thì khắc với chạm gì được nữa. Lo mà tính toán thu dọn, rồi về
cho khỏe thân”
Bảy vùng dậy, lao ra ngoài xem thử, lúc sau Bảy đi vào, nét
mặt ê chề: “Thế là hết! Thiên thời không thuận rồi, hai cậu à!”
Minh nói thêm: “Như vậy là mình thất bại hả?”
Tôi đưa ra một ý: “Mình chờ chút bớt mưa đi ra chợ Xóm Mới hỏi
thử có nhận khắc dưa giá rẻ không? 20k một trái thôi. Nếu mình biết khai thác
tâm lý sợ trời mưa không bán chạy hàng của chủ vựa, mình sẽ nhận được dưa khắc
rất nhiều nhưng với giá rẻ. Mình lấy số lượng làm lời cũng được”
Minh đồng ý với bài toán của tôi nhưng Bảy lắc đầu. Bảy vẫn
kiên cố giữ giá 50k một trái thay vì 15, 20. Mặc cho tôi và Minh thuyết phục Bảy
cũng không chịu. Hai bên bất đồng quan điểm, tranh cãi rất căng.
Ngó bộ tình hình không ổn, vừa chẳng được thiên thời, địa lợi,
lại mất cả nhân hòa, thì có làm việc gì cũng cầm chắc thất bại. Chi bằng rút
lui sớm. Tôi nói: “Đầu giờ chiều tụi mình qua chào thằng Bin với Nhí Em rồi về
luôn”
Cả hai đứa bạn đều đồng ý sẽ rút về Đà Lạt trong chiều.
Trong cái rủi còn có cái may. Chúng tôi nhận được tin của
Vân gửi về từ Đà Lạt. Dưa bỗng dưng bán chạy sau ngày cúng. Còn ông Hải bán đồ
gỗ mỹ nghệ, sau đêm ngủ lại thì sáng hôm sau đột nhiên thu dọn đồ đạc “bỏ của
chạy lấy người”.
Bế Vân than phiền rằng: “Ông Hải tiểu luôn trong chỗ ngủ,
hôi khai em chịu không nổi. Ổng bỏ về nói không canh nữa. Bây giờ phải làm sao
hả anh? Buổi tối không ai ngủ lại coi hết!”
Bảy dặn dò cô bồ: “Đến giờ em cứ về, dưa cứ vứt thí đi!”
Liên tục những trở ngại khó khăn khiến ai cũng xuống tinh thần.
Bảy cười nói: “Cái ông Hải to còi lắm! Trước khi đi tôi có kể
cho ổng nghe về “những người khuất mặt” Ổng nói phách: “Ôi chời! Tưởng gì ghê gớm,
ma sợ anh chứ anh có bao giờ sợ ma” Thần khẩu hại xác phàm, bây giờ hay chưa?
Đái cả trong quần. Khà khà khà”
Minh tỏ thái độ lạc quan: “Bán được dưa là tốt rồi, mình
tranh thủ về hy vọng còn vớt vác được.
Đúng 1 giờ chiều, chúng tôi mang ba trái dưa đến khách sạn của
Nhí Em, viết tặng Nhí Em ba chữ Phúc Lộc Thọ. Sau đó lên đường quay về thành phố
sương mù.
Trời vẫn mưa dầm dề… chưa thấy cái năm nào thời tiết trở
trái như năm vừa rồi. Mưa dai dẳng kéo qua mấy ngày Tết Nguyên Đán. Chừng đó
cũng đủ cho thấy mức độ cảnh báo của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nặng nề đến những
quốc gia như Việt Nam.
Bất chấp mưa gió, chúng tôi quay đầu về “cố hương”.
Đặt chân đến nhà, vứt cái ba lô lên đầu nằm là tôi thở phào
nhẹ nhỏm. Một chuyến đi ngắn ngủi với nỗi bất an đeo bám giờ đây thực sự tan biến.
Chúng tôi về lại Đà Lạt, trong túi còn đúng bảy trăm ngàn. Số
tiền được cho vào “kho bạc” của ba đứa. Bảy làm thủ quỹ; ăn uống, nhậu nhẹt gì
miễn sao sài hết số tiền còn sót lại là xong, kết thúc phi vụ làm ăn thất bại.
May mắn cho Bảy là số dưa ở lô số 13 đã bán hết, vớt vác được
vốn liếng tưởng chừng đã mất trắng.
Phần tôi, đón một cái Tết nghèo chưa từng có. Chẳng muốn đi
đâu. Ngày mùng một đến mùng năm ngồi quán cà phê từ sáng đến chiều. Mùng sáu ba
thằng đăng ký đánh giải cờ tướng tỉnh Lâm Đồng mừng xuân Đinh Dậu.
Ngoài thời gian đó chúng tôi đi chơi bida xả stress.
Tối đến ghé vào H Quán nhậu với Bảo (Một người bạn của chúng
tôi)
H Quán không phải của Bảo, mà của chị Hương, chị ruột Bảo.
Chị Hương từ Sài Gòn lên thuê lại mặt bằng kinh doanh quán nhậu.
Ban đầu, tôi không hề biết H Quán bán thịt dê. Khi nghe Bảo
nói H Quán bán thịt dê nướng thì tôi giật mình: “Ông nói sao??? Quán ông bán dê
nướng ư?”
Bảo nhìn tôi với con mắt lạ lẫm: “Gì nữa ba? Xưa giờ quán Bảo
bán thịt dê mà”
Minh và Bảy cũng nhìn tôi. Hình như chuyện H Quán bán thịt dê chỉ mỗi tôi là còn chưa biết gì.
Sau những biến cố tâm linh, giác quan của tôi trở nên rất nhạy.
Tôi nhìn thấy những thứ mà không phải ai cũng thấy được.
Cách đó mấy hôm tôi được báo cho một giấc mộng. Tôi thấy một
bãi biển đông nghẹt người, nhưng toàn người Trung Quốc. Có hai người đàn ông gốc
Hoa đến làm quen với tôi. Họ kể cho tôi nghe toàn những chuyện có liên quan tới
chính trị. Thế rồi, tôi theo họ vào một căn nhà. Ở đây tôi gặp rất nhiều người
lạ mặt. Họ là người Hoa trộn lẫn với những người Việt. Tất cả những người này tập
trung quanh cái bàn tròn, họ nói về những chủ đề chính trị. Trong đám người tôi
thấy có một người quen, đó là anh Tài Râu – cựu chiến binh đánh trận ở
Campuchia những năm bảy chín. Chủ nhân của căn nhà là một bà đã có tuổi, đội
cái mũ len màu nâu giống như những ni cô. Hai cô gái người Hoa chạy đến, bước
vào bên trong theo bà chủ lên tầng hai. Bàn bạc công việc xong, những người đó
tổ chức ăn uống. Họ đem dê ra nướng và nhờ tôi chạy đi mua rượu. Lúc này, tôi mới
nhận ra mình đang ngồi trong H Quán.
Tôi bước ra khỏi cửa, đi băng qua công viên. Bầu trời bỗng
nhiên tối đen như mực. Tôi khiếp sợ, quay đầu trở về. Nhưng gần đến cửa H Quán
thì chung quanh toàn một màu đen đặc quánh. Tôi không tìm thấy đường đi, tay quờ
quạng khắp nơi. Bỗng, tôi nghe dưới chân có tiếng kêu rên thảm thiết. Dưới một
cái hố sâu hun hút những bàn tay chòi lên kêu: “Cứu… cứu…”
Tôi giật mình thức giấc. Vừa lúc con chim cu đất treo ngoài
nhà gù lên hai tiếng.
Giấc mộng đó ám ảnh tôi mấy ngày liền. Cho tới tận hôm nay được biết H Quán có bán dê nướng thì quá trùng hợp!
Tan cuộc rượu, tôi chở Minh về phòng trọ mới. Lúc có hai người,
Minh mới hỏi tôi: “Ông Khánh, ông giấu bọn tui chuyện gì phải không?”
Tôi chẳng vòng vo, nói luôn: “H Quán có rất nhiều người âm”
Rồi tôi kể giấc mơ của mình cho Minh nghe.
Sáng hôm sau, chúng tôi xuống thầy Thịnh để hỏi chuyện. Thầy
Thịnh chấm quẻ cho biết: “H Quán trước kia là một cái hồ, người chết bị lấp dưới
đó rất nhiều. Còn lô số mười ba là một cái hố chôn tập thể. Nhưng mình không
cúng được đâu. Phải lập đàn cầu siêu lớn. Như thầy cũng không có đủ thẩm quyền
để giải quyết”
Lần đầu tiên tôi không hoàn toàn bị thuyết phục bởi cách giải
thích của thầy Thịnh. Tôi lại nghĩ khác: “H Quán ngày xưa là một căn cứ hoạt động
cách mạng. Những người ở đó đi ra và không bao giờ trở về nữa. Họ bị vùi dưới một
cái hố sâu, rất nhiều khả năng, vị trí cái hố đó là chỗ tôi đứng trong giấc mơ.
Họ báo cho tôi biết vì lý do gì thì tôi chưa hiểu. Còn vị trí tôi nằm trên nắp
cống lô số mười ba là một trong những cánh cửa địa ngục. Tôi có cảm giác rằng:
Có những thứ tôi được thấy rõ hơn cả thầy Thịnh. Giống như tôi được trực tiếp sống
trong hoàn cảnh của những người khuất mặt, trước khi họ lìa bỏ trần gian”
Thế nhưng, Những kết luận của tôi không đủ tin cậy bằng những
dấu chấm của thầy Thịnh. Cả Minh và Bảy chắc đều có suy nghĩ: “Dù sao năng lực
của cậu ấy vẫn chưa chín. So với thầy Thịnh còn kém xa.” Cho nên đa số trường hợp
tôi đưa ra ngược với phán quyết của thầy Thịnh, không ai xem nó là quan trọng cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét