Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

DUYÊN ÂM (PHẦN 4)


Chúng tôi lên kế hoạch buôn bán vào những ngày cận Tết Nguyên Đán. Bảy và Minh đã chuẩn bị trong năm những vò rượu sâm, nho, hồng và dâu. Nhưng, vì lý do trước đó chúng tôi bị ngộ độc rượu bởi chính “sản phẩm” của mình làm ra, nên “dự án” bán “ma men” vào những ngày gần Tết tạm thời gác lại. 

Ba đứa xoay trở bằng cách chuyển hướng kinh doanh, thay vì thương mại rượu bia thì đi buôn tranh sơn dầu, và bán dưa khắc chữ thư pháp. 

Về khoảng tranh sơn dầu, đã có hai “họa sĩ” là ông thầy và con gái ông là bé Châu chịu đứng ra hợp tác. Như Bảy và Minh nói: “Thấy con Châu khổ sở, tiền mua sữa cho con uống còn không có, nên nhân tiện giúp nó có việc làm thêm”.

Về lợi nhuận, tranh bán được chia làm ba phần, Bảy và Minh hai phần vì bỏ vốn liếng và trực tiếp đi bán tranh. Châu một phần vì bỏ công vẽ vời. 


Hướng thứ hai, là bán dưa khắc thư pháp. Bảy thuê một mặt bằng gần chợ N.T cho Vân – bạn gái Bảy, đứng bán. Thu xếp ổn thỏa thì đi làm “lính đánh thuê”. 

Là sao?

Ba thằng lên kế hoạch và thống nhất với nhau, ngày 27 trước Tết sẽ xuống Nha Trang một chuyến. Chúng tôi sẽ đi khắc và viết chữ lên những quả dưa Gò Công ở các sạp dưa lớn nhất Nha Trang trong chợ Đầm, chợ Xóm Mới và chợ Ga… Lời ăn lỗ chịu chung, ba thằng phiêu lưu một chuyến cho biết thị trường đất biển như thế nào. 

Đó là chuyện sau này tôi sẽ kể,

Còn một chuyện khác rất đỗi huyền bí, khiến người nghe phải ớn tới óc. Sự việc đó khiến tôi hoang mang lo lắng và hồi hợp đến nghẹt thở. 

Như tôi đã nói, 

Bảy có thuê một mặt bằng ở gần chợ N.T. Nói mặt bằng nhưng thực tế đó là mấy mét vuông vỉa hè, lề đường. Hàng năm, chính quyền phường chia thành từng lô cho dân thuê buôn bán. Vị thế đẹp (địa lợi) được dành cho những mối quan hệ quen biết, những ai chịu bỏ tiền, những chỗ còn lại (không đẹp, không thuận lợi) đem ra cho bóc thăm. Bảy bóc phải lô xấu nhất, nó nằm xa tít mù khơi với trung tâm chợ N.T, đã vậy còn không thuận đường, thuận xá. 

Lô 13 nằm ngay trên nắp cống, đối diện cà phê M.Nh (giấu tên), phía sau có mảnh đất nhỏ trồng toàn cẩm tú cầu. Bên cạnh là lô số 12 của anh Hải – bán đồ gỗ mỹ nghệ. 

Trước Tết 10 ngày, một tấn dưa đổ về. 

Vì không ai giúp trông coi, vào đêm Bảy phải ngủ lại để canh dưa. 

Tôi còn nhớ như in buổi sáng (ngày đầu tiên Bảy ngủ lại coi dưa), tôi nhìn vào khí sắc xanh xao nhợt nhạt của cậu ấy, trên ấn đường là một chấm bầm (dấu bắt gió). Tôi quan tâm hỏi:

- Đêm qua cậu không ngủ được à?

Bảy ho “sòng sọc”, trả lời tôi:

- Uhm. 1h đêm tôi phải chuyển dưa xuống xe, rồi đâu có về được, phải ở lại canh. Trời thì gió khủng khiếp. Không ra giường, nệm chiếu gì cả. Tôi nằm co quắp như một con chó vậy đó. 

Nói xong hết lời, Bảy ho sặc sụa. 

Lúc này, Minh mới nhắc:

- Cậu bị bệnh rồi, lo mua thuốc uống đi!

Tôi cảm nhận được Bảy vừa gặp phải chuyện gì đó, trông cậu ấy hôm đó khác thường lắm!

Tôi hỏi trực tiếp vào vấn đề luôn:

- Đêm qua cậu thấy gì à?

Bảy gật đầu:

- Uhm.

Và rồi cậu ấy kể tiếp:

- Chúng nhiều lắm! Đến phá tui, chọc lét người tui. Chúng từ phí dưới sờ tay lên kéo tui… khi đó ngoài trời gió thổi ào ào, tiếng gió rít ghê rợn… mẹ ơi… khiếp!

Minh với vẻ mặt lạnh tanh, hỏi:

- Cái gì ông? Chúng… là sao??? Tui chẳng hiểu gì hết???

Bảy bĩu môi, nói:

- Ông thì quá hiểu rồi còn bày đặt làm bộ làm tịch. Đừng có ở đó mà chọc tui, ông Minh nghe!

Tôi nghĩ ngợi, một lát sau, nghiêm túc nói với Bảy và Minh: 

- Chuyện này không đùa được đâu mấy ông. Nếu có thì mình phải biết lễ nghĩa với người ta, mọi chuyện mới suông được. 

Bảy tỏ ra bất chấp, ngạo khí nói:

- “Kính nhi viễn chi” tui đàng hoàng không chọc ai, đừng chọc tui là được. Tui đách sợ gì cả, tối nay tui vẫn ngủ lại bình thường. 

Tôi hỏi kỹ hơn:

- Câu thấy rất nhiều người âm chung quanh đây ư?

Bảy “uhm”, nói:

- Người già, con nít, cô hồn, du đãng… gì gì cũng có. 

-------------------------------------

Gần cả tuần không bán được trái dưa nào. Chúng tôi đứng nhìn vẻ mặt thất vọng của Bảy. Cậu ấy lôi từ trong túi ra mấy đồng tiền lẻ và một bịch thuốc tây. Ho một tràng dài “…” Bảy bốc một nặm thuốc cho vào miệng. Minh đưa cho Bảy chai nước tinh khiết, nói:

- Cậu uống vào kẻo hư bao tử.

Bảy nghe theo, uống xong nắm thuốc, Bảy thở ra, than:

- Tui bị lừa rồi, nó chuyển toàn dưa héo cho tui. Đã vậy chỗ này còn ngược hướng trái chiều nữa. Bữa giờ bán chẳng được trái dưa nào hết, mấy cậu à! 

Tôi liếc mắt nhìn sang Vân, thầy cô ấy ngồi chống cằm rầu rĩ. Tôi mới động viên tinh thần họ:

- Từ từ, cận Tết họ mới mua dưa. Mình cứ kiên nhẫn chờ đợi, đừng nôn nóng!

Bảy không nói việc dưa nữa, mà chuyển sang việc khác, Bảy hỏi:

- Bên ông thầy sao rồi, cậu Minh?

Minh hút một hơi thuốc, sau đó trả lời:

- Tiến độ chậm chạp. Con Châu với ông thầy hình như không muốn vẽ nhanh. Lần nào tui về phòng, ông thầy cũng giục: “Khi nào tụi bay đi bán??? Dắt theo con Châu ra ngoài chợ cho nó ngồi vẽ”. Tui nói với ổng: “Thầy nói bé Châu vẽ nhanh nhanh đi! Phải đủ ít nhất chục bức mình mới đem ra chợ bán được”. Nhưng ông thầy không chịu, cứ lề mề. Ổng còn nhận vẽ thuê cho bọn Long Thiên trên mấy khúc gỗ. Tui không biết phải nói sao với ổng đây nữa.

Bảy xua tay, nói:

- Tui thấy tình hình không ổn rồi. Ông thầy bấu được ai là bấu thôi. Ổng ăn ở của người ta biết bao nhiêu, mà mấy cái bố để đóng tranh ổng cũng tính toán. 

“Dự án” vẽ tranh bán Tết bên ông thầy vậy là thất bại. Một biến cố đã xảy ra phá vỡ mối quan hệ giữa Minh với người mà cậu ấy từng xem như cha mình. 

Ông thầy ngó bộ “không ổn” nên đã gọi điện liên lạc với bọn Long Thiên (những người mà Minh đã cắt đứt quan hệ vì chơi “đểu”) ông thầy đã kết hợp với nhóm này, đem tranh của chúng tôi đi bán dọc bờ hồ Xuân Hương mà không cần hỏi ý kiến của chúng tôi. 

Còn lại mấy bức tranh chưa vẽ đã đóng bố, ổng gọi điện thoại cho chúng tôi, nói: “Tụi bay đến gỡ bố trả lại cho tau, còn khung của tụi bay, tụi bây lấy đi làm gì làm”. 

Bọn tôi cũng không cần, lúc này ai cũng đồng ý với việc tháo bố lấy lại mấy cái khung. Còn mấy bức đã vẽ xong cứ cho ổng đem bán, sau vụ việc này thì cắt duyên, chấm dứt quan hệ, không ai nợ ai nữa.
Tôi chở Minh về phòng trọ, chỉ có ông thầy ở đó. Châu đã ẩm con và theo nhóm Long Thiên đi bán tranh dọc bờ hồ. Tất nhiên, những bức tranh đó đều có tiền vốn của chúng tôi bỏ ra. 

Vừa giáp mặt Minh, ông thầy đã tuyệt tình ngay:

- Mày đi đâu đi, chiều rồi quay lại đây, tháo mấy cái bố trả lại cho tau!

Tôi không ngờ con người ổng lại bạc bẽo như vậy. Tôi thấy khá buồn cười, phòng thì của Minh mà ổng cứ làm như nhà ổng, thích đuổi ai thì đuổi. 

Tôi và Minh định bỏ đi, thì ổng bảo lại:

- Thôi thì tụi bay vào tháo bố nhanh nhanh trả cho tau. Còn tranh, khi nào con Châu bán được nó trả lại tiền khung cho thằng Minh. Sáng nay, đã có người trả bức “hoa mẫu đơn” hai triệu rưỡi mà nó chưa bán, nó đòi ba triệu. – Ông thầy nói giọng khoe mẽ. 

Tôi và Minh mặc kệ ổng nói gì nói. Hai thằng lấy kềm nạy kim, tháo bố. Lúc hai thằng đang tháo thì ông thầy đứng bên cạnh rầy rà: “tụi bay…” thế này, thế nọ… nói chung là rất nhứt đầu. 

Tôi vừa mở một tấm bố ra khỏi khung thì ổng móc ngay:

- Coi nhẹ nhẹ kẻo hư bố của tau, bố của tau là bố xịn, khung tao vẽ không phải kích thướt này, làm hỏng hết bố của tau rồi. 

Vậy đó, chúng tôi gỡ, còn ổng thì đứng bên làm ràm…

“Rộp”
“Rộp” 
“Bụp”

Minh làm tôi bất ngờ, tức khí sao đó, Minh đạp gãy luôn cả khung tranh đang tháo dở chừng. Ông thầy mặt cắt không còn hột máu. Minh quay sang nói với tôi:

- Mình đi thôi ông Khánh!

Chúng tôi bỏ ra ngoài, lúc tôi leo lên xe nổ máy thì Minh vỗ vai tôi bảo: “Chờ một chút”. Nói rồi, cậu ấy nhảy xuống xe, chạy vào phòng trọ…

Tôi hồi hộp, nói trong bụng: “Ôi mẹ ơi! Đừng nói là…” 

--------------------------------

Ngày này… ngày nữa trôi qua…

Đến ngày 26, chỉ còn một ngày nữa là chúng tôi sẽ rời Đà Lạt đi Nha Trang. Sáng 26 tôi chở Minh đi mua ít trái cây và giấy tiền vàng bạc để cúng tại lô số 13. 

Tại sao lại như vậy?

Trong lúc Bảy kể cho Minh nghe sự tình, thì tôi âm thầm nhớ lại sự cố chiều hôm ở phòng trọ Minh.
Lúc đó, Minh chạy vào phòng. Tôi còn tưởng cậu ấy nóng quá mất bình tĩnh, thì có “chuyện không hay” xảy ra. Nhưng may quá! Minh chỉ chạy vào lấy cái khung bị đạp gãy cùng tấm bố nhàu nát ném thẳng xuống ao bèo. Minh kẹp mấy khung tranh trên vai, leo lên xe, để tôi chở chúng đi cất ở nơi khác. 

Sau hôm đó, chúng tôi chuyển hết rượu và đồ đạc của Minh, thuê một chiếc Deawoo chuyển hết sang phòng trọ của em gái Minh ở bên Cổ Loa. 

Coi như quan hệ với ông thầy đứt hẳn từ đó… 

Tôi sực tỉnh khi nghe giọng nói của Bảy:

- Lúc đó là 3 giờ sáng, da mặt ông Khánh xanh lè, tui nằm im, lúc ổng vùng dậy tui biết hết, nhưng tui vẫn nằm im. 

Bạn đang thắc mắc, hay tò mò sự việc gì đã xảy ra với tôi?

6h ngày 25 tháng chạp. 

Sau khi giúp Minh chuyển phòng xong, tôi chở cậu ấy đến khách sạn. Xong, tôi về lại điểm bán dưa của Bảy. Trong lúc Bảy và Vân đang ngồi nói chuyện với nhau thì tôi lãng đi nơi khác. Tôi ghé vào con hẻm nằm ngay bên trái lô số 13, bên hong cà phê M.Nh. 

Tôi vào đó để làm gì?

Trong con hẻm có nhà của một anh bạn tên Lâm làm bên công an thành phố. Anh Lâm rất mê cờ tướng và rất thích gặp những đối thủ xứng tầm, đúng như câu: “kỳ vô đối thủ vô kỳ khí. Nhân bất phong sương vị lão tài”. Tôi ghé lại nhà, anh mừng lắm! Đem trà, đem bánh, và không thể thiếu bàn cờ son quân ngà. 

Hai anh em ngồi đánh cờ quên cả thời gian. Lúc sau, Bảy cũng ghé vào. Cậu ấy cũng mê cờ tướng đến mức không thèm canh dưa luôn. Cậu ấy làm trọng tài và bình luận viên, coi tôi và anh Lâm thi thố tài năng. 

Lúc tôi nhìn đồng hồ thì đã gần mười hai giờ. Thời gian đi nhanh khủng khiếp!

Chúng tôi đứng lên về cho anh Lâm đi ngủ. Bảy thấy trời đã khuya, bèn quay sang tôi bảo:

- Hay là cậu ngủ lại với tui đi! Xe để nhà anh Lâm, mai sáng lấy cũng được. 

Nhắm trời đã khuya, nhà tôi lại xa hơn trung tâm thành phố mười cây số, nên tôi nghe theo Bảy, ngủ với cậu ấy một đêm cho vui. 

Cánh cổng nhà anh Lâm khép lại sau những cái bắt tay. 

Đường phố lạnh thấu xương, ánh đèn vàng đìu hiu trong bóng tối đậm đặc. Đã mười hai giờ đêm. Sự im ắng chìm xuống, thỉnh thoảng mới có chiếc xe máy chạy qua. Hai thằng đi bộ đến chỗ bán dưa, tối nay, chúng tôi sẽ ngủ lại đó.

Một ngày mệt mỏi tạm dừng chân. Bảy nằm xuống là ngủ được ngay. Còn tôi thì… không.

Căn lều bị gió quất ầm ầm. Tấm bạc như muốn rách toác và cuốn đi theo những đợt gió mạnh. Tôi nghĩ quẩn trong đầu: “Nằm đây mà nhỡ có chiếc xe tải nào lạc tay lái đâm vào là toi mạng”. Tôi lo lắng không phải vô căn cứ. Chỗ chúng tôi đang nằm xe tải vẫn thường xuyên lên xuống. Hễ nghe tiếng xe “ùn ùn” là mặt đường rung lên đáng sợ. Nhưng tôi nói trong bụng: “Sống chết có số, cứ thẳng chân mà ngủ.” Nói thì nói vậy nhưng vẫn bị ám ảnh, một chiếc xe tải sẽ cán qua bụng hai thằng. 

“…”
“…”
“…”

Tôi thiếp vào giấc…

“bật”

Chồm người dậy, tôi chụp lấy chai nước suối tu ừng ực. Mồ hôi lấm tấm vầng trán, tôi quay sang thấy Bảy vẫn nằm ngáy khò khò. Tôi bấm điện thoại coi giờ…

Đúng 3 giờ sáng. 

-------------------------------

Ngày 26 tháng chạp

Chỉ đơn giản, một đĩa trái cây, một xấp giấy tiền vàng bạc. 

Tôi đặt bàn cúng sát bên cửa lô số 13. Đúng 6 giờ cúng và khấn nguyện: “Số tiền chia làm ba phần. Một phần dành cho bà ngoại Lê Thị Lành, phần dành cho người canh cổng địa ngục, phần còn lại chia đều cho những người âm đã gặp tôi vào đêm hăm lăm”. 

Một giấc mộng đã khiến tôi bàng hoàng kể từ đêm hôm đó. Và nỗi bất an kéo dài đến tận mấy ngày sau. 

Đêm đó, tôi đã mơ thấy mình đi trên chiếc xe máy màu đen. Tôi không chạy trên đường trường mà chạy xuống những bậc thang ngoằn ngoèo. Đến chân cầu thang, tôi trông thấy bà ngoại mình (bà đã mất hơn mười năm nay rồi), bà rất vui khi nhìn thấy tôi. Bà cười lộ ra những chiếc răng trắng đều, ngoại dịu dàng nói với tôi:

- Mệ muốn đi tham quan Đà Lạt cho biết, con chở mệ đi nghe, Khánh!

Tôi cười, nói với ngoại:

- Dạ! Mệ lên xe con chở mệ đi tham quan khắp nơi. 

Thế là, tôi chở ngoại mình đi. Nhưng chở mãi vẫn không ra được đường lộ, mà chỉ quanh quẩn những bậc thang ngoằng nghoèo. 

Bỗng!

Chiếc xe tôi dừng lại trước một cánh cửa. Tôi ngước lên tấm biển ghi mấy dòng chữ bằng tiếng phạn. Sâu bên trong là một cái hang động, có hai người đứng gác, và thêm một màu đỏ chớp chớp như đèn cấp cứu. 

Ngoại tôi cứ đứng nhìn không chịu đi. Tôi có giục ngoại cũng không đi, ngoại nói:

- Mệ muốn vào đó coi cho biết.

Tôi đành theo ngoại. Đến trước cửa thì hai người canh gác giữ lại:

- Muốn qua, phải mất bốn đồng. – Họ nói.

Ngoại tôi lấy tiền trong cái túi áo len màu đỏ ngoại thường hay mặc khi còn sống. Đưa tiền cho họ, họ mới cho qua và dặn dò rất kỹ:

- Nhớ cho rõ, cứ nhắm mắt mà đi, có ai đụng vào người mình cũng bình tĩnh. Cứ mặc, và phải giữ cho chắc tay của bà. Được rồi, hai bà cháu qua đi!

Tôi và ngoại bước vào bên trong. Tôi nhất nhất làm theo lời căn dặn của người gác cửa. Nhắm nghiền mắt, cứ khoác tay bà ngoại mà đi. Lạ rằng! Tuy nhắm mắt nhưng tôi vẫn nhìn thấy đường, thấy những người mặc áo trắng, tóc xõa rũ rượi như ma, đi chờn vờn quanh mình. Một bàn tay vuốt vào lưng tôi, cảm giác như bị điện giật, luồng điện ấy vừa rút đi thứ gì đó trong người tôi. Sau bàn tay đó lại tiếp thêm nhiều bàn tay khác chọc vào người tôi, vừa nhột vừa giống như bị điện giật. Không chịu được nữa tôi mới vùng tỉnh, từ đó bàng hoàng lo lắng không thể ngủ lại nữa. 

Tôi không biết giấc mộng đó là điềm tốt hay xấu? Nhưng trông thấy cảnh địa ngục là tôi ớn lạnh rồi. Vì ngày 27 bọn tôi sẽ kéo về Nha Trang, phương tiện đi lại là xe máy (cũng là chiếc màu đen) và phải đi hết 200 cây số. 

Sáng ra, tôi kể cho Bảy nghe, rồi Bảy thuật lại cho Minh và bé Vân. Từ đó, mới có chuyện cúng vào ngày hăm sáu để ngày mai lên đường làm ăn cho được bình an. 

Vẫn chưa bán được trái dưa nào. E rằng sẽ thất bại ở Nha Trang, nên chúng tôi đã hồi lại số dưa đặt trước đó mấy ngày. Chúng tôi không bán dưa ở thành phố biển như dự tính mà chuyển sang phương án chắc cú, đó là đi khắc thuê. Đồ nghề đã chuẩn bị đầy đủ, mọi thứ ở Đà Lạt tạm thu xếp ổn thỏa. Về chuyện canh dưa vào ban đêm đã có anh Hải – mỹ nghệ ngủ lại coi dùm.

Thật lòng tôi muốn hồi lại chuyến đi để Minh và Bảy xuống Nha Trang thôi, còn tôi ở lại Đà Lạt. Nhưng đạn đã lên nòng, bây giờ không thể quay trở lại nữa. Chỉ còn biết cầu nguyện thôi. 

--------------------------------------

Ngày 27 tháng Chạp.

Tôi thức dậy lúc 5 giờ sáng. Ba mẹ tôi đã dậy từ trước đó để quạt lò, đun nước. [Nhà tôi bán quán ăn, cà phê sáng] Vừa thấy tôi ló đầu ra, mẹ đã hỏi:

- Hôm nay mi đi Nha Trang hả? Áo quần mi đã chuẩn bị hết chưa?

- Dạ rồi. – Tôi ngáp dài, nói.

- Mi đi với ai?

- Dạ đi với thằng Minh, thằng Bảy. 

Bấy giờ mẹ mới kể với tôi:

- Đêm qua mẹ nằm mơ thấy mệ về. Mệ nói đem con chim cu đi thả, nhưng ba mi không chịu. 

Tôi thất kinh. Vốn sẵn bất an nay lại càng bất an hơn. “Lý nào chiều tối qua mới cúng, lạ mẹ mình lại mộng thấy bà ngoại, đâu mà linh vậy trời???”.

Tôi đặt cái ba lô lên bàn mà lòng nặng trĩu trái lo. Vừa nhận được điện thoại, ít phút nữa “hai ông nội” kia sẽ bò xuống. Tiện đường từ chỗ tôi phóng thẳng xuống Nha Trang luôn. 

Đúng 6 giờ sáng. Bảy và Minh có mặt. Đứa nào cũng găng tay, khẩu trang kín mít. Trước khi đi ba tôi còn nhắc:

- Mấy đứa mi coi mang theo áo mưa chưa? Về đèo Khánh Vĩnh sương mù nhiều lắm đó! 

- Dạ, đâu đó cả rồi ba mẹ.

- “Dạ, con chào cô chú” 

Hai thằng bạn chào ba mẹ tôi xong thì cùng tôi lên đường làm ăn. 

Bảy chở Minh chạy trước, tôi chạy theo sau. 

Tôi dặn mình phải luôn cẩn thận nên chạy rất chậm. Bảy và Minh cứ chạy trước một đoạn lại dừng đợi tôi. Có lẽ chúng bạn không hiểu tôi đang mắc phải chuyện gì? Trước khi đi đã có những điềm báo mà tôi còn chưa biết là tốt hay xấu? Thà phòng bệnh còn hơn chữa bệnh. 

Xe tôi từ sau rà tới, Bảy và Minh hối:

- Đi gì mà chậm vậy, ông Khánh? Hay là ông chạy trước đi!

Tôi lắc đầu:

- Mấy ông cứ chạy trước, đến Nha Trang gặp lại, đừng có đợi tui. 

Phương châm của tôi là chậm mà chắc. 3 tiếng cũng đến Nha Trang mà 4 tiếng cũng đến. Thà đi 4 tiếng mà an toàn còn hơn chạy 3 tiếng mà nguy hiểm đến tính mạng. 

Nói thì vậy, nhưng mấy đứa bạn vẫn đi chầm chậm đợi tôi. 

Vượt qua Đa Sa, đến cây đèo Khánh Vĩnh. Cây đèo dài, có độ dốc cao và nguy hiểm nhất mà tôi từng thấy. 

Tới tấm biển cảnh báo: “Đoạn đường nhiều sương mù, lái xe chú ý!” Ba thằng dừng lại, mở cốp xe, lấy áo mưa mặc vào. 

Sương giăng nghẹt những cánh rừng kéo theo hơi lạnh buốt giá như cắt da, cắt thịt. Mưa bắt đầu nặng hạt rơi lộp độp trên nón bảo hiểm, áo mưa bị gió thổi bay phầng phật.

Tôi vừa chạy xe, vừa tập trung quan sát, đèn xe bật cos pha. Thỉnh thoảng tôi lại thấy những ánh đèn mờ căm chạy ngược chiều, giống như những ánh đốm ngụp lặn trong biển trời mênh mông sương khói. Tôi không còn nhìn thấy rõ đường đi nữa… sương mù quá dày! 

Ở độ cao trên 1500 mét so với mực nước biển, gió thổi theo mưa quất vào mặt rát kinh khủng! Cả người minh lẫn chiếc xe như muốn chao xuống đường trước sức gió kinh hồn. 

“Ào ào ào” 

Mưa ầm ầm đổ xuống.

“Ối”

“Cụp” – Tiếng phuộc xe kêu lên. 

Chiếc xe chở tôi bay hỏng lên mặt đất, rồi đập thẳng xuống lòng đường sạt lở. 

“A Di Đà Phật!” 

Tôi vừa thoát khỏi một vụ tai nạn trong gang tấc. Cái ổ voi to chà bá chắn ngang phần đường bên phải. Tôi đã cán qua nó. “May là mình đi chậm. Đi nhanh chút nữa là toi mạng rồi”. 

Tôi nhìn xa xa thấy đuôi đèn xe của Bảy và Minh, và cố bám theo xe của hai đứa bạn. 

Đường đèo xấu vô cùng, thêm trời mưa đổ ào ào và những chỗ quanh, cùi chỏ vô cùng nguy hiểm đang rình rập. 

Tôi liếc sang bên phải, thót tim! Nhận ra mình đang đi trên mép của cái vực thẳm sâu hun hút. 

“Ối! Mẹ ơi!” 

Tôi nhanh chóng gập tay lái sang bên trái. “Tin tin tin” tiếng còi inh ỏi ré lên từ phía sau. Một chiếc xe khách cùng chiều đổ rào xuống. 

“Xoạt xoạt xoạt”

Xe tôi bang thẳng qua đống cát đá, dềnh lên rồi dập xuống. Tiếng phuộc xe kêu lên “cụp cụp”. 

Tôi thở phào nhẹ nhỏm khi biết mình đã vượt qua đoạn đường tử thần. 

Trời đã quang mây tạnh, phía trước mở ra một vùng rừng núi mênh mông trùng điệp. Cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ nao nức lòng người. 

“Ôi! Thiên nhiên vĩ đại. Đẹp quá!” 

Bỗng nhiên trong khối óc đa tình của tôi trỗi lên những vần thơ lãng mạn, xua tan nỗi những bất an, lo sợ.

-------------------------------------

10 giờ sáng, chúng tôi đến Nha Trang.

Vừa đặt chân đến nơi đã bắt tay vào việc ngay. Có một vựa trái cây đặt hàng trước đó cả tuần lễ rồi.
1 tiếng đồng hồ khắc được 20 trái dưa, cầm chắc 1 triệu đồng. [giá một trái dưa = 50k]

Chúng tôi mừng thầm trong bụng, chắc bẩm rằng: Chuyến đi này sẽ hốt bạc đem về. Thế nhưng, sự gian nan sau đó mới xuất hiện. 

Đi vào trung tâm thành phố Nha Trang, hỏi hầu hết các vựa dưa đều không chỗ nào nhận khắc chữ. Khó khăn hơn nữa là trời cứ mưa âm ỉ vừa rít rát vừa nhếch nhác rất khó chịu. 

Lăn lộn trong mưa gió mất tiếng đồng hồ. Chúng tôi đặt chân đến khách sạn là 7 giờ tối. 

Tạm gác công việc lại, tắm rửa xong là chúng tôi ra bãi biển chơi. 

Ba thằng cuốc bộ đến gần nhà ga thì…

- Coi chừng! – Bảy la lên kéo giật người tôi lại.

Chỉ chút xíu nữa thôi là chiếc taxi chạy ẩu đâm thẳng vào tôi từ phía sau. 

Tôi bình tĩnh lại, cười nói:

- Có ông bà đỡ. 

Đường phố Nha Trang đông đúc vui nhộn. Những ánh đèn xanh, đỏ, tím, vàng kết hoa lung linh rực rỡ. 

Tôi đến bên bãi biển nhìn từng con sóng đập vào bờ. Những cây dừa đã làm đẹp cho những cồn cát. Gió vi vu thổi qua làn tóc thơm hương mặn nồng của biển. 

- Mình tới chỗ thằng Bin thôi! – Bảy gọi chúng tôi. 

Bin là em họ của Bảy, đang bán trái cây ở gần trung tâm mua sắm. 

Chúng tôi bước qua một khu chợ sầm uất, toàn người Trung Quốc. Bây giờ đi đâu ở cái Nha Trang này cũng đều nghe tiếng người Trung Quốc. 

- Anh Bảy, Bin ở đây nè! – Có tiếng gọi vang lên từ phía sau. 

Chúng tôi ngó lại, thấy một chàng thanh niên đội mũ lưỡi trai, mang quần short màu hồng phấn, đang đứng chống nạnh. 

Quán trái cây của Bin sáng sủa đẹp mắt hơn những quán chung quanh. Khách khứa cũng đông hơn rất nhiều. 

Bin bảo nhân viên làm cho chúng tôi ba ly sinh tố. Mấy anh em ngồi nói chuyện với nhau chừng mười lăm phút thì Bin hẹn:

- Anh Bảy về khách sạn trước đi. Đợi Bin về tắm rửa, mua ít mồi qua chỗ Nhí Em nhậu luôn. 

Chúng tôi về lại khách sạn. Nửa tiếng sau thì có điện thoại của Bin, bảo chúng chúng tôi đến chỗ Nhí Em trước. 

(CÒN TIẾP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét