Buổi tối hôm đó tôi và Bảy đi ăn hủ tiếu gõ. Mãi đến 11h đêm
mà vẫn chưa chịu về. Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau say sưa. Bao giờ cũng vậy,
hễ tôi và Bảy gặp nhau là cứ như mười năm chưa được nói, chuyện trò với nhau rất
tâm đầu ý hợp. Chỉ cách đó 2 tiếng đồng hồ, hai thằng còn ở khách sạn N.Ng
(Khách sạn này tôi phải giấu tên vì sợ làm ảnh hưởng đến việc làm ăn của gia chủ),
nơi Minh, người bạn mới của tôi đang làm lễ tân. Ban đầu, chúng tôi định mua ít
mồi, đến chỗ Minh làm chút “sương sương” rồi về. Nhưng ngặt nỗi, hôm đó lại có
ông chủ khách sạn, mà cái ông này lại không ưa tôi và Bảy cho lắm! Thấy vậy nên
thôi, tôi và Bảy về trước. Không được nhậu thì chúng tôi đi ăn cái gì đó lót dạ,
rồi ngồi “tỉ tê” với nhau vài ba chuyện đời cũng vui.
Thời tiết Đà Lạt đã quá quen thuộc với những con dơi sống về
đêm như chúng tôi. Thế nhưng thời điểm đang vào cuối mùa đông (gần ngày noel)
nên lạnh ghê gớm! Mặc dù mặc áo ấm, mang găng tay len, mà cái lạnh vẫn đâm qua
da như những mũi kim xăm vào cơ thể. Hơi thở của thằng nào cũng phả ra làn
sương băng giá. Tôi và Bảy ngồi co ro, khúm rúm bên vỉa hè quán cốc. Mắt nhìn
ra đường phố hoang vu trong ánh đèn vàng lợt lạt tỏa ra từ những cây cột điện.
Đầu óc tôi khi đó đang ở trong trạng thái suy nghĩ mong lung. Chợt hình bóng của
Minh hiện về trong trí nhớ. Tôi nhìn cậu ấy từ phía sau, mỗi bước chân xuống cầu
thang, nhịp nhàng, thoăn thoắt, thoạt tiên như thể Minh đang lướt đi trong
không khí, dễ dàng bay lên khi dẫm chân xuống nền nhà.
- Đang nghĩ tới em nào hả? – Chợt giọng nói trong trẻo của Bảy
vang lên.
- Tào lao, làm gì có em nào mà nghĩ.
- Khà khà khà… - Bảy cười trêu tôi.
- Tớ đang nghĩ đến cậu Minh.
- Thằng Minh? Nhưng mà chuyện gì mới được?
- Tớ thấy có gì đó không ổn. Cậu để ý mà xem, gần đây ông
Minh nhà mình có những biểu hiện là lạ làm sao ấy.
- Gần đây nó hay bị trầm cảm, cũng vì chuyện ông thầy.
- Ông chú Hoài thì có liên quan gì?
Tôi hỏi vậy vì như tôi thấy giữa Minh và ông thầy đang ở
chung phòng trọ, sống với nhau bình thường đâu có gì mâu thuẫn. Hay vừa mới xảy
ra chuyện giữa ông và Minh mà tôi không biết? Nhưng, chiều nay tôi qua phòng chở
Minh lên khách sạn, thấy Minh vẫn bàn với ông thầy việc vẽ tranh đi bán vào dịp
Tết kia mà. Lạ nhỉ?
- Ông chú, xét về mặt nhân tướng học là kẻ nhẫn tâm, khắc bạc.
Điều này lúc mới gặp tui đã nói với thằng Minh.
- Xảy ra chuyện gì rồi à?
- Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Thằng Minh từ từ
cũng cảm nhận được thôi mà.
Bảy không muốn kể chi tiết sự việc cho tôi nghe nên tôi cũng
tôn trọng, không gặng hỏi nữa. Tôi lại hướng cuộc trò chuyện sang lối khác,
quay trở về vấn đề tôi đang định nói lúc nãy.
- Tớ thấy ông Minh gần đây tâm tính thất thường. Nếu cậu chú
ý sẽ thấy đôi mắt của ổng mờ đục không có hào quang.
- Nội lực của ông Minh chưa đủ. Ổng có tài năng nhưng thiếu
rèn luyện. Cái này tui cũng đã nói với ổng rồi.
Tôi hiểu Bảy đang nói đến điều gì. Ý của Bảy là Minh phải tập
thêm thiền mới khai mở được công năng tiềm ẩn trong con người. Bản thân Bảy
cũng tập thiền nên muốn hướng người khác có duyên nên tu tập sẽ tốt cho bản
thân họ.
- Ông Minh đang bị người âm theo.
Tôi khẳng định với Bảy, rồi sau đó kể cho Bảy nghe về những
dấu hiệu tôi tìm thấy được khi quan sát Minh. Những dấu hiệu gần như chắc chắn
của một người bị mắc duyên âm. Nghe xong, Bảy nói với tôi bằng âm giọng run
run:
- Cậu nhắc tớ mới nhớ, đúng là dáng đi của ông Minh giống…
giống như một con ma. Thể như đi hỏng trên mặt đất.
- Có một thứ nữa mà cậu chưa biết đâu. Nhìn thấy nó thôi là
tui rùng mình. Mới nhắc da gà đã nổi lên rồi nè. – Tôi xắn tay áo lên chứng
minh cho Bảy là tôi không hề nói cuội nửa lời.
- Thứ gì vậy bạn?
Tôi bắt đầu nhớ lại đêm hôm đó…
Chúng tôi ra khỏi quán bi-a lúc 7h tối. Tôi chở Minh thẳng đến
khách sạn mà không cần ghé về phòng trọ. Gần đây, Minh hay chơi với bạn bè cho
hết ngày rồi lại đến chỗ làm. Cậu ấy không muốn về phòng trọ thì phải? Tôi chỉ
lờ mờ phỏng đoán như vậy.
- Đi thẳng tới chỗ làm tui luôn, ông Khánh à!
- Uhm!
Thế là tôi đóng vai Khánh xe ôm chở Minh đến khách sạn như mọi
ngày.
Khách sạn N.Ng xây dựng từ bao giờ? Không ai rõ hơn chủ nhân
của nó. Nhưng sau này tôi mới biết, người chủ hiện tại của nó chẳng qua cũng chỉ
đứng ra thuê lại từ một người khác để kinh doanh. Ban đầu, tôi cũng không quan
tâm lắm. Vì tôi thấy khách sạn đó cũng giống như những khách sạn khác. Tôi
không cảm thấy nó lạnh lẽo và u ám như những ngôi nhà trong truyện kinh dị.
Đối diện với bàn lễ tân đặt một bộ ghế salon đã ố màu. Nơi
đó dùng để tiếp khách và cũng là chỗ ngủ thường khi của Minh.
Hôm nào cũng vậy, khi tới nơi là Minh đi tìm thức gì để làm
mồi nhậu. Trong cặp xách của Minh luôn thủ sẵn bầu rượu do chính tay Minh ủ ra
từ nho, dâu tây, và hồng khô.
- Xong rồi, vào cuộc thôi! – Minh quay sang tôi nói khi đã
chuẩn bị xong mọi thứ trên bàn.
- Dô nào! Chúc sức khỏe. _ Tôi nâng ly rượu đầu tiên lên mời
bạn.
Người ta hay nói gì nhỉ? “Tửu nhập ngôn xuất” thật chẳng
sai. Uống vào vài giọt rượu, khí độ ngà ngà hai kẻ “tửu đồ” lại lăm băm đủ thứ
nam tào bắc đẩu. Chém đằng đông xong lại chặt sang đằng tây. Cũng là vậy, nói
bưa mấy chuyện thị phi trên thế giới thì chuyển qua rỉ rê tâm sự chuyện đời
mình. Minh chia sẻ với tôi như thế này:
- Đợt này, sau khi trả xong hết mấy món nợ, tui sẽ đi làm những
việc mình thích.
Nghe vậy tôi mới hỏi Minh:
- Cậu thích điều gì?
Minh trả lời tôi, gần như không cần suy nghĩ:
- Tui chưa biết nữa, bây giờ mới trong giai đoạn dò tìm.
Tôi cười nói với Minh:
- Để thành công, trước hết phải xác định cho mình một mục
tiêu. Lấy thí dụ như chuyện thỏ và rùa. Thỏ ta tuy nhanh nhẹn nhưng không chú ý
đến mục tiêu của đời mình. Thỏ bị cám dỗ bởi nhiều thứ kì hoa dị thảo, đuổi bướm
bắt sâu… cứ thế, thỏ nhảy hết từ chỗ này sang chỗ nọ. Rùa thì khác, Rùa tuy chậm
chạp nhưng có ý chí kiên định, nhẫn nại bám riết mục tiêu, bỏ qua nhiều thứ cám
dỗ chung quanh. Cuối cùng, nó đến được đích trước thỏ. Thật vậy, đi nhanh chưa
chắc đã về sớm. Cần xem xét lại mục tiêu của đời mình. Cuối cùng, ông sống để
làm gì? Đâu là sở trường của ông? Cuộc sống là hành trình tìm lại chính mình.
Không phải của tui, không phải của người khác quyết định thay cho ông.
Minh im lặng một hồi lâu không nói gì, sau uống thêm ly rượu
nữa Minh mới lên tiếng:
- Sắp tới chắc tui đi theo nghiệp vẽ, ông Khánh à!
Tôi hỏi lại Minh:
- Giống như chú Hoài sao?
Minh mỉm cười, lắc đầu nói với tôi:
- Tui chưa học được một bữa nào từ ông thầy. Ổng chỉ dạy cho
con Hiền thôi.
Tôi hơi ngạc nhiên nhìn Minh. Không chờ tôi lên tiếng, Minh
nói tiếp:
- Ông thầy có nói, sau khi ông mất đi, tất cả số tranh vẽ của
ông sẽ chia đều cho con bé Châu con gái ông thầy và thằng Minh là tui. Tức là ổng
đã xác định trong di chúc sẽ có phần của thằng Minh này.
- Rồi sao? – Tôi thản nhiên hỏi Minh.
- Bữa đó tui có nói thẳng với ông thầy: “Con không cần đâu
thầy ạ! Thầy thích đem cho ai thì cho”. Tui chỉ nói lên những gì trong suy nghĩ
của mình thôi. Thực sự là tui không muốn, và cũng không cần những thứ đó.
Tôi lập tức chuyển đề tài, tôi quay sang hỏi Minh:
- Lâu nay ông có tập vẽ không vậy?
Minh cười hiền hậu, gật đầu.
- Đâu? Lấy tui xem thử.
- Ông đợi tui chút xíu, nghe!
Nói rồi, Minh đứng lên đi vào bàn lễ tân, lục tìm tác phẩm của
mình. Chưa đầy một phút sau, Minh đem ra một tờ giấy cỡ khổ A4, trên đó có một
hình họa màu đen. Lúc đó tôi mới nhìn thoáng qua thôi.
- Đây nè, ông xem đi!
Tôi cầm lấy bức vẽ, bấy giờ tôi mới nhìn được kỹ hơn.
- Ôi chao! – Tôi giật mình thốt lên.
Một luồng khí lạnh xuyên qua gáy tôi, toàn thân tôi lạnh ngắt
và nỗi kinh hãi trào lên trong người. Đó là bức chân dung của một cô gái mặc áo
dài trắng. Mái tóc thề buông xõa óng mượt như nhung. Cả khuông mặt và đặc biệt
là đôi mắt… sắc và ghê rợn không thể diễn tả được.
Tôi định thần lại, mau chóng lấy lại bình tĩnh, gượng hỏi
Minh:
- Bức này cậu vẽ được bao lâu rồi?
Minh trả lời:
- Gần cả tháng rồi. Lâu lâu có hứng tui mới lấy ra vẽ. Thường
vào 12h đêm, khi tui không ngủ được lại vào bàn lôi nó ra “quẹt”.
- Ông vẽ chân dung của ai vậy?
- Đây nè.
Minh liền mở điện thoại lên kiếm bức ảnh trên mạng về đưa
tôi coi. Bức ảnh mẫu là của một diễn viên trên mạng, nhưng bức hình họa mà Minh
cho tôi coi thì không hoàn toàn giống. Sự khác biệt lớn nhất giữa hai bức nằm ở
chỗ nét âm và nét dương. Về cơ bản, bức vẽ của Minh mang âm khí rất nặng.
Tôi đang suy nghĩ thì Minh bỗng lên tiếng:
- Sao vậy, ông Khánh? Ông thấy tui vẽ có được không?
Tôi buột miệng trả lời:
- Uhm! Cũng được.
Không hiểu sao khi đó tôi không nói với Minh về những gì tôi
đang nghĩ trong đầu. Tôi cũng không muốn giấu, nhưng tôi không thể nói ra lúc
đó được.
- Ông tự vẽ hay có học của ai không? – Tôi thở ra rất nhẹ mà
chắc Minh không nghe thấy.
- Tui tự vẽ hết đó ông Khánh, tui chỉ cần nhìn mẫu là vẽ được
thôi. Khi trước có mấy người khách đến xem tui vẽ còn khen: “tài thật!”.
Tôi quay sang nhìn Minh, nói với cậu ấy:
- Ông đừng vẽ nữa.
Minh ngạc nhiên hỏi lại tôi:
- Sao vậy?
Tôi nói:
- Thời gian này ông cần tịnh tâm, rồi từ từ tính gì tính.
Minh gật đầu, nói:
- Uhm, gần đây tui cũng mất hết cảm hứng vẽ. Cứ ngồi vào
bàn, cầm cây bút lên một chặp là đau đầu. Chắc do gần đây tui hay suy nghĩ về
những chuyện cơm áo gạo tiền quá.
Lúc ấy, tôi đã cố tình đánh sang chuyện khác. Để quên đi bức
vẽ Minh đang cầm trên tay. Tôi đã đưa nó trả lại cho Minh khi vừa xem xong. Ánh
mắt sắc lẹm đó đã nhìn trực diện vào tôi như muốn nói điều gì vậy.
Minh đứng lên, đi cất bức chân dung ma quái. Lúc cậu ấy vừa
quay lại thì tôi cũng đứng lên cáo từ:
- Thôi, cũng đến giờ rồi. Tui về đây. – Tôi đứng ngay dậy đi
tìm cái nón bảo hiểm.
- Về gì sớm, ở lại chơi thêm chút nữa đã. – Minh muốn giữ
tôi lại.
Nhưng, tôi lắc đầu từ chối:
- Thôi, để dịp khác đi ông. Hôm nay tui đi cả ngày rồi.
Thế là, tôi rời đi. Ra đến bên ngoài khách sạn N Ng mà cảm
giác bàng hoàng vẫn còn xâm lấn…
…………………….
- Sao giờ cậu mới nói với tui? – Bảy hoảng lên.
Tôi liền nói:
- Bây giờ tui mới cho cậu biết, là vì chuyện đó mấy ngày trước
đối với tui còn mập mờ, nhưng giờ thì quá rõ rồi.
Bảy chỉ tay khẳng định:
- Ở khách sạn, chắc chắn là thằng Minh bị vướng khi ngủ tại
khách sạn đó. Thằng Minh làm ở đó cũng được ba năm rồi.
Nét mặt của Bảy nhuộm đầy vẻ lo lắng. Tôi thấy nên đi trực
tiếp vào vấn đề lúc này sẽ hay hơn. Nghĩ vậy tôi nói ngay:
- Ông Minh bị vướng đường âm là cái chắc rồi. Cơ bản phải
tìm cách gở nó ra.
Bảy liền nói vào:
- Nhưng giải bằng cách gì? Tính thằng Minh tui thừa biết, nó
không chịu nghe theo đâu.
Tôi lập tức trấn an:
- Đừng lo. Có hai cách có thể áp dụng được.
- Cách gì vậy bạn? – Bảy rất nôn nóng muốn biết.
Tôi nghiêm túc, nói:
- Cách thứ nhất. Mình phải tìm một người thầy cao tay ấn giải
cho cậu Minh. Nhưng mình cứ im lặng mà làm. Đừng để ổng biết trước điều này. Cậu
hiểu ý tui chứ? – Tôi liếc mắt nhìn Bảy với nhiều ngụ ý.
- Còn cách thứ hai? – Bảy hỏi.
Tôi trả lời luôn:
- Cách này phải dựa vào tấm lòng thành của mình. Mình sẽ lập
bàn cúng, ăn chay, tắm rửa sạch sẽ. Sau đó, cúng bái, khấn nguyện bề trên chứng
cho. Nếu cậu ấy phước lớn mạng lớn sẽ giải được.
- Còn bằng không thì…
Tôi nói thẳng thừng:
- Bằng không thì… Linh hồn của cậu ấy sẽ bị cái vong nữ đó
chiếm dần. Nếu tụi mình không nhanh tay thì đến khi đã quá muộn, có hối hận
cũng không kịp nữa. Những trường hợp bị vong theo nặng đa số là bị bắt chết.
Khi không còn kiểm soát được bản thân, người bị theo sẽ tìm cách…
- Đừng nói là…
Ánh đèn đường hắt lên gương mặt nhợt nhạt của Bảy. Sự lo lắng
của chúng tôi không phải là vô lý, ai cũng có quyền được nghĩ cho bạn mình. Khi
mình biết được nó đang mắc phải một chuyện không hề nhỏ, nếu không muốn nói là
đáng sợ trăm bề, thì không thể ngồi im được.
Tôi cố gạt đi những suy nghĩ khủng khiếp về những điều sẽ xảy
ra, nhưng không thể. Không thể né tránh nếu…
“Đừng nói là…”
- Cậu ấy sẽ tìm cách tự sát nếu linh hồn cậu ấy bị chiếm
hoàn toàn. Phải mau chóng giữ lại linh hồn cho cậu ấy.
Những lời tôi nói ra như tiếng sét nổ giữa trời đêm giá lạnh.
Khi bóng tối buông xuống nặng trĩu giữa những con đường sâu hun hút, những con
mắt mèo đen lấp lánh.
“Ngheo”
- Úi mẹ ơi!
Cả tôi và Bảy đều giật mình thốt lên.
Vừa lúc một con mèo đã phi từ nốc nhà xuống chỗ ngồi của
chúng tôi. Một loáng nó đã chạy mất.
- Tui bắt đầu thấy ớn lạnh trong người rồi cậu Khánh à! - Bảy
ngồi co rúm giữa những cơn gió đông se sắc.
Tôi bấm điện thoại lên xem giờ…
“Ồ, đã gần 12h rồi sao?”
Tôi quay sang Bảy, nói:
- Mình về thôi! Ngày mai sẽ tính tiếp cậu à!
Bảy “Uhm” một tiếng rồi đứng lên đi lại xe hủ tiếu tính tiền.
Lúc ra bãi lấy xe về, tôi và Bảy đã lên một kế hoạch. Trước mắt phải cho Bảy tận
mắt chứng kiến thứ quỷ dị đó…
Ngay tối hôm sau ngày tôi và Bảy bàn chuyện với nhau chỗ
quán hủ tiếu. Tôi đã dẫn cậu ấy lên khách sạn chỗ Minh đang làm. Mượn cớ là lên
uống với Minh vài ly rượu, nhưng thực chất là để Bảy được tận mắt chứng kiến những
gì tôi đã nhìn thấy.
Chúng tôi uống rượu và nói giỡn với nhau vài chuyện linh
tinh. Tôi tính đợi đến thời điểm chín mùi sẽ nói Minh đem bức chân dung ra cho
Bảy xem. Nhưng người tính không bằng trời tính. Rượu uống vừa được vài ly, tôi đã
quay sang bảo Minh:
- Ông vào lấy bức tranh bữa trước ra cho ông Bảy coi!
Minh liền cười nói:
- Bức đó hả? Tui chỉ vẻ chơi thôi mà.
Bảy nói ngay vào:
- Đâu? Đâu? Lấy ra tui xem thử.
Minh cũng thấy lạ, nhưng không hỏi thêm gì mà đi lấy bức
chân dung.
Mấy giây sau Minh quay lại với bức vẽ đưa cho Bảy. Đó chính
xác là bức tôi đã thấy cách đó vài ngày. Lần này tôi chỉ nhìn lướt qua là quay
mặt đi chỗ khác. Còn Bảy thì…
- Cậu Minh, cậu có thể làm điều này giúp tôi không? – Bảy
nói, giọng điệu cậu ấy trầm xuống.
Minh ngạc nhiên nhìn Bảy nói:
- Giúp gì?
Bảy nói thẳng vào vấn đề luôn:
- Ông đốt ngay thứ đó cho tui.
Tôi còn tưởng sau câu nói đó Minh sẽ có biểu hiện khó hiểu,
và hỏi Bảy lý do tại sao? Vì ngay cả tôi cũng bị bất ngờ khi nghe Bảy nói vậy.
Nhưng tôi rất kinh ngạc khi Minh lập tức đứng lên đi lấy cái bật lửa. Đốt ngay
bức họa trước mặt chúng tôi. Hành động của Minh và âm khí phản chiếu trên gương
mặt cậu ấy khiến chúng tôi rùng mình. Nổi hết da gà.
Bức chân dung cháy phừng phựt trong ánh lửa xanh ma mị. Những
lọn khói cuộn lên uốn éo như hình thù con rắn. Lửa bén đến mái tóc, trang phục,
rồi khuông mặt và… đến đôi mắt thì dừng lại.
Tôi đứng lên theo phản xạ với cái mũ bảo hiểm đằng sau ghế.
Kéo theo Bảy, miệng nói:
- Mình đi thôi cậu!
Khi đó trong đầu tôi chỉ có một ý nghĩ. Lập tức rời khỏi
khách sạn càng nhanh càng tốt. Nhưng chúng tôi định rời đi thì Minh lên tiếng:
- Hai ông bị làm sao vậy? Tui chẳng hiểu gì hết???
Bảy thay lời tôi, nói:
- Có những thứ không thuộc về mình thì đừng nên vương vấn, cậu
Minh à! Thôi, thế là từ nay cậu yên ổn rồi. Đốt đi là xong.
Bảy nói vậy là để tự trấn an mình. Tôi biết Bảy đang rất bất
an. Còn ánh mắt Minh lúc đốt bức vẽ là của hai người khác nhau. “Thôi, không
còn nghi ngờ gì nữa.”
Tôi đi xuống lấy xe, Bảy cũng đi theo. Nhưng bỗng nhiên…
Bảy quay trở lại. Chạy lên cầu thang. Hoảng quá, tôi mới gọi
lại:
- Cậu đi đâu đó???
Bảy vừa chạy vừa nói:
- Để tui dặn ông Minh cái này đã…
Tôi dắt xe ra khỏi khách sạn. Từ từ chạy trước, chờ Bảy bám
theo. Cứ đi một chặp tôi phải ngoái đầu nhìn lại xem Bảy đã tới chưa. “Quái lạ!
Cậu ấy làm gì mà lâu vậy nhỉ?”
Tôi bám dọc theo bờ Hồ Xuân Hương với tốc độ chậm như rùa
bò. Lúc này tôi không có tâm trạng đâu mà thưởng thức cái đẹp về đêm của thành
phố. Bỏ qua những ánh đèn vàng lấp lánh phản chiếu qua mặt hồ trong buốt. Gió
hiu hiu thổi qua những tấm rèm liễu rũ. Trời lạnh như dao cắt vào da thịt. Mưa
từng hạt lấm tấm xuyên qua ánh đèn đường. Mưa rắc vào mặt tôi. Một cơn lạnh chạy
dọc xương sống. Tóc mai và tóc gáy sởn lên. “Hình như có ai đó đang ngồi sau xe
của mình” Bỗng nhiên tôi có một suy nghĩ lạ đời như vậy. Nhưng cảm nhận thì
không thể khác được.
Tôi cho xe chạy nhanh hơn một chút nữa. Đến gần siêu thị BigC
thì cơn lạnh giản đi một chút. Tôi ngoái đầu nhìn lại nhiều hơn. Nhìn kỹ xem
trong đám đèn xe máy có chiếc nào của thằng bạn tôi không…
“Vù u u u”
Một chiếc taxi xượt qua người tôi. “Ui! Mẹ ơi!” Xém nữa thì
chiếc taxi đó đã đâm vào người tôi. Vừa lúc có chiếc xe máy cùng chiều vọt lên.
- Cậu làm cái quái gì mà lâu vậy?
Tôi quay sang hỏi Bảy. Vừa trông thấy cậu ấy tôi đã mừng
quýnh. Bảy chạy xe bằng một tay, còn tay kia đút túi quần cho đỡ lạnh. Đi song
song như vậy rất nguy hiểm. Tôi ép sát lề, chừa ra một khoảng trống cho Bảy. Cậu
ấy quay sang tôi, nói:
- Bây giờ tui vẫn còn ớn lạnh. Cái bức hình đó ghê chưa từng
thấy.
- Cậu thấy tui nói có sai không?
Bảy im lặng không nói gì. Tôi cũng tập trung chạy xe. Về đến
ngã tư Phan Chu Trinh thì bảy ra hiệu cho tôi dừng lại. Tấp xe vào bên đường rồi
nói chuyện.
Bảy nói trước:
- Cậu có biết thầy nào cao tay ấn không? Tình hình này phải
chữa không thằng Minh hỏng mất.
Tôi gật đầu, nói:
- Có sư ni chùa Pháp Hoa giúp được việc này.
- Bây giờ phải làm sao đây?
Tôi đưa ra một ý:
- Chắc mình phải dùng kế điệu hổ ly sơn. Ngày mai đi làm cậu
bàn với ông Minh. Làm sao phải đưa ổng đến được chùa Pháp Hoa. Nói là đến chùa
để chơi thôi, đừng nên cho ổng biết được ý định của tụi mình. Đến đó tui sẽ nhờ
sư làm phép gở cho ổng. Phải xuất kỳ bất ý mới mong gạo nấu thành cơm được, ông
Bảy à!
Bảy gật đầu đồng ý, nói:
- Uhm! Nhờ cậu giúp
cho. Tui thấy thằng Minh nặng lắm rồi. Bức hình khi nãy là một con ma. Tôi kêu
cậu Minh đốt nó đi là để nó không theo ám cậu Minh nữa. Lúc đó tui đã khấn
trong lòng: “Cô đừng theo bạn tui nữa. Làm vậy gieo thêm nghiệp chứ được gì
đâu.” Còn lúc cậu Minh đốt nó đi, nhìn nét mặt và ánh mắt cậu ấy thật dị hoặc.
Chắc chắn là cái vong nữ đó đã nhập vào cậu ấy.
Tôi tò mò hỏi:
- Còn lúc ra về cậu
chạy lên làm gì vậy?
Bảy trả lời luôn:
- Tôi định lên nói với
ông Minh mấy lời. Nhưng lên tới nơi đã thấy ổng làm hành động khiến tôi phải bất
ngờ.
Tôi nôn nóng, hỏi:
- Hành động gì vậy???
----------------------------------
Trời đã về đêm. Những hạt mưa lại đong thêm sức nặng. Cái lạnh
xấu xé tất cả những gì còn xót lại trên đường phố. Đèn đã mờ đi sau những cánh
rừng hun hút sương giăng. Trên bầu trời không có được một ngôi sao chiếu sáng.
Chỉ nghe được tiếng thổi vi vu của gió. Tôi và bảy đứng bên vỉa hè như hai cô hồn
dã quỷ. Người đi đường nhát trông thấy chắc cũng sợ chúng tôi. Câu chuyện vẫn
tiếp tục sau giọng nói quen thuộc của Bảy:
- Lúc tui chạy lên thì thấy ông Minh bật quẹt đốt thêm một bức
chân dung nữa.
Tôi kinh ngạc, thốt lên:
- Sao kia??? Còn một bức nữa à!
Bảy gật đầu, nói:
- Uhm. Cậu ấy giấu mà mình không biết.
Tôi đấm bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, nói:
- Thôi chết rồi. Vậy là cậu ấy còn nhiều bức nữa. Tình hình
nặng lắm rồi.
- Cho nên phải làm gấp! –Sáng mai cậu tranh thủ qua chùa
Pháp Hoa tìm gặp sư. Nói rõ sự tình cho sư hiểu. Đến trưa tôi sẽ dẫn thằng Minh
qua.
- Được rồi. Cứ thống nhất vậy đi. À! Phải rồi… - Tôi bỗng nhớ
ra một chuyện phải kể cho Bảy nghe.
Bảy nhìn tôi bằng ánh mắt chờ đợi. Tôi nói tiếp:
- Mấy đêm trước tui có gặp giấc mộng lạ lắm! Tui thấy thành
phố chìm trong biển nước, những con cá heo bị mắc cạn. Sau đó tui dắt theo một
cô gái vào con hẻm. Ở đó có ông thầy coi tướng và những đứa trẻ con. Ổng xem
cho cô gái xong thì xem cho tui. Một luồng điện chạy vào ấn đường của tui và… Một
bức tranh lớn in trên bức tường hiện ra. Tui nhìn thấy dòng họ Dương gia tướng
đời Tống đang chiến đấu oanh liệt giữa sa trường, những cây thương và hàng vạn
mũi tên găm vào chiến bào. Bên kia là hình ảnh bà Trưng Trắc, Trưng Nhị đang
khói lửa kinh thành. Dưới bàn long tượng xác giặc nằm ngổn ngang. Nghĩa quân của
ta chiến đấu rất anh dũng kiên cường. Lúc tỉnh dậy tui thấy bàng hoàng. Tui tin
đó là mộng báo điềm gì đây? Nhưng năng lực hiện tại của tui chưa thấu triệt được.
Nghe xong Bảy giải mộng giúp tôi:
- Cá heo tượng trưng cho người trí thức, bậc hào kiệt. Cá
heo mắc cạn tức vận nước lâm nạn. Giặc sẽ tràn vào từ biển nhấn chìm thành phố.
Còn cậu nhìn thấy hai Bà Trưng, có lẽ đó là thiên mệnh. Người anh hùng dân tộc
tiếp theo rất có thể là một nữ trung hào kiệt, mang trong mình sứ mệnh cứu quốc
an dân.
Tôi thêu thêm hoa vào bức tranh giải mộng của Bảy:
- Nếu một người nam - âm mạng – thì cũng ứng với quẻ này.
- Uhm.
Tôi nói thêm:
- Tui chỉ mong là năm nay thế giới không phải bị sóng thần.
- Thôi cũng khuya rồi. Về nghỉ, mai còn đi làm. Cứ như vậy
nghe cậu Khánh! – Bảy nói.
- Uhm. Mai gặp lại.
----------------------------------------
11h trưa ngày hôm sau.
Từ quán cà phê Phương Yến tôi chạy thẳng đến chỗ làm của
Minh và Bảy. Cần giải thích thêm. Như tôi đã kể ở những chương trước. Công việc
của Minh là lễ tân khách sạn. Nhưng chỉ làm vào ban đêm. Ban ngày Minh phải làm
thêm công việc khác để kiếm thêm thu nhập. Với mức lương ba triệu một tháng
dành cho nhân viên lễ tân khách sạn là quá “bèo bọt”. Tất cả chi phí thuê phòng
trọ, ăn, mặc, điện, nước… Minh có thể dành dụm, chi tiêu tiết kiệm mà trang trải
được. Nhưng để dư giả và xây dựng một gia đình ấm no là chưa đủ. Minh có những
ý tưởng kinh doanh để thực hiện. Có những món nợ phải trả, nên buộc cậu ấy phải
“cày” để kiếm thêm kinh phí. Nhưng quan trọng hơn, Minh là người có tính ưa
giúp đỡ bạn bè. Cuộc sống mưu sinh đã rèn dũa con người Minh thành một thanh kiếm
báu. Cậu ấy đa tài nên làm được rất nhiều việc. Từ sửa điện, xây dựng, buôn
bán, đến hàn sắt, phụ hồ… không gì là Minh không biết. Minh có một đức tính hiếm
hoi, là làm gì cũng tận tâm, tận lực. Làm cho mình cũng như làm cho người đều
như vậy. Ấy vậy mà sự nghiệp của Minh vãn dậm chân tại chỗ. Làm khách sạn N Ng
được ba năm rồi mà vẫn chưa được tăng lương. Dành dụm được một số vốn ra đầu tư
phòng trà thì bị “chơi đểu” – như cách Minh nói - thì tiền mất tật mang. Hiện tại
Minh còn một “gánh nặng” là ông thầy – chú Hoài. Ban đầu, tôi không hiểu tại
sao Minh lại gọi ông “họa sĩ” đó là thầy, rồi đem ông ấy về phòng nuôi dưỡng,
cung phụng như cha mình. Tôi nghe mấy đứa bạn chơi với Minh nói: “Thằng Minh lo
cho ông thầy từng điếu thuốc, từng ly cà phê. Ông thấy chỉ ở nhà ngồi chơi xơi
nước. Cơm dâng tận miệng. Khi túng thiếu Minh còn phát tiền cho tiêu xài. Tôi
đã mấy lần vào phòng trọ Minh ăn cơm. Thấy đa phần nói cũng đúng. Tôi có hỏi lý
do. Minh chỉ trả lời: “Vì tui thấy ông thầy tội. Sống cô độc không nơi nương tựa.”
Tạm bỏ qua chuyện ông thầy. Nói đến công việc của Minh đang
làm vào ban ngày. Đây chỉ là công việc thời vụ. Bảy nhận được nó qua mối quan hệ
của mình rồi rủ theo Minh cùng tham gia. Chú Đạt là một họa sĩ theo trường phái
trừu tượng. Là người đã lớn tuổi như cha chú chúng tôi. Chú Đạt tướng cao, gầy,
để tóc dài. Chú Đạt ngoài công việc chính là họa sĩ còn có nghề tay trái lá thiết
kế, sửa chữa, trang trí… quán ăn, quán cà phê. Chú Đạt khi đó nhận được hợp đồng
sửa chữa một quán điểm tâm ở đường Nguyễn Du. Công việc leo trèo nhiều, cần những
người thợ có sức khỏe và tháo vác. Cũng từ mối quan hệ của mình, chú Đạt tuyển
được ba bạn trẻ là Bảy, Minh và Tuyền. Họ đã làm ở đó được mấy ngày rồi tôi mới
biết.
Lúc tôi qua đến nơi, Minh và Bảy vừa xong việc. Hai thằng ngồi
nói chuyện với nhau trước cửa quán. Từ xa tôi chỉ nghe loáng thoáng nội dung
câu chuyện Bảy và Minh đang nói. Đến gần mới biết rõ. Thì ra, Bảy đã đem tất cả
mọi chuyện tối hôm qua kể hết cho Minh nghe. Giọng nói sang sảng của Bảy đi thẳng
vào tai tôi:
- Đây, có ông Khánh đây! Không tin thì ông cứ hỏi. Cả tui và
ông Khánh đều thấy, chỉ có ông là không biết gì thôi.
Mọi kế hoạch đã bàn định với nhau phút chốc tiêu tan. Tôi
nhìn Bảy với đôi mắt khó hiểu. Bảy liền giải thích:
- Đáng ra tui không nói, nhưng ông cứ nghe ông Minh kể đi!
Tôi thấy nên nói thẳng cho ổng biết. Người thắt nút phải là người mở nút. Ông
Minh, ông kể đi! Đêm hôm qua ông đã thấy những gì?
Tôi lướt qua gương mặt đang lo lắng của Minh. “Cậu ấy cũng
tin vào chuyện này?” Tôi nói trong bụng.
Minh bắt đầu kể lại sự việc:
- Tôi cũng không hiểu nữa. Ban đầu, tôi nghĩ do mấy ông chê
tui vẽ xấu nên tui đem đốt quách đi. Ai dè sáng nay ông Bảy lại nói khác.
Bảy nói xem vào:
- Ây… Khác gì mà khác… Bức hình sờ sờ ra đó rồi. Ông không cảm
nhận được âm khí tỏa ra từ nó à? Ông bị theo nên chẳng nhận thấy đâu.
Minh ngồi co hai chân trên thềm nhà, kể tiếp cho chúng tôi
nghe những hiện tượng kì lạ mà cậu ấy đã bắt gặp trong khách sạn N.Ng.
- Có những điều này kì lạ lắm! Tui kể cho mấy ông nghe, như
tôi cảm nhận thì khách sạn chỗ tui có một người vô hình. Vì sao? Lúc tui nằm ngủ
thường nghe thấy tiếng bước chân đi lên cầu thang, bước chân đó đi lại chỗ có
khay nước trà. Có tiếng gõ “tách” “tách” “tách” lên mặt bàn. Đó chính xác là tiếng
đầu ngón tay. Tôi còn nghe được cả tiếng nước chảy rách rách như tiếng người ta
rót nước vào ly trà. Đã nhiều lần như vậy tui rón rén đứng lên bật đèn nhưng
quái lạ! Không có ai, khay trà thì vẫn nằm yên vị trí.
Bảy lên tiếng:
- Cậu làm tui nổi hết da gà rồi nè.
Tôi vẫn tập trung lắng nghe Minh kể chuyện. Giọng cậu ấy trầm
lại:
- Còn điều nữa, tui thấy trong người lúc nào cũng mệt mỏi
khi nằm ở khách sạn. Đau đầu bưng bưng, tai thì lùng bùng rất khó chịu.
- Cậu thường thức dậy ba giờ sáng đúng không? – Tôi nói chen
vào.
Minh ngước mặt nhìn tôi, tia mắt đỏ lừ.
Bảy liền nói:
- Minh, Minh, cậu nhìn tui nè.
Minh quay sang Bảy, cười nói:
- Tui có gì đâu.
Bảy khẳng định:
- Lúc nãy không phải là cậu. Cậu ra ngoài chỗ nắng ngồi đi!
Tránh âm khí nhiễm vào người.
Minh định cải, nhưng trước sự cương quyết của Bảy. Minh cũng
xích ra chỗ có ánh nắng ngồi.
Tôi nhắc lại câu hỏi lúc nãy:
- Cậu mở mắt thường vào lúc ba giờ?
Minh gật đầu:
- Uhm, sao cậu biết?
Tôi nói cho cậu ấy hiểu:
- Đó là thời khắc giao hòa của âm dương. Giờ đó giao cảm hoạt
động mạnh nhất.
Minh lặng căm suy nghĩ. Chưa đầy phút sau lại kể tiếp:
- Tui cũng thấy lạ lắm! Gần đây tui hay thấy đói. Buổi tối
ăn rất nhiều nhưng mới sáng ra là đói thẳng ruột. Có khi đang nằm đói cồn cào
phải thức dậy kiếm gì đó cho vào bụng.
Bảy bấy giờ mới lại lên tiếng:
- Ông kể cho ông Khánh nghe về chuyện ông gặp phải tối hôm
qua đi! Đáng lý, tui và ông Khánh định im lặng dẫn ông xuống chùa Pháp Hoa mới
cho ông biết. Nhưng nghê ông kể về những thứ ông thấy được đêm qua, tui quyết định
nói thẳng với ông luôn.
Tôi tò mò, hỏi Minh:
- Ông đã nhìn thấy gì vậy?
Minh trả lời:
- Đêm qua tui gặp phải một cơn ác mộng, người chết hàng loạt.
Một vụ tai nạn giao thông đã xảy ra trước cửa khách sạn. Chiếc xe tải lao thẳng
từ trên xuống, bỗng nhiên cô gái mặc áo dài trắng từ đâu lao ra, đứng dang hai
tay cản chiếc xe đó lại. Thế là…
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét