(tiếp theo)
Tôi hồi hộp chờ đợi Minh kể tiếp. Nhưng cậu ấy không nói gì
nữa. Thấy vậy tôi mới hỏi:
- Rồi sao nữa?
Minh lắc đầu, nói:
- Cảnh tượng ghê rợn, máu me, tui không dám diễn tả lại.
Tôi thấy Bảy rùng người lên. Bản thân tôi cũng ớn lạnh không
kém. Giấc mơ đó báo một điềm gì đó chăng? Sự việc lại càng thêm ly lỳ khi nghe
đến đó, Bảy đột nhiên nói:
- Đêm qua… thực sự đêm qua… người con gái đó đã về tìm tôi.
Tôi cũng nằm mộng thấy mình đang lái xe, bỗng nhiên…
Không gian chung quanh chợt yên tĩnh lạ lùng. Tôi ngước nhìn
đồng hồ treo tường thấy đúng 12 giờ trưa (giờ ngọ). Có cơn gió thổi qua chỗ
chúng tôi đang ngồi. Không riêng gì tôi, cả ba đứa bọn tôi đều cảm nhận được,
có một ai đó đang ngồi xen kẽ trong ba chúng tôi.
“Quéc” “quéc” “quéc” Tiếng kêu làm chúng tôi phải giật mình
ngước nhìn lên ngọn cây khuynh diệp đối diện quán điểm tâm. Một con chim đen
đúa chẳng biết là giống gì? Nó kêu inh ỏi một hồi rồi đập cánh bay mất hút.
Ba thằng nhìn nhau, mặt mày xám ngoét.
Hồi sau, Bảy mới kể tiếp giấc mộng đêm qua của cậu ấy:
- Đột nhiên, một người con gái mặc áo dài trắng ôm lấy tui từ
phía sau, ghì chặt hai tay lái của tui. Tui cố vùng thoát ra nhưng cổ mạnh ghê
gớm. Tay cô ta lạnh buốt xương da. Ôi! Ghê lắm!
Tôi và Minh ngồi cứng đờ, tưởng như sự việc đêm hôm qua Bảy
đã nếm phải nhập vào chúng tôi.
- Bạn kể tiếp đi! – Tôi nuốt nước miếng.
Bảy tiếp tục kể tiếp:
- Lúc đó tui đánh lại chứ sao. Tui không chọc ai thì thôi chớ
đụng tới tui. “Kính nhi viễn chi”, tui đã nhường mà không chịu còn làm tới thì
cổ miếu tui cũng đập.
Bảy nói lớn, dũng khí từ đâu tăng lên ngùn ngụt. Tôi nghĩ là
từ cái chất của Bảy tạo ra. Bổn mạng cậu ấy cương dương, ngoài đời Bảy lại là
thầy dạy võ, nên sự can đảm còn hơn chúng tôi một bậc? Điều lạ là đôi lúc tôi lại
cảm nhận được Bẩy rất tin, và kiêng dè những chuyện đụng chạm đến quỷ thần.
Cũng còn nhiều thứ khó hiểu về cậu ấy.
- Hai bạn vào tháo dùm tôi mấy sợi dây điện.
Một giọng nói bất thình lình đến từ phía sau chúng tôi. Một
thân hình cao lều khều, khô cằn như thân tre tiến lại. Cặp mắt kính và mái tóc
đó thì không lẫn đi đâu được, đó là chú Đạt. Theo sau chú Đạt là Tuyền - một
thanh niên cao ráo, ra dáng chững chạc. Tuyền đã có vợ, làm bên buôn bán đông
trùng hạ thảo. Tuyền quen biết chú Đạt, và bởi chú Đạt nhờ nên mới đi làm giúp
chú.
Bảy đứng lên nói: “Dạ để con chú” Bảy giành luôn những phần
việc leo trèo không để Minh và Tuyền làm.
Minh quay sang tôi nói:
- Ông Khánh đứng đợi chút xíu, nghe! Làm xong cái này rồi tụi
mình đi kiếm gì ăn trưa, sau đó xuống chùa Pháp Hoa luôn.
- Uhm!
Tôi đứng nhìn hai thằng bạn làm việc. Đứa nào cũng “chân lấm
tay bùn”. Nhìn lại trong đám thấy mình là thằng “sướng” nhất. Sáng ngủ dậy muộn,
đi ăn sáng, uống cà phê, đánh cờ tướng. Bản thân tôi lại không lấy đó làm đắc
ý, mà nhiều khi còn thấy mặc cảm. “Không lẽ mình bất tài vô dụng đến vậy?”
Không biết nói sao đây, nhưng hễ tôi mà đụng vào thứ gì là như con “hậu đậu”,
chậm chạp lề mề và còn thêm một đặc tính nữa là… lười biếng.
Hai xe máy, tôi đi riêng một xe, còn Bảy chở Minh. Chúng tôi
dừng lại trước quán cơm Hùng Vương. Ba thằng định ghé vào ăn cơm trước mới vào
chùa Pháp Hoa sau. Nhưng vừa lúc Minh đưa ra một ý:
- Tui nghĩ bọn mình nên ăn chay. Ghé vào quán tạp hóa mua hộp
bánh vào chùa ăn luôn.
Cả tôi và Bảy đều gật đầu đồng ý: “Vậy cũng được”.
Chúng tôi mua một hộp bánh Custas, đi hết chặng đường năm
cây số đến chùa Pháp Hoa. Chùa nằm dưới chân một ngọn đồi. Từ cổng chùa vào,
bên tay phải có tượng thờ Quan Thế Âm bồ tát, hướng nhìn về dãy Langbian hùng
vĩ. Mở ra trước mắt chúng tôi là trùng trùng non nước, những mái nhà lồng, những
thửa vườn bậc thang và những căn nhà núp trong những rừng cây, mọc trên những
sườn đồi. Đà Lạt đẹp như một nàng tiểu thơ đài các. Nét Đà Lạt thanh mảnh dịu
dàng, hồn Đà Lạt trữ tình thơ mộng. Tôi tạm quên đi Đà Lạt của những câu chuyện
tâm linh huyền bí. Đà Lạt khoát trên mình màu mây u ám, khí trời lạnh lẽo, bóng
đêm và những oan hồn…
- Tụi mình đến tượng Quan Thế Âm làm lễ đi!
Tôi nói, và kéo cả bọn cùng đi. Chúng tôi bỏ dép và hành
trang - là một cái cặp xách ở ngoài. Chúng tôi đứng dưới đài trang chắp tay cầu
nguyện rồi thắp nhang. Không biết hai lão kia khấn gì? Riêng tôi khấn cho Minh
được tai qua nạn khỏi.
Lễ xong chúng tôi đi ra sau chùa tìm sư. Chúng tôi vào mà
không thấy ai cả. Bên ngoài chỉ có mấy ông thợ xây đang làm việc. Chùa Pháp Hoa
đang thời gian trùng tung, xây mới.
“Gừ… ừ ừ ừ”
- Tiếng gì vậy? – Tôi hỏi.
Hai thằng bạn nhìn quanh, cả tôi cũng vậy. Bỗng… một con chó
mực xù to khủng khiếp lao ra sủa inh ỏi. “Gâu” “gâu” “gâu”…
- Mấy ông tránh ra để tui.
Cái lão Minh liều mạng dám đi tới chỗ con chó. Tôi tưởng ổng
lao tới cho nó một bài học làm tôi hết hồn. Nào ngờ ổng tới để vuốt lên đầu nó.
Con chó thấy ổng tới thì bước lùi gầm gừ trong mỏm. Tôi cảnh báo:
- Ông Minh, ông làm gì vậy? Mặc kệ nó đi! Mình ra ngoài
thôi! Đi! – Tôi hối thúc.
Tôi muốn nhanh chóng kéo “hai lão thánh” ra khỏi chỗ đó.
Ba thằng quành ra ngoài, đi tìm một chỗ ngồi ăn bánh. Nhưng
kiếm mãi chẳng thấy chỗ nào hợp lý. Đang loay hoay thì một giọng nói nhu mì đến
từ phía sau:
- Các chú có việc gì không?
Chúng tôi quay lui thấy một sư ni. Ba đứa vội cúi đầu chắp
tay chào sư.
- Dạ tụi con đến đây có việc, thưa sư! – Tôi đại diện trình
với sư.
- Mấy chú đi thắp nhang phải không?
Sư nói vậy, có lẽ sư nhìn thấy Minh đang cầm một hộp bánh
trên tay. Cả bọn ấp úng không biết phải bắt đầu như thế nào. Đang khó nói thì Bảy
ra hiệu cho Minh:
- Cậu Minh, cậu vào thắp nhang đi!
Minh nghe theo, mang hộp bánh vào bảo tháp thắp nhang. Đến
khi Minh ra, chúng tôi mới kể lại hết sự tình cho sư nghe. Tôi nói với sư:
- Xin sư giúp cho bạn con.
Nghe xong, sư từ tốn nói:
- Sư ở đây chỉ biết ăn chay niệm Phật chứ đâu biết chữa mấy
đường đó.
- Dạ, tại con nghe một số người nói… có mấy người bị vương,
từng đến chùa Pháp Hoa để gở.
Sư cười, giải thích cho tôi hiểu:
- Đúng là người ta có đưa đến đây. Nhưng sư chỉ đường giúp
cho họ thôi. Sư có biết một ông thầy chuyên về đường âm, ổng là nhà ngoại cảm,
người ta gọi ổng là thầy Thịnh, nhà ổng ở Đức Trọng. Người này chữa bệnh không
lấy tiền, giúp người giúp đời mà không cầu báo.
Tôi thấy một tia hy vọng lóe lên, tôi liền hỏi sư:
- Sư có biết địa chỉ nhà Thầy Thịnh không ạ? Tụi con cần gặp
thầy để chữa cho bạn Minh.
Sư gật đầu nói:
- Mấy chú vào trong ngồi chờ, để sư gọi cho cô Phật tử này,
cô ấy biết địa chỉ nhà thầy Thịnh.
Nói xong, sư gọi điện bảo cô Phật tử nọ đến chùa, nói có người
cần sự giúp đỡ. Bọn chúng tôi theo sư vào lại căn phòng lúc nãy có con chó mực.
Nhưng lần này con chó không sủa nữa. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi uống trà và
nghe sư kể về những “giai thoại” của thầy Thịnh. Sư kể rằng:
- Ông thầy này trước kia bị bệnh nặng chết đi sống lại. Được
bề trên độ, nên thông đường âm dương. Ở Đức Trọng có lan truyền một câu chuyện…
Có nhà nọ, chồng thường say xỉn hay đánh vợ. Một hôm ông chồng đi nhậu mãi
không thấy về. Mấy ngày sau cũng biệt vô âm tín. Bà vợ đi báo công an là ông chồng
bị mất tích. Sự việc đó kéo dài một thời gian… Người nhà bên chồng bà vợ mới đến
gặp thầy Thịnh nhờ thầy dùng năng lực ngoại cảm tìm giúp. Thầy cho biết ông chồng
bà này bị giấu dưới một hố ga trong vườn nhà. Người nhà về bới cái hố ga lên
thì tìm được xác ổng. Họ trình báo với công an, lúc này bà vợ lại tố ngược là
thầy Thịnh đã giết chồng bà rồi giấu xác, vì chỉ có hung thủ mới biết rõ như vậy.
Công an vào cuộc, giữ thầy Thịnh ba ngày để điều tra. Bị đẩy vào thế cùng, thầy
Thịnh đành tả lại ngọn ngành sự việc cho bên phía công an. Lực lượng điều tra
phá án nhanh chóng tìm ra hung thủ. Thật bất ngờ, đó lại là bà vợ. Hôm đó, ông
này say về lại đánh bà, uất quá! Bà đợi lúc ổng ngủ thì sát hại, sau đó chặt
xác ra làm nhiều khúc giấu dưới hố ga sau vườn.
Ba đứa tôi ngồi lặng nghe câu chuyện ly kỳ. Nếu đúng như thế
thì Minh có nhiều cơ hội được cứu rồi. Dù sao thầy Thịnh cũng là nhà ngoại cảm
có uy tín. Nếu sư đã tin tưởng như vậy thì không còn nghi ngờ gì nữa.
Chúng tôi ngồi nghe sư kể chuyện. Được mười phút thì có tiếng
xe dừng lại bên ngoài. Một người đội nón tranh mang bộ đồ lam bước vào. Chị ấy
chào sư rồi quay sang nhìn chúng tôi.
Sư liền nói:
- Mấy chú này cần gặp thầy Thịnh để gỡ về đường âm. Con coi
chỉ hướng cho mấy chú giúp sư.
Chị ấy chắp tay vâng lời sư. Chỉ dẫn cho chúng tôi rất tận
tình chu đáo. Chị ấy còn vẽ cả bản đồ, cho chúng tôi số điện thoại của thầy Thịnh.
Chúng tôi không biết nói gì hơn nữa ngoài tấm lòng biết ơn sư và chị Phật tử có
tấm lòng bồ tát.
- Thôi, các chú tranh thủ mà đi cho kịp giờ. – Sư nói, giọng
sư nhu hòa hiền mục.
Ba đứa chúng tôi đứng lên chắp tay cúi đầu chào sư. Và cám
ơn chị Phật tử tốt bụng.
Ba chàng lính ngự lâm bước ra khỏi chùa. “Lên ngựa” thẳng tiến
xuống đèo, tìm thầy cứu bạn.
--------------------------------------
Trước khi xuống đèo, chúng tôi ghé vào một quán cơm. Lúc đó
không đứa nào nghĩ đến việc ăn chay nữa. Gọi ba đĩa cơm sườn ăn mau mà đi cho kịp
giờ. Chúng tôi đã gọi điện thoại thầy Thịnh trước, được biết thầy đang có nhà.
Phải hỏi trước vì nhiều khi thầy đi cúng chỗ này chỗ nọ. Lỡ đâu mình xuống lại
thất vọng đi về vì không đủ duyên gặp được thầy.
Xe lăn bánh trên đường trường. Tôi ngẩn mặt nhìn lên bầu trời
đen ảm đạm. Những đám mây báo hiệu một cơn mưa sắp đuổi tới…
Đã đến đầu đèo Prenn. Trước khi đổ đèo chúng tôi dừng lại
chút xíu. Tôi quay sang Bảy và Minh, nói:
- Mình xuống thẳng dưới sân bay Liên Khương. Đi đến đâu thì
xem bản đồ đến đó. Nếu bí quá thì hỏi người đi đường.
Minh chắc nụi rằng:
- Mấy ông khỏi lo đi. Tui giữ bản đồ đây rồi. Hơn nữa tui
còn có số điện thoại thầy Thịnh mà.
Bảy nói:
- Lúc nãy ở quán cơm mình đã bàn rồi, cứ vậy mà làm. Có điều,
ông Minh, ông đưa tờ giấy cho ông Khánh giữ đi. Tui thấy không yên tâm lắm! Lúc
đi mắt phải tui giật rồi.
Minh không chịu, nói:
- Mệt ông quá! Làm gì tới mức đó.
Bảy vẫn bảo với Minh rằng:
- Ông cứ nghe tui. Đưa ông Khánh cầm cho chắc. Tờ giấy đâu rồi?
Cuối cùng, Minh cũng phải chịu. Lấy từ trong túi áo tờ giấy
đưa cho tôi.
- Đây nè, ông Khánh giữ đi!
Tôi nhận lấy tờ giấy, cất kĩ, rồi ra hiệu cho hai thằng bạn:
- Được rồi. Chúng ta đi thôi.
Vượt qua đèo Prenn, đến đường cao tốc, qua trạm thu phí, tới
Định An, Phi Nôm, Chạy riết một chặng mới gặp cái vòng xoay lớn đi về Liên
Nghĩa – Đức Trọng. Đi tà tà tới sân bay Liên Khương. Vừa thấy tấm biển hàng
không là tôi mừng hết lớn. Lòng cũng hồi hộp không kém.
“Cầu mong gặp được thầy” Tôi khấn nguyện.
Đúng là “con mắt to hơn cái miệng”. Nhà thầy Thịnh không ở
thâm sâu cùng cốc như tôi tưởng. Nhà của thầy chưa đi qua chỗ đèn xanh đèn đỏ.
Trong suốt đường đi, thứ làm tôi chú ý nhất là cây đa khổng lồ sừng sững ven đường.
Dưới gốc đa nhan nhãn những bài vị, trang thờ… tượng bồ tát, thần linh nằm
chung quanh. Cây đa đó hình thù kì dị, lá xanh um đậm đậm. Tôi nhìn lướt qua
thôi, không nên nhìn lâu.
- Đây rồi.
Giọng nói của Bảy vang lên. Hai chiếc xe thắng lại trước một
ngã ba.
Bảy cho biết:
- Vào con đường này, tìm tấm biển Đào Duy Từ rẽ vô. Ồ, cái
ngôi trường trung học kia rồi.
Bảy chỉ tay về phía trước. Đúng là có cái trường học ở đó.
Minh ngồi im lặng. Còn tôi nói:
- Rẽ vào đường Đào Duy Từ, đi thẳng, bỏ qua cái công viên, tới
trường mầm non, đi tiếp thấy tấm biển Tây Sơn, đến đó tìm hỏi nhà thầy Thịnh ai
cũng biết.
Bảy gật đầu, nói:
- Uhm. Sắp tới rồi. Đi tiếp thôi mấy cậu.
Vô cùng suông sẻ. Chúng tôi đi thẳng một mạch đến trước cổng
nhà thầy Thịnh. Mấy đứa tôi cho xe chạy thẳng vào bên trong. Cứ thế bước vào
ngôi nhà cánh cửa đã mở sẵn.
Nhập vào mắt tôi là cái tủ thờ bề trên và các vị thần linh.
Bên trái có một tấm gương hình chữ nhật dài, kéo từ la phông xuống nền gạch men
màu thạch thảo. Ngay chỗ tấm gương có băng ghế sô pha hình cánh cung. Tôi đoán
ngay, đó là chỗ người ta ngồi đợi thầy xem quẻ. Nhìn hướng về tấm gương, bên
trái có cái bàn gỗ hình chữ nhật, mấy chiếc ghế gỗ có lưng tựa xếp chung quanh.
Một ông đã có tuổi đang ngồi trên ghế, tay cầm cây bút bi. Ông ấy có vẻ nhỏ
con, ốm yếu. Ăn mặc giản dị, đơn sơ. Nước da ông xám như chì, vành tai dày dị
tướng, cặp mắt húp, tròng mắt dẹp như mắt tắc kè. Vừa trông thấy ông ấy, Bảy là
đứa đầu tiên lên tiếng:
- Dạ, tụi con đến tìm thầy Thịnh ạ!
Chúng tôi cúi đầu chào ổng.
- Ngồi đi! – Ông ấy nói ngắn gọn, rặc tiếng Quảng Trị.
“Thầy Thịnh đây sao?” bấy giờ mấy đứa chúng tôi mới biết
hình tướng thầy Thịnh. Hai thằng bạn không biết nghĩ gì. Riêng tôi kinh ngạc.
“Ôi… chuyện này… kì lạ thật…”
Tôi chưa khỏi hoang mang thì thầy Thịnh đã lên tiếng:
- Ba đứa bay đến đây có việc gì? Nói nghe xem nào!
“Dạ…”
Mấy thằng lẩn khẩn nhìn nhau. Hết thằng này đẩy cho thằng
kia. Cuối cùng, tôi là đứa thưa trình:
- Dạ, tụi con đến tìm thầy, nhờ thầy giải vong cho.
- Thằng nào bị? – Nói rồi thầy ngước sang tôi, chợt thầy nói
làm tôi rùng mình: - Là thằng này hả?
Cả ba chúng tôi đều lắc đầu. Tôi và Bảy trỏ vào Minh, nói:
- Dạ, bạn này bị. Tụi con đến chùa Pháp Hoa tìm sư, sự lại
giới thiệu tụi con xuống đây gặp thầy.
- Nhưng sao tụi bay biết thằng này bị vong theo?
Tôi đáp lời thầy Thịnh:
- Dạ con nhìn thấy cậu ấy bị một vong nữ theo.
Thầy Thịnh “Uhm” một tiếng, quay sang nói với tôi:
- Mày cũng có căn đó. Nhưng để tao coi lại có đúng không đã,
nhiều khi báo bậy báo bạ cũng nên.
Minh ngồi xuống cái ghế đối diện thầy Thịnh, tôi và Bảy ngồi
dưới băng ghế sô pha.
Thầy Thịnh lấy ra tờ giấy trắng, hỏi Minh:
- Tên gì?
Minh đáp ngay:
- Dạ, Minh. Lê Xuân Minh.
- Nghề nghiệp? …
Thấy viết lên tờ giấy cái tên Minh, rồi vẽ lên đó mấy kí tự
hình lò xo. Tiếp sau đó, dùng đầu bút bi chấm “bụp” “bụp” lên tờ giấy. Đầu bút
vừa đứng lại tờ giấy, thầy Thịnh quay sang chúng tôi, phán:
- Đúng rồi. Nó bị một cái vong nữ theo.
“Ồ!”
Tôi và Bảy tròn xoe con mắt. Nói như vậy thì những phán đoán
của chúng tôi là chuẩn xác.
- Cái vong này ở đâu vậy thầy? Và theo bạn Minh từ bao giờ vậy?
– Tôi hỏi.
Thầy Thịnh tiếp tục viết mấy kí tự hình lò xo, chấm chấm đầu bút. Xong, nói:
- Ở khách sạn, đã theo ba năm rồi.
Tôi ngó lên nhìn Minh thấy ánh mắt cậu ấy thật kì lạ. Nó đỏ
lên một cách khác thường, tròng mắt lảo đảo, nhìn như viên đạn bắn vào thầy Thịnh.
Không đợi chúng tôi hỏi, lần này thầy Thịnh nói luôn:
- Nó chết năm mười bốn tuổi, đến thời điểm này là hai sáu tuổi.
Đi vào nằm bên trái khách sạn.
Tôi hỏi kĩ hơn:
- Tức là ở bên chỗ…
Nhưng tôi chưa nói hết lời thì thầy đã nói:
- Chỗ khúc quẹo dưới dốc, tao nói vậy là tụi bay hiểu rồi.
“Dạ… đúng rồi… sao thầy biết ở đó có khúc quẹo hay vậy????”
Cả tôi và Bảy đều thán phục.
Tôi nói:
- Đúng là khách sạn nằm cuối dốc, ngay chỗ khúc quẹo đi lên.
Thầy Thịnh viết lên tờ giấy rồi lại chấm chấm, giây sau thầy
nói:
- Nó nói, những anh nào đẹp trai thông minh vào khách sạn là
nó theo chơi. Nó thấy anh Minh cũng đẹp trai nên nó theo. Nhưng nó chỉ theo
chơi cho vui thôi chứ không yêu. Nếu nó yêu là mệt đó!
Hai đứa tôi lạnh người, còn Minh thì vẫn ngồi nhìn chằm chằm
thầy Thịnh.
- Để tao hỏi thử coi, nó chết vì nguyên nhân gì?
Rồi thầy Thịnh lại chấm bút, truyền cho chúng tôi biết:
- Nó nói: “Con bị xe tông chết”
Bảy kinh ngạc:
- Dạ đúng rồi. Đêm qua Minh cũng nằm mơ thấy có cô gái bị
tai nạn.
Tôi cũng hỏi:
- Có phải ngay trước cửa khách sạn không thầy?
Trong khi chúng tôi nói thì thầy Thịnh chấm bút, thầy bảo:
- Ở đó đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Có năm
người chết, thêm nó nữa là sáu. Năm người kia đã có cái miếu ở phía dưới công
viên. Họ không cho con này vào nên nó mới tìm cách lẻn vào khách sạn.
- Đúng… đúng rồi… phía dưới công viên có cái miếu. – Bảy
nói.
Đó cũng là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với nhà ngoại cảm. Trước
đó tôi chỉ nghe qua báo đài chứ không tin lắm vào khả năng giao cảm mà họ có được.
Tai nghe mắt thấy bây giờ tôi mới sửng sốt, kinh ngạc và thán phục. Rõ ràng thầy
Thịnh chưa bao giờ biết về cái khách sạn đó, vậy mà chúng tôi chưa nói tên, thầy
đã biết được địa thế của nó. Cả cái công viên đối diện khách sạn, dưới đó có
cái miếu thầy cũng biết luôn. Tài thật!
Tôi ngồi nhìn thầy Thịnh chấm quẻ trên tờ giấy. Im lặng, nếu
thầy có hỏi thì trả lời. Điều làm tôi bâng khuâng suy nghĩ là hình như chuyện
này tôi đã gặp ở đâu đó rồi. “Giấc mơ? Đôi mắt đó tôi đã gặp trong giấc mơ “những
con cá heo bị mắc cạn”. Người thầy coi tướng trong con hẻm đó là thầy Thịnh
sao?”
Giọng nói của thầy vẫn đều đều. Thỉnh thoảng thầy lại pha
trò. Thầy hài hước lắm chứ không khô khan.
Thầy chấm xong quẻ, truyền cho chúng tôi được biết:
- Con này nó nói: Nó không có áo quần mới để mặc, nó muốn về
nhà nhưng không có tiền và có lệnh nên không về được. Nó bảo: “Nếu anh Minh
cúng cho con tiền và cho con áo quần thì con sẽ bỏ anh Minh ra.”
Nói rồi thầy nhìn chúng tôi cười. Sau đó, thầy lấy một tờ giấy
khác viết lên đó những gì chúng tôi chẳng hiểu được. Thứ ký tự mà thầy sử dụng
thật quái lạ!
- Nó bảo thế này: Buổi tối con lẻn vào từ cửa sổ, lỗ thông
gió, hoặc leo lên sân thượng chui vào. Anh Minh ở phòng nào là con vào chơi với
anh ở phòng đó.
Nghe mà tôi ớn lạnh.
Minh vẫn ngồi cứng đờ.
Bảy thì hỏi thầy:
- Cậu Minh thường có triệu chứng ngủ dậy sau một đêm thì đói
cồn cào, mặc dù trước đó đã ăn rất nhiều. Nguyên nhân là sao vậy thầy?
Thầy Thịnh đang viết, thì dừng lại giải thích:
- Đó là do nó đói, nó mượn xác mình để hưởng những thứ nó
không tự ăn được.
Tôi cũng hỏi thầy luôn:
- Thầy ơi! Bậy giờ giải như thế nào đây?
Thầy nói:
- Cúng cho nó là xong. Để tao viết cho cái bài khấn, và những
thứ lễ vật cần mua. Rồi tụi bay về nhờ một người đã lớn tuổi hoặc đã có gia
đình rồi cúng cho.
Cả ba đứa đều lắc đầu vì không ai có thể giúp Minh làm việc
đó. Minh là người tha hương cầu thực. Trong những người quen biết ở Đà Lạt chỉ
có một vài người thân, nhưng đa phần đều trẻ tuổi và chưa lập gia đình. Có được
ông chú Hoài thì Minh lại không muốn nhờ ổng đứng ra. Một phần cũng do ổng là
người bên đạo.
- Nếu không có người cúng thì để tao coi hai thằng này thằng
nào cúng được. Hai thằng bay đọc tên coi? – Thầy quay sang nói với tôi và Bảy.
Chúng tôi đọc tên cho thầy Thịnh chấm quẻ. Vài giây sau thầy
cho biết:
- Thằng Khánh đứng ra cúng.
“Là tôi sao?” Trong lòng tôi khi đó cũng bất an lắm chứ! Tôi
không giấu làm gì. Tôi nghĩ: Lỡ mình cúng vậy cái vong nữ đó theo mình luôn thì
tai họa. Nhưng không thể từ chối được, quan trọng là phải cứu được Minh rồi
tính gì tính.
Tôi nhận lời cúng cho Minh:
- Dạ, để con cúng cho ạ!
Thầy Thịnh đưa cho tôi một tờ giấy với những ký tự huyền bí.
Thầy dặn dò:
- Nhớ giữ cho kỹ đừng để mất. Khi khấn xong, thắp nhang, rồi
đem đốt đi.
Xong, thầy đưa tiếp một tờ giấy khác. Trên đó ghi các lễ vật
gồm có: hoa quả, giấy tiền vàng bạc, một bộ quần áo nữ hai sáu tuổi, mâm thức
ăn chay, hai ngọn nến… Kèm theo một bài khấn:
“Cầu xin cô em đến nhận lễ vật. Xin cô em từ nay đừng theo bạn
Minh nữa.”
Thầy dặn dò thêm lần cuối:
- Cúng xong đem thức ăn ra cái cột điện đối diện khách sạn bỏ
đó. Được hai phần ba nhang thì đốt giấy tiền. Thời gian cúng vào lúc 9 giờ tối.
Bàn cúng đặt bên trái cửa khách sạn.
Theo chỉ dẫn của thầy Thịnh, chúng tôi sẽ cúng vào tối thứ bảy.
Nhưng vào đêm thứ sáu, một sự cố đã xảy ra. Với ai? Minh? Bảy?
Không. Là tôi. Với tôi chứ không phải ai khác đứng ra nhận
thông điệp đó.
Lúc ấy là 3 giờ chiều, địa điểm ngay phòng trọ của Minh. Đã
có một sự thay đổi nhân khẩu trong căn phòng rộng chưa tới hai chục mét vuông.
Ông thầy – chú Hoài vẫn ở đó, nhưng một mình ổng thì không nói làm gì. Đằng này
ổng còn kéo về thêm một người mẹ dắt theo hai đứa con nhỏ. Sau đó, tôi được biết,
người mẹ tên Châu (là con ruột của chú Hoài) vì nhìn giống ổng như một khuông
đúc ra. Cô Châu này vừa “xảy ra chuyện” với chồng, theo như lời ông thầy kể lại,
thì:
- Cái thằng mất dạy đó nó đánh đập con này dữ quá! Bây giờ
tao nói con Châu trốn đi đừng có về nó đập chết!
Vì lý do đó mà ông thầy lôi hết cả con, cả cháu về phòng trọ
của Minh ở. Tôi cảm nhận được ngoài mặt Minh không nói gì, nhưng trong lòng
Minh thực sự không hài lòng. Không phải chuyện ăn uống, tiền phòng, vì trước
sau gì Minh cũng bỏ ra khoảng đó. Vấn đề nằm ở chỗ khác…
----------------------------------------
Tôi nhìn con đường đất sình lầy dẫn vào dãy nhà trọ của
Minh. Phía trước chỗ chúng tôi đang ngồi là một cái ao bèo, màu nước đen như xì
dầu (nước tương), mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc. Vũng nước tù túng đó là một
thiên đường lý tưởng để mấy con cò trắng lặn lội kiếm ăn, trên bãi lầy dơ dớp,
nơi chất đầy những thứ rác thải sinh hoạt…
Gió chiều hiu hiu thổi…
Minh nằm trên cái ghế xếp, mắt nhắm lại, tay bóp trán. Tôi
quan tâm hỏi:
- Ông bị làm sao vậy?
Minh trả lời tôi, giọng yếu ớt, dấu hiệu cho thấy cậu ấy
đang rất mệt:
- Đầu tui đau bưng bưng chịu không nỗi.
Tôi nghe xong, liền khích lệ tinh thần cậu ấy:
- Mọi thứ sắp kết thúc rồi. Sau cơn mưa trời lại sáng. Thời
điểm này phải tuyệt đối bình tĩnh, tránh căng thẳng, trầm cảm. Bởi cái âm nữ đó
sẽ khiến ra như vậy.
Minh im lặng, vài giây sau, bỗng Minh chuyển sang nói về
chuyện ông thầy và Châu. Minh đang muốn được chia sẻ, và cần một người bạn lắng
nghe mình:
- Cổ nhân dạy mình phải quảng đại, bao dung. Nhưng tui không
làm được, ông Khánh à! Tui biết mấy đứa nhỏ không có tội tình gì. Nhưng thực
tâm tui không thích và không muốn con Châu ở trong phòng tui. Tui đã nhiều lần
nói với ông thầy: “Thầy đừng gọi nhiều người lạ tới phòng con nữa.” Nhưng ông
thầy vẫn chứng nào tật nấy, bỏ ngoài tai tất cả những lời của tui. Ừ, cũng cho
qua đi! Vì mấy người đó đến rồi đi thôi. Còn lần này ổng đem luôn cả người về ở
lại.
Tôi chỉ biết lắng nghe Minh nói:
- Nhiều lúc tui chán lắm! Tui đang mắc phải tùm lum chuyện rồi
mà ông thầy lại không hiểu, cứ làm cho tui phải mệt thêm. Vừa nãy tui mới cự với
ổng đó. Ổng sai tui làm cái này cái nọ tui mệt quá! Ngay cả gói cháu dinh dưỡng
cho đứa cháu ổng cũng sai: “Minh, mày coi lấy xe đi mua…” Tui lắc đầu, nói thẳng:
Con chưa có vợ, có con, không biết mua chỗ nào đâu thầy ơi! Thầy nói con bé
Châu lấy xe đi mua đi!
Minh có vẻ thất vọng và mệt mỏi lắm! Đôi mắt thâm đen vì mất
ngủ nhiều ngày. Minh thổ lộ tâm tư cho tôi biết:
- Nói thật với ông Khánh, tui thuê cái phòng trọ này chủ yếu
để bỏ mấy can rượu để tết đem bán. Cũng để cho ông thầy ở, chứ tui ngủ ở khách
sạn không à! Con Châu ở cũng được, tôi chấp nhận với điều kiện nó phải biết sống.
Đằng này… ông cũng thấy rồi đó, cái phòng của tui bây giờ chẳng khác gì cái chuồng
heo. Mọi thứ bầy hầy và hôi hám không chịu được. Mỗi lần đi làm về mệt mỏi, tui
phải xắn tay vào dọn dẹp nhà cửa, rửa chén, nấu cơm… Con Châu nó mặc, nó đã
không dọn mà còn xả ra thêm nữa. Ông Khánh thấy dạo gần đây tui không muốn về
phòng là vậy đó.
Nghe Minh chia sẻ, tôi thấy cũng đúng. Tôi đã vào phòng Minh
và thấy nó bẩn thỉu thực sự. Nói đúng là như cái chuồng heo hôi hám.
Xong, câu chuyện đời thường đó phải gác lại, để dành cho câu
chuyện tâm linh tôi sắp kể ra. Minh bấy giờ mới hỏi tôi:
- Lúc nãy khi đánh bida, ông muốn nói chuyện gì? Ông bảo
mình đã thấy thứ gì à?
Ánh mắt Minh giờ đây mệt rũ rượi. Tôi không muốn Minh phải
căng thẳng hơn nữa. Nhưng tôi không thể giấu Minh được. Đành kể cho cậu ấy nghe
sự việc đêm qua tôi đã trải qua.
- Tối hôm qua, sau khi về nhà, tui đã gặp một cơn mộng lạ.
Minh ngồi bật dậy nói:
- Ông lại mơ thấy gì nữa à?
Tôi gật đầu:
- Uhm! Giấc mộng rùng rợn… Trong trạng thái miên man giữa
cõi thực và mị, tui thấy một cái bóng trắng dài đuồn đuột. Cái bóng bay vờn
quanh giường ngủ của tui. Tui xoay người qua bên trái, mắt đập thẳng vào tấm
gương, chợt… “Ứ.. ư ư ư…” Tôi kinh sợ hãi hùng, chỉ muốn lập tức thoát ra cõi mị.
Lúc đó tôi ý thức được rất rõ mình đang bị mớ, nhưng không thể thoát ra thế giới
đó được. Dễ sợ lắm! In trên tấm gương là một con ma nữ mặc ái dài trắng, mái
tóc óng ả đen mường mượt trải dài sau tấm lưng oằn oằn. Gương mặt của nó như
mèo, như loài yêu tinh quỷ dị… trên mặt có những cái sọc màu đen gớm ghiếc! Nói
vờn lại chỗ giường ngủ của tui. Vuốt bàn tay lạnh buốt của nó lên ngực tui. Rồi
nó tiến lại nằm xuống ngay sau lưng tui. Tui cảm nhận rất rõ sự hiện diện của
nó. Tui vận hết sức mình thúc cùi chỏ ra sau để đánh đuổi nó đi. Nhưng sức lực
của tui kiệt quệ. Tui nhấc tay cũng còn khó khăn chứ đừng nói là đánh trả lại
nó. Bất lực, tui chỉ còn một cách rên “ư ử” mong sao có người nhà gọi tui dậy.
Có lúc tui chợt tỉnh, đã mở hé mắt ra nhìn, nhưng lại bị miên vào giấc. Lúc
này, một nhân dạng khác lại hiện ra. Tui thấy rõ khuông mặt đó là một cô gái trẻ
chừng hai nhăm, hai sáu tuổi. Gương mặt xinh đẹp mĩ miều, bờ môi trái tim tô
son đỏ đậm, da dẻ nhợt nhạt như bị hút sạch không còn máu. Cô ta cũng mặc áo
dài trắng và để tóc xõa ngang sườn. Tui dám khẳng định với ông, đó là cái âm nữ
trong mấy bức chân dung ông đã vẽ. Vì nó rất giống… giống lắm ông Minh à!
Minh lặng người, nét mặt lo âu, Minh hỏi tôi:
- Ông còn thấy gì nữa?
Tôi trả lời:
- Tôi nhớ mình có hỏi một câu rất ngớ ngẩn. Tôi hỏi: “Cô chết
vào ngày nào?” Cái âm nữ đó đáp lại ngay, giọng nói “ong ỏng”: “Ngày mười chín,
tháng năm, năm 1942” Nghe đến đó là tui tỉnh giấc.
Minh hỏi lại:
- Đến đó thôi hả, ông Khánh?
Tôi gật đầu:
- Uhm, tôi tỉnh dậy nhìn đồng hồ đúng 3 giờ sáng. Tôi không
ngủ lại được nữa, tôi thức mở máy tính lên Google tìm kiếm những tư liệu, hình ảnh
về Đà Lạt bối cảnh năm 1942. Tôi tìm được mấy tấm hình đen trắng, nhìn chúng
tôi bỗng thấy bâng khuâng khó tả trong người, một cảm giác huyền bí tràn khắp.
Minh lo lắng, nói:
- Có cần gọi điện cho thầy Thịnh hỏi cho chắc không? Sau
chuyện này tôi không làm ở khách sạn nữa đâu.
Tôi đồng tình, nói:
- Uhm, tôi cũng nghĩ vậy. Ông không nên làm ở khách sạn đó nữa,
vì âm khí ở đó quá nặng.
Tôi bỗng nhớ đến việc cúng xin vào tối đó. Vấn đề nằm ở chỗ,
Minh đã dàn xếp được với bên ông chủ khách sạn chưa? Nếu ổng cho phép thì tui mới
cúng được, bằng không thì bó tay chịu chết. Tôi hỏi Minh lại một lần nữa cho chắc
cú:
- Ông đã nói cho chủ khách sạn biết chưa? Tui sợ đến đó mình
làm lụi lại rách việc.
Minh nói ngay:
- Ông yên tâm đi! Tui thu xếp vụ đó được mà.
Tôi nhìn đồng hồ, thấy đã đến giờ đi mua lễ vật. Tôi quay
sang nói với Minh:
- Mình đi chợ mua đồ được rồi đó, chuẩn bị trước vẫn hay
hơn.
Minh đồng ý, đứng lên nói:
- Uhm. Tui với ông bây giờ chạy đi mua đồ.
Tạm đóng lại chương
này. Những chương sau bạn hãy chú ý theo dõi. Vì những hiện tượng tâm linh sẽ
liên tục xuất hiện. Ví như tôi là một người có liên căn, cái duyên âm đã đưa
tôi từ một người bình thường trở thành thấy tâm linh, cúng tế. Và hãy nhớ điều
này, nếu bạn là một người có duyên âm, bạn đừng vội lo lắng. Nỗi sợ hãi chỉ khiến
cho linh hồn bạn bị yếu đi. Hãy bình tĩnh tháo gỡ những nút thắt. Thế giới tâm
linh sẽ nhắc nhở bạn, phải sống sao cho tốt và biết hướng thiện. Đó là cách duy
nhất để vượt thoát qua mọi kiếp nạn.
(CÒN TIẾP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét