Bệnh nhân thứ nhất là một phụ nữ khoảng 60 tuổi. Bà bị đau lưng lan
xuống hai chân kéo dài đã lâu. Vài tháng nay bà đã không còn đi được,
vừa do đau, vừa do yếu chân. Hai chân bà đã teo lại. Bà đi khám bệnh
nhiều nơi, nhiều nơi khuyên bà nên mổ, cũng có nơi bảo không cần mổ
nhưng điều trị thuốc hoài mà tình trạng của bà ngày càng nặng.
Cách đây 2 tuần bà đến khám ở chỗ tôi. Bà bị hẹp ống sống rất nặng. Tôi
khuyên bà nên mổ, phân tích đủ thứ, nhưng bà vẫn cứ sợ. Bà sợ sẽ bị
liệt, không đi được, bà sợ phần đời còn lại sẽ ngồi một chỗ. Tôi cho bà
biết là hiện nay bà đã bị đúng như những gì bà đang lo sợ, bà đã ở cái
điểm không còn gì để mất. Nhưng bà vẫn sợ. Lần trước, tôi đã cho bà ít
thuốc giảm đau, và tài liệu về cuộc mổ mà tôi dự định thực hiện cho bà.
Hôm nay, bà tái khám, có đỡ đau được một ít. Bà mừng rỡ vì mấy tháng
nay chưa có lúc nào đỡ đau. Sau khi tôi cho bà biết rằng bà đỡ đau là vì
thuốc giảm đau, là vì tôi cho thuốc, để trí óc của bà ít nhận thấy sự
đau đớn, chứ thực tế mọi sự vẫn như vậy. Bà vẫn kiến quyết không chấp
nhận cuộc mổ, và hi vọng vào những viên thuốc giảm đau tôi kê cho bà.
Thật khó với bà. Không lẽ cắt hết thuốc giảm đau, hành hạ cho bà khốn
khổ để bà chấp nhận cuộc mổ? Tôi không phải là Chúa, tôi không có cái
quyền ấy. Mổ hay không là lựa chọn của bà. Liệt hay không liệt là phước
phận của bà. Tôi không có quyền chọn lựa cho bà. Tôi không có quyền đày
đọa hay cứu vớt bà. Tôi không có quyền. Tôi không có quyền…
Bệnh
nhân thứ hai là người Campuchia. Ông ta khoảng 50 tuổi, bị mất cảm giác
vùng bìu và quanh hậu môn, tiêu tiểu rối loạn. Điều đặc biệt là ông này
bị tê chân nhưng hai chân chỉ yếu nhẹ. Ông ta vẫn đi lại được. Ông ấy bị
trượt đốt sống mất vững khá nặng. Ống sống bị hẹp rất nhiều, toàn bộ
thần kinh chùm đuôi ngựa bị bó chặt. Với tình trạng lâm sàng như vậy,
tất cả các tài liệu, guidline đều hướng dẫn là phải chỉ định mổ sớm.
Khi tôi giải thích rằng ông ta phải mổ. Tôi không biết người phiên dịch
nói gì, nhưng thấy ông ta nhếch mép cười, và trả lời rất ngắn. Người
phiên dịch nói rằng ông ấy không muốn mổ. Tôi lại phân tích, thuyết
phục. Người phiên dịch lại nói, và ông ta lại nhếch mép cười và lại trả
lời ngắn gọn.
Khi tôi còn chưa kịp tỏ thái độ thì người phiên
dịch đã nói: “Bác sĩ đừng phí lời với mấy người này. Bác có thấy nó cười
khẩy khi nghe bác nói cần mổ không?”. Tôi đã cảm nhận được điều đó, cảm
nhận thấy cái nhếch mép cười của anh ta là dành cho tôi. Mặc dù không
cùng nói một thứ tiếng nhưng tôi hiểu anh ấy nghĩ gì trong đầu.
Đây không phải lần đầu tôi nhận được thái độ đó của bệnh nhân. Tôi đã
quen với những cái cười khẩy, những cái nhếch mép, thậm chí cả những lời
nói nặng. Tôi đã từng nhận được rất nhiều những cái nhếch mép, những
tiếng cười khẩy, những câu bóng gió… chỉ vì tôi chỉ định chụp Xquang khi
người bệnh đã có phim MRI.
Nhưng dù có quen mấy, khi nó xảy ra,
tôi vẫn cảm thấy một cái gì đó nghèn nghẹn, bàn tay tự nhiên cứ siết
chặt lại. Có lẽ tôi chưa đủ bản lĩnh, vẫn còn nhiều tạp niệm, sân si.
Rất may, tôi vẫn luôn tự chủ, luôn giữ được bình tĩnh. Và lại tiếp tục
thuyết phục, thuyết phục một cách vô vọng, thuyết phục trong sự nghi
ngờ, nuốt nghẹn trước cái cười khẩy…
Chỉ để đêm hôm đó không phải trằn trọc, trăn trở.
(VÕ XUÂN SƠN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét