Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

NGƯỜI ĐÀN ÔNG 60 NĂM HIẾN MÁU HIẾM CỨU HÀNG TRIỆU TRẺ EM

Cụ James Harrison đi hiến máu mỗi tuần trong suốt 60 năm qua. Và những giọt máu cụ hiến đã cứu sinh mạng của 2 triệu trẻ sơ sinh Úc.


Theo CNN, ở Úc cụ Harrison có biệt danh là “người đàn ông có cánh tay vàng” bởi trong máu cụ có một kháng thể cực kỳ đặc biệt. 

“Năm 1951, khi mới 14 tuổi tôi phải phẫu thuật ngực và các bác sĩ cắt bỏ một lá phổi của tôi. Vài ngày sau khi hồi tỉnh, cha tôi kể rằng tôi được truyền tổng cộng 13 lít máu” - cụ kể.

“Những người tôi không hề quen biết đã cứu sống tôi. Cha tôi cũng là người hay đi hiến máu, do đó khi đủ tuổi tôi cũng bắt đầu hiến máu” - cụ Harrison nói. Và ngay sau khi cụ Harrison bắt đầu hiến máu, các bác sĩ thông báo trong máu cụ có một kháng thể kỳ diệu có thể cứu sống vô số trẻ sơ sinh.


Dòng máu phi thường

“Ở Úc, cho đến năm 1967 có hàng nghìn trẻ sơ sinh thiệt mạng mỗi năm và các bác sĩ không biết tại sao. Nhiều phụ nữ bị sảy thai và trẻ sơ sinh ra đời bị tổn thương não” - chuyên gia Jemma Falkenmire của Cơ quan dịch vụ máu của Tổ chức Chữ thập đỏ Úc cho biết.

Đó là hậu quả của căn bệnh đối với những người có nhóm máu Rhesus. Bệnh này xảy ra khi thai phụ có nhóm máu Rhesus âm tính, còn thai nhi có máu Rhesus dương tính thừa hưởng từ người cha.

Nếu người mẹ nhạy cảm với máu Rhesus dương tính thì cơ sở có thể sản sinh ra kháng thể tiêu diệt tế bào máu của thai nhi.

Trong trường hợp xấu nhất, bệnh này khiến thai nhi bị tổn thương não hoặc thiệt mạng. Các bác sĩ Úc phát hiện trong máu của cụ Harrison có một loại kháng thể lạ. Họ dùng nó để phát triển một loại thuốc có tên gọi Anti-D.

Thuốc này giúp ngăn chặn cơ thể phụ nữ có nhóm máu Rhesus âm tính sản sinh ra kháng thể chống máu Rhesus dương tính trong quá trình mang thai.

“Úc là một trong những nước đầu tiên phát hiện người hiến máu có kháng thể đặc biệt này, do đó đây là một cuộc cách mạng” - chuyên gia Falkenmire nhấn mạnh.

Theo ước tính của Tổ chức Chữ thập đỏ Úc, máu của cụ Harrison và thuốc Anti-D đã cứu tính mạng của 2 triệu trẻ em ở Úc.

“Bịch máu nào cũng quý giá, nhưng máu của cụ James rất phi thường. Máu của cụ được sử dụng để chế tạo thuốc cứu sinh mạng nhiều người. Tất cả các liều thuốc Anti-D ở Úc đều có được nhờ máu của cụ. Và 17% phụ nữ Úc có nguy cơ bị bệnh Rhesus, do đó máu của cụ ấy đã cứu vô số sinh mạng” - chuyên gia Falkenmire khẳng định.

Người không thể thay thế

Một trong những sinh mạng được cụ Harrison cứu là bé Samuel mới 5 tuần tuổi. Mẹ bé là Kristy Pastor được chỉ định dùng thuốc Anti-D khi mới mang thai. Và với thuốc Anti-D, bé Samuel đã sinh ra khỏe mạnh.

“Đầu tiên các bác sĩ nói rằng tôi cần một loại văcxin. Tôi tìm hiểu và biết về cụ James, về những gì cụ ấy đã đóng góp. Tôi vô cùng biết ơn và nghĩ cụ ấy là con người thật cao cả khi vẫn tiếp tục hiến máu để chúng tôi có được loại thuốc này” - cô Pastor bày tỏ.

Đến nay, các bác sĩ Úc vẫn chưa biết tại sao trong máu cụ Harrison có kháng thể đặc biệt. Có thể cơ thể cụ sản sinh ra kháng thể này sau khi được truyền máu hồi năm 14 tuổi. Ở Úc có chưa đầy 50 người có kháng thể này trong máu.

“Cụ James là người không thể thay thế đối với chúng tôi - chuyên gia Falkenmire mô tả - Vài năm nữa có lẽ cụ ấy sẽ phải ngừng hiến máu, và khi đó chúng tôi chỉ còn biết hi vọng sẽ có người khác hiến máu có kháng thể này và trở thành một người cứu tính mạng nhiều người khác giống như cụ James.”

Ở Úc cụ Harrison được xem là người hùng quốc gia. Cụ đã hiến máu hơn 1.000 lần nhưng cụ có một thói quen sẽ không hề thay đổi: “Tôi chưa bao giờ nhìn chiếc kim đâm vào tay mình. Tôi nhìn lên trần nhà hoặc nói chuyện với y tá. Tôi không thể chịu nổi khi nhìn thấy máu” - cụ Harrison nói. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét