Hố thẳm phía trước
Mới đây, tin tức báo chí Úc tường thuật về chuyến đi của chiếc tàu
chiến 152 của Trung Quốc ghé cảng Brisbane, Úc, trong một chuyến hải
hành ngoại giao quốc tế đã làm bùng lên nhiều tranh cãi. Ngay khi tàu
cập cảng, người ta nhìn thấy hầu hết thuỷ thủ của tàu 152 vội vã đi mua
gom loại sữa bột trẻ em hiệu Aptamil 3, một loại sữa Úc mà mọi người dân
Trung Quốc tin dùng.
Liên tiếp trong nhiều năm, những vụ bê bối về sữa độc bị phát hiện ở
đại lục đều khiến giới phụ huynh ai nấy đều hoảng kinh. Vì tham tiền,
các nhà sản xuất sữa ở Trung Quốc đã trộn vào đó các hoá chất khiến sữa
bột trở nên hấp dẫn hơn, bất chấp nguy hại.
Hình ảnh các nhóm hải quân oai hùng của Bắc Kinh khệ nệ ôm các thùng
sữa mang xuống tàu, khiến lời bình của dân chúng rộ lên. Trung Quốc được
coi là quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới, hàng hoá tràn ngập
khắp nơi, thế nhưng chất lượng của nó là điều làm mọi người phân vân,
hay nói đúng hơn là lo sợ. Từ khi nhiều nhãn hiệu sữa bị phát hiện là
thứ gây độc hại cho trẻ em, sữa Aptamil 3 của Úc trở thành nhãn hàng cứu
tinh cho các gia đình trung lưu ở Trung Quốc, mặc dù giá mắc đến gấp
hai, ba lần. Dĩ nhiên, còn các gia đình có thu nhập thấp ở đại lục chỉ
còn biết im lặng và tuyệt vọng.
Câu chuyện nói trên đang là đề tài bàn thảo, giúp cho nhiều người
nhìn lại mô hình phát triển hào nhoáng của Bắc Kinh, vốn đã mê hoặc một
lớp người bên ngoài nhìn vào, thích giàu có nhanh và thành đạt, bất chấp
hậu quả. Quả là có cái gì đó đáng phải nghĩ về một nền kinh tế xuất
hàng đi khắp thế giới với giả rẻ mạt nhưng đi mua gom hàng của nước khác
về sử dụng, dù giá đắt hơn nhiều lần. Trung Quốc vĩ đại đang né tránh
sử dụng hàng hoá của chính mình sản xuất, nhưng họ tống sang các quốc
gia lân cận mình: những thứ gây chết người và đầu độc dân tộc láng
giềng.
Ngay tại Trung Quốc lúc này, vấn nạn ngày càng lớn: tiền bạc làm ra
như chỉ để nhằm thoát nạn, đi khỏi đất nước mình. Dân chúng mất niềm tin
vào cuộc sống chung quanh, về tương lai – và dĩ nhiên là mất luôn niềm
tin ở các nhà lãnh đạo. Các loại hàng hoá gọi là sạch và an toàn chỉ còn
phục vụ cho số ít giới nhà giàu, bỏ lại đại đa số còn lại bấp bênh
với số phận. Một sự phân hoá giai cấp tàn nhẫn hơn cả giai cấp tư bản,
mà vốn các sách chính trị của Trung Quốc vẫn cao đạo lên án.
Làm ra thật nhiều tiền, nhưng không để an sinh, mà chỉ để tìm sự sống
sót. Những đoàn người Trung Quốc đua nhau mua hàng bên ngoài về dự trữ,
để sống. Trong The love of life của Jack London, người đàn ông thoát
chết qua băng giá đã mắc bệnh giấu thức ăn dưới giường vì sợ sẽ bị chết
đói, còn Trung Quốc hôm nay thì săn tìm và cất giữ lương thực để mong
không trúng độc từ thực phẩm của quê hương mình. Năm ngoái, Tờ The
Guardian có làm một cuộc thăm dò trên 20 thành phố lớn của Trung Quốc về
vấn đề niềm tin vào thực phẩm nội địa, đã có 80% số cư dân trả lời rằng
họ luôn lo sợ.
Là người cùng một nước, nhưng người dân ở Hồng Kông ngày càng mệt mỏi
với việc mua gom của người Trung Quốc đại lục. Kelvin Chan, cây bút của
AP tại Hồng Kông từng có bài bình luận, ghi nhận việc người dân ở hòn
đảo này ngày càng bất bình trước làn sóng khách du lịch ở đại lục vác
theo nhiều túi và vali, ồn ào chen lấn chỉ để mua gom hàng, gây náo loạn
và mất cân bằng trong thị trường địa phương. Lý do là người Trung Quốc
hôm nay chuộng mua bán mọi thứ từ bên ngoài để yên tâm về chất lượng.
Một trong những nhà lãnh đạo, quản lý về thương vụ ở Hồng Kông, ông
Leung Chun-ying nói ràng năm 2015 có đến 4.6 triệu du khách từ đại lục,
mỗi tuần đến một lần để mua gom hàng như vậy.
Vậy thì những nguồn hàng độc hại, kém chất lượng và đầy bẫy rập đó
của Trung Quốc, sẽ được đưa về đâu? Ở châu Á, Việt Nam và Lào là những
nơi xe hàng Trung Quốc ngày đêm vượt biên giới để chuyển đến các tỉnh,
bao gồm cả loại thịt heo, bò được đông lạnh cả nửa thế kỷ: mục rửa, thối
và đầy hoá chất. Sau khi truyền thông Trung Quốc khám phá những kho
lạnh cất giữ 800 tấn thịt được giữ lạnh từ thập niên 70, trị giá hơn 10
triệu Nhân dân tệ, giờ thì đường chuyển đi đến thị trường mới, chỉ còn
nhằm vào Việt Nam. Báo giới phương Tây dự đoán Trung Quốc còn tàng trữ
đến cả trăm ngàn tấn thịt như vậy, cất giữ từ thời Cách mạng văn hoá,
tức thập niên 60, mà nơi dễ dàng lấy lại vốn tiện và nhanh, chỉ là Việt
Nam.
Báo chí Việt Nam liên tục cảnh báo về tình trạng phát triển bệnh ung
thư, tâm thần, các loại bệnh của trẻ em, rồi chuyện người ăn hàng quán
vỉa hè… đang tự giết mình với các món ăn không rõ nguồn gốc, nhưng ít có
lời tố cáo nào đủ mạnh rằng rất nhiều thứ ấy đều là do thực phẩm, hàng
hoá của Trung Quốc đang cố ý huỷ diệt con người Việt Nam. Ngay khi đã
biết vậy, bất kỳ ai cũng kinh hoàng về một viễn cảnh đen tối, khi có
những quan chức lên tiếng bênh vực hàng hoá Trung Quốc, thậm chí khi
phát hiện có độc chất. Có người còn ra mặt thông báo với dân chúng rằng
cứ dùng ít thì không sao, không chết. Thật quả đáng khinh.
Trung Quốc hôm nay săn tìm các loại thức ăn sạch như một cách tự cứu.
Nếu ai đó chú ý, thì rõ là nỗi sợ hãi cũng lan đến Việt Nam. Thị trường
thực phẩm Việt Nam giờ đây cũng bùng phát với tiếng rao về thực phẩm
sạch, với giá đắt đỏ. Và cũng như đại lục, giới trung lưu, giàu có Việt
Nam đang không ngại bỏ tiền ra để tìm cách sống sót mỗi ngày. Người
nghèo Việt Nam thì cũng im lặng và tuyệt vọng.
Vì sao Trung Quốc và Việt Nam đang giãy giụa với vấn đề thực phẩm
sạch, trong khi Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Singapore… vẫn kiểm soát
được những điều đó? Có phải giới lãnh đạo của các quốc gia nói trên đủ
mạnh để từ chối tiền tham nhũng và biết lo cho dân tộc mình, không biến
tổ quốc mình thành một bãi rác của kẻ ác?
Bài học phát triển nhanh và học đòi làm giàu như Trung Quốc từng là
kim chỉ nam của nhiều người Việt. Ở Trung Quốc giờ đây bộc lộ một tương
lai của thị trường và xã hội vô đạo đức, không có tương lai và phân hoá
giàu nghèo đến phẫn nộ. Con đường tận cùng của xã hội Trung Quốc đã rõ.
Còn chúng ta, nhất là với các nhà lãnh đạo, khi nào thì sẽ nhận ra hố
thẳm phía trước? Hố thẳm trên đường chạy song song của tình hữu nghị vô
nhân tính.
(NS TUẤN KHANH)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét