Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

TRÊN CẢ HÀO HÙNG

Có lẽ điều thích hợp nhất để kể hầu quý vị nhân dịp lễ Martin Luther King Jr. là câu chuyện về một nước Mĩ của hơn 60 năm về trước: Giai đoạn hậu chiếm hữu nô lệ.

Thời kỳ nô lệ dẫu đã đi qua, vẫn để lại cho xã hội Mĩ những di chứng đớn đau, như những lằn roi quất thẳng vào tâm khảm của những chứng nhân còn sống khi họ kể về câu chuyện của già nửa thế kỷ trước. Chuyện kể rằng ...

Thời đó, người Mĩ da màu tuy đã được tự do theo pháp luật, hầu như chỉ được coi là “con" chứ không phải là “người”. Họ là lao động chân tay chính của tất cả mọi lãnh vực, họ làm tất cả những gì một người da trắng không bao giờ làm. Họ làm miệt mài từ mờ sáng đến tối khuya, chỉ nhận về những đồng lương vừa đủ sống qua ngày. Họ là nạn nhân trực tiếp của sự thô bạo. Họ thường xuyên bị mắng chửi, bị ngược đãi, bị đánh đập. Họ hoàn toàn không có cơ hội thăng tiến dù có tận tâm với công việc đến thế nào đi nữa, nghĩa là, họ không có tương lai. Và, nếu một ngày, họ chẳng may bị tai nạn mất khả năng lao động, điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ phải sống trong túng quẫn suốt phần đời còn lại. Không một ai bồi thường cho tai nạn, người da màu bị đối xử như một loại lao động ... xài một lần rồi vứt!


Một ngày mùa đông của hơn 60 năm về trước, hai người phu hốt rác vì muốn tránh cái rét cắt da thịt của miền Đông Hoa Kỳ, đã trú vào xe bồn hốt rác. Nhưng thời đó, họ không được phép ngồi chung buồng lái với người da trắng, nên đã trú tạm vào bồn chứa rác, trú lẫn vào rác rưới để tìm hơi ấm giữa ngày đông. Chiếc xe bất ngờ bị kích hoạt, và họ, ngay tức khắc, bị nghiền ra chung với rác.

Khởi đi từ hai cái chết oan nghiệt ấy, được nối tiếp bởi những sự kiện về sau, mà thế giới được chiêm ngưỡng ba điều kỳ diệu. Tôi không biết nên gọi đó là kỳ tích hay phép lạ giữa cuộc đời này.

Một là, một đại tập thể những con người ít học, thậm chí mù chữ, bị ngược đãi, là nạn nhân của bạo lực, bạo hành, và theo lẽ dĩ nhiên, bản thân họ cũng chứa đẫm xu hướng bạo lực, bạo loạn, nhưng thật kỳ lạ, lại là những con người chấp nhận đấu tranh trong ôn hoà, không ngừng nghỉ, không nhân nhượng, để giành lấy thứ quyền căn bản nhấ: Quyền được làm một con người! Nếu họ làm được ...

Bạn tôi, ngay khi những người da màu nhận ra chính họ, chứ không phải những ông chủ da trắng, mới là người vận hành đất nước, họ hiểu một điều rằng, không cần bạo loạn, nếu tất cả họ đều ngưng phục vụ, họ có thể “đóng cửa" cả nước Mĩ, thì cũng là lúc chính quyền hiểu thế nào là “quyền lực số đông" và không còn cách nào khác ngoài bắt đầu thoả hiệp. CHÍNH QUYỀN KHÔNG SỢ BẠO LOẠN, NHƯNG SỢ SỰ CƯƠNG QUYẾT CỦA NHỮNG CON NGƯỜI ÔN HOÀ.

Hai là, không có vết thương nào không thể lành. Chỉ vừa mới ngày hôm qua, nước Mĩ còn quằn quại trong di chứng của thời kỳ chếm hữu nô lệ, khi mà trẻ em da màu phải học riêng với trẻ em da trắng, người da màu phải dứng dậy nhường ghế cho người da trắng trên xe bus và ngồi vào khu vực dành riêng, có ai ngờ, chỉ vừa mới ngày hôm qua, người da màu là tầng lớp hạ lưu, không được phục vụ trong các nhà hàng, thứ lao động xài xong là vứt bỏ để thay bằng cái khác, và điều này được bảo vệ bởi chính pháp luật đương thời. Những nạn nhân của tệ phân biệt đối xử ấy, ngày hôm nay, chỉ vỏn vẹn 50 năm ngắn ngủi sau, một trong số họ trở thành Tổng Thống, Tổng Tư Lệnh của Hoa Kỳ. Đó là một bước tiến nhân bản dài đến đáng ngưỡng phục.

Tôi tin rằng, khi con ta người biết dang tay ra, mở tim ra, để đón nhau vào lòng, đối đãi với nhau bằng thứ tình cảm giản đơn nhất mà Thượng Đế ban cho nhân loại, Tình Người, thì KHÔNG CÓ VẾT THƯƠNG NÀO KHÔNG THỂ LÀNH.

Ba là, câu truyện về sự ngược đãi của người da trắng với người da màu là một trang sử đen tối của Hoa Kỳ, một tội ác chống lại loài người đầy hổ thẹn của cường quốc đẫn đầu thế giới này, nhưng kỳ lạ thay, thay vì che giấu đi, xoá bỏ đi, họ lại thường xuyên kể về nó. Mỗi năm, mọi năm, trong ngần ấy năm. Không những vậy, họ còn viết hẳn vào sách giáo khoa, dạy cho trẻ em từ bậc tiểu học! Họ làm mọi thứ để nước Mĩ, người Mĩ không bao giờ được phép quên đi đoạn đen tối ấy, thậm chí, còn tạo mọi điều kiện để các thế hệ sau hiểu một cách đầy đủ, trung thực, không che đậy, một trang sử tủi hổ của mình.

Trong khi mọi quốc gia đều viết cơ man nào là sử sách về những chiến tích lẫy lừng, những đặc thù đáng tự hào, những thành tựu vĩ đại, thì Hoa Kỳ, quốc gia đầu tiên vươn vào vũ trụ, bỏ xa cả thế giới về công nghệ quân sự, dẫn đầu về kỹ nghệ điện tử, khai sinh ra các ý niệm kinh tế, và chế tạo ra vô vàn thuốc men cho nhân loại, lại dành rất ít trang để viết về hào quang, nhưng nhiều trang để viết về sai lầm, thậm chí tội ác của mình trong quá khứ.

Sai lầm không tạo nên bạn, cái cách bạn đối diện với sai lầm của chính mình mới thật sự tạo nên con người bạn. Tôi không biết còn ở đâu trên trái đất này, một dân tộc dám trừng mắt nhìn thẳng vào sai lầm, để xấu hổ, để học hỏi, để sửa sai, và để trưởng thành như nước Mĩ. Có lẽ vì chính đặc thù này, mà Hoa Kỳ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.

Tôi hiểu một điều, quý hơn hào quang, trên cả hào hùng, là SỰ THẬT - THỨ TÀI SẢN QUÝ GIÁ NHẤT CỦA MỘT DÂN TỘC. Ai đó nói với tôi, sự thật có thể chữa lành, tôi không biết điều đó đúng không, nhưng chắc chắn một điều, SỰ THẬT TẠO NÊN SỨC MẠNH. Dù đó có là sự thật đáng đau buồn đến thế nào đi nữa.

(NANCY NGUYEN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét