Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

NGƯỜI VIỆT CHẾT NHIỀU VÌ UNG THƯ DO THIẾU HIỂU BIẾT VÀ HỆ THỐNG Y TẾ LẠC HẬU

Đây là một bài viết cần nhiều sự kiên nhẫn và cởi mở từ phía người đọc vì được viết bởi 2 người, trong đó 1 người chuyên về sinh lý bệnh để giải thích bệnh ung thư (Bùi Thùy Anh). Quan trọng hơn là phần phân tích xã hội được viết bởi tiến sỹ Nguyễn Mạnh Cường - chuyên ngành Tài chính được giới thiệu ở cuối bài. 

Nếu xem bài "Một góc thực trạng ung thư ở Việt Nam", bạn đã biết xót xa cho những con người ngày đêm phải sống trong ô nhiễm và biết chắc chắn mình đang chết mòn mỏi, không có tia hy vọng sống. Bạn cũng đã thấy 2 bệnh viện lớn tại Sài Gòn và Hà Nội đang quá tải với bệnh nhân ung thư như thế nào rồi đấy!

Những chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ chế của bệnh ung thư, tỉ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam và vai trò của yếu tố chính trị với rất nhiều vấn nạn trong xã hội mà đại dịch ung thư chỉ là một phần trong đó. 


1. Ung thư là gì?

a. Các bậc cấu trúc của cơ thể

Muốn hiểu được ung thư là gì, bạn cần phải biết qua về các cấp tổ chức của cơ thể (giống hệt như một nhà nước vậy!) 

Mỗi cơ thể (organism level) gồm có các hệ cơ quan (system level) có chức năng khác nhau như hệ thần kinh, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, hệ miễn dịch. Trong mỗi hệ cơ quan lại có các cơ quan (organ level) khác nhau như não, tim, phổi. Trong mỗi cơ quan có nhiều lại mô (tissue level) khác nhau có nhiệm vụ quan trọng với cơ quan đó. Và cuối cùng trong từng loại mô thì có nhiều tế bào (cellular level)







Dưới mức tế bào còn có mức các phân tửnguyên tử (chemical level) nữa. Ở mức này các phản ứng hóa học liên tục xảy ra dưới sự chỉ huy của các enzyme xúc tác trong tế bào. 

Vậy tế bào là đơn vị cơ bản nhất có hoạt động sống của cơ thể người. Điều này đúng với cả thực vật và các nhóm động vật nữa! 

b. Các tế bào biết lớn lên và phân chia 

Ta hãy tưởng tượng cơ thể là một ngôi nhà và tế bào là những viên gạch dùng để xây nhà. Khi em bé lớn lên, cơ thể cao dần và kích thước tay chân cũng lớn hơn. Đối với ngôi nhà thì có thể sẽ có 2 khả năng xảy ra:
  • Khả năng thứ nhất là dùng nhiều gạch hơn để xây nhà. Quá trình này cần tế bào có sẵn lớn đến mức nhất định thì tách ra thành 2 tế bào con. Đây gọi là quá trình phân chia tế bào. 
  • Khả năng thứ hai là dùng viên gạch to hơn để xây nhà. Trong quá trình này, tế bào phình to ra nhưng không thay đổi về số lượng. 
c. Tế bào ung thư là những đứa con ngỗ ngược 

Bây giờ ta hãy tưởng tượng cơ thể người là một gia đình và các tế bào là các con. Có 2 trường hợp xảy ra: 
  • Nếu cha mẹ khắt khe luôn sát sao kiểm tra các con, để ý uốn nắn, rèn giũa các con (VD cơ thể miễn dịch tốt, môi trường sống sạch sẽ, thực phẩm an toàn) thì bé nào nghịch ngợm (tế bào mang sai sót) sẽ bị nhắc nhở hoặc phạt ngay lập tức. 
  • Nếu cha mẹ buông lơi và không quan tâm đến con cái (miễn dịch kém, sống trong môi trường ô nhiễm, thực phẩm độc hại) thì trong nhà kiểu gì cũng có đứa con vốn nghịch ngợm hơn sẽ thử một vài tật xấu (đột biến đầu trong tế bào) như trộm tiền bố mẹ, chơi điện tử. Nếu bố mẹ không ý kiến gì, tật xấu sẽ tiến triển tiếp thành trộm cướp, bia rượu, hút chích, cờ bạc (các đột biến khác tiếp diễn trong tế bào). Chưa hết, hành vi này sẽ vô tình làm hư các con vốn đang ngoan ngoãn. Đến giai đoạn này thì bố mẹ có biết rồi cũng bó tay (ung thư đã di căn khắp cơ thể), chỉ biết than khóc hoặc thăm nuôi con trong tù (nằm xạ trị chờ chết)!
Vậy đó, sự phát triển của bệnh ung thư y hệt như vậy! Suy ra, nhà nào đông con (tức tế bào phân chia nhiều) thì khó kiểm soát triệt để được con cái. Do vậy con cái dễ sinh hư và phá hoại gia đình chỉ trong thời gian ngắn "tác oai tác quái". Điều này giải thích bệnh ung thư thường phổ biến ở những nơi tế bào phân chia nhiều như máu, miệng, hầu, gan, phổi, khí quản, phế quản, vú, cổ tử cung, tuyến tiền liệt,... hơn là ở nơi tế bào hầu như không phân chia như tim!

2. Tỉ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam 

Bây giờ chúng ta cùng nhìn vào số liệu thống kê về ung thư ở Việt Nam của Tổ chức Y tế Thế giới (nguồn WHO, 2014).

Nhìn vào bảng sau, bạn sẽ có ấn tượng là nam giới (bên trái) chết vì ung thư nhiều hơn 1,5 lần so với nữ giới (bên phải). Ở cả hai giới, hầu hết các bệnh ung thư liên quan đến hô hấp (phổi, khí quản, phế quản) và hệ tiêu hóa (gan, dạ dày, miệng, hầu, đại tràng). Phụ nữ có thêm ung thư vú và ung thư cổ tử cung nên có phân loại riêng.

Người Việt ham hút, ham ăn uống nên dễ chết vì 2 lí do trên!


Tiếp tục nhìn vào bảng thống kê tỉ lệ tử vong do ung thư ta sẽ thấy tỉ lệ tử vong do ung thư gan, phổi ở nam giới gấp 4 lần nữ giới. Tỉ lệ tử vong do ung thư dạ dày ở nam giới gấp 2 lần nữ giới. Hơn nữa, số ca ung thư được phát hiện nhiều tương đương với tỉ lệ tử vong của từng nhóm bệnh. Điều này chỉ ra rằng, người Việt mắc phải hầu như bất cứ loại ung thư nào (trừ ung thư vú ở phụ nữ) thì cầm chắc là sẽ chết rất nhanh!

3. Bệnh tật ung thư là hậu quả trực tiếp của sai lầm trong chi tiêu ngân sách nhà nước

Lâu nay phần lớn người Việt vẫn thờ ơ với tình hình đất nước, coi mọi việc xảy ra xung quanh không liên quan, ảnh hưởng gì đến mình. Chúng ta coi “chính trị” là vấn đề nhạy cảm và tránh xa “chính trị” được hiểu là biểu hiện của sự khôn ngoan, phải không nào? Nhưng hãy xem những con số cùng sự so sánh dưới đây có giúp bạn hiểu tại sao ung thư trở thành nguyên nhân tử vong hàng đầu của Việt Nam.

Để dễ hình dung, tôi sẽ so sánh ngân sách nhà nước cho năm 2018-2019 (tức tiền thuế của tất cả những người đi làm) được chính phủ sử dụng như thế nào ở Anh Quốc (UK) và Việt Nam. Với tỉ giá 1£ (Bảng Anh) = 30.000 VNĐ thì chi tiêu của chính phủ UK gấp khoảng 30 lần chi tiêu chính phủ ở VN. Do vậy để tiện so sánh thì các hạng mục chi tiêu được tính ra % trên tổng chi của chính phủ.


Một số sự khác biệt “nho nhỏ”:

1. Chi tiêu cho an sinh xã hội của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/3 của UK. Điều này giải thích tại sao so với người già ở UK, người già ở VN thật đáng thương. Ở UK, tất cả mọi người già trên 65 tuổi đều có rất nhiều trợ cấp từ chính phủ. Chẳng hạn, họ được đi lại miễn phí trong tất cả các thành phố, miễn phí vé tập gym, đi bơi, giảm giá hàng loạt các dịch vụ khác. Ngoài ra, mỗi người có một khoản trợ cấp từ chính phủ khoảng £700 (~21 triệu VNĐ) trong mỗi tháng (không tính đến tiền lương hưu - nguồn thu nhập chính của họ sau khi về hưu do bên bảo hiểm xã hội trả). Như vậy kể cả nếu không có lương hưu hay sự trợ cấp từ con cái, họ cũng sẽ vẫn sống rất khỏe.

Biểu đồ sau giản lược các con số từ bảng thống kê để biểu diễn các hạng mục chi tiêu của mỗi chính phủ tính theo tỉ lệ % 


Bây giờ chúng ta hãy coi việc chi tiêu của chính phủ như việc mình tự tiêu tiền để hiểu hơn ảnh hưởng của nó tới cuộc sống. Hãy tưởng tượng trung bình mỗi tháng lương của bạn là 10 triệu và phải chi tiêu những khoản sau:

2. Chi tiêu cho y tế ở VN

Với 2% chi tiêu cho y tế (màu đỏ trên biểu đồ VN = 2% so với UK 19%), bạn sẽ chỉ để ra được 200k (viết tắt 200.000 VNĐ) cho việc chăm sóc sức khỏe. Với 200k này, chẳng may bạn bị ốm và phải đi viện, bạn sẽ phải trả 50k cho chi phí đi lại và chỉ còn 150k để đưa phong bì cho bác sĩ. Tôi chắc chắn với phong bì ít như vậy bạn sẽ bị bác sĩ mắng nhiếc, lăng nhục.

Đó chỉ là ví von theo chi tiêu cá nhân. Trong thực tế, Bộ y tế không có ngân sách để cải tạo bệnh viện, mua các trang thiết bị y tế, đào tạo thêm cho các y bác sĩ, nâng cao chất lượng và văn hóa phục vụ trong bệnh viện. Bởi vì dân móc túi trả tiền thuế và còn nộp thêm cả bảo hiểm y tế nữa thì phải xứng đáng được chữa trị tốt hơn, không phải chờ đợi vạ vật trong viện để chờ được khám, được xét nghiệm và được kê đơn. Do vậy, bác sĩ y tá các cấp bậc, bất kể có tâm hay không đều bị ảnh hưởng. Phòng khám thiết bị nghèo nàn mà đông bệnh nhân thì bác sỹ làm việc cực kỳ khổ chứ sung sướng gì đâu!

Cũng vì ít được đầu tư, hệ thống y tế ở VN thuộc loại lạc hậu, thiếu thốn nhất nhì thế giới. Do vậy, cả nước chỉ có vài máy chiếu xạ tập trung ở các bệnh viện lớn và không hề có dịch vụ xét nghiệm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư trực tràng như WHO đánh giá.

Nếu bạn bị ung thư, với chi phí dành cho chăm sóc sức khỏe chỉ có vẻn vẹn 200k, bạn biết mình sẽ phải làm gì đúng không? Bây giờ bạn đã hiểu tại sao người dân ở vùng bị ô nhiễm nói biết bệnh tật nhưng thôi, sống ngày nào hay được ngày đó chưa? Một người bạn của tôi có người thân bị ung thư, đi chữa chạy ở nước ngoài mất gần 4 tỉ nhưng cũng không có kết quả khả quan nào. Còn ở UK, bạn sẽ không phải lo vì mọi dịch vụ y tế đều miễn phí với tất cả mọi người.

3. Chi tiêu giáo dục ở VN

Trong bất kì xã hội nào, bên cạnh y tế thì giáo dục là ngành tối quan trọng. Điều này không cần phải giải thích vì sao. Tuy nhiên, với 3% (màu xanh lá nhạt trên biểu đồ VN=3% so với UK 13%chi tiêu chính phủ dành cho giáo dục tại VN, chúng ta chỉ có một môi trường giáo dục lạc hậu, thấp kém vào bậc nhất thế giới với đầy rẫy những tiêu cực, thối nát.

Với mức lương 10 triệu mỗi tháng, bạn chỉ để ra được 300k cho việc học hành của con cái. Khi đầu tư cho học hành thấp như vậy, trẻ em đi học đấy mà chẳng thu nhận được đủ đầy kiến thức và giá trị sống. Thực tế, phần lớn các em lớn lên sẽ trở thành những con người vô cảm, lười suy nghĩ và ỷ lại bố mẹ.

Ở UK, giáo dục phổ thông (từ mẫu giáo đến hết trung học A level) hoàn toàn miễn phí. Khi lên đại học, sinh viên Anh chỉ phải đóng học phí chưa đến một nửa mức học phí của sinh viên quốc tế và được chính phủ tạo điều kiện cho vay với mức lãi suất rất thấp.

4. Chi tiêu cho người gặp khó khăn (tàn tật, ốm đau, gặp khó khăn trong việc học, bị các bệnh thần kinh) (Màu tím nhạt trên biểu đồ, VN hoàn toàn không có)

VN = 0% so với UK 4%

Ở UK, việc quan tâm tới những người kém may mắn trong xã hội là một việc hết sức quan trọng. Nếu bạn nhìn kĩ bảng trên, bạn sẽ thấy chi tiêu tại nước Anh cho những người kém may mắn xấp xỉ chi tiêu cho các tổ chức đảng ở VN. Có buồn cười không? Tự bạn rút ra hàm ý từ sự so sánh này nhé.

5. Trả lãi nợ chính phủ (màu xanh trên biểu đồ)

VN = 15% so với UK 5%

Bạn có biết tại sao nợ chính phủ liên tục tăng không? Quan trọng đấy. Bởi với mức thu nhập 10 triệu mỗi tháng, bạn sẽ phải trích ra 1,5 triệu để trả tiền lãi (nên nhớ chỉ trả tiền lãi chứ chưa trả một tí tiền nợ gốc nào). Điều này không hề bình thường chút nào đúng không?

6. Chi tiêu cho trật tự và an toàn xã hội (màu vàng nâu trên biểu đồ)

VN = 0% so với UK 4%
Nếu bạn nghĩ xã hội VN an toàn, bạn đã không phải lo nhà bị trộm, xe cửa bị cướp, nữ trang bị giật trên đường rồi!

7. Chi tiêu cho quân đội và công an (màu xanh navy trên biểu đồ)

VN = 27% so với UK 6%

Nếu lương của bạn là 10 triệu, bạn sẽ phải chi 2,7 triệu nuôi quân độicông an. Con số này thực tế lớn đến mức mà người lập ngân sách ở VN ngại quá phải dấu nhẹm đi !

Để tính ra được con số khủng khiếp này, bạn hãy lấy Chi thường xuyên trừ đi các hạng mục được liệt kê thì phần còn lại sẽ là dành cho quân đội và công an.

Tôi tự hỏi tại sao trong thời bình và hơn nữa chúng ta lại là một nước an toàn nhất nhì thế giới nhưng tại sao lại phải chi nhiều cho quân đội và công an đến thế. Biên giới ngày càng bị thu hẹp, biển đảo đã mất vào Trung Quốc, quân đội chỉ loanh quanh trên đất liền bảo vệ đảng, làm kinh tế và cướp đất của dân. Công an với tinh thần còn đảng còn mình cũng hăng hái kiếm bánh mì, chăn gà, nuôi heo, buôn chổi đót đặng xây biệt phủ, chứ mặn mà gì với phòng chống tội phạm. Thảo nào các em học sinh bây giờ đều mơ ước được vào các trường công an, quân đội học, phải không ạ?

8. Chi tiêu cho bảo vệ môi trường

Màu tím trên biểu đồ: VN = 0% so với UK 4%

Bạn có thấy gì mâu thuẫn ở đây không? Hàng ngày chúng ta vẫn luôn thấy đảng hô hào là phải tăng thuế bảo vệ môi trường (tăng thuế xăng dầu) vì dân ta sống trong môi trường ô nhiễm trầm trọng đã khổ quá rồi.

Trong khi đó chi tiêu cho hạng mục này nhỏ đến nỗi không làm tròn nổi lên 1% và việc họ đã và đang làm gì với phần chi tiêu khiêm tốn cho một công việc đại sự như thế đến bây giờ vẫn còn là một bí mật. Thế nên đừng hỏi vì sao VN đang trở thành cái rốn ung thư cùng vô số bạo bệnh khác của thế giới.

9. Chi tiêu cho giao thông

Màu xanh lá đậm trên biểu đồ: VN = 0% so với UK 4%

Có thể chi tiêu cho giao thông ở VN được gộp với đầu tư phát triển. Nhưng giao thông ở nhà tuyệt vời đến thế nào chắc các bạn cảm nhận được rõ hơn tôi nhiều. Thực tế Bộ Giao thông vẫn giao cho các nhà đầu tư đặt BOT khắp nơi để tiếp tục tận thu từ dân. Vậy số tiền thu được đó, nếu không được tái sử dụng để xây dựng tiếp đường xá thì đã chui vào đâu rồi ?

10. Chi tiêu cho hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và lao động

VN = 1% so với UK 3%

Ở UK, nông dân rất giàu. Họ được chính phủ luôn quan tâm, đầu ra của họ luôn được đảm bảo.

11. Chi tiêu cho hoạt động của tổ chức Đảng

VN = 6% so với UK hoàn toàn không có 

Bạn có thấy mục này vô lý không? Đảng chính là nhà nước hay chính phủ à? Chi phí cho hoạt động của đảng gấp 3 lần chi tiêu cho y tế và 2 lần chi tiêu cho giáo dục.

Hãy tưởng tượng bạn ốm nhưng chỉ đủ tiền đến bệnh viện đưa phong bì cho bác sĩ, nghe một trận mắng vì đưa ít rồi đi về, con bạn với 200k chỉ có thể được hưởng một nền giáo dục ngu dân, nhồi sọ và tẩy não trong khi bạn phải đóng tới 600k để nuôi những người nhục mạ mình?

12. Chi phí đầu tư phát triển

VN = 25% so với UK hoàn toàn không có 

Tôi không rõ chi phí đầu tư phát triển ở VN gồm những tiểu hạng mục nào. Đây là nghệ thuật lập ngân sách. Càng bí hiểm càng có nhiều cơ hội cho những ai mơ ước làm giàu trong đó. Chi cho phát triển nhìn thì nhiều như vậy nhưng trình độ của chúng ta giờ kém cả Lào với Campuchia. Mà ngày xưa ông cha chúng ta toàn coi 2 dân tộc này là “dân mọi rợ” thôi.

13. Các chi phí vô nghĩa

VN = 9% so với UK 0%

Mục này bao gồm vô số khoản ngớ ngẩn mà chúng ta sẽ chỉ có thể thấy ở VN như chi văn hóa thông tin, phát thanh, truyền hình, thông tấn, các hoạt động kinh tế, cải cách tiền lương, tinh giản biên chế. Nó gấp gần 5 lần chi cho y tế và 3 lần chi cho giáo dục - 2 ngành cơ bản nhất của 1 xã hội bình thường. Vô lý hay không tự bạn cảm nhận !

KẾT LUẬN

Đến đây bạn có thể đã hiểu tại sao những quyết định của quốc gia VN không hề chú trọng đến việc nâng cao hiểu biết về bệnh tật qua giáo dục và nâng cao chất lượng hệ thống bệnh viên và nhân viên y tế để phục vụ những người trực tiếp đóng thuế cho họ!

Người dân không có nhận thức, hiểu biết thì không thể tạo được những thói quen sống lành mạnh, từ đó đam mê những thú vui vô bổ như rượu bia, thuốc lá và hoàn toàn ngó lơ hiện trạng xã hội. Đây là hậu quả của một nền giáo dục lạc hậu có chủ đích.

Bản thân người dân cũng biết là sống tốt dở ra sao có ốm đau mà không có tiền thì cũng không thể được chữa trị đàng hoàng. Chính vì vậy, WHO đã chỉ ra rằng số ca ung thư ở VN tương đương với số ca tử vong do chính từng loại ung thư gây ra. Tóm lại, nếu bạn là người VN mà bị ung thư thì gần như chắc chắn là sẽ chết nhanh thôi. Vậy ta muốn cùng ngồi chờ đợi một cái chết từ từ tiến đến hay sẽ làm gì để bảo vệ chính mình và gia đình đây?

Nguồn: click vào phần gạch chân để đến văn bản gốc

Chú thích thêm cho bảng TDNS trên:

3. Hạng mục này ở nước Anh bao gồm các khoản trợ cấp thất nghiệp, hưu trí cho người già và trợ cấp cho trẻ em trong toàn xã hội

4. Hạng mục này bao gồm trợ cấp cho những người có vấn đề về thần kinh, người già neo đơn, trẻ em bị bạo hành, người tàn tật, người gặp khó khăn trong học hành

12. Chi phí đầu tư và phát triển của Việt Nam có thể bao gồm đầu tư cho giao thông. Các mục chi tiêu này quá mập mờ

14. Chi tiêu khác của UK bao gồm cả các khoản đóng góp vào khối EU

13. Các chi phí vô nghĩa này bao gồm chi văn hóa thông tin, phát thanh, truyền hình, thông tấn, các hoạt động kinh tế, cải cách tiền lương, tinh giản biên chế

Tác giả Nguyễn Mạnh Cường là thủ khoa Quản trị Tài chính trường Đại học Hà Nội năm 2006, tiến sỹ Tài chính tốt nghiệp trường đại học Manchester, UK và hiện làm giảng viên cho nhiều trường đại học tại UK.


Written by Dr Cuong Nguyen, Thuy Anh Bui

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét