TRƯỢT ĐỐT SỐNG LÀ GÌ?
Trượt đốt sống là hiện tượng các đốt sống không xếp thẳng hàng với nhau mà có đốt sống bị trật ra khỏi hàng, làm cho trục của các đốt sống phía trên trượt ra khỏi trục của các đốt sống phía dưới chỗ trượt.
Trượt đốt sống xảy ra chủ yếu ở vùng thắt lưng, thường gặp nhất ở khu vực giữa đốt sống thắt lưng số 4 và đốt thắt lưng số 5 (L4-5) và giữa đốt sống thắt lưng số 5 và đốt sống cùng số 1 (L5-S1). Trượt đốt sống thắt lưng rất thường gặp trong cộng đồng. Nhiều trường hợp trượt đốt sống không có biểu hiện gì. Nhiều trường hợp khác được phát hiện nhờ đau lưng.
Có nhiều lời đồn đại trong dân gian rằng khi bị trượt đốt sống, nhất thiết phải mổ sắp cột sống lại, nếu không nó sẽ trượt hẳn ra, cắt đứt tủy sống. Đây là một quan điểm sai lầm vì chỉ một số ít người bệnh trượt đốt sống mới cần đến bác sĩ và cũng chỉ một số ít trong đó mới cần phải mổ.
CÓ MẤY LOẠI TRƯỢT ĐỐT SỐNG?
Có 5 loại trượt đốt sống thường gặp.
1. Loại thường gặp nhất là trượt đốt sống do gãy eo. Eo là một cấu trúc kết nối các đốt sống kế cận với nhau. Ở những người có eo nhỏ bẩm sinh, khi lớn lên, cột sống chịu sức nặng hoặc các chấn thương nhẹ lặp đi lặp lại trong khi xương của eo ngày càng yếu đi rồi gãy, kết nối giữa các đốt sống bị đứt, dẫn đến trượt đốt sống.
2. Đứng hàng thứ hai là trượt đốt sống do bất sản mấu khớp. Trường hợp này, các mấu khớp kết nối giữa 2 đốt sống kế cận không phát triển, dẫn đến trượt đốt sống.
3. Loại thứ ba là do chấn thương làm gãy các cấu trúc liên kết giữa 2 đốt sống kế cận dẫn đến trượt đốt sống.
4. Loại thứ tư trước đây được cho là rất ít nhưng hiện nay gặp rất nhiều và được xếp thành một bệnh lí riêng biệt, đó là trượt đốt sống do thoái hóa.
5. Loại thứ năm là loại trượt đốt sống do bác sĩ gây ra. Khi các bác sĩ mổ thoát vị đĩa đệm (mổ hở) hoặc mổ khác vào cột sống, việc cắt đi các cấu trúc kết nối các đốt sống với nhau gây ra trượt đốt sống. Ngày nay, việc mổ thoát vị đĩa đệm bằng nội soi hoặc dùng khoan mài cao tốc đã giảm thiểu đến mức tối đa tỉ lệ của loại trượt đốt sống này.
TRƯỢT ĐỐT SỐNG THẮT LƯNG CÓ TRIỆU CHỨNG NHƯ THẾ NÀO?
Triệu chứng đầu tiên và thường gặp nhất của trượt đốt sống là đau thắt lưng. Đau tăng lên khi đi, tăng lên sau khi làm nặng, giảm khi nằm. Thỉnh thoảng đau lan xuống dưới mông, đùi, chân theo kiểu đau thần kinh tọa.
Khi trượt đốt sống diễn biến nặng, có thể có các dấu hiệu của thương tổn thần kinh như yếu chân, teo cơ, tê bì hoặc mất cảm giác ở chân, đôi khi có rối loạn tiêu tiểu.
Dấu hiệu khá đặc trưng khi trượt đốt sống diễn biến nặng là dấu hiệu đi cách hồi thần kinh, biểu hiện bằng hiện tượng người bệnh trượt đốt sống bị đau thắt lưng hoặc đau hai chân khi đi, càng đi càng đau, đến một khoảng cách nào đó đau không chịu nổi, phải ngồi nghỉ hoặc xoa bóp chân mới đi tiếp được.
Ở một số người bệnh trượt đốt sống khác, đi cách hồi thần kinh biểu hiện bằng cảm giác nặng chân, hoặc yếu chân gia tăng dần khi đi, đến một khoảng cách nào đó sẽ không nhấc chân lên để đi được, nghỉ một lát mới có thể tiếp tục đi.
TRƯỢT ĐỐT SỐNG THẮT LƯNG ĐƯỢC CHIA ĐỘ NHƯ THẾ NÀO?
Người ta hay nói trượt đốt sống độ I, độ II… Việc tính độ đó là thế nào?
Người ta chia chiều dài từ sau ra trước của bề mặt thân đốt sống bên dưới khu vực trượt ra làm 4 phần bằng nhau, nếu bờ sau của thân đốt sống bên trên trượt ra và nằm ở khoảng ¼ nào sẽ được tính độ theo số thứ tự khu vực đó tính từ sau ra trước. Cụ thể là khi bờ sau của đốt sống trên nằm ở ¼ sau cùng của bề mặt thân đốt sống dưới, người ta gọi là trượt đốt sống độ I, nếu nằm ở khu vực ¼ kế sau cùng sẽ là trượt đốt sống độ II, cứ như vậy ta có trượt đốt sống độ III, trượt đốt sống độ IV.
Có một cách tính khác là tính phầm trăm độ trượt đốt sống, thực chất không khác gì với cách tính trên. Trên thực tế, các đốt sống bị trượt không nằm cố định mà xê dịch nên mỗi tư thế lại có độ trượt khác nhau. Hiện nay, cách chia độ này không còn được các bác sĩ sử dụng.
ĐÁNH GIÁ TRƯỢT ĐỐT SỐNG NHƯ THẾ NÀO?
Người ta đánh giá trượt đốt sống dựa trên 4 yếu tố: mức độ mất vững, mức độ hẹp ống sống do trượt đốt sống gây ra, các thương tổn thần kinh và mức độ ảnh hưởng chức năng của trượt đốt sống lên người bệnh.
Mức độ mất vững là tỉ lệ thay đổi vị trí của các đốt sống ở các tư thế đối nghịch nhau như cúi và ngửa lưng. Mức độ hẹp ống sống là tỉ lệ ống sống còn lại so với lúc chưa bị trượt đốt sống. Các thương tổn thần kinh là hiện tượng yếu, liệt, teo cơ, giảm hoặc mất cảm giác, hiện tượng rối loạn tiêu tiểu.
Mức độ ảnh hưởng chức năng được hiểu là trượt đốt sống gây ra đau hoặc các vấn đề khác, ảnh hưởng tới các chức năng sống và làm việc của người bệnh, ví dụ như không thể làm nghề được, không ngủ được, không ngồi được… và điển hình là hiện tượng cách hồi thần kinh.
Việc đánh giá trượt đốt sống có tầm quan trọng đặc biệt, giúp các bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị cho người bệnh trượt đốt sống.
(phần 2: Điều trị trượt đốt sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét