Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

TẠI SAO LÀM NGƯỜI XẤU DỄ HƠN LÀM NGƯỜI TỐT? (P1)


Chúng ta hay than vãn rằng sao trên đời này người xấu luôn nhiều hơn người tốt và tỏ ra bất bình khi người sống tốt thì không được hưởng những gì tốt đẹp trong khi người xấu thì không bị quả báo. Để rồi từ đó chúng ta dần dần thay đổi theo chiều hướng xấu từ bỏ những gì mình đã và đang làm tốt mà bắt đầu tập làm quen với những thói xấu đến khi mình trở thành người xấu lúc nào không biết. Rõ ràng chúng ta ai cũng có ý thức ghét cái xấu cái ác nhưng lại rất dễ có nguy cơ bị nhiễm cái xấu? Điều này có mâu thuẫn không? Tại sao làm người xấu dễ hơn làm người tốt? Và làm thế nào để bản thân không trở thành người xấu? Bài viết này sẽ lý giải cho các bạn tại sao người xấu lại nhiều hơn người tốt trong xã hội và chúng ta có dễ trở thành người xấu không. 

I. Điều gì chi phối hành động của một người?

Nếu các bạn thích xem truyện tranh hoặc là fan của những bộ phim hài hước, chắc hẳn chúng ta đều khá quen với cảnh khi một người bị cám dỗ bởi cái xấu, bên vai trái người đó sẽ có một con quỷ màu đỏ có sừng cầm đinh ba và nói những lời dụ dỗ đường mật còn bên vai phải là một thiên thần áo trắng dùng những lời lẽ kiểu dạy đời hay lên lớp để bắt buộc người đó làm điều đúng đắn. Và đa số trường hợp, người đó sẽ chọn nghe những lời ngon ngọt của con quỷ để làm chuyện xấu.

Dĩ nhiên hình ảnh quỷ thần ở hai vai chỉ là hình ảnh ẩn dụ ám chỉ sự đấu tranh tâm lý của con người khi phải đứng trước những lựa chọn hoặc cám dỗ của bản thân. Trên thực tế, chúng ta đều biết không có quỷ thần nào xúi giục hay ngăn cản những gì chúng ta muốn làm hoặc thích làm. Nói như vậy cũng không có nghĩa là chúng ta luôn chủ động quyết định mọi hành động của bản thân mình. Bất kỳ một hành động lớn nhỏ nào của con người cũng đều bị chi phối bởi 2 yếu tố: “lực” và “lợi”.


Về yếu tố “lực”, có ba loại lực tác động đến hành vi của con người:

1. Năng lực: là những gì một người bản thân tự có để có thể thực hiện được hành vi của mình. Năng lực của một con người bao gồm: thể lực và trí lực.

2. Động lực: là những gì thúc đẩy khiến con người thực hiện một hành động nào đó. Động lực có thể là tốt nhưng cũng có thể là xấu. Đôi khi động lực là nội tại nhưng cũng có khi là do bên ngoài tác động.

3. Áp lực: là những gì ép buộc con người thực hiện một hành động nào đó mà mình không mong muốn. Cũng như động lực, áp lực có thể tốt nhưng cũng có thể xấu nhưng thường áp lực là do bên ngoài tác động lên con người.

Về yếu tố “lợi”, cũng sẽ có ba loại lợi tác động đến hành vi của con người:

1. Thuận lợi: là những yếu tố giúp cho con người thực hiện hành động của mình dễ dàng hơn.

2. Bất lợi: là những yếu tố cản trở hoặc gây khó khăn cho hành động của một người.

3. Quyền lợi: là những gì con người sẽ đạt được sau khi thực hiện hành động của mình.

Nếu đặt hai yếu tố “lực” và “lợi” bên cạnh nhau, chúng ta sẽ thấy năng lực của một người có thể là thuận lợi cũng có thể là bất lợi của người đó còn quyền lợi thường gắn với yếu tố động lực hoặc áp lực. Khi làm việc, bản năng của con người thường thôi thúc họ chọn những việc thuận lợi, nhiều động lực và nhiều quyền lợi nhưng ít áp lực và bất lợi cũng như ít cần đến năng lực. Ngược lại con người thường có khuynh hướng tránh những công việc có nhiều áp lực, gặp nhiều thử thách, đòi hỏi năng lực cao nhưng không thấy được quyền lợi tức thì. Chính sự cân đo đong đếm này sẽ khiến một người quyết định làm điều tốt hay điều xấu.

II. Tại sao con người lại dễ làm điều xấu hơn điều tốt?

1. Làm điều xấu dễ dàng hơn làm điều tốt và có hiệu quả tức thời: Bản năng của con người luôn có khuynh hướng làm những điều gì ít tốn công sức nhất và mang đến hiệu quả tức thời nhất. Khi phải chọn lựa giữa một điều có lợi trước mắt, không đòi hỏi quá nhiều sự cố gắng nhưng gây hại về sau và một điều lúc đầu sẽ phải cực khổ, tốn nhiều công sức mồ hôi nước mắt nhưng kết quả thì phải rất lâu mới có thể thấy được hoặc thậm chí là có thể không đạt được, người ta thường chọn lựa chọn đầu tiên. Giữa ngủ nướng và dậy sớm tập thể dục, ngủ nướng thích hơn nhiều mặc dù bạn biết chắc chắn rằng tập thể dục sẽ có lợi cho sức khỏe nhưng cái lợi đó quá xa. Giữa ăn uống nhậu nhẹt vô độ và ăn uống kiêng khem hợp tình hợp lý, ăn uống nhậu nhẹt sướng hơn nhiều dù bạn biết ăn nhậu vô độ sẽ gây ra bệnh tật nhưng bạn không thắng được nó vì nó thỏa mãn dục vọng tức thời. Giữa việc kinh doanh gian lận để đạt siêu lợi nhuận và làm ăn chân chính để lượm từng đồng, kinh doanh gian lận cám dỗ hơn nhiều dù cũng có lúc bạn cảm thấy xấu hồ về những việc làm vô đạo đức của mình nhưng mãnh lực đồng tiền vẫn mạnh hơn. Khi bạn chọn việc làm điều xấu, bạn đã để cho phần con chiến thắng phần người,bản năng chiến thắng lý trí của mình.

2. Làm điều xấu có tính kích thích và hấp dẫn cao hơn điều tốt: Khi còn nhỏ, chúng ta chắc chắn ai cũng có những lúc bực bội khó chịu khi bị ba mẹ hoặc người lớn bắt buộc những điều đúng điều tốt và cấm làm những điều sai trái. Đang chơi thì bắt đi ngủ, đang xem tivi thì bị bắt tắt để học bài, đang ngủ nướng thì bị gọi dậy đi học, ăn cơm thì bắt phải ăn nhiều rau và hạn chế ăn bánh ăn kem... Điều tốt thường khó làm nên rất ít ai tự giác mà phải bị ép buộc mới chịu làm. Dần dần làm điều tốt trở thành một gánh nặng đối với những người dễ dãi không có kỷ luật với bản thân. Ngược lại, khi bị cấm đoán con người thường tò mò và muốn làm cho bằng được để thỏa mãn cái tôi của bản thân. Cơm canh nóng sốt dọn lên mâm đàng hoàng ăn không ngon bằng ăn vụng, được nghỉ học đi chơi không sướng bằng trốn học đi chơi, có gia đình hạnh phúc vẫn thích ra ngoài lăng nhăng vụng trộm... là những ví dụ cụ thể về việc con người làm điều xấu không phải vì họ thiếu thốn mà chỉ vì làm điều xấu tạo được cảm giác phiêu lưu mạo hiểm khiến nó trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều so với làm điều tốt.

3. Làm điều xấu là một cách chứng tỏ bản thân khi thua kém: Con người ai cũng có nhu cầu chứng tỏ bản thân mình ở một mức độ nào đó bằng những thế mạnh sẵn có: nhan sắc, giọng hát, trí tuệ, khiếu hài hước, sự tháo vát nhanh nhẹn... Dĩ nhiên những người không có những lợi thế trên vẫn muốn thu hút sự chú ý của người khác và thế mạnh của họ là liều lĩnh thậm chí là nguy hiểm làm những điều mà người khác không dám làm. Nếu bạn là một người có học hành tử tế ý thức tốt tôi cá là bạn sẽ không đời nào gây chú ý bằng cách đua xe lạng lách đánh võng ngoài đường khi không đội nón bảo hiểm như bọn trẻ trâu. Nếu bạn có công ăn việc làm ổn định có gia đình riêng, bạn sẽ không chọn cách giải quyết xung đột bằng nắm đấm hoặc dao búa như những tay giang hồ anh chị chỉ có cái mạng để liều. Để đạt được một vị trí trong công ty, người không có trình độ chuyên môn hoặc thực lực sẽ không ngần ngại giở thủ đoạn đê tiện để đạt được mục đích vì họ biết rằng mình không thể nào sánh được với những người thực sự giỏi. Cái cảm giác chiến thắng kẻ xứng đáng hơn mình bằng cách dùng thủ đoạn mang lại cho con người một tâm lý hả hê và sung sướng hơn là cảm giác thành công bằng thực lực vì nó thách thức sự công bằng.

4. Làm điều xấu là một cách phản kháng đối với những điều xấu khác: Khi không có khả năng chống cự hoặc đối đầu với những điều tội tệ xảy ra với mình, con người thường tìm cách trút giận lên những người yếu hơn mình. Một người vừa mới bị sếp chửi sấp mặt trong công ty rất dễ có khuynh hướng gây sự thậm chí đánh nhau với một người lạ chỉ vì một va quẹt nhỏ ngoài đường hoặc về nhà chửi vợ đánh con. Những người nghèo trong một xã hội đầy rẫy những bất công và tệ nạn sẽ thấy việc lừa gạt gian lận kiếm chút bạc lẻ là cách để họ đánh đổi lại những gì họ đã bị cướp đi. Mặc dù họ biết rằng hành động của mình là sai trái nhưng họ vẫn làm vì điều đó giúp họ giải tỏa tâm lý và họ sẽ ngụy biện rằng những điều xấu mà họ vẫn không bằng những bất công mà họ phải gánh chịu. Hơn nữa, dần dần họ sẽ nảy sinh tâm lý là làm điều xấu là một kỹ năng quan trọng sinh tồn nếu muốn tồn tại.

5. Làm điều xấu vì có nhận thức sai lầm về nguồn gốc của bất công: Một người chịu những bất công và bất hạnh trong cuộc sống nhưng có nhận thức hạn chế hoặc sai lầm sẽ cho rằng nỗi khổ của mình là do người khác lấy mất phần tốt đẹp dù họ không thể chứng minh được điều đó. Vì thế họ sẽ cho mình quyền được căm ghét những người hạnh phúc hơn mình. Những học sinh kém thường ghét và tìm cách bắt nạt những học sinh giỏi hơn mình chỉ vì mấy đứa học giỏi nhìn chảnh chó thấy ghét. Những người nghèo sẽ có tâm lý ghét người giàu vì họ cho rằng những người giàu đó là nguyên nhân khiến cho họ phải nghèo. Những người làm công sẽ có tâm lý ghét chủ vì họ cho rằng họ phải làm quần quật để làm giàu cho chủ. Vì thế họ sẽ không có cảm giác tội lỗi khi làm những điều xấu xa. Khi bị kích động, họ sẽ trở nên nguy hiểm và có những hành động trả thù tàn bạo đối với những người bị cho là mang lại bất công cho họ. Điều này lý giải tại sao những cuộc cách mạng bạo lực đều không mang đến sự công bằng mà nó đề ra ban đầu vì nhận thức từ đầu đã là sai lầm.

6. Làm điều xấu do sự tác động của môi trường bên ngoài: Con người là một loài động vật có tính bầy đàn cao nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Về mối quan hệ giữa môi trường và điều xấu, các nhà tâm lý học chia ra thành những mối quan hệ sau đây:

a. Có động lực làm điều xấu nhưng môi trường không cho phép điều xấu hiếm khi xảy ra. Ví dụ bạn muốn vượt đèn đỏ trong khi mọi người nghiêm chỉnh chấp hành giao thông hoặc có cảnh sát giao thông đứng đó, bạn sẽ rất ít khi dám liều vượt đèn đỏ một mình.

b. Có động lực làm điều xấu và môi trường đồng lõa khả năng làm điều xấu rất cao. Ví dụ, bạn đi đêm khuya chỉ có một mình, rất có khả năng bạn sẽ chạy luôn khi gặp đèn đỏ.

c. Có động lực làm điều xấu và môi trường ủng hộ chắc chắn bạn sẽ làm điều xấu. Ví dụ ai cũng vượt đèn đỏ, bạn gần như sẽ khó chiến thắng được lương tâm của mình mà sẽ làm theo số đông.

Một người hiền lành nhút nhát sẽ ăn trộm hoặc đánh người hoặc làm những điều tồi tệ hơn nữa nếu những người xung quanh đều làm như thế. Đầu tiên, họ sẽ cảm thấy rằng người ta ai cũng làm thì điều này chưa hẳn đã sai trái. Thứ hai, nếu ai cũng làm thì mình cũng phải làm nếu không muốn bị lạc lõng hoặc bị cô lập. Thứ ba, họ sẽ không cảm thấy trách nhiệm đổ lên đầu một mình mình nếu bị phát giác vì mình ít ra cũng có những đồng phạm và đồng lõa. Một cậu sinh viên học giỏi trung thực rất dễ biến chất thành một người xảo quyệt thượng đội hạ đạp nếu ra trường và làm việc trong một công ty toàn những người như thế. Một cô gái nhà lành ngoan hiền sau một lần lỡ bước sa chân sẽ rất dễ hư hỏng ăn chơi nếu môi trường bạn bè xung quanh đều như thế.

VIỄN HUỲNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét