Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

TRƯỢT ĐỐT SỐNG THẮT LƯNG (phần 2: điều trị bảo tồn) - BS Võ Xuân Sơn


NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ TRƯỢT ĐỐT SỐNG THẮT LƯNG

Có một quan niệm hết sức sai lầm là khi bị trượt đốt sống, chúng ta phải kiêng cử vận động, và phải mang nẹp lưng liên tục. Người ta cho rằng khi cột sống bị trượt, vận động sẽ làm cho cột sống trượt thêm, và việc mang nẹp lưng giúp cho cột sống ít bị "xục xịch", ít "gây chuyện" hơn.

Đúng là nếu hạn chế vận động và mang nẹp lưng, chúng ta sẽ đỡ đau ngay tại thời điểm đó. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta là một cơ thể sống, nó không vận hành giống như một cái máy với những bộ phận vô cơ. Đối với một cơ thể sống, có một qui luật, là cái gì xài đến thì nó to và mạnh ra, còn cái gì không xài thì nó teo nhỏ và yếu đi.


Do vậy, việc hạn chế vận động, và nhất là việc mang nẹp lưng, sẽ làm cho các khối cơ hỗ trợ sự vững chắc của cột sống bị yếu đi. Nếu chúng ta điều trị trượt đốt sống theo hướng tích cực, là tăng cường vận động, làm mạnh khối cơ hỗ trợ cho cột sống (cơ vùng lưng, cơ bụng...), thì tình trạng trượt đốt sống có khả năng trở nên vững, mà không gây ra các triệu chứng.

Còn nếu hạn chế vận động và mang nẹp lưng, chắc chắn, cột sống sẽ ngày càng yếu, hiện tượng mất vững ngày càng gia tăng, và tình trạng bệnh sẽ ngày càng nặng. Đồng ý là trong một số trường hợp nhất định, vận động làm cho tình trạng nặng lên. Nhưng đó chỉ là những thời điểm rất hãn hữu. Khi ấy thì chúng ta cần hạn chế vận động và mang nẹp lưng khi di chuyển.

Nhưng ngày sau khi ổn định, chúng ta phải bỏ bẹp lưng ra, và tiếp tục vận động. Chúng ta hãy chọn lựa, một bên là việc có một ít khả năng xấu đi nhanh chóng, nhưng lại có khá nhiều khả năng sẽ tốt hơn, với một bên là trước mắt thì dễ chịu, nhưng về lâu dài lại gần như chắc chắn sẽ xấu hơn.

Một nguyên tắc nữa, là trượt đốt sống thắt lưng chỉ cần điều trị khi nó gây ra chuyện gì đó, ví dụ như đau, tê, yếu, liệt, đi cách hồi thần kinh... Còn khi trượt đốt sống mà không có triệu chứng gì thì không cần chữa trị. Trên thực tế, nếu trượt đốt sống thắt lưng không có triệu chứng, thì chúng ta cũng sẽ không biết điều trị như thế nào. Không ai tự nhiên đi mổ, sắp lại xương cho một trường hợp trượt đốt sống thắt lưng không có triệu chứng, trừ trường hợp cần xóa đói giảm nghèo cho bệnh viện và phẫu thuật viên.

Một nguyên tắc thứ ba, vô cùng quan trọng, là điều trị bệnh trượt đốt sống thắt lưng là điều trị những cái mà nó gây ra, chứ không phải là nắn cho cột sống thẳng lại, làm cho nó không còn trượt. Người bệnh sẽ đánh giá việc chữa trị hiệu quả hay không tùy thuộc vào việc giảm hay hết các triệu chứng mà họ phải chịu đựng. Không ai quan tâm xem cột sống của người bệnh đã hết trượt hay chưa, kể cả sau mổ. Việc nắn thẳng cột sống chỉ có tác dụng để mấy ông bác sĩ mang khoe, và khen, tâng bốc nhau mà thôi.

ĐIỀU TRỊ KHÔNG MỔ

Một trong các biện pháp điều trị trượt đốt sống thắt lưng mang tính cơ bản và lâu dài là tập các bài tập cho cơ mạnh lên. Bình thường, độ ổn định của cột sống được bảo đảm bằng các cấu trúc xương, dây chằng, bao khớp, và tổ chức cơ hỗ trợ cho cột sống.

Trong bệnh lí trượt đốt sống thắt lưng, hệ thống xương hoặc dây chằng, bao khớp không còn đủ mạnh để giữ ổn định cho cột sống, nên các đốt sống sẽ di chuyển không đồng bộ mỗi khi chúng ta vận động. Người ta gọi hiện tượng đó là mất vững.

Các bài tập làm mạnh cơ sẽ giúp cho cơ hỗ trợ tốt hơn cho cột sống, tạo ra sự ổn định trong liên kết giữa các đốt sống khi chúng ta cử động. Khi cơ mạnh lên sẽ hỗ trợ làm cho liên kết giữa các đốt sống chắc chắn hơn, cột sống được ổn định. Khi cơ không đủ mạnh để hỗ trợ, liên kết giữa các đốt sống không còn đủ chắc chắn, cột sống sẽ bị mất vững mỗi khi chúng ta di chuyển, từ đó gây ra đau hoặc các triệu chứng thần kinh.

Người ta chỉ bất động cột sống bằng cách mang nẹp lưng và hạn chế vận động trong một thời gian ngắn, khi đang trong cơn đau cấp. Về lâu dài, việc kiêng vận động, và bất động cột sống bằng cách mang nẹp lưng chỉ làm cho liên kết giữa các đốt sống ngày càng yếu đi và trượt đốt sống cùng hiện tượng mất vững gia tăng lên mà thôi.

Điều trị vật lí trị liệu với kéo dãn cột sống, áp dụng các phương pháp giảm đau sử dụng nhiệt, kích thích điện... Có thể dùng thêm các thuốc kháng viêm, giảm đau, giãn cơ... để làm giảm các triệu chứng của trượt đốt sống thắt lưng. Sẽ có người cho rằng có sự mâu thuẫn trong việc cần cơ mạnh với việc kéo giãn cột sống và dùng thuốc giãn cơ.

Nghe thì có vẻ như vậy. Nhưng trong bệnh lí trượt đốt sống thắt lưng, có sự kích thích làm cho các nhóm cơ co kéo theo nhiều hướng và nhiều kiểu khác nhau, tạo sự lệch lạc trong sự chuyển động của các đốt sống, việc kéo giãn cột sống và sử dụng thuốc giãn cơ có tác dụng giảm sự co kéo bất thường.
Khi việc luyện tập và điều trị dẫn đến một trạng thái cân bằng, các triệu chứng không còn nữa, bệnh nhân chung sống với cái cột sống bị trượt. Lúc này, bệnh nhân không cần phải kéo lưng, sử dụng nhiệt hay điện, cũng không cần dùng thuốc gì. Tuy nhiên, việc tập cơ thì bệnh nhân phải thực hiện suốt đời nếu muốn duy trì được trạng thái cân bằng đã đạt được.

Thình thoảng lại có những đợt đau. Những đợt đau này có thể do sự cân bằng bị mất đi tạm thời, cũng có thể là do các nguyên nhân khác đến từ viêm khớp, viêm cơ, hoặc thậm chí là cảm cúm... Sau một đợt điều trị, các triệu chứng giảm và biến mất.

Rất nhiều bệnh nhân đặt ra câu hỏi: có cần phải kiêng làm nặng, không được chơi thể thao hay không? Quan điểm của y học hiện đại là đưa người bệnh về cuộc sống bình thường. Khi đó, người bệnh có thể làm gì tùy thích. Nhiệm vụ của y học là giúp cho họ làm được những gì họ muốn.

Y học hiện đại không cổ súy cho việc bắt bệnh nhân hạn chế đủ thứ, không được làm việc này, việc khác, nhất là phải bỏ nghề, chuyển sang nghề khác. Y học hiện đại cố gắng để người bệnh vẫn là người bình thường, chứ không biến người bệnh thành người bất thường.

Các bác sĩ chuyên về cột sống nước ngoài vẫn nói vui, rằng các bác sĩ phải làm sao cho người bệnh vẫn có thể đi làm, và kiếm được tiền để còn có tiền trả cho bác sĩ.

Có 3 nguyên tắc mà người làm công việc liên quan tới thể lực và tập luyện thể thao cần tuần thủ. Đó là tập (hay làm việc) vừa sức, làm việc (hay tập) đúng kĩ thuật, và làm nóng (khởi động) trước khi tập hoặc làm việc nặng.

Tập (hay làm việc) vừa sức là nếu thấy đau thì ngưng lại (đó là biểu hiện của sự quá tải), hết đau lại tiếp tục, và tăng lên từ từ. Ví dụ như người bệnh muốn mang nặng 30kg, thì trước hết phải mang được 15kg. Khi nào mang 15kg "ngon lành cành đào" thì mới tăng lên 20kg, rồi 25kg. Và chỉ khi mang 25kg nhiều lần và thật thoải mái mới tăng lên 30kg.

Việc tập luyện hay làm việc đúng kĩ thuật tùy thuộc vào khả năng huấn luyện. Nhưng việc thường xuyên "quên" làm nóng có lẽ là đặc điểm cố hữu của người Việt nam chúng ta. Việc này thường gây ra các hậu quả đáng tiếc, nhất là khi chơi thể thao.

Khi trượt đốt sống gây ra thương tổn thần kinh hoặc ảnh hưởng nặng đến chức năng đi lại, đến khả làm việc của người bệnh, đặc biệt là khi có hiện tượng cách hồi thần kinh, chỉ định mổ mới được đặt ra.

(phần 3: Điều trị phẫu thuật).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét