Người bạn nói với Rơm:
"Thằng Năm nhà em nó lại bị bắt rồi, chị có đi thăm nó thì đi, em không muốn nhìn nó nữa."
Thế
là Rơm thay bạn đi thăm Năm, Rơm biết chị bạn đã khổ vì cậu con này lắm
rồi, nên bây giờ nói hờn, nói dỗi nhưng trong lòng, Rơm biết chị thương
Năm nhất trong ba đứa con của chị. Vì hai cô con gái đầu thì ngoan
ngoãn học hành chăm chỉ, riêng Năm thì khác hẳn hai chị. Năm thông minh,
có nhiều tài như vẽ đẹp, đánh đàn hay, và thuộc nhiều thơ nhưng cá tính
rất mạnh. Hồi mới mười hai tuổi có một lần giận Bố, Năm vác cần câu ra
hồ ngồi suốt một đêm, làm cả nhà toán loạn đi tìm, đi báo cảnh sát. Lớn
lên một chút nữa Năm bắt đầu không thích cắp sách đến trường, lúc nào
cũng chỉ thích thơ thẩn ở mấy cái công viên, mấy khu hồ hay trốn nguyên
ngày dưới nhà hầm hý hoáy vẽ hoặc đóng, cưa một cái gì đó mà Bố Mẹ Năm
không thể nào biết được. Cả hai vợ chồng đều đi làm từ sáng đến chiều,
có khi làm cả ngày cuối tuần, ít khi có dịp gặp mặt một đứa con lúc nào
cũng muốn lẫn tránh cả nhà. Năm bỏ học lúc mười bảy tuổi, năm nay đã hăm
hai vẫn chưa xong Trung Học. Hai năm về sau này thỉnh thoảng Năm lại
dính líu vào một vụ bắt bớ như lái xe quá tốc độ, cảnh sát gọi không
dừng lại hoặc cảnh sát tìm thấy vài lá cần sa trong xe, một lần nữa bị
bắt vì có ý hành hung chống lại cảnh sát. Lần này thì Năm bị bắt vì tội
dám bạt tai cô bạn gái khi cô này gọi Năm là: Một người đánh mất linh
hồn (A lost soul).
Rơm có lẽ là người duy
nhất thỉnh thoảng Năm còn truyện trò một đôi câu. Có lẽ tại khi có dịp
nói chuyện với Năm, Rơm không khuyên răn, giảng dậy gì cả, mà chỉ nghe
Năm nói, hoặc nói về một đề tài gì mà Năm thích như vẽ vời, câu cá, hoặc
một bài hát mới ra, một ca sĩ đang được khen ngợi.
Rơm
bước ra cửa thang máy, trước mặt Rơm là một bức tường chắn ngang có
chia từng ô cửa nhỏ, ngăn kính, trước mỗi ô cửa có một máy điện thoại.
Người ngồi trong cửa sổ và người ngồi bên ngoài có thể nhìn thấy nhau rõ
ràng và nói với nhau bằng hai đầu dây điện thoại. Rơm nhìn sang phía
trái của nhà giam phía sau tấm cửa kính lớn, cách một lối đi lại là một
gian buồng lớn khác cũng được ngăn bằng kính dầy, ở đó có bàn giấy và
nhân viên an ninh mặc đồng phục ngồi kiểm soát tù nhân. Gian buồng đó,
dưới mắt Rơm giống như một cái nhà tù nhỏ ở trong một cái nhà tù lớn,
thực ra nó chỉ làm nhiệm vụ của một cái chòi canh. Cả khu được sơn mầu
xanh lá cây, các bức tường cao, thẳng đứng, lạnh lùng và câm lặng. Không
một bức tranh không một khẩu hiệu kẻ trên tường. Những khung cửa sổ
gắn kính và song sắt đụng trần nhà để cho ánh sáng lùa vào chứ không
phải để cho người đứng trong được nhìn ra trời, đất bên ngoài.
Năm
đã đứng sẵn sau một ô kính, mặc một bộ đồng phục của nhà tù mầu rượu
chát, loại quần áo bằng vải mỏng như những quần áo của lao công trong
các bệnh viện, Rơm không thấy quần áo của Năm có đánh số, có lẽ vì đây
chỉ là nơi tạm giam của những người tội nhẹ, trước khi đem ra xử.
Rơm mỉm cười với Năm, Năm cầm điện thoại lên trước, hỏi:
"Mẹ cháu nhờ cô vào thăm cháu phải không?"
"Mẹ có nhờ và cô cũng muốn gặp Năm nữa."
"Cô cần gặp cháu làm gì?"
"À, cô muốn nói chuyện với Năm và cô còn đem quà vào cho Năm nữa."
Năm nhìn Rơm với cặp mắt nghi ngờ:
"Quà gì vậy cô, ở đây họ đâu có cho đem quà vào."
Rơm
không nói, cô cho tay vào túi áo khoác lấy ra một phong bì, cô mở phong
bì, gượng nhẹ kéo ra một xấp lá vàng, cô cười với Năm, áp mấy chiếc lá
sát vào mặt kính.
"Quà của Năm đây, những
chiếc lá Aspen này cô mới nhặt sáng nay, Năm có thấy nó có mầu vàng
giống như mầu vàng ròng của những món nữ trang không?"
"Có phải những cây Aspen ở sau vườn nhà cô không?"
"Năm
có trí nhớ giỏi thật, có đến cả ba, bốn năm nay rồi Năm đâu có đến nhà
cô mà vẫn nhớ hàng cây Aspen đó. Mà cô đố Năm cây Aspen này dịch ra
tiếng Việt tên là gì."
Năm dán mũi sát
vào mặt kính, mở to cặp mắt mầu nâu, Rơm thấy kẽ mắt Năm như nứt ra, có
một chút viền đỏ, giống như một sợi chỉ chạy chung quanh mắt, tự nhiên
Rơm thấy tim mình nhói lên trong một tíc tắc.
"Cháu
không biết tiếng Việt gọi nó là gì, nhưng cháu nhớ rất rõ là thân cây
có màu trắng, và mình có thể bóc được lớp vỏ mỏng của vỏ cây."
"Khá
lắm - Rơm gật gù khen. Cây Aspen tiếng Việt gọi là cây Bạch dương, cái
tên thật tuyệt, đọc lên nghe như đọc một câu thơ vậy."
Năm
vẫn dán mũi vào kính, những chiếc lá Bạch dương ở phía bên kia mặt kính
cũng như ôm sát lấy mặt Năm, Năm không nghe rõ những lời của Rơm, anh
đang mải ngắm những chiếc lá, anh muốn bóc nó xuống mà không bóc được,
những chiếc lá như những mảnh vàng nhỏ dát lên mặt kính. Năm như ngửi
được cái mùi tươi, ẩm của những giọt nước ở trong từng thớ lá, anh hít
một hơi dài, bàn tay anh đang xòe ra áp vào khung kính, bỗng buông thõng
xuống, Năm hỏi:
"Tối qua là Rằm Trung Thu phải không cô?"
Rơm ngạc nhiên:
"Tại sao Năm biết, trong này làm gì có lịch in ngày Ta."
Năm nói giọng buồn buồn, đầu hơi cúi xuống, đôi vai vẫn buông thõng..
"Cháu
biết, vì trước hôm bị bắt vào đây, cháu đi chợ Việt Nam thấy bày bánh
Trung Thu, cháu hỏi bà bán hàng thì bà nói còn một tuần nữa, cháu ở
trong này đúng một tuần rồi."
Rơm vỗ vỗ nhè nhẹ lên mặt kính như vỗ lên vai Năm.
"Phải,
hôm qua cả ngày mưa, đêm khô nhưng nhiệt độ xuống thấp nên trăng tháng
Tám năm nay sáng lắm, trăng có mầu bạc chứ không phải trăng vàng."
"Tiếc
quá, thế mà cháu không được ngắm, cháu vẫn thích trăng bạc hơn là trăng
vàng, mà cô có biết tại sao trăng khi thì bạc, khi thì vàng hay không?"
Rơm
chần chừ không dám trả lời theo sự hiểu biết sơ sài về trăng của mình,
Rơm biết tuy Năm bỏ học ở lớp 12 nhưng sự hiểu biết của Năm rất khá trên
nhiều phương diện, nhất là về văn chương, vì Năm đọc rất nhiều, cậu bé
này là một con mọt sách. Rơm sẽ không ngạc nhiên nếu một ngày nào đó Năm
trở thành một nhà văn, Rơm nói:
"Cháu biết gì về trăng thì nói cho cô nghe."
Năm đứng thẳng người lên, hai mắt chùng xuống anh nói chậm rãi:
"Bây
giờ là giữa tháng Tám ta, nhưng dương lịch đã vào tháng Mười, ở tiểu
bang lạnh như ở đây thì độ lạnh có thể làm thay đổi cách nhìn. Trăng thì
không đổi màu nhưng vào mùa lạnh mình nhìn trăng qua một lớp sương
lạnh, ở trên cao, và ở xa tầm mắt, trăng có màu bạc. Vào mùa nóng, mình
nhìn trăng qua một lớp bụi và khí nóng, trăng thấp và gần, trăng có màu
vàng. Tháng Tám dương lịch trăng vàng như mật gọi là Trăng Mùa Gặt
(Harvest moon) Tháng Mười dương lịch trăng có màu bạc gọi là Trăng Mùa
Săn (Hunting moon). Tháng này là tháng cấp giấy phép cho người săn bắn.
Còn một tên trăng khác gọi là Trăng Xanh (Blue moon) là khi nào cùng ở
trong một tháng mà có hai đêm trăng tròn thì mặt trăng tròn của đêm đó
được gọi là Trăng Xanh. Trăng xanh có thể ở cuối tuần, hoặc đầu tuần của
tháng chứ không phải là trăng của đêm rằm. Điều này rất hiếm, nhưng có
xảy ra."
Rơm lại xoa xoa tay mình lên cửa kính như xoa trên cánh tay Năm...
"Cháu hay quá, bao giờ nói chuyện với cháu, cô cũng học được một điều gì."
Năm cũng đưa tay lên, xòe cả bàn tay ra áp lên bàn tay Rơm bên kia mặt kính, Năm nói:
"Để cháu đọc cho cô nghe một đoạn thơ này:
With bars they blur the gracious moon,
And blind the goodly sun
And they do well to hide their Hell,
For in it things are done
That Son of God nor son of Man
Ever should look upon."
Rơm đứng lặng người đi một phút, ngập ngừng hỏi:
"Thơ của ai mà nghe cay đắng thế!"
"Đây
là một đoạn trong bài thơ dài in thành một tập nhỏ có tựa là The Ballad
of Reading Gaol, xuất bản năm 1913 tại New York. Tác giả ký tên là C.33
(số xà lim), Reading là tên một thành phố thuộc nước Anh, cô có thể tạm
dịch ra tiếng Việt là "Khúc hát trong nhà tù ở thành Reading" Còn đoạn
thơ này cháu không đủ tiếng Việt để dịch cho xuôi, cô về nhà dịch hộ
cháu."
Rơm bàng hoàng, vẫn biết là Năm
hay đọc sách nhưng sao Năm có thể nhớ ra được một đoạn thơ cũ kỹ như thế
này vào đúng cái hoàn cảnh giam hãm Năm đang ở trong. Cô bạn gái của
Năm đã gọi Năm là "A lost soul" thật là một điều lầm lẫn, Rơm nghĩ tâm
hồn Năm nào có khác gì viên ngọc quý còn dấu trong tảng đá xấu xí, một
ngày nào đó có người đến đập tảng đá ra sẽ tìm thấy nó. Quả thật mình
không cần khuyên nhủ hay lên tiếng dạy dỗ những quy luật cứng ngắc của
đời sống với người thanh niên này, Rơm xoay câu chuyện trở lại với ánh
trăng.
"Tối qua trăng đẹp lắm, cô ra nằm ở
ngoài phòng khách, cô nằm ngay dưới sàn nhà nhìn lên phía cao của cửa
sổ. Cô thấy mặt trăng như một chiếc khay bạc treo trên những nhành cây,
cửa sổ nhà cô không phải là một vuông kính lớn mà là loại cửa có cắt ra
từng những ô nhỏ, bởi những nẹp gỗ ngang dọc, mỗi ô chỉ bằng một trang
giấy nên mặt trăng nhiều khi cứ bị cắt ra thành mảnh nhỏ, cô thấy thương
quá, cô bỗng nhớ đến câu thơ cũ
"Trăng nhòm cửa sổ mặt trăng vuông"
Cô
lại nằm xoay đi xoay lại mãi cho đến khi ở một góc nào đó cô có thể
nhìn thấy trăng nguyên vẹn. Thỉnh thoảng lại có đám mây đi ngang qua mặt
trăng làm cho cặp mắt mình lúng túng, không biết là mây kéo trăng đi
theo hay là trăng đi mà dắt theo mây. Cô nhớ đến sáng nay sẽ đi thăm Năm
nên cô muốn đem theo mặt trăng rằm vào làm quà - Rơm ngừng nói, cho
tay vào một cái túi khác trên áo lấy ra một miếng bìa mỏng màu đen (loại
giấy làm thủ công) trên đó có vẽ một cái vòng tròn sơn kim nhũ bạc, đưa
cho Năm xem qua cửa kính.
"Cô không phải
là họa sĩ, nên không biết vẽ những cành cây và khung cửa, cô chỉ biết
đêm thì màu đen và trăng thì bạc, cô tặng Năm đây, một chốc nữa xuống
dưới kia, trước khi về cô sẽ hỏi thể lệ ở văn phòng để gửi cho Năm, cô
nghĩ chắc là họ chẳng cấm đoán gì với một mặt trăng."
Năm nhìn vào mắt Rơm:
"Cô
làm cháu cảm động quá, cô thấy cháu bây giờ cũng nào có khác gì bóng
trăng, cháu không biết là cháu đang ở bên ngoài hay bên trong cửa sổ
nữa, cháu còn nguyên vẹn hay cháu bị cắt ra thành những miếng vuông. Cha
mẹ cháu có nhìn thấy một mảnh nhỏ nào lấp lánh của cháu hay không?"
"Cô
nghĩ là cha mẹ cháu có nhìn thấy, nhưng cha mẹ nào mà không tham lam,
mà không muốn nhìn thấy nguyên cả một mặt trăng thay vì những mảnh vụn
lấp lánh ở con."
Năm rời một bàn tay đang áp lên bàn tay Rơm, dùng ngón trỏ di động vòng theo mặt trăng bạc trên phía sau mặt kính.
"Cháu
biết là cháu sẽ được ra khỏi đây không lâu vì cháu chẳng có gây ra
thương tích nào cho cô bạn cháu cả, nhưng thú thật với cô đời sống đối
với cháu cũng là một nhà tù kiên cố lắm rồi, ra hay ở trong này cũng
chẳng khác gì nhau."
"Tại sao Năm lại nghĩ đời sống là một nhà tù."
Năm
nhìn vào khoảng không, đôi mắt anh mở lớn, sáng bóng. Rơm đọc được
trong đó sự thông minh, sự nhạy cảm và tuổi trẻ của người thanh niên.
Năm nói chậm và rõ.
"Cô cũng đang ở trong
nhà tù, một cái nhà tù vô hình mà cô không biết. Cô có thấy khi mình
sống mình bị lệ thuộc vào cả trăm thứ luật lệ, bổn phận hay không? Như
cháu đây, để được gọi là một người đàng hoàng đúng nghĩa, cháu phải ăn
học đến nơi đến chốn, có công việc làm, lấy vợ, đẻ con, lái xe và thắt
cà vạt. Cháu phải sống cái cách mà xã hội muốn cháu sống để làm đẹp cho
xã hội, nếu cháu sống khác đi (theo ý cháu muốn) thì cháu sẽ bị hất ra
ngoài. Như vậy cuộc sống nào khác gì một cái bánh xe mà con người chỉ là
những viên bi, những con ốc đã được tạo ra, đánh bóng lắp vào cái bánh
xe đó. Bánh xe quay thì những viên bi, những con ốc cũng quay theo. Nếu
có một vật lạ nào, không cùng một hình dáng, khác thể chất lọt vào bánh
xe đó thì sẽ bị bật tung ra ngay. Còn như cô, cô có biết là tối hôm qua
đang khi cô nằm dưới đất ngắm lên mặt trăng, thương cho mặt trăng bị cắt
từng mảnh nhỏ qua khung cửa sổ thì cũng là lúc mặt trăng đang ngắm lại
cô, thương cho cô, một sinh vật lạ lẫm đang bị giam hãm, đang bị cắt vụn
ra sau ô cửa sổ đó. Khi cháu nghe thấy ai khen cô sống một cuộc sống
tốt lành, mẫu mực thì cháu lại cảm thương cho cô, vì cháu biết thật sự
con người của cô, cô muốn đạp đổ cái đời sống đóng khung, cô thèm được
sống như cháu, như mặt trăng ở bên ngoài cửa sổ, ở trên bầu trời bát
ngát đó mà cô không dám."
Năm đang nói
miên man, anh chợt khựng lại, anh nghe tiếng chuông reng báo hiệu hết
giờ thăm, anh nhìn thấy hai dòng lệ nhỏ ứa ra từ khóe mắt Rơm, anh hạ
giọng:
"Cháu xin lỗi cô, cháu nói lung tung quá, cô đem trăng rằm tháng Tám vào cho cháu, cháu lại dùng ánh trăng đó làm cô buồn."
Rơm
vẫn đứng lặng yên, cô không giơ tay lau lệ, cũng không phủ nhận những
lời Năm nói, cô đang lắng nghe tiếng chuông reng từ cái chòi canh đặt
giữa nhà tù, cô ngước nhìn những chấn song sắt ở những ô cửa sổ trên
cao. Cô nghĩ đến một nhà tù ở bên ngoài những chấn song đó.
(Trần Mộng Tú)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét